Tôi và G là hai đứa bạn thân học từ lớp mười, G là con gái út trong gia đình có mười anh chị em. Tuy nghèo, nhưng gia đình sống G sống ấm êm hạnh phúc và có sự giáo dục nền nã gia phong, bản thân G là cô gái dù không xinh đẹp trắng trẻo về ngoại hình - G có nước da ngăm đen, nhưng câu nói của ông bà từ xa xưa đã nói “cái nết đánh chết cái đẹp” muôn thuở vẫn đúng. Trời phú cho G một giọng nói ngọt ngào như mía lùi, giọng nói đó không bao giờ làm cho ai buồn lòng cho dù có đôi lúc G cũng bực mình giận hờn, những ái ngữ chân thật đó thì làm sao ai có thể giận hờn được phải không?

Mười hai năm trước, chúng tôi đi học hay vui chơi luôn có nhau, tôi thì nhỏ con lại hay ốm yếu, cho nên nhiều khi đi học thì G chở đi và chở về. Ban đầu,tôi ngại lắm vì để G chở hoài trong khi hai đứa thì ai cũng có xe đạp, nhưng G nói không sao vì hai đứa đi chung nói chuyện sẽ vui hơn. Tôi và G cười vui tươi như trẻ con, rồi cái gì tới thì cũng tới – gia đình tôi có chiến tranh lạnh và hạnh phúc tan vỡ nhanh chóng do Bố không giữ vững lập trường của một người đàn ông đã có gia đình… Còn Mẹ thì đau khổ tột cùng và cố níu kéo để con không mất Cha và vợ không mất chồng khi phải sống nơi đất khách quê người. Hai chị em tôi chán nản rồi bỏ học dở lớp mười. Một thời gian sau, tôi tình cờ gặp G khi thấy bạn mình mặc áo xanh công nhân – tôi khá bất ngờ và G kể cho tôi nghe là gia đình G nghèo nên không có tiền đóng học và phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình… Anh chị G thì ai cũng có gia đình riêng nhưng chỉ đủ sống… Nghe bạn nói mà tôi lặng người đi!

Rồi thời gian trôi qua nhanh… khiến con người ta vội vã cuốn theo quy luật của dòng đời theo bốn chữ cơm - áo - gạo - tiền. Lâu lâu hai đứa tôi mới gặp nhau nói chuyện thoáng qua ít phút, rồi đường ai người đó vẫn tiếp tục hành trình của dòng đời. Tôi nhận được tin G lấy chồng. Chồng G làm nghề sửa xe máy. Anh đẹp trai, hiền lành, trắng trẻo có hiếu với Cha Mẹ. Tôi mừng cho G khi cưới được người chồng nhiều bạn gái ước ao mà không được. Nhiều người nói là G có phước khi lấy được người chồng như vậy! Ngày đám cưới G, tôi đi công tác đột xuất nên quên đi dự - tối về nhà mới giật mình, vội vàng chuẩn bị tiền mừng. Rồi đi xe thật nhanh tới nhà G, mừng hạnh phúc cho đôi bạn. Ngày hôm đó, tôi là vị khách cuối cùng khi nghe G nói chờ tôi cả ngày mà không thấy tới. Gia đình nhà chồng G thì khá giả, chỉ có Mẹ chồng G là khó tính. Nhưng G vẫn rất có phước, khi được Mẹ chồng thương yêu. Nói chuyện với Mẹ chồng G - Bác tâm sự: “ Cuộc đời từ khi lấy chồng rồi sinh bốn người con ( ba trai - một gái ) thì chồng không lo bổn phận, suốt ngày chỉ lo đàn ca, hát xướng, vui đùa, ăn nhậu thâu đêm suốt sáng. Thậm chí, có cả các cô gái và nhiều phụ nữ tới tận nhà tìm chồng mình… ”.

 Đúng là:

Sinh ra thân phận thơ đào

Mười hai bến nước… bến nào bến trong?

 ( Hiền Huy Hòa Hiệp ) .

Thời gian sau, G có bầu và sinh con gái đầu lòng - gặp G mà đôi mắt hiện rõ những nỗi buồn, khi những quan điểm phong kiến trong vấn đề sinh con trai hữu ích hơn con gái chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo… khiến nhiều cảnh mẫu tử phân ly. Ai cũng đã từng nghe qua câu nói:

Con trai con gái làm chi

Đứa nào có nghĩa có nghì vẫn hơn.

