Đọc Võ Phiến thấy nhắc Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Trong Thương nhớ mười hai có chi tiết gặp ngày đẹp trời ở xứ bắc, mấy người bạn khoác vai nhau đi dạo. Loanh quanh bờ hồ, Nghi Tàm, và lên ngõ Quảng Lạc tìm người có pho tượng "Mạnh mẫu gánh sách cho con đi học".
Đọc tới đó sực nghĩ mình ngày xưa không có chuyện gánh sách đi học, nên đương nhiên không có ai gánh giùm. Gánh gạo đi học cũng không có. Mẹ mình không gánh gạo cho mình đi học trong trường hợp nào cả. Nhưng hồi nhỏ có một người chở gạo nuôi mình đi học.
Đó là thầy Truyền. Hồi lớp năm.
Hôm rồi về quê, nhân khi ngồi với Thanh Trung và Hoài Trinh, nhắc chuyện những người ở quê, mình có hỏi thăm thầy Truyền. Mới biết giờ thầy dạy ở Hải Ninh. Hải Ninh ngày trước tên Sông Mao, lại cũng chính là nơi ngày xưa thầy chở gạo cho mình đi học.
Lần đó lẽ ra không có câu chuyện chở gạo nhiêu khê kỳ cục này. Bởi cứ theo ý má của bản Um, thì kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm đó, mình nhất thiết không nên tham gia. Lý do chính là vì mình học dở, cuộc thi lại dành cho người giỏi. Còn lý do phụ là lần đó bố mình phải về quê nội một chuyến dài, nhà cửa đơn chiếc, má không muốn mình đi xa. Nhưng mình lại được chọn đi thi, tên mình nằm trong danh sách của trường tiểu học Phan Rí Thành gửi lên huyện. Mình về thuyết phục má ghê lắm. Thực ra mình chẳng thích thú gì chuyện thi thố ở huyện, nhưng trước đó chị mình từng đi thi, từng đoạt giải và được bố mình quánh giá cao lắm, mấy chú bạn của bố cũng quánh giá cao, chú Hồng còn mua những hai quyển sách cực đẹp và cực hay vào thời ấy là Thuyền trưởng đơn vị và Việt Nam đất nước anh hùng tặng chị nhân khi hay tin chị đoạt giải cấp quốc gia.
Còn đây chỉ là cuộc thi ở huyện, và má lại không muốn cho mình tham gia.
Thấy mình nằn nì thuyết phục mãi, má đưa điều kiện phải gánh nước đổ đầy các lu chứa ở nhà, và phải chuẩn bị củi cho nhiều mới được. Thế là mình gánh nước, chuyện nhỏ, các lu thạp nhanh chóng được đổ đầy. Và bắt tay vào đốn keo, chẻ ra phơi để má làm củi. Keo gai mọc đầy hàng rào, mình xách rựa đốn từng cây cỡ bắp tay người lớn, chặt khúc, rồi chẻ ra làm tư, phơi thành hàng trắng lóa khúc vườn sau nhà. Quả thực chưa bao giờ mình nhiệt tình với việc nhà như lần ấy. Bây giờ nghĩ lại, ở tuổi lớp năm mà gánh nước chẻ củi hăng hái lắm thì cần phải có động lực lớn mới được. Lần ấy động lực là niềm hy vọng được má cho đi thi ở huyện.
Nhưng đến buổi sáng tập trung tại trường để xe chở bọn trường mình lên huyện đi thi, thì má mình đổi ý, không cho mình đi.
Ái chà chà, nghĩ lại công tình gánh nước chẻ củi bao ngày qua, nay bỗng dưng má không giữ lời hứa, không cho mình đi thi, ức quá, bật khóc ầm ĩ. Mình khóc vì có cảm giác bị lừa, có cảm giác má chỉ hứa hão để mình chăm gánh nước chẻ củi mấy ngày qua, chứ tận thâm tâm má vẫn không ủng hộ việc mình đi thi. Mình khóc vì ý nghĩ ấy, uất ức quá, khóc to quá, thành ra má mình đành để mình đi. Lúc ấy cầm chắc muộn rồi, thời xưa đâu có điện thoại để giục nhau, mình ba chân bốn cẳng chạy lên trường, chạy cật lực thở ra tai mới thấy chiếc xe lam đang nổ máy, bạn bè và cô giáo đã ngồi trên đó đầy đủ hết, chỉ chờ có mình. Mặt mày tèm lem của mình chắc làm mọi người ngạc nhiên hỏi han ghê lắm. Nhưng kệ. Vậy là mình được đi thi.
Đến nay mình không nhớ lần đó đề ra thế nào, nhưng mình nhớ là trước đó mình đã đọc quyển Hồi nhỏ các nhà văn học văn mà chú Hồng tặng cho chị hai. Trong đó có 1 số "bí kíp" về làm văn, và mình nhớ là trong lúc ngồi làm bài thi tại ngôi trường lạ hoắc ở Chợ Lầu (thị trấn của huyện), mình nhìn ra bên ngoài, thấy nắng vàng rất đẹp, tự nhiên trong lòng phơi phới, sảng khoái lạ thường, và văn viết cũng rất tự nhiên, quên mất lời dặn của cô giáo là "Em Đ. nhớ viết cẩn thận cho các thầy dễ đọc". hehe
Hình như đợt đó có cả Trung bầu đi cùng, lúc đó Trung học cùng xã nhưng khác trường, mình không để ý. Lên huyện lại ngồi gần một thằng tên Thắng, nó ỷ con nhà thị trấn, có vẻ đắc thắng lắm. Mình chỉ giương mắt nhìn, không ngờ lúc nộp bài dòm giấy thi thấy nó tên Hồ Đắc Thắng thật. hehe
Thi xong, chuyến xe lam lại rề rề chở bọn nhóc mình và cô giáo về lại xã. Mình lầm lũi đi bộ từ trường về nhà. Không nói không rằng, không có một lời hỏi han gì từ má. Chị hai thì không bày tỏ thái độ gì, hình như lúc đó chị đang có những mối quan tâm gì đó nghiêm trọng hơn là một thằng em đang lặp lại cái việc đi thi HSG như chị năm xưa.
