Ngay từ thời cổ đại, con người đã từng bị ám ảnh không dứt bởi vấn đề chân lý đa phương diện, đa sắc thái. Người ta không ngừng nỗ lực đúc kết một định nghĩa hoàn hảo cho khái niệm chân lý, người ta đã liên tục suy tư chiêm nghiệm về bản chất tổng thể của chân lý. Từ đó, ba hướng lý giải đã được hình thành:
1. Chân lý có tính tuyệt đối và khách quan.
2. Chân lý có tính chủ quan, là vấn đề thuộc về ý kiến và nhận thức của cá nhân.
3. Chân lý - thực thể bất khả đắc tư nghì.
Định nghĩa chân lý là một quá trình bao hàm một số trở ngại nhất định. Đơn cử một thí dụ, khó lòng tránh khỏi việc áp đặt quan niệm triết lý cá nhân vào bất cứ một định nghĩa nào đó. Định kiến có mặt ở khắp nơi, đặc biệt trong môi trường triết học. Vì thế, chẳng cần ngạc nhiên thái quá khi các triết gia quan niệm về chân lý với những cái nhìn khác nhau. Theo triết gia hiện sinh Martin Heidegger, chân lý đồng nghĩa với tự do; theo William James, đồng nghĩa với quan hệ mang đến kết quả thực tế; theo Hegel, với thành quả nhận thức viên mãn; theo Alfred Tarski, với khái niệm ngữ nghĩa; theo George E. Moore, với sự tương hợp giữa “hình” với “thực”; và theo Aristotle, với mối quan hệ tương thích giữa “khái niệm” và “sự vật”.
Để thiết lập một nền tảng cho phần thảo luận này, chúng ta hãy cùng đồng ý với nhau rằng chân lý là một nhận định phù hợp với thực tại, rằng thế giới thực tại và tri thức của chúng ta về nó là hoàn toàn tương hợp với nhau, rằng các hệ thống tư tưởng mà chúng ta hiện có, xét về mặt tổng thể, tương ứng một cách chính xác với thế giới thực tại. Sau này, chúng ta sẽ xem xét đến khả năng khám phá chân lý theo những tiền đề nói trên. Ở thời điểm này, chúng ta hãy cùng nhau lược qua các học thuyết chủ đạo của một số trường phái triết lý có liên quan đến vấn đề bản chất của chân lý.
Các khái niệm về chân lý
Định nghĩa chân lý ở, xét trên nhiều khía cạnh, phù hợp với các học thuyết về sự tương xứng và sự tương hợp được hình thành bởi các triết gia vĩ đại, trải dài từ thời Aristotle qua suốt thời trung cổ đến thời hiện đại. Trong những thế kỷ gần đây, một số học thuyết khác đã được phát triển như: gắn kết, thực dụng, ngữ nghĩa và hiện sinh.
Aristotle và các triết gia kinh viện (the Scholastics), đặc biệt là Thánh Thomas Aquinas, hình thành học thuyết Chân lý tương ứng (the Adequation Theory of Truth) với niềm tin rằng chân lý là sự tương ứng giữa ý tưởng và sự vật (adequatio intellectus et rei). Trí tuệ con người tương ứng với sự vật như chúng tồn tại, chân lý được phát lộ. “Chân lý là sự tương ứng giữa hoạt động tư tưởng vốn có của chúng ta với những gì tồn tại bên ngoài tư tưởng của chúng ta.” Thực ra, chân lý ẩn tàng trong trí tuệ, nhưng không chỉ như thế, nó cũng tiềm ẩn thực tại. Vì thế, học thuyết tương ứng có thể được xem là 1 dạng của học thuyết chân lý tương hợp (the Correspondence Theory of Truth).
1. Học thuyết chân lý tương hợp
Geogre E. Moore đã đề xuất học thuyết này, định nghĩa chân lý như sự tương ứng với giữa ý tưởng và thực tại, ý tưởng ấy là chân xác. Bản thân các sự kiện thì không đúng cũng chẳng sai, chỉ có niềm tin mới vướng mắc vào chỗ phân biệt chân giả. Chân và giả được xác lập bởi các ý tưởng, nhận định và niềm tin - những khái niệm ấy buộc phải sở hữu một mối quan hệ, tương ứng theo một cách nào đó, với các sự kiện mà chúng phản ánh. Vì vậy, thuộc tính chung của chân lý là sự tương hợp của nó đối với sự kiện; sai lầm không có thuộc tính ấy. Chân lý bao gồm những niềm tin định hình (hay đồng nhất với) các bộ phận cấu thành cấu trúc của vũ trụ.
