Phật giáo là Đạo, là Con Đường đưa hành giả đến mục đích giải thoát an lạc rốt ráo, hay nói khác đi, đó là sống thể nghiệm trực giác nội tâm. Người Á châu vốn có truyền thống tâm linh lâu đời, nhưng những thế kỷ gần đây, vì vọng động tâm thức đã chạy theo ngọn gió khoa học của phương Tây, bỏ quên gia tài quý giá của ông cha để lại, hơn nữa, còn khinh thị truyền thống đã hun đúc nên nòi giống mình; trong khi người Tây phương, là những người có thẩm quyền hơn trong lãnh vực khoa học, đang càng ngày càng quan tâm đến truyền thống tâm linh của Đông phương nhiều hơn.
Trong khuôn khổ chừng mực, người viết xin giới thiệu đến bạn đọc bài Phật Giáo Trong Viễn Cảnh Hiện Tại được trích dịch từ Chương I trong nguyên tác The Tree Of Enlightenment của tác giả Peter Della Santina, NXB Chico Dharma Study Foundation, năm 1997 để làm rõ nhận định trên và giúp chúng ta có được cái nhìn thấu đáo hơn về truyền thống tâm linh của mình.
Trước khi thực sự giải quyết những đề tài căn bản, đầu tiên tôi muốn bàn luận qua cái nhìn về Phật Giáo trong viễn cảnh của nó, đó là một viễn cảnh thuộc thời hiện đại. Con người của những thời đại khác nhau và những nền văn hóa khác nhau đã tiếp cận đạo Phật bằng nhiều con đường, tôi tin sẽ đặc biệt hữu ích để làm rõ sự khác nhau giữa thái độ hiện thời và cổ truyền đối với Phật Giáo. Kiểu cứu xét có tính so sánh này tỏ ra hữu ích bởi vì việc hiểu được cách thức mà con người của những thời đại và nền văn hóa khác nhau nhìn nhận một hiện tượng nào đó có thể bắt đầu chỉ ra cho chúng ta những giới hạn về viễn cảnh cá biệt của chúng ta.
Phật Giáo đã khơi dậy một sự quan tâm đáng kể ở Tây phương, và có nhiều người ở địa vị quan trọng trong xã hội Tây phương là Phật tử hoặc có cảm tình đối với Phật Giáo. Điều này có lẽ được minh họa rõ ràng nhất bởi nhận xét của nhà khoa học vĩ đại thế kỷ XX Albert Einstein, rằng dù ông ta không phải là người ngoan đạo, nhưng nếu phải, thì ông ta sẽ là một Phật tử. Thoạt nhìn, có vẻ ngạc nhiên khi một nhận xét như vậy được nói ra bởi một người được mệnh danh là cha đẻ của nền khoa học Tây phương hiện dại. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét xã hội Tây phương đương thời kỹ hơn thì sẽ tìm thấy một nhà vật lý học thiên thể là Phật tử ở Pháp, một tâm lý gia là Phật tử ở Ý và một chánh phán ở Anh cũng vậy. Thật vậy, sẽ không quá để nói rằng Phật Giáo đang nhanh chóng trở thành một sự lựa chọn ưng ý của những người Tây phương ưu tú thuộc các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. Tôi sẽ xét đến lý do của sự việc này trong chốc lát, nhưng trước khi làm việc ấy, tôi muốn so sánh trường hợp này với trường hợp được tìm thấy ở những cộng đồng và quốc gia Phật Giáo truyền thống. Lấy ví dụ, trường hợp những cộng đồng Phật Giáo truyền thống ở Đông và Đông Nam Châu Á.
