Buổi sáng ở New Delhi

Khách sạn ở New Delhi nằm trong một con ngõ cụt. Không biết những khu khác của New Delhi ra sao nhưng khu khách sạn này thì nghèo nàn, hôi hám. Ba chiếc xe buýt đưa đoàn khoảng chín mươi người đến đây vào lúc giữa khuya. Chúng tôi đến từ nhiều nơi khác nhau. Việt Nam, Úc, Canada và nhiều tiểu bang của Mỹ.

Hai chị em tôi cùng với một số bạn đồng hành ở một khách sạn, còn quý thầy và một số Phật tử khác thì ở khách sạn Pablas International gần đó. Ông trưởng đoàn cho biết khách sạn ở New Delhi rất mắc, không dưới một trăm đô la Mỹ mỗi đêm. Tôi với bà chị được xếp ở chung một phòng. Từ lúc xuống phi trường, chị tôi đã bắt đầu húng hắng ho.

Tôi rất sợ ốm đau trong lúc này. Nhìn giường ngủ, drap, mền mốc thếch, phòng tắm thum thủm mùi ống cống là thấy ớn lạnh, nơm nớp lo sợ mấy con vi trùng sẽ đánh mình ngã gục trước khi tới được tứ động tâm. Ấn Độ vẫn còn là một nước phân biệt đẳng cấp từ xưa đến nay. Giàu nghèo phân biệt rõ ràng. Người Ấn có thể biết gia cảnh giàu nghèo của nhau qua cái tên họ, quê miền. Hầu hết những người Ấn không biết tiếng Anh đều thuộc vào thành phần nghèo khổ. Thỉnh thoảng trên đường đi, có những tấm bảng được dựng lên bên đường của một vài hội thiện nguyện quốc tế nào đó, khuyến khích người dân hãy ghi tên học tiếng Anh miễn phí để được đổi đời là vì vậy.

Dúi mấy đồng đô lẻ vào tay chú bé bồi phòng, nhờ rửa dùm bình đun nước của khách sạn. Xong, hai chị em lấy hai khăn quàng to như cái mền ra trải giường rồi nhắm mắt nằm đại xuống giường, nghỉ lưng. Lạy trời đừng có rệp!

Không sắc - Không tướng - Không đúng - Không sai

Rời phòng ăn, hai chị em quyết định về phòng, ăn đại mấy cái bánh cracker đem theo cho đỡ đói. Khỏi trà, cà phê gì hết. Mỗi người thủ một chai nước rồi rảo bước lên phòng tiếp tân… Cảnh tượng ồn ào, nhộn nhịp hiện ra trước mắt. Mấy chục người trong đoàn đang ngồi bu quanh một ni cô trẻ. Cô mặc bộ áo tràng xám, đầu đội mũ len. Trước mặt cô là một đống tiền. Tay cô đếm tiền liên tục. Thỉnh thoảng cô quăng ra một cọc tiền cho mấy người ngồi bên cạnh, giọng sang sảng: “Đếm phụ cô! Đếm phụ cô!”. Cô vừa đếm vừa trả lời những người chung quanh: “Đổi ba trăm à? Một trăm đô la 4,450 rupee. Dạ, tiền Úc thì cao hơn một chút, cô quên con số chính xác rồi. Chờ cô coi lại đã”. “Ồ, sim phone hả? Ai mua sim? Lát nữa cô có, chờ chút đi!”.

Khung cảnh trong căn phòng lobby nhộn nhịp như cái chợ trời nhỏ. Mấy người làm trong khách sạn đứng sau quầy, trố mắt nhìn không chớp. Chắc chưa bao giờ họ thấy nhiều tiền như vậy. Bà chị tôi cũng đón một xấp, chăm chỉ đếm còn hối tôi đếm phụ. Thấy đủ người giúp rồi, tôi ngồi xuống một góc, lặng lẽ ngắm ni cô thoăn thoắt đếm từng đống tiền, miệng không ngừng nói. Ni cô gì mà ghê! Đếm tiền không biết gớm tay!

