Yên Tử một địa linh của Phật giáo, một danh lam thắng cảnh của đất Việt. Chính nơi đây đã là nơi ẩn tu của những vị Tổ sư. Trải qua hơn 700 trăm năm mặc dù thời gian đã xóa nhòa đi ít nhiều nét kiến trúc và địa danh về truyền thuyết lịch sử. Tuy nhiên, ai đã một lần đến Yên Tử mới cảm nhận được một sự giải thoát ra khỏi sự trói buộc của Phàm trần và nhận chân được giá trị của đạo Phật trong đời sống của kiếp người:
“Ta không về Yên Tử
Nó chi chuyện thoát trần
Ôm hình hài ảo ảnh
Ném qua cửa Phù Vân
Đối với người xuất gia đến Yên Tử là một điều mơ ước, bởi lẽ hầu hết chỉ biết trên lý thuyết, mà chưa cảm nhận được hiện thực về sự kỳ vĩ mà ông cha ta đã đi qua. Đặc biệt chính mảnh đất này đã hình thành Thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái mang bản sắc Việt do Sơ tổ Điều Ngự Giác Hoàng sáng lập. Ngài là một vị vua dưới thời Trần đã ba lần đánh đuổi quanh Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước ta, đó là vua Trần Nhân Tông. Một con người đạo đời viên dung.
Đến Yên Tử, cảnh núi non hùng vĩ, những kỳ quan Phật giáo đan xen tạo nên một nét kiến trúc độc đáo, khơi dậy cho lòng người cảm xúc lâng lâng thoát tục khó tả. Ai đã một lần đến một cảm nhận được điều đó. Một lần đến Yên Tử đã để lại trong ký ức, để khi nghĩ về mảnh đất “Linh địa” này thì cảm xúc lại dâng trào. Người viết xin ghi lại đôi dòng về một chuyến đi thực địa.
Chuyến xe đi qua đường rẽ vào khu di tích thắng cảnh Yên Tử, hai bên đường là những đồi núi chập chùng, vẫn còn nét hoang sơ của núi rừng nguyên thủy của nó. Trạm dừng chân của đoàn đầu tiên là Thiền viện Trúc Lâm do Hòa thượng Thanh Từ xây dựng. Xa xa, ta vẫn nghe tiếng chuông thánh thoát như nhắn nhủ về một kiếp phù vân của con người, từ trong chánh điện lời kinh vọng xa làm ta bồi hồi nhớ lại những dòng thơ của Sư cụ Chơn Phương:
“Ta về Yên Tử
Bạn cùng nước mây
Tụng kinh vô tự
Đáp lời cỏ cây.
 
Đưa tay lên hái
Quả trăng trên đồi
Thả xuống dòng nước
Thế gian bồi hồi.”
Cảnh vật Thiền viện hòa với tâm trạng bồi hồi, vì vậy không thể dùng bút mực và ngôn tự để tả trọn vẹn được cả xin mượn mấy câu thơ:
“Vượt núi băng rừng đến Trúc Lâm
Sương mù khói tỏa ngút mây giăng
Vi vu gió thoảng lời vi diệu
Văng vẳng thông reo điệu xuất trần.”
Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn chúng tôi lên núi Yên Tử, đầu tiên chúng tôi đi qua Thác Giải Oan, chính nơi đây những cung phi mỹ nữ được vua Nhân Tông cho về quê lấy chồng và sinh sống. Khi xuống chân núi vì chữ Trung nên các cô đã gieo mình xuống dòng suối này để tự vận. Vì thế dòng suối có tên Giải Oan từ đó. Đúng là :
"Ta về nắng đổ hoàng hôn
Tìm lên Yên Tử phai hồn khói lam
Giải Oan suối nhẹ cung đàn
Đưa vầng thơ trắng lên làn sương mây".
 
"Trở về cõi Phật trong lòng
Êm lòng nhả nhạc mát dòng Giải Oan".
Những bậc đá dẫn lối lên Yên Tử, chưa bao giờ tôi leo nói cao đến vậy. Giờ đây, cảnh vật đã làm cho tôi quên đi mệt mõi, chim hót thông reo giúp tôi hoài niệm về quá khứ. Hai hàng Tùng đã 700 tuổi, đứng dưới gốc cây, tôi thấy mình bé nhỏ quá. Tôi tự nghĩ không thời gian trôi qua như vậy mà những việc làm của các bậc tiền nhân đã lại cho hậu thế một bài học đạo lý làm người. Cảnh vật là một bài học không lời giúp ta phải suy nghĩ trăn trở trong hành động của mình, giúp cho ta thêm một nghị lực sống :
"Đường Tùng dẫn bước lên non
Nắng mưa chẳng tới, chỉ còn lá reo
Dốc đèo chỏ bớt cheo leo
Muốn thăm đỉnh biếc thì trèo ngại chi."
 