Ở châu Âu và châu Mỹ, Phật Giáo nhìn chung được tin tưởng là tiến bộ hơn mức bình thường về mặt tư tưởng, có lý tính cao và tinh tế. Tôi sẽ không cố che đậy cái thực tế đã gây cho tôi một cú sốc lớn khi lần đầu tiên tôi đến Đông Nam Á và nhận thấy rằng nhiều người ở đó cho Phật giáo là lỗi thời, phi lý và được viền bọc bởi những điều mê tín cổ lỗ. Đây là một trong hai thái độ đang thịnh hành làm cản trở sự nhận thức đúng về Phật Giáo ở những cộng đồng theo Phật truyền thống đó. Một ngộ nhận phổ biến khác nữa mà nó gây khó khăn cho Phật Giáo ở những cộng đồng ấy là quan niệm cho rằng nó quá thâm sâu và trừu tượng đến nỗi không ai có thể hiểu được. Có lẽ chính tính kiêu căng trí thức của người phương Tây đã cứu người Âu và Mỹ khỏi sự lầm lạc này. Tóm lại, khi xem xét những thái độ chung đang thịnh hành ở phương Tây và phương Đông đối với đạo Phật, tôi nhận thấy một sự tương phản hoàn toàn. Đây là lý do tại sao tôi muốn bắt đầu cuộc khảo xét của chúng ta về Phật Giáo với mối quan tâm đến các viễn cảnh khác nữa.
Ở phương Tây, Phật Giáo có một ảnh tượng chắc chắn trong tâm trí quần chúng, trong khi ở các cộng đồng Phật tử truyền thống, Phật Giáo lại có một ảnh tượng hoàn toàn khác. Thái độ xem thường đang thịnh hành ở những cộng đồng ấy phải được vượt qua trước khi con người nơi ấy có thể thật sự hiểu rõ giá trị lời dạy của đức Phật. Với cách đó, con người ở mọi nơi có thể có cái nhìn hài hòa cần thiết để tiếp cận đạo Phật mà không có thành kiến hay ý nghĩ tiên định nào. Bởi vậy, việc giới thiệu về Phật Giáo này được nhằm vào không chỉ là con người ở phương Tây mà còn cho con người ở những cộng đồng Phật Giáo truyền thống, những người có thể đã trở nên thờ ơ lạnh lùng đối với tôn giáo này vì nhiều lý do xã hội và văn hóa. Tất nhiên, cũng cần biết rằng hình ảnh Phật Giáo nhìn chung ở phương Tây có thể bị giới hạn trong chừng mực của riêng nó, nhưng tôi hy vọng rằng trong những chương tiếp theo, một sự trình bày rõ ràng và khách quan về những truyền thống Phật Giáo rút cuộc cũng sẽ hiển bày.
Bây giờ, quay lại với thái độ của người Tây phương đối với Phật Giáo, một trong những nét đặc trưng đầu tiên chúng ta nhận thức được chính là nó không bị ràng buộc bởi văn hóa, nghĩa là nó không bị giới hạn đối với bất kỳ một xã hội, một chủng tộc hay một sắc dân nào. Có một số tôn giáo mà nó mang tính giới hạn văn hóa: Do Thái giáo là một thí dụ, Ấn giáo là một trường hợp khác nữa. Tuy nhiên, Phật Giáo không miễn cưỡng như thế. Đó là lý do tại sao, về mặt lịch sử, chúng ta đã có sự phát triển của Phật Giáo Ấn Độ, Phật Giáo Sri Lanka, Phật Giáo Thái Lan, Phật Giáo Miến Điện, Phật Giáo Trung Quốc, Phật Giáo Nhật Bản, Phật Giáo Tây Tạng... và nhiều nữa. Trong tương lai gần, tôi đoan chắc rằng chúng ta sẽ thấy sự nổi lên của Phật Giáo Anh, Phật Giáo Ý, Phật Giáo Mỹ, và những trường hợp tương tự. Tất cả những điều đó đều có thể xảy ra bởi vì Phật Giáo không theo định hướng văn hóa. Nó di chuyển dễ dàng từ một khung cảnh văn hóa này sang một khung cảnh văn hóa khác bởi tầm quan trọng của nó là ở sự thực hành ở bên trong hơn là cái hình thức bên ngoại của những cách hành xử tôn giáo. Điểm quan yếu của nó là ở con đường mỗi vị hành giả phát triển tâm của mình chứ không phải trang phục họ mang mặc, các loại thực phẩm họ ăn, lối trang sức tóc tai của họ, v.v..