Đống tiền rupee hết sạch mà nhiều người còn chưa đổi được. Ni cô thở hắt, mệt mỏi, nói một hơi: “Đưa đây, cô đi đổi cho. Ghi tên xuống! Đổi bao nhiêu cũng ghi xuống luôn”. “Rồi, hơn hai ngàn đô nữa. Để cô đi!”. Quay sang mấy người ngồi quanh, cô đứng dậy, nói như quát: “Đi theo cô! Ba, bốn người theo cô đếm tiền, mau đi!”.

Bà chị níu tay tôi: “T., theo cô kìa!”. Nỗi tò mò cuốn tôi theo bàn tay kéo của chị. Hai chị em tôi và hai người nữa chạy lúp xúp theo vị ni cô trẻ đang bước thoăn thoắt phía trước.

Tiệm nào tiệm nấy dơ dáy và nhỏ như cái chòi. Cô vào tiệm đổi tiền này, hỏi giá cả, bỏ đi. Sang tiệm khác. Bỏ đi. Cuối cùng, hình như cô gạ được giá gần 4,400 rupee cho một trăm đô gì đó. Chờ cô gật đầu, bốn người tụi tôi nhào vô đếm tiền. Ni cô cũng đếm. 

Càng về trưa, người càng đông. Nắng lên cao. Tôi bước nhanh bên cô, hỏi: “Tiền nhiều như vậy, không sợ cướp sao cô?”. Cô nhẹ nhàng trả lời: “Cô quen rồi! Mấy chị em thấy không, nếu cô không đi thì Phật tử biết đường nào mà đi? Lỡ gặp mấy ông ma mãnh khi nãy thì chết!”. “Hai chục rupee  mua được cái gì hả cô?”. “Úi chào! Mua nhiều lắm chứ. Được nửa ký gạo chớ đâu có ít”.

Khách sạn nằm trong con hẻm này.	Ảnh: H.T.Bích Ti
Khách sạn nằm trong con hẻm này. Ảnh: H.T.Bích Ti

Không dơ - Không sạch

Sau khi đổi tiền xong, cả đoàn lên xe buýt đi ăn trưa tại một nhà hàng đã đặt sẵn và sau đó sẽ lên xe lửa đi Varanasi, thành phố cổ có 3.000 năm tuổi, nơi đức Phật chuyển pháp luân với bài kinh Tứ Diệu Đế cho năm anh em Trần Kiều Như.

Thấy phố xá, chị em tôi chum đầu qua cửa sổ háo hức nhìn người qua lại. Đường sá không sạch. Chị tôi ngồi bên cửa xe buýt nhìn xuống mà cứ lấy khăn trùm mũi, vì cứ tưởng như bụi đang trùm phủ lên mình. Bụi mù mịt.

Hầu như nhà nào, tiệm nào cũng có một đống rác trước cửa. Rác quét xong, dồn qua một bên để đó ngày này sang ngày khác. Rất hiếm khi thấy cây xanh tốt. Trong thành phố cũng như ở ngoại ô, bụi phủ từng lớp dầy trên những hàng cây xơ xác.

Xe dừng lại. Mọi người trên xe ngơ ngác. Ngay trong bãi đậu xe, cả chục người đàn ông đang ngồi bệt dưới đất bên muỗng, nĩa và mấy chồng dĩa trắng phau, cắm cúi lau bằng một đống nùi giẻ. Họ vừa lau vừa chuyện trò, hút thuốc. Có người còn dùng cả chân để kẹp dĩa lại mà lau. Mồ hôi họ nhễ nhại dưới cái nắng gay gắt.

Chúng tôi chưa hết bàng hoàng vì đống giẻ lau dĩa thì tiếng anh chàng lơ xe kêu lên như sét đánh ngang tai: “Xuống ăn!”.

Phòng ăn rộng lớn, diêm dúa với những tấm khăn trải bàn đỏ lòm. Toilet nằm ngay trước lối đi. Một tốp người đang đứng xếp hàng chờ đến phiên mình. Nhìn gương mặt còn… phảng phất nét hãi hùng của vài người trong toilet bước ra là tôi thấy tan nát cả cõi lòng. Tôi xáp đại vô một bàn gần lối đi. Vài vị trong bàn mỉm cười chào. Một chị lắc nhẹ mặt bàn chỏng chơ, bảo: “Nè, coi chừng nha. Bàn xiêu vẹo hết cả rồi”.