2. Học thuyết chân lý gắn kết
Thoạt đầu, thuyết chân lý gắn kết xuất hiện trong hệ thống triết học của Benedict Spinoza(1) và Georg W. F. Hegel (mặc dù các mầm tư tưởng cũng có thể được tìm thấy trong một số tác phẩm có trước thời Socrates). Nó được chấp nhận ở nhiều hình thức bởi các triết gia hậu duệ như Francis Herbert Bradley, Brand, Blanshart, Edgar Sheffield Brightman và Rudolf Carnap. Các triết gia này xem xét chân lý như là một hệ thống có kết cấu chặt chẽ hay một hệ định đề có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Một nhận định chỉ đúng nếu nó có thể phối hợp một cách nhất quán và có hệ thống với các thành phần khác nhau trong khuôn khổ của hệ định đề ấy.
3. Học thuyết chân lý thực dụng
Những triết gia thực dụng (The Pragmatists) quan niệm rằng một niềm tin là đúng nếu nó thúc đẩy chúng ta hành động, rằng chỉ có niềm tin như thế mới tương thích với thực tại. William James lý giải quan điểm thực dụng như sau: “Chủ nghĩa thực dụng... đưa ra câu hỏi muôn thuở của nó, rằng: “Cứ cho là một ý tưởng hay một niềm tin nào đó là đúng, tính chân xác của nó sẽ tạo ra được điều cụ thể gì cho cuộc sống thực sự của con người? Chân lý ấy sẽ được nhận thức như thế nào? Kinh nghiệm chân lý khác biệt như thế nào so với kinh nghiệm sai lầm? Nói cho cùng, giá trị cụ thể của chân lý là gì, xét trên phương diện kinh nghiệm?””
Ngay sau khi đặt ra vấn đề, người thực dụng tìm thấy câu trả lời: “Chân lý là những gì chúng ta có thể đồng hoá, tạo ra hiệu lực, chứng thực và xác nhận. Chúng ta không thể vận dụng những điều như thế đối với ý tưởng sai lầm”. Chính sự khác biệt về mặt thực dụng giúp chúng ta nhận dạng chân lý. Đó cũng chính là ý nghĩa của chân lý. Bởi vì tất cả những gì chúng ta biết được về nó là ... Chân lý “xảy đến” với một ý tưởng; ý tưởng “trưởng thành” chân lý, trở thành sự thật nhờ vào các sự kiện.”
Vì thế, theo những người thực dụng, chân lý là cụ thể, nói cách khác, có nhiều chân lý riêng biệt (thay vì là một hệ thống tổng thể như học thuyết gắn kết đã đề xuất.)
4. Học thuyết chân lý ngữ nghĩa
Năm 1944, Alfred Tarski đề xuất khái niệm chân lý ngữ nghĩa (the semantic conception of truth) trong 1 bài viết đăng trên tạp chí “Nghiên cứu triết học và hiện tượng luận lý” (Philosophy and Phenomenological Research). Theo ông, chân lý được xác lập bởi các nhận định như một dạng siêu ngôn ngữ(2). Chân lý chỉ có khả năng ứng dụng trong môi trường ngôn ngữ; về cơ bản, nó chỉ là vấn đề ngữ nghĩa. Nói cách khác, sự chân xác nói lên các mối quan hệ nhất định giữa cách thể hiện ngôn ngữ và những đối tượng “được ám chỉ đến.”
Ý tưởng chân lý ngữ nghĩa có mối liên hệ gần gũi với các nguyên tắc cơ ản của thuyết ngữ nghĩa. Thực tế, ngữ nghĩa được xác định như sau: “Với mọi hình thức tương đương của khái niệm (T) có thể được xác lập, chúng ta sẽ gọi một định nghĩa chân lý là “thích đáng” nếu nó thoả mãn tất cả hình thức tương đương ấy. Thí dụ: chúng ta có thể xác lập khái niệm đúng (T) đối với câu “tuyết trắng”, khi và chỉ khi tuyết thực sự trắng. Điều đó có nghĩa là một sự thích đáng cụ thể phải tồn tại giữa câu nói ấy và sự kiện, một sự tương đương cần thiết giữa câu nói và thực trạng của vấn đề được đề cập đến.