Điểm thứ hai tôi muốn bạn chú ý đến là tính thiết thực của Phật Giáo, nghĩa là định hướng thực dụng của nó. Phật Giáo giải quyết vấn đề thực tế, nó không quan tâm đến các vấn đề tranh cãi phi thực tế và những học thuyết siêu hình. Phương pháp của Phật Giáo là nhận dạng một vấn đề thực tại và giải quyết nó theo một lối thiết thực. Hơn nữa, thái độ này rất bắt nhịp với quan niệm của thuyết vị lợi (utilitarianism) và lối giải quyết vấn đề theo khoa học của người phương Tây. Một cách rất ngắn gọn, chúng ta có thể nói rằng phương cách của Phật Giáo được gói gọn trong câu cách ngôn: “nếu nó mang lại kết quả, hãy sử dụng nó”. Thái độ này là một bộ phận cấu thành cái toàn thể của thực tế chính trị, kinh tế và khoa học hiện đại của phương Tây.
Phương cách thiết thực của Phật Giáo được trình bày rất rõ ràng trong Chulamalunkya Sutta, một bài kinh trong đó chính đức Phật đã sử dụng câu chuyện ngụ ngôn về một người đàn ông bị trúng tên. Trong câu chuyện, người đàn ông bị thương do trúng tên muốn biết ai đã bắn mũi tên đó, nó đến từ hướng nào, đầu tên được làm bằng xương hay bằng thép và thân tên là một loại gỗ hay thứ khác trước khi ông ta để cho nhổ mũi tên ra. Thái độ của ông ta được ví như thái độ của những người muốn biết nguồn gốc của thế giới - liệu nó vĩnh cửu hay không, hữu hạn hay vô hạn v.v.. - trước khi họ khởi sự tu tập. Những người ấy sẽ chết trước khi họ có được những câu trả lời cho những câu hỏi không thích đáng của họ cũng như người đàn ông trong câu chuyện ngụ ngôn sẽ chết trước khi ông ta có được tất cả những câu trả lời mà ông muốn biết về nguồn gốc và bản chất của mũi tên.
Câu chuyện này minh họa định hướng thiết thực của đức Phật và giáo pháp của Ngài. Nó dạy cho chúng ta nhiều điều về cả vấn đề ưu tiên cho sự lựa chọn và việc giải quyết vấn đề một cách khoa học. Chúng ta sẽ không đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển trí tuệ nếu chúng ta đặt ra những nghi vấn không thích hợp. Về cơ bản, đó chính là vấn đề của sự ưu tiên. Điều cốt yếu trước tiên đối với tất cả chúng ta là sự giảm thiểu và loại trừ đau khổ đến tận cùng. Đức Phật đã nhận ra điều đó và vì thế đã chỉ ra sự vô ích của việc truy tìm nguồn gốc và bản chất của thế giới, bởi vì, giống như người đàn ông ở trong câu chuyện, tất cả chúng ta đã bị quật ngã bởi một mũi tên, mũi tên khổ đau.
Như thế, chúng ta phải đặt ra những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc rút bỏ cái mũi tên đau khổ và không lãng phí thời giờ quí báu của chúng ta vào những việc tìm hiểu không thích đáng. Ý tưởng này có thể được diễn tả một cách đơn giản. Tất cả chúng ta có thể thấy rằng, trong đời sống hàng ngày, chúng ta liên tục quyết định những cuộc lựa chọn căn cứ trên những sự việc ưu tiên. Ví dụ, giả sử bạn đang làm bếp và quyết định trong lúc nồi đậu đang sôi, bạn lau bụi đồ đạc hoặc quét nhà. Nhưng khi bạn đang bận rộn với công việc này, bất chợt bạn ngửi thấy cái gì đó đang cháy: khi đó bạn phải chọn liệu cứ tiếp tục với công việc lau bụi hoặc quét nhà của bạn hay chạy ngay đến bên lò để tắt ngọn lửa mà cứu lấy bữa tối của bạn. Cũng như vậy, nếu chúng ta muốn tăng trưởng trí tuệ, chúng ta phải nhận rõ những việc quan trọng cần được ưu tiên của chúng ta. Điểm này được trình bày rất thú vị trong câu chuyện ngụ ngôn về người đàn ông bị thương.