Họ không biết hay là vô tình quên đi nỗi nhọc nhằn của người vợ, người Mẹ khi có thai mang nặng chín tháng mười ngày? Họ cũng là con người chứ đâu phải là cái máy cài đặt sẵn chương trình rồi muốn sao là được? Đôi lúc tôi nghĩ theo cách vẹn toàn, nếu như con đầu là con trai về sau là con gái đủ nếp tẻ thì sẽ chẳng còn gì để nói… Nhưng giờ đây khoa học tiến bộ phát triển mạnh, đã chứng minh sinh con trai hay gái là do người chồng. Ngay cả những vùng nông thôn, họ cũng đã nhận thức rõ ràng về vấn đề sinh sản giới tính. Còn những đứa bé ngoan hay quậy phá, thì trước tiên về mặt xã hội nhận xét, đó là do giáo dục của nhà trường và gia đình, sau đó là chịu ảnh hưởng môi trường chúng đang tiếp xúc. Riêng về mặt tâm linh, thì ai có sự hiểu biết về Phật pháp cũng biết rõ là: “ Con cái nợ Cha Mẹ thì đầu thai báo hiếu, còn Cha Mẹ nợ con cái thì đầu thai phá gia chi tử. Giữa Cha Mẹ và con cái như nước với lửa, thì nghĩa là kiếp trước có thù oán với nhau!”

Đứa con gái đầu lòng của G cũng như vậy, bé T giống Ba có nước da trắng hồng, tóc thì xoăn. Nhưng mới hơn hai tuổi thì bé rất quậy, khiến ở trường hay ở nhà ai cũng mệt mỏi. Dẫu biết rằng lứa tuổi này đang hình thành nhân cách khó dạy bảo, nên G có nhã ý gởi bé T để tôi dạy bảo bé. Tôi thì thích trẻ con và đặc biệt thích các bé gái nhiều hơn, vì cả cuộc đời tôi không có tình thương trọn vẹn của Mẹ… ( Bố tôi thương con gái, Mẹ thương con trai…??? ) Thích con nít là một chuyện - nhưng khi dạy bảo chăm sóc trẻ con thì tôi quá nghiêm khắc. Tôi lo mình sẽ làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ, nên không nhận lời. Và tôi nghĩ, sự im lặng sẽ là câu trả lời để G hiểu. Vì G đã biết tính cách tôi rất thẳng thắn khi nói, nhưng khi im lặng chính là sự chịu đựng và suy nghĩ sâu xa. Mới đây, G sinh đôi bé gái và tôi tới thăm - hai thiên thần nhỏ bé đang ngủ say trên chiếc giường dành riêng cho ba Mẹ con. G kể với tôi, một giọng nói tràn ngập đau thương… Hình như, G đã cố nén trong suốt mấy năm qua khi về đây làm dâu - làm vợ - làm mẹ:

“ Khi G đi siêu âm thì có hai túi thai, Mẹ chồng kêu bỏ ( câu nói này nghe nhẫn tâm thật ). Nếu để lại sinh thì tự lo, vì Mẹ chồng G muốn có cháu đích tôn khi chồng G là con trai trưởng. G đâu có nỡ bỏ khi trong cơ thể G đang từng ngày hình thành sự sống của hai nhân mạng, là kết qủa tình yêu của hai vợ chồng. G quyết định sinh, được tám tháng thì đau bụng bất chợt nên phải sinh sớm một tháng so với dự kiến của bác sĩ. Khi sinh thì bị sản giật suýt mất mạng, cho nên bé nào cũng hơn hai ký - cũng may nhờ ông bà độ nên ba mẹ con thoát nạn. Ba mẹ G thương G, nên dành một chỗ ở nhỏ trong nhà cho ba Mẹ con - nhiều khi Ba G bực mình, nóng nẩy, cộc cằn… vì hai bé khóc. Mẹ G thì thức đêm khuya phụ G trông bé, nên giờ bệnh luôn rồi! Bạn làm ơn khuyên giúp Ba G, đừng nóng nảy nữa… Bạn nói là Ba G nghe liền hà, vì Ba G thương bạn nhiều nhất trong các bạn của G mà!”