5. Học thuyết chân lý hiện sinh
Các triết gia hiện sinh (the Existentilists), như Martin Heidegger, xem yếu tính (essense) của chân lý là tự do. Heidegger thừa nhận giá trị của các khái niệm chân lý khác, nhưng đối với ông, "yếu tính của chân lý là tự do"
Với tự do, có nghĩa là “thiện căn” (the inner possibility of rightness) cho phép con người nhận thức được “chân lý cơ bản duy nhất” (the “uniquely essential truth”), nhận thức được sự “hiển lội những gì vốn được phơi bày sẵn”. Chân lý vốn “không che đậy” (unconcealment), là “sự vén mở” (revealment), là sự tham gia vào sự vén mở bản chất của “cái đang là” (“what-is”). Nó là “không vướng mắc” (letting-be), là tự do “trong hiện sinh lồ lộ của chính nó.” Tự do là tham gia vào sự vén mở của “cái-đang-là-như-thế” (“what-is-as-such”), là sự phát lộ của hiện sinh (cá nhân) đang góp mặt vào cái hiện tại rõ ràng ấy-cái hiện tại ấy chính là "cái-đang-là". Về cơ bản, chân lý là sự hiển lộ của “cái-đang-là”; bản chất của chân lý là tự do, là tham gia vào sự vén mở của “cái-đang-là-tổng-thể” (what-is-in-totality")(3)
Chân lý chủ quan - chân lý khách quan
Ngay từ thời Socrates(4), người ta đã tranh luận với nhau về vấn đề liệu rằng chân lý là tương đối và chủ quan hay chân lý là tuyệt đối và khách quan. Một trường phái tư tưởng Hy Lạp thời cổ đại, đại diện là Gorgias xứ Leontium (483-375 trước CN), tiến xa hơn khi “hoài nghi” khả năng tồn tại của chân lý trong thực tế.
Có người đã từng nói rằng không hề có chân lý mới, chỉ có chân lý xưa cũ. Thực tế, những cuộc tranh luận triết học thời hiện đại, liên quan đến các thuộc tính của chân lý, cũng không mang đến điều gì mới mẻ hơn so với những gì mà các triết gia cổ đại đã từng đề cập đến.
1. Chân lý tương đối
Người cổ xuý có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất quan niệm “chân lý tương đối” là Protagoras xứ Abdera (481-411 trước CN). Protagoras đề xuất quan niệm ấy dựa trên sự kiện rằng tri thức của con người về hiện tượng giới (thế giới mà con người cảm nhận được) là chưa hoàn hảo của các giác quan. Không chỉ sự bất toàn về thị lực, thính lực, v.v... ảnh hưởng đến nhận thức của con người; ngay cả các thiết bị hỗ trợ cũng chẳng tạo được một cơ sở hoàn hảo hơn cho một nhận thức chính xác về thế giới thực tại.
Những thí dụ như kính phóng đại hay kính hiển vi nâng cao tầm hoạt động của nhãn thức lên nhiều lần; các thiết bị trợ thính có thể ghi nhận được những âm thanh vượt khỏi năng lực của các cơ quan thính giác. Rõ ràng, các giác quan của con người là bất toàn, hạn chế và không thích đáng để khảo cứu chân lý. Vì thế, cứ giả định rằng con người chỉ có thể thu nhập được mẩu tri thức vụn vặt dựa trên kinh nghiệm giác quan manh mún của mình, tri thức của mỗi người sẽ sai khác nhau. Tri thức, xét trên khía cạnh lý tưởng nhất, là ý kiến cá nhân, là dạng chân lý có tính chủ quan. Và bởi vì chân lý là ý kiến chủ quan, theo lý giải của Protagoras, cái gì đúng với tôi chỉ là chân lý của tôi, cái gì đúng với bạn là chân lý của bạn.
Chủ nghĩa hoài nghi (Skepticism)
Gorgias xứ Leontium phát triển quan điểm của Protagoras và hình thành nên một học thuyết mang tính hư vô (khẳng định rằng chân lý không tồn tại) và hoài nghi (khẳng định rằng không thể biết chắc được điều gì cả). Ông đưa ra tam đoạn luận như sau:
1. Không có gì thực hữu.
2. Nếu có sự thực hữu, chúng ta không thể nào biết chắc về nó.
3. Và nếu có ai đó tình cờ nhận thức được sự thực hữu, anh ta cũng không có khả