Điểm thứ ba tôi muốn thảo luận là bài học về tầm quan trọng của việc thể nghiệm chân lý nhờ vào sự hỗ trợ của kinh nghiệm bản thân. Điểm này được xây dựng rất rõ ràng bởi đức Phật trong lời khuyên của Ngài đối với dân chúng Kalama ở trong kinh Kesaputtiya Sutta. Người Kalama là một cộng đồng thị dân, ở một chừng mực nào đó, giống như mọi người thời đó, những người chạm phải quá nhiều những lối giải thích khác nhau và thường mâu thuẫn nhau về chân lý. Họ đi đến đức Phật và hỏi Ngài làm cách nào họ nhận ra sự thật giữa những lời khẳng định trái ngược nhau bởi những bậc Đạo sư. Đức phật dạy họ rằng không nên chấp nhận điều gì chỉ bằng vào uy quyền của người truyền giáo, cũng không nên chấp nhận điều gì đơn giản bởi nó có trong Thánh thư, cũng không chấp nhận bất cứ điều gì bằng vào quan niệm chung, cũng không bởi vì nó có vẻ hợp lý, lại cũng không bởi vì sự kính nể đối với vị thầy. Thậm chí Ngài còn đi xa hơn khi khuyên họ không nên chấp nhận những lời dạy của chính Ngài mà không có sự thẩm định tính chân thật của nó thông qua kinh nghiệm bản thân.
Đức Phật dạy người dân Kalama phải kiểm tra lại bất kỳ những gì họ nghe được dưới ánh sáng của kinh nghiệm tự thân. Chỉ khi nào họ nhận ra rằng đối với họ những điều như vậy là có hại thì khi ấy họ nên cố gắng trừ bỏ chúng. Hoặc giả, khi họ nhận ra đối với bản thân một số điều nào đó có lợi, rằng chúng có thể đưa đến an tịnh, thì khi đó họ nên nỗ lực trau dồi chúng. Chúng ta cũng vậy, phải đánh giá đúng bất kỳ điều gì mà chúng ta được dạy trong ánh sáng kinh nghiệm tự thân của mỗi người.
Qua lời dạy của Ngài đối với dân chúng Kalama, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy rõ được quan điểm tự lực của đức Phật trong việc tìm cầu tri thức. Chúng ta phải sử dụng tâm của chính mình như một loại ống nghiệm riêng. Tất cả chúng ta đều có thể nhận ra với chính mình rằng khi tham lam và giận dữ có mặt ở trong tâm, chúng sẽ đem lại sự băn khoăn, lo lắng và khổ đau. Cũng như vậy, tất cả chúng ta có thể nhận ra với chính bản thân rằng khi tham, giận vắng mặt trong tâm thì bình yên và hạnh phúc xuất hiện. Đây là một sự thể nghiệm bản thân hoàn toàn đơn giản mà tất cả chúng ta đều có thể làm được. Việc trắc nghiệm lại tính hợp lý của những lời dạy dưới ánh sáng của kinh nghiệm bản thân riêng mỗi người rất là quan trọng, bởi vì những gì đức Phật dạy sẽ chỉ có hiệu quả, chỉ thực sự thành công trong việc chuyển hóa đời sống của chúng ta nếu chúng ta tiến hành được loại thể nghiệm cá nhân này và khiến những lời dạy đó trở thành của riêng chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta trắc nghiệm được tính chân thật của lời Phật dạy bằng vào những lịch nghiệm của bản thân, khi đó chúng ta mới có thể yên tâm rằng chúng ta đang tiến lên trên con đường diệt trừ đau khổ.
Lại nữa, chúng ta có thể thấy được một sự giống nhau nổi bật giữa phương cách của đức Phật và phương cách của khoa học trong quá trình tìm cầu tri thức. đức Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của sự quan sát mang tính khách quan , mà nó, ở một ý nghĩa nào đó, là chiếc chìa khóa cho việc đạt được tri thức của người Phật tử. Chính sự quán sát một cách khách quan đã sản sinh ra Đế thứ nhất trong Tứ Diệu Đế, Khổ Đế; chính sự quán sát ấy kiểm định lại sự tiến bộ của mỗi người trên bước tiến của Đạo; và cũng chính sự quán sát ấy xác nhận sự hiểu biết về sự tận diệt khổ đau. Vì thế, từ lúc khởi đầu, đến giai đoạn giữa và cho đến kết thúc của con đường tiến đến giải thoát của Phật giáo, vai trò của sự quán sát là không thể thiếu được.