Mọi người đang ra sắp hàng lấy cơm. Lành thay! Lành thay! Ai cũng đã quên, đã buông hết cảnh lau dĩa khi nãy rồi ư? Một người nào đó nói: “Thôi! Người ta sao, mình vậy!”.

Trời ơi! Ai sao tui dzậy sao được? Trong “Tây Du Ký”, khi thánh tăng Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, lọt vào động quỷ, không biết thầy trò giải quyết chuyện ăn uống ra sao vậy kìa? Từ sáng giờ chỉ có hai cái bánh lạt trong bụng. Đã vậy, đường đến… Tây trúc còn xa. Lát nữa phải đi xe lửa suốt đêm. Lại hình dung ra cảnh các nhà sư tay ôm bình bát đi khất thực. Tôi bấm bụng, quả quyết bảo lòng: “Thôi, đi!”, rồi đẩy ghế đứng lên theo dòng người trước mặt.

Với lòng thành như vậy, sự cố gắng như vậy, mà khi cầm dĩa, chén trắng phau trên tay đứng xếp hàng, tôi vẫn e ngại. Chọn thức ăn kỹ càng. Một chén soup nóng và một ít cơm càri chay thật cay. Tuy thế, không dễ gì nuốt xuống. Đã vậy, mấy vị ngồi chung bàn đang nói xôn xao nói về giới “Thọ bát quan trai” và nghi thức “Quá Đường” cúng dường cơm, khi ăn phải quán. Quán thức ăn từ đâu tới. Quán thức ăn này để nuôi thân ta chứ không phải… thoả mãn cái miệng tham ăn của ta. Quán công khó nhọc của biết bao người đã làm nên thức ăn này. Quán thân mình có xứng đáng để thọ dụng những thực phẩm này không. Và cuối cùng... phải ăn cho hết sạch phần của mình, không bỏ sót một hạt cơm nhỏ để quán công người… lau dĩa.

Sân ga

Sau cơm trưa, cả đoàn trực chỉ ra sân ga. Lòng nao nức. Cuộc hành trình thật sự bắt đầu từ đây. Xe quẹo vào sân ga. Người người tấp nập. Tôi sửng sốt nhìn những người phu khuân vác mặc áo đỏ đang khiêng, gỡ những kiện hành lý. Họ đội những vali nặng trĩu lên đầu, lên xuống cầu thang, len lỏi trong dòng người. Lối sinh hoạt y như những thập niên 40-50 trong phim ảnh ngày xưa.

Ban tổ chức cho xuống tất cả vali và những thùng đồ từ thiện. Ngoài ra, theo như sự chỉ dẫn của ban tổ chức, mỗi người trong đoàn đều mang theo ít nhất là một bộ quần áo trẻ em để góp phần vào việc từ thiện. Dĩ nhiên, nhiều người cũng đóng góp thêm tiền bạc phụ giúp vào việc tài thí. Trong toa hạng ba của chuyến đi từ New Delhi tới Varanasi, những kiện hàng và hành lý là cả một vấn đề cho ban tổ chức. Tuy nhiên, những người trong đoàn đã không quản ngại và chất thêm những hành lý này vào chỗ ngồi vốn đã rất chật hẹp của mình, miễn sao không một kiện hàng nào bị bỏ sót lại.

Ông trưởng đoàn nói, chuyến về, đoàn được đi toa hạng nhì. Mỗi toa hai giường. Qua kinh nghiệm của cả chuyến đi, chuyến về, tôi thấy hạng hai hay hạng ba gì thì cũng… không sạch giống nhau. Bít bùng. Ngộp thở. Còn chuyện ăn uống, vấn nạn lớn nhất của loài người thì… tự giác, tự túc.    
Tôi ngồi chung toa với đôi mắt đen láy, H và “tổ trưởng” T. , H. nói: “Em đi theo để làm Ôsin, xách vali cho má”. Chưa quen với giờ giấc, tụi tôi ngồi, trò chuyện rôm rả từ lúc mờ sáng. T, kể những sinh hoạt bên Úc và những chuyện sau 1975. H. thì kể chuyện ngày má đi tu, H. và mấy chị em kéo đến chùa, khóc như cha chết. Ngày nào cũng tới chùa… bấm chuông, đòi má. Nhưng rốt cuộc, má cũng… cắt đứt được… dây chuông.