Tôi lặng người như chết không nói được câu gì, thương bạn - thương và xót xa cho hai thiên thần khi bị đối xử vô tâm từ bà nội. Nghe mà thấy giận và bực mình lắm! Nhưng vẫn tôn trọng Mẹ chồng G, vì dẫu sao Bác cũng là người lớn. Còn Ba G, tuy không biết chữ, nhưng là người sống có tâm rất tốt. Ông biết chu toàn trong việc thờ cúng Phật và gia tiên. G bế con trên tay và nói:

 “ Giá như G biết Phật Pháp thì sẽ không bị khổ như vậy…??? ”.

Tôi nhìn thẳng vào khuôn mặt G. Thấy G già đi nhiều và có những vết quầng thâm trên mắt, do những đêm mất ngủ vì hai bé khóc. Tôi biết, G đang cố nén những giọt lệ sắp tràn ra - không hiểu sao lúc đó tôi đau đớn thay cho bạn. Tôi quay mặt đi. Và khi viết câu chuyện này, tôi đã khóc. Một thoáng im lặng giữa khoảng không, tôi hỏi G đặt tên con là gì? G nói nhờ tôi đặt tên cho hai bé… Vì G muốn, làm sao để các con không khổ như Mẹ nó! G hy vọng hai bé sau này sẽ biết Phật Pháp.

Ngồi ngắm nhìn hai bé, tôi suy nghĩ thật kĩ về vấn đề cái tên đi liền số phận. Bé chị thì giống cha, nên tôi đặt tên là Hoa Chân ( Chân - Thiện - Mỹ ). Còn bé út thì giống Mẹ, lại có cái đầu sọ khỉ, nên tôi đặt tên là Hiền Huệ ( Từ Bi - Trí Tuệ ). Vì sự trùng lập nên đổi Hiền Huệ là Huệ Minh ( Trí Tuệ - Ánh Sáng ). Tôi nói với G là, nếu như sau này một trong hai bé đi tu thì cho đi và đừng cản trở. Có thời gian hay điều kiện thì cho hai con đi chùa để bé biết Phật Pháp. G cười vui, tôi nhận thấy nụ cười ấy vẫn còn ẩn chứa những nỗi khổ niềm đau cho một kiếp người, khi hữu hình hữu hoại trong đời sống vô thường… Ngày hôm sau tôi tới sớm, tôi bế em bé ra phơi nắng – những tia nắng soi rọi rõ làn da mỏng manh – bế hình hài nhỏ bé trên tay mà thấy thương cho thân phận nữ nhi… G luôn ao ước có gia đình giàu có như gia đình tôi – còn tôi ao ước có gia đình hạnh phúc như gia đình G. Ước hoài mà chẳng thành sự thật! G vẫn chưa hiểu rõ một điều là gia đình G nghèo nhưng lại an, còn gia đình tôi giàu nhưng bất an…

Hai đứa chỉ hơn kém nháu một tháng tuổi… nhưng tôi và G giá như đổi được số phận định mệnh thì sẽ có vĩnh hằng mãi không…??? Những người bạn của tôi, giờ đây đều đã yên bề gia thất. Lâu lâu chúng tôi gọi điện thoại hay nhắn tin cho nhau, hoặc hẹn gặp gỡ nói chuyện, là tôi luôn nghe câu KHỔ - SƯỚNG. Khổ là do chuyện cơm áo - gạo tiền - chồng con của họ. Còn sướng là do tôi không lập gia đình, có chí hướng sau này sẽ đi xuất gia. Nói đến khổ và sướng là chuyện đương nhiên, vì vật chất hoặc tinh thần đều do chính con người tự tạo ra. Chúng ta lo bon chen - tranh đua với đời, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt… Mà quên rằng, đằng sau đó, sẽ là những hậu quả mà chúng ta chưa lường tới được. Nếu như ai cũng tự thắng được chính mình, nếu như ai cũng nghĩ tới nhân quả… thì cuộc đời này sẽ đẹp biết bao… xã hội này sẽ yên bình biết bao…

Ừ! Đúng rồi, đời là bể khổ… Đâu có ai nghĩ mình sẽ học thêm chữ “ngờ ”. Và câu nói “Giá Như…” của G đã than vãn cho số phận mình, cũng chính là sự hồi tâm chưa hẳn là trễ để tìm tới con đường Phật Pháp cho G và cho tất cả chúng sinh.

Thân ta hữu hoại hữu hình

Trong khi ta sống vô thường vô minh.

Giá như… ta thắng chính mình

Tìm về Phật Pháp… chân tình là đây!

Hiền Huy Hòa Hiệp