Thời gian thấm thoắt rồi cũng qua mau, mới hôm nào thôi mà giờ đây cũng đã 20 năm. Một khoảng thời gian mà tôi và các bạn không thể nào quên được. Một buổi chiều mưa, mây đen phủ kín… Phải chăng lòng ta đang buồn hay cảnh cũng buồn cùng ta? Cô giáo chủ nhiệm lớp 9A đã ra đi mãi mãi…

Khi tôi ngồi kể chuyện cho bạn nghe về người, dòng lệ cũng bỗng trực trào. Người “mẹ hiền” Nguyễn Thị Thùy Dương. Chúng tôi vẫn thường gọi cô với tên gọi thân thương như thế. Người từ tốn, hiền hòa với những lời dạy ân cần, thân thiết, ánh mắt và nụ cười đầy khoan dung và độ lượng. Cô như người mẹ hiền với đàn con thơ. Sức khỏe cô không được tốt, nhưng cô vẫn chưa từng nghỉ một buổi dạy nào. Với cô, từng ngày đến trường để có thể truyền trao kiến thức cho học sinh là một việc rất hạnh phúc của người cầm phấn. Dẫu cho cơn nóng bức của mùa hè hay lúc lạnh lẽo của trời đông, bước chân cô vẫn ngày ngày đến giảng đường. Vậy đó, bạn ạ! Niềm vui của người mẹ với hơn 40 đứa con ấm áp trong tình yêu thương của người.

Những chồng bài cao ngất trong mấy mùa thi như thử sức cô trong những ngày đau bệnh, không một giờ bỏ lớp, suốt đêm với giáo án và bài thi của học sinh. Tình thương và trách nhiệm, lũ học trò nơi miền quê nghèo làm sao có thể quên được người. “Làng chúng ta nghèo, suốt đời chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ miếng ăn thì lấy đâu ra cái mặc. Nhưng cũng không vì thế mà đánh mất đi giá trị của đạo đức con người. Các em phải cố gắng học để sau này có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”. Hai mươi năm mà lời dạy của người vẫn còn vang mãi đến bây giờ, để rồi lũ học trò nơi vùng quê ấy không thể nào quên được. Từng nét chữ cô viết, từng lời giảng chứa nặng tình yêu thương, bài học về tri thức, bài học về cách làm người. Tình thương cho hơn 40 đứa con lớp 9A, thương cô nhiều lắm, dòng chữ ngày hôm nay dù viết cho cánh tay đã mỏi vẫn không chuyên chở hết những gì khi nói về tình thương của người.

30 tuổi, cô vẫn chưa có một mái ấm riêng của mình. Vẫn một mình trong căn nhà nhỏ với giáo án mỗi ngày đến lớp. Cô vẫn thường chia sẻ với chúng tôi rằng “Lập gia đình rồi thì còn đâu thời gian dạy dỗ các em?”. Cô là người mẹ thứ hai, người mẹ truyền cho hơn 40 đứa con này về tri thức, về đạo đức làm người. Trong cuộc đời, người thành công phải là người tài đức song toàn. “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Lời Bác Hồ, cô vẫn thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần để chúng tôi thấm từng ngày, từng giờ, thấm trên mỗi bước đường đời đi qua.

Ngày thứ hai đầu tuần vẫn luôn là tiết của cô. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa thấy cô đến lớp. Lũ học trò xôn xao trong cái suy nghĩ không hiểu vì sao. Nhưng rồi… Bạn biết không? Chúng tôi đâu biết rằng đó là ngày định mệnh để rồi từ đó lớp 9A đã không còn hình ảnh cô mỗi ngày đến lớp nữa. Thầy hiệu trưởng thông báo sẽ có thầy cô khác thay thế cô Thùy Dương. 40 đứa học trò ngơ ngác trong tờ giấy khám bệnh của bác sĩ khi đọc tới dòng chữ “ung thư tử cung”, căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đang bắt đầu di căn, chỉ có thể sống được 3-6 tháng mà thôi. Một ngày thứ hai rất buồn, buồn như chưa từng bao giờ lớp 9A nghĩ rằng sẽ có những khoảnh khắc như vầy.

Thăm cô vào một buổi chiều, cô đã gầy đi rất nhiều, vậy mà nụ cười vẫn hiền hòa nở trên môi. 40 đứa với đôi dòng lệ không sao cản ngăn được, trời chuyển mưa, mưa của đất trời hay mưa của lòng người, cô đã ra đi mãi mãi, ra đi trong tiếng nguyện cầu đức Phật A Di Đà tiếp dẫn. Cõi lòng như se thắt, mưa mỗi lúc một lớn, tiếng vỡ òa của đám học trò nghèo cũng hòa cùng mưa… Mưa vẫn rơi… Cô Thùy Dương đã đi xa và xa mãi…

Ngày đưa cô về lòng đất lạnh, lớp 9A vẫn không tin đó là một sự thật, một sự thật không thể thay đổi được. Năm tháng dần trôi, ngôi trường làng vẫn còn đấy, lớp 9A cửa vẫn mở nhưng bến đò đã thật sự thiếu vắng người. Khách sang sông 20 năm trở về tìm lại kỷ niệm của năm xưa. Dòng lệ tự khóe mắt cũng bỗng tuôn trào. Học trò của cô bây giờ đã lớn, đã thành đạt nhưng những thành quả này vẫn luôn có sự hiện diện của cô. Nếu không nhờ những bài học năm xưa, những bài học làm người thì giờ đây làm sao mỗi chúng tôi có thể bước chân vào cuộc đời bằng chính đôi chân của mình. Cảm ơn Người! Dẫu ngôn ngữ giờ đây không thể nói được nhiều nhưng xin khắc ghi lên đá niềm tri ân một người lái đò đưa khách sang sông trong tình yêu thương thầm lặng vô bờ.

Xin thắp nén tâm hương tưởng niệm người. Từ biệt cõi vô thường, chuyến đò cuối cùng của 20 năm trước, người đã đưa xong để an nhiên, tự tại về miền Cực Lạc. Thành kính dâng lên người những đóa hoa mừng ngày lễ thiêng liêng - Tri ân người lái đò tận tụy đưa khách sang sông, nguyện cầu hương linh người thượng phẩm, thượng sanh, cao đăng Phật quốc.

Thích Nữ Đức Dung