H. là một người đàn bà khá trẻ, sung sướng đã quen. Nhưng với tôi, H. là một trong những bài học đáng nể trong chuyến hành hương 24 ngày này. Nhìn cách H. chăm sóc mẹ là hiểu . Với H., mẹ là Phật! Một cư sĩ nào đã nói: “Trước khi quỳ lạy phật ở Ấn Độ, hãy quỳ lạy phật cha mẹ ở nhà” là vậy.

Xe lửa chạy suốt đêm và tới Varasani vào khoảng trưa. Cả đoàn cùng tạm trú một đêm ở khách sạn Clark. Mọi người sau khi trút bỏ hành lý xong, cùng gặp nhau ở phòng ăn. Từ ngày đặt chân tới New Delhi, đây là một phòng ăn tương đối đủ tiêu chuẩn, sạch sẽ nhất cho nên ai cũng thấy thoải mái.

Buổi sáng trên sông Hằng

Bốn giờ sáng, mọi người tụ tập ở lobby, chuẩn bị đi dự buổi lễ cầu nguyện trên sông Hằng khi mặt trời lên. Khi xe buýt ngừng lại, trời hãy còn tối. Hơi sương giăng mắc. Trời se lạnh. Người nào cũng chuẩn bị khăn áo tới mấy lớp. Chúng tôi cùng nhau bước đi trong lặng lẽ. Mỗi người cầm sẵn đèn pin, để soi bước chân.  Thành phố vẫn còn đang say ngủ. Sau một khoảng đường quanh co trong bóng đêm, chúng tôi đã thấy được bến sông dưới những ngọn đèn mờ tỏ.

Nhìn từ xa, khoảng sông phẳng lờ, ẩn mình trong làn sương mờ đục. Sát gần bờ, một tốp ba, bốn người đang cùng nhau tắm gội. Tội lỗi ngày hôm qua đã được rửa sạch hết rồi ư? Những tội lỗi không hình, không tướng; bỏ nguồn, bỏ cội theo dòng sông trôi ra biển.  Những chiếc thuyền chòng chành, mời gọi một chuyến đi. Người đạo sĩ với gương mặt khác thường, cổ đeo vòng hoa, xiêm áo diêm dúa, tay cầm chĩa ba bước lặng lờ trong khoảng không gian tranh tối, tranh sáng,

Sông Hằng đây rồi. Con sông đã từng soi bóng Đức Thế tôn. Nơi mà những con sóng và những hạt cát nhỏ nhoi đã từng nghe được lời giáo hoá. Lòng lặng đi. Mắt dõi theo cuối bờ bên kia, mà có cảm tưởng như ông lái đò đã một lần lỡ duyên với Đức Thế tôn vẫn còn luẩn quẩn quanh đây…

Biết bao bút mực đã nói về sông Hằng - (Ganga) - con sông dài hơn hai ngàn kilômét, nhập lại từ bảy con sông và bắt nguồn từ dãy Hy Mã Lạp Sơn, thuộc miền Trung Bắc Ấn Độ. Theo kinh Trường A Hàm, đỉnh núi tuyết  nơi đầu nguồn sông Hằng có hồ A Nậu Đạt, A Nậu Đạt có nghĩa là không nóng, vì mặt trời và mặt trăng không chiếu thẳng vào hồ. Cũng theo kinh, đáy hồ có trải cát vàng và chung quanh hồ có nhiều bảy báu. Người Hindu đem sông Hằng vào sinh hoạt tâm linh của mình mỗi ngày. Những nghi thức tắm gội để rửa sạch tội lỗi, thiêu xác và uống nước sông Hằng được coi là những đặc ân đối với họ.