Thi xong ít lâu thì bố từ quê nội trở vô. Mình len lén xem thái độ của bố (hồi nhỏ sợ bố một phép) khi mẹ kể lại mình đã cãi lời đi thi ở huyện ra sao. Nhưng sao không thấy bố nói gì. Có lẽ trước một việc đã rồi, ông không thèm bận tâm tới nữa, chỉ nghe má nói là theo ý bố thì dù mình có đậu, cũng không được đi học tập trung để thi tỉnh, vì hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn. Mà đúng, cái bận tâm nhất của bố vẫn là chuyện chạy ăn từng bữa toát mồ hôi cho cả nhà.
Ấy rồi bỗng dưng một hôm thấy bố nói riêng gì đó với má, mình không nghe được, nhưng xem cung cách thì e là đang nói về mình. Sau đó ít ngày thì mình nghe tin kết quả cuộc thi vừa rồi, và kỳ diệu thay, mình được giải nhất toàn huyện. Điều này dẫn đến một hệ lụy tiếp theo là mình bị triệu tập về huyện học. Hóa ra, cái giải nhất toàn huyện không là gì cả, nhưng nó đẩy số phận mình ra khỏi bàn tay bố và má, vì không lý gì thằng thi đậu giải nhất huyện lại không được đi học bồi dưỡng để đi thi tỉnh. Có lẽ, bố mình có phân trần gì đó với các thầy cô trên trường, nên liền sau đó mình nghe một tin tốt lành: Trường mình sẽ xuất tiền mua gạo tài trợ cho mình suốt đợt học bồi dưỡng ở huyện, vòng đầu là 3 tuần, vòng sau cũng ba tuần, nhà mình không phải lo khoản gạo ấy. Bây giờ nghĩ lại thật buồn cười, hồi đó cả lũ đi học đều phải được gia đình góp gạo đủ số ngày ăn trong lúc học tập trung, vì ngân sách không đủ để lo việc ấy. Những nhà khá giả trong thôn xem việc ấy là chuyện quá nhỏ, chỉ có nhà mình là câu chuyện góp gạo trở thành gánh nặng của bố và má. Có lẽ, thầy cô ở trường đã biết “lai lịch” phải khóc lóc ầm ĩ mới được đi thi của mình, nên thầy Truyền đã chủ động đề xuất tài trợ gạo. Ngày tập trung lên huyện học, người dẫn mình đi là thầy Truyền. Mình không nhớ đã đi bằng những phương tiện gì để đến được trại bồi dưỡng ở Sông Mao, xa hơn trung tâm huyện lúc đi thi nhiều. Nhưng mình nhớ mãi hình ảnh thầy Truyền chở bao gạo vắt ngang sườn xe đạp. Thầy vừa cười vừa nói với mình: Phần gạo của Đ. đây, đừng có lo. Và cứ vậy, thầy đạp xe, chở gạo đến trại bồi dưỡng góp cho mình học. Một thầy hiệu trưởng như thế, xưa nay ở xứ mình có được mấy người. Nên mình nhớ mãi hình dáng ấy, nhớ mãi câu nói của thầy năm ấy. Hình như lúc đó thầy vui, và mình cũng vui vì lần đầu tiên đặt chân tới nơi gọi là Sông Mao học tập trung, xa nhà. Chao ôi, thời ấy được đi học xa nhà là với mình là cả một niềm vui quá lớn, bởi chí ít cũng thoát cảnh gánh nước oằn lưng, chẻ củi ê ẩm cả tay, và quan trọng là nghe lời cằn nhằn của má. ặc ặc
Về sau, mình nghe con đường quan lộ của thầy cũng nhiều lận đận, mấy chục năm rồi mình không gặp lại thầy. Tin tức về thầy loáng thoáng lúc tốt lúc xấu. Lần gần đây nhắc đến thầy là lúc ngồi với bạn Hoài Trinh. Trinh cũng là bạn quen mình từ hồi bồi dưỡng lớp năm dạo đó. Cứ mỗi chiều thứ bảy, bố mình đạp xe lên Sông Mao đón mình về, thì thấy bố Hoài Trinh cũng đạp xe đến đón bạn. Bố mình hỏi: con đó tác lớn, nó học có giỏi không? Mình nói: giỏi,nhưng thực ra đâu biết bạn giỏi cái gì đâu. Hehe
Và đến khi thi vòng 2 ở huyện – vòng chọn lọc để đi thi tỉnh, mình chẳng may lại đậu giải nhất nữa, thì thái độ của bố và má khác hẳn. Bố bảo: thằng này học tài thi phận, nó học dở nhưng thi được giải nhất là do may thôi.
Từ đó, mình ý niệm rất rõ rằng: hay không bằng hên. Và ở đời, biết bao nhiêu người đi học để hay, sao không ai đi học để… hên? Mình đem theo ý định ấy vào đời, một hồi, thành ra vào đạo.
Ô hô thiên!
30-8-2013
Lam Điền