Điều này không khác lắm so với vai trò của việc quán sát có tính khách quan ở trong truyền thống khoa học của Tây phương. Truyền thống khoa học ấy dạy rằng khi chúng ta quán sát một vấn đề, trước tiên chúng ta phải thành lập một giả thuyết tổng quát, rồi sau đó mới là một định lý cụ thể. Trong trường hợp Tứ Thánh Đế, cũng một quy trình như vậy được sử dụng. Ở đây, giả thuyết tổng quát (nguyên tắc chung) là: mọi vật ắt phải có một nguyên nhân; thì khi đó, định lý cụ thể là: nguyên nhân của đau khổ chính là tham ái và si mê (Thánh Đế thứ hai). Định lý này có thể được kiểm định bằng phương pháp thực nghiệm thông qua các chi phần của Bát Thánh Đạo. Nhờ vào sự lịch trải con đường này, tính hợp lý của Thánh Đạo thứ hai được thành lập. Ngoài ra, tính xác thực của Chân Lý thứ ba, sự chấm dứt khổ đau, cũng có thể được thể nghiệm, bởi vì thông qua việc tu tập theo con đường đó, tham ái và si mê được đoạn trừ và hạnh phúc cao tột của Niết-bàn được thành tựu. Quá trình thể nghiệm này vẫn lặp lại, cũng như những thí nghiệm khoa học đáng tin cậy: không chỉ có đức Phật chứng ngộ sự tận diệt của đau khổ mà khi chúng ta nhìn lại lịch sử, những người đi theo con đường của Ngài cũng đạt được như thế.
Vì thế, khi xem xét kỹ lưỡng giáo pháp của đức Phật, chúng ta nhận thấy rằng phương thức của Ngài có nhiều chỗ tương tự với phương thức của khoa học. Điều này tự nhiên đã khơi gợi nhiều niềm hứng thú đối với đạo Phật giữa những người có óc hiện đại. Chúng ta có thể bắt đầu thấy được tại sao Einstein có thể đưa ra một nhận định như nhận định đó, cái mà mọi người tin là của ông ta. Sự tương đồng khái quát giữa phương pháp của Phật Giáo và của khoa học hiện đại sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tìm hiểu thái độ của Phật Giáo đối với những vấn đề của kinh nghiệm, thái độ đó mang tính phân tích giống như ở trong khoa học.
Theo đức Phật, vấn đề dữ liệu kinh nghiệm được chia thành hai yếu tố, yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan; nói khác đi, những sự vật mà chúng ta nhận thức được ở xung quanh chúng ta và chính bản thân chúng ta - chủ thể kinh nghiệm. Đạo Phật từ lâu đã nổi tiếng với phương pháp phân tích của nó trong các lãnh vực triết lý và tâm lý. Điều này muốn nói rằng đức Phật phân tích sự kiện kinh nghiệm thành nhiều thành phần hay yếu tố. Cái căn bản nhất của những thành phần này là 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn này có thể được quán chiếu dưới dạng 18 giới, và còn có một cách phân tích thậm chí hoàn chỉnh hơn dưới dạng 72 pháp.
Phương pháp được thái dụng ở đây mang tính phân tích bởi vì nó chia chẻ dữ liệu kinh nghiệm thành nhiều thành phần. Đức Phật không bằng lòng với sự hiểu biết mơ hồ về kinh nghiệm một cách chung chung; hơn thế nữa, Ngài đã phân tích kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ bản chất của nó và chia chẻ nó thành nhiều yếu tố, cũng giống như ta có thể phân tích hiện tượng chiếc xe thành những thứ như bánh, trục, sườn, v.v... Mục đích của việc làm này là để hiểu biết khá hơn về cách thức những hiện tượng này hoạt động. Chẳng hạn, khi chúng ta ngắm một đóa hoa, nghe một bản nhạc, hay gặp một người bạn, tất cả những kinh nghiệm khởi lên như là kết quả trực tiếp của sự kết hợp những yếu tố cấu thành.
