Nhìn những dàn đèn giăng mắc hai bên đường, nhìn thấy nhịp sống sinh động và sung túc của phố xá, của người và xe như mắc cửi, nhìn những gương mặt rạng rỡ hân hoan cho những ngày chuẩn bị đón một năm mới sang...bất giác trong con cũng trào dâng niềm hạnh phúc an vui.

Mỗi khi một năm trôi qua, con đều dành một khoảng thời gian và không gian tĩnh lặng để nhìn lại mình.

 Thưa Thầy,

Mỗi khi nhìn lại chính mình như vậy là con luôn nghĩ đến Thầy và tri ân Thầy nhiều lắm. Thật sự là vậy. Thầy đã trở nên như một tấm gương để con soi mình trong ấy và chỉnh đốn lại mình. Vì vậy, những gì con có được hôm nay là nhờ ở Thầy cả thảy. Từ sự dạy bảo của Thầy, từ một bài Pháp hay đôi khi chỉ là một lời nói...

Tất cả chúng ta sống trên đời đều theo quy luật sinh t. Nhưng trong thời buổi ngày nay, để có được một cuộc sống tinh thần thoải mái có ý nghĩa, một cuộc sống không giàu của cải vật chất nhưng lại an lạc tràn đầy không phải tranh giành, bon chen,..thì đó phải là cả một nghệ thuật sống. Ai cũng sẽ nói rằng, điều này chỉ có thể đúng trong “môi trường” Chùa chiền. Nhưng con nghĩ đôi khi trong Chùa cũng có những “cuộc chiến” căng thẳng chẳng kém ngoài đời thường. Vậy nên, nếu mỗi một cá thể nếu biết cách để sống an vui thì tựu trung chỉ cần giữ tâm bình thản. Bình thản với mọi diễn biến xảy đến với mình để luôn có những hành xử đúng đắn, chính xác và nhân văn... Xã hội như thế sẽ đẹp biết bao! Con có lý tưởng và mơ mộng lắm chăng?

Hôm rồi trên mạng Paltalk, con tình cờ nghe được một vị giảng về đề tài có 4 từ đi chung với nhau, đó là sự “bình thản chịu đựng”! Con không nghe được hết những lời vị ấy giảng nhưng trong con đã khởi lên sự “nghi ngờ” : làm sao có thể được an vui, bình thản nếu mình phải “chịu đựng” một điều gì đấy? Với con cụm từ này sao như còn sự vướng mắc, không hoàn toàn dứt bỏ!

Có lẽ con bị "dị ứng" với từ "chịu đựng" chăng khi con chỉ nghĩ đến khía cạnh "cảm thọ" tiêu cực của khái niệm ấy trên chính bản thân mình?

Hành trang con mang theo suốt trong cuộc đời mình kể từ khi con 18 tuổi biết đến Chùa nghe Thầy giảng đạo là “bửu bối” của Tâm bình thản & Lòng kham nhẫn mà Thầy đã truyền dạy để sống an lành trong suốt 20 năm nay.

Cuộc sống ngoài đời đầy sự bon chen, tranh giành, đố kỵ, tỵ hiềm...không nơi nào là không có. Con đã bao phen đứng trước sóng gió, từ thời sinh viên lam lũ vật lộn với việc học và làm, đến khi đi làm với trước sau là những sự đố kỵ, ganh đua và  căng thẳng …. Nhưng rồi con đã... vượt qua tất cả dù có khi mất cả một thời gian dài. Con nghĩ nếu con không được gặp Thầy sớm con sẽ không được như ngày hôm nay. Con sẽ như bao người khác hòa chung dòng người tranh giành, đố kỵ, ăn miếng trả miếng, chà đạp lên nhau để được sự tốt đẹp cho mình và hưởng thụ... Con đã lặng lẽ như một người đi trên lề theo lối đi của riêng mình...và con thoát được khỏi đám đông ồn ào, náo nhiệt và bon chen ấy...để đi trên đạo lộ thông thoáng hơn, an nhiên tự tại hơn dù với hai bàn tay không nhưng Tâm con thật thư thái nhẹ nhàng. Dường như với chính sự ung dung tự tại ấy nên con đón nhận mọi việc đến với mình một cách bình thản an nhiên mà thật kỳ lạ là khi con không chủ đích tác ý nhưng mọi việc hanh thông tốt lành vẫn đến với con như một phép mầu. S được, mất – thành bại dường như đã được hình thành từ trước do duyên nghiệp và đến đúng một thời điểm nào đó thuận lợi để “nhân quả” ấy hiển hiện. Nhiều người đã cố gắng sức nhưng chỉ là sự hoài công nhưng họ không nghĩ thấu đáu được vấn đề và chỉ biết thốt lên trong đau khổ 2 chữ “bất công”!

Nếu như trước kia bị quở mắng hoặc phê phán oan uổng, con sẽ thanh minh, sẽ giải thích nhưng nếu không được con sẽ cố gắng “chịu đựng” nhưng hy vọng và mong rằng mình sẽ chứng minh được sự oan trái của mình sau đó và những khi ấy con như một người “rình chờ cơ hội để lo chứng minh! Nghĩ lại những lúc ấy tâm trạng con đã phải căng thẳng một thời gian và thật sự không thoải mái chút nào!

Sau này con đã tự rút ra cho mình bài học về sự im lặng bình thản thật sự. Nếu bị đặt trong tình huống tương tự hoặc bị chỉ trích, khi cần thiết, con chỉ phát biểu phủ nhận 1 lần nếu không được sự cảm thông, đồng tình con chấp nhận thực tại ấy với suy nghĩ đơn giản..."có lẽ mình đang trả nghiệp từ kiếp nào rồi, đã gieo ắt có gặt, hoan hỷ gặt thì...nhanh chóng hết!" hoặc con tự “ru” chính mình theo kiểu " tự mình thấy mình không sai thì không sai", thậm chí đến mức tảng lơ theo kiểu " Họ đang nhìn và chê trách cái ngũ uẩn này, cái ngũ uẩn này trước sau gì cũng ko toàn vẹn, có giữ gìn đến mấy cũng...rã tan vậy chẳng việc gì phải khổ vì nó!"....Khi chấp nhận thực tại như vậy, con cho qua hết, không lưu giữ, không chôn giấu, không che đậy "cảm thọ khổ" này và con được nhẹ nhàng thân tâm. Chính sung dung tự tại "mặc kệ" của con vậy mà...có hiệu qủa hơn! Sau này trắng, đen, phải trái thế nào tự nó sẽ hiển thị và minh chứng với mọi người.

Con tìm thấy sự an lạc trong chính tâm bình thản của mình với thực tại diễn biến chung quanh con hàng ngày và con nghĩ rằng sự bình thản tiếp nhận cuộc sốngtự mình tìm cho mình sự an lạc trong từng phút giây sống trong hiện tại. Điều ấy mới đúng là điều Thầy đã dạy cho tụi con về lợi ích của Thiền trong Tùy thời định vậy. Con cũng biết nói ra thì dễ nhưng làm được thật là khó có vẻ lý tưởng nhưng..."nếu đi ắt sẽ đến" phải không Thầy?

Đó là những gì con đã nghĩ và đang “vận dụng” trong cuộc sống của mình.

Con biết mình sẽ có những điểm cần chỉnh sửa nhiều thiếu sót. Con kính mong Thầy hãy tiếp tục cho con những lời dạy bảo Thầy nhé!

 Con kính chúc Thầy luôn khỏe và an vui.

Con,

TN