"Cổ tùng đứng trước trời không
Am mây in bóng, khe quanh thì thầm
Chuông chùa từng giọt ngân vang
Quê xưa Thiền tử dừng chân ven ngàn.”
Chúng tôi đến vườn tháp Huệ Quang đảnh lễ tháp Sơ tổ. Quanh tháp, rêu phong bao phủ như khẳng định chứng tích của thời gian giữa phong ba của biến đổi vô thường vẫn còn hiện lên một hình ảnh của một vĩ nhân của dân tộc trong đời thường và đạo pháp:
“Mặc rêu đan chéo thời gian
Tháp an nhiên giữa ngổn ngang vô thường
Tùng, Thông, Trúc, Đại dâng hương
Thân trơ trụi sẵn kim cương bao giờ”.
Từ vườn tháp, chúng tôi đi lên chùa Hoa Yên, mặc dù trải qua mưa nắng của thời gian ngôi chùa đã không còn nguyên sơ ngày nào; tuy nhiên, Ban quản lý di tích đã sửa chữa theo kiến trúc của nó. Gốc Sứ 700 tuổi vẫn còn đó, mái ngói cong cong hình cánh Phượng vẫn còn đàng kia, sỏi đã rêu phong vẫn còn đây, cảnh vật đã nói cho tôi, giúp tôi hình dung những gì mình đã học trên ghế Học đường Phật giáo về Phật Giáo Nhất Tông đời Trần:
“Đường lên Yên Tử mây dìu bước
Qua núi Giải Oan đã dẫn đường
Hoa Yên dấu ấn thời Điều Ngự
Bảo Sát âm vang một cõi thiêng”.
 
“Rừng Tháp đây rồi lưu chiến tích
Mái chùa che cả một giang sơn
Chùa Đông vang dội liêng thiêng núi
Cột đá uy nghiêm đứng giữa dòng
Hàng Tùng che mát đường nhân thế
Gốc Đại(Sứ) nhả hương giữa bụi trần
Sỏi đá rêu phong còn biết nói
Người đời sao nỡ để ai quên”.
Toàn cảnh từ chùa Đông cho đến đỉnh Vân Tiêu, thác Ngự Dội, Tháp Vọng Tiên Cung, Suối Giải Oan, Chùa Một Mái, đường Tùng, đường Trúc, chùa Bảo Sát vượt ngoài ngoài tưởng tưởng của tôi.
Ngồi trên đỉnh Yên Tử, tôi xúc động đến rơi cả nước mắt nghĩ về cha ông mình, nghĩ về các vị tổ sư đã đi qua, nghĩ đến Sơ tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, một con người như bao người khác mà sao có những ý nghĩ và hành động vĩ đại và cao thượng đến như vây? Ngài đã bỏ ngai vàng như quẳng đôi dép rách để đi tìm một cái gì thiết thực hơn để giúp đời. Giữa đỉnh núi cheo leo xa cách Thăng Long cả mấy ngày đi ngựa, chưa nói là trèo lên đỉnh núi ẩn tu gần 2 cây số đường mòn dựng đứng của núi. Động lực nào giúp Ngài làm được điều này? Có phải chăng kiếp người phù vân, hư ảo con người lừa đảo nhau, thủ đoạn lớn ăn hiếp bé trong xã hội, Ngài chán ngán trò đời đi tìm một chân lý giải thoát; hay vì tình thương nhìn thấy chúng sanh đang chìm đắm trong vô minh, trong cội nguồn sanh tử.
Rời thắng tích Yên Tử có đôi lúc quay lại chính mình, tôi thấy mình còn bé nhỏ quá. Bé nhỏ không phải tuổi đời là mà sự tu tập và tâm nguyện độ sanh, so với hạnh nguyện của các Ngài, tôi câu Lau nhỏ đứng dưới hàng Tùng của Yên Tử. Được lên Yên Tử nhìn cảnh vât nghĩ đến sự tu tập của các Tổ sư đã tạo trong tôi sự kính mộ. Từ đây tôi tự hứa với mình phải nỗ lực tu tập nguyện theo bước chân của các Ngài trong hạnh nguyện tự lợi và lợi tha. Xin tạm kết bằng những vẫn thơ sau:
“Xưa, Người vất ngai vàng như rơm rác
Mặc áo phong sương thật lạ lùng.
Nay, kẻ hậu sinh nay kính mộ
Trải lòng ra bái lạy mười phương.
Ôi! Chiều xưa với chiều nay gặp gỡ
Bên Hoa Yên tỏa ngát hương thiền
Thấm tận lòng sâu nghe rung cảm
Một lẽ Thiền ảnh hiện giữa non thiêng
Yên Tử người đi vang bóng mãi
 Dáng chập chờn trong sương trắng mây trôi
Ngun ngút rừng xanh màu vĩnh cửu
Thấy giữa non thiêng một nụ cười.”
Sài Gòn 13/12/2009
(Khoá VI- HVPGVN tại Tp.HCM)
Thích Quảng Hiếu