Đây được gọi là phương pháp phân tích của Phật Giáo, và một lần nữa, nó không xa lạ gì với nền khoa học và triết học hiện đại. Chúng ta nhận thấy phương pháp phân tích được áp dụng rất rộng rãi trong khoa học, cùng lúc đó, trong triết học, phương pháp phân tích đã trở thành nét đặc trưng cho tư tưởng của nhiều triết gia Châu Âu, có lẽ rõ ràng và gần đây nhất là trường hợp Bertrand Russell. Đã có những cuộc nghiên cứu so sánh khá thành công triết học phân tích của ông với triết học Phật Giáo thời kỳ đầu. Bởi vậy, trong nền khoa học và triết học Tây phương, chúng ta tìm thấy một sự tương đồng với phương pháp phân tích được dạy trong truyền thống Phật Giáo. Đây là một trong những nét quen thuộc và dễ nhận thấy mà nó đã thu hút các nhà trí thức và uyên bác của phương Tây hiện đại đến với triết học Phật Giáo. Các nhà tâm lý học hiện đại giờ đây cũng đang rất quan tâm đến việc phân tích thành nhiều yếu tố của tâm thức trong Phật Giáo như: thọ, tưởng, hành. Họ tìm đến giáo lý lâu đời của đức Phật càng ngày càng nhiều để có được hiểu biết sâu sắc cho lối sống của riêng mỗi người.
Mối quan tâm đến giáo lý của đức Phật ngày càng tăng này – được khơi gợi bởi nhiều lãnh vực tương quan giữa tư tưởng Phật Giáo và những trào lưu chính của khoa học, triết học và tâm lý học hiện đại – đã đạt đến đỉnh cao của nó ở thế kỷ XX với những đề xuất sửng sốt được nêu ra bởi thuyết tương đối và vật lý học lượng tử, là những thuyết trình bày những thành tựu mới nhất trong khoa học thực nghiệm và duy lý. Ở đây một lần nữa, rõ ràng không những đức Phật nhận ra trước các phương pháp căn bản của khoa học (như quán sát, thực nghiệm, phân tích), mà trong một số kết luận tiêu biểu nhất về bản chất của con người và thế giới, Phật Giáo và khoa học quả thực trùng khớp nhau.
Chẳng hạn, tầm quan trọng của thức trong việc hình thành kinh nghiệm từ lâu bị phớt lờ ở phương Tây, bây giờ được nhận ra. Cách đây không lâu, một vật lý gia nổi tiếng đã nhận xét rằng thế giới có thể thực sự chỉ là một cái gì đó giống như một ý nghĩ vĩ đại. Rõ ràng đây chỉ là sự tiếp nối lời dạy của đức Phật mà nó đã từng được trình bày trong kinh Pháp Cú (Dhammapada), trong đó tâm được xem là tác giả của tất cả các pháp. Cũng vậy, tính tương đối giữa vật chất và năng lượng – việc công nhận rằng không có ranh giới rạch ròi giữa tâm và vật – giờ đây đã được khẳng định bởi những thành tựu gần đây nhất trong khoa học thực nghiệm hiện đại.
Kết quả của tất cả những điều ấy là, trong hoàn cảnh của nền văn hóa Tây phương đương đại, các nhà khoa học, tâm lý học và triết học đã tìm thấy trong đạo Phật một truyền thống hài hòa với một số những nguyên lý cơ bản nhất của tư tưởng Tây phương. Ngoài ra, họ còn nhận thấy Phật Giáo đặc biệt thú vị bởi, mặc dầu những phương pháp và kết luận chủ yếu của truyền thống khoa học Tây phương tương tự với phương pháp và kết luận của đạo Phật, thế nhưng khoa học Tây phương không đi xa như vậy để đưa ra một con đường thực thụ cho việc đạt được một sự chuyển hóa từ bên trong, trong khi ấy ở Phật Giáo, một con đường như thế rõ ràng đã được chỉ ra. Trong khi khoa học dạy chúng ta xây dựng những thành phố, đường cao tốc, nhà máy và nông trại tốt hơn; nó lại không dạy chúng ta xây dựng những con người tốt hơn. Vì lý do đó, con người trong thế giới ngày nay đang tìm đến với Phật Giáo, một triết lý cổ đại có nhiều khía cạnh cộng thông với truyền thống khoa học Tây phương nhưng vượt lên trên chủ nghĩa vật chất của Tây phương, vượt lên trên những giới hạn của nền khoa học thực dụng như chúng ta đã biết từ trước đến nay.
Việt dịch: Hướng Thiên
(Nguồn: TSPL 01)