Sông Hằng chiếm một vị trí khá quan trọng về địa lý, kinh tế vào thời đức Phật.  Theo trong bộ Tương Ưng, sông Yamuna, Aciravati, Sarabhu, Mahi và sông Hằng là năm con sông lớn nhất của Ấn Độ. Trong suốt thời gian hoằng pháp, đức Phật đã nhiều lần qua lại sông Hằng và đã hai lần thi triển thần thông trên sông này. Một lần trên đường về thành Ba La Nại để gặp anh em Trần Kiều Như. Và một lần khác vào khoảng cuối đời khi đi ngang qua thành Palatigrama, nằm bên bờ sông Hằng. 

Đức Phật hay dùng sông Hằng làm ẩn dụ khi giảng về nghiệp lực của chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng trên bờ sông Hằng có vô số ngạ quỷ loã lồ, đói khát, thân mang đầy lửa, lại có vô số chúng sinh khác như kên kên, dòi bọ. Vì khát, cháy nên những ngạ quỷ tìm đến sông Hằng để uống nước. Và vì nghiệp lực của chúng sinh khác nhau nên kẻ thì thấy nước sông là lửa và người thì uống nước sông như nước cam lồ.

Đoàn thuyền của chúng tôi ra đến giữa sông thì mặt trời cũng vừa lên. Bầu trời chưa tỏ rạng, vầng thái dương đỏ rực như vừa trồi lên từ mặt nước. Đẹp làm sao! Ánh mặt trời lung linh, rọi xuống mặt sông, tạo thành một làn ánh sáng linh động. Màn đêm vỡ tan trong phút chốc.  Bầy chim ríu rít bay quanh thuyền. Mặt trời lên cao hơn, treo lừng chừng trời. Những vạt áo cà sa nhuộm vàng ánh bình minh, chấp chới bay trên sóng nước. Lời kinh xướng lên. Mọi người cúi đầu. Lòng thành dâng những búp tay sen. Hoa thơm cúng dường mười phương chư Phật.

Thuyền trôi êm, bỏ lại bên kia bờ những người đạo sĩ quái dị, những lời cầu nguyện trong lúc tắm gội, những chiếc thuyền buôn, bắt cá bán phóng sanh và cái thây người chết bọc trong vải đỏ trên thềm nhà hỏa táng. Bỏ lại sau lưng tất cả những bào ảnh của bọt nước, những tội lỗi. Khoảnh khắc tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng. Và với khoảng thời gian vừa đọc hết một bài kệ ngắn, thuyền đã tới bờ bên kia….

Mọi người theo quý thầy đi kinh hành trên cồn cát.  Một điều lạ lùng, tôi cảm thấy cát sông Hằng mịn màng hơn cả cát ở những bãi biển của California, Hawaii, Miami, Mũi Né, Lăng Cô, Nha Trang… mà tôi đã đi qua. Những hạt cát nhỏ li ti nằm dưới đáy sông, chẳng biết kiếp nào được lên bờ. Những hạt cát ẩn mình trên cồn, chờ duyên lành chín muồi để được vướng gót chân ai. Những hạt cát thật tội nghiệp…

Sau khi đoàn đi kinh hành xong, mọi người chuẩn bị lên thuyền để quay về bờ bên kia. Sư cô Tâm Thảo dịu dàng bảo tôi: “Chỗ này nước sạch nè T., em hãy rửa tay đi”. Nhìn quanh, một ni cô khác cũng đang quỳ xuống, vục nước lên rửa mặt.  Tôi vâng lời, nghiêng mình xuống rửa tay.  Nước êm mát. Lòng nhẹ hẫng. Bay bổng…

Mặt trời trên đầu. Tôi thấy bóng tôi lồng trong bóng nước lung linh,  trong rong rêu, trong những hạt cát của sông Hằng.  Và, tôi nghe lời kinh Thủy Tịnh vang vọng bên tai: “Này các con, “chánh pháp là ao hồ, giới là  bến nước không nhớp nhúa được thiện nhân ca ngợi. Ấy là nơi bậc minh trí tắm thân thể sạch sẽ, chứng qua bờ bên kia”.    

Hoàng Thị Bích Ti

(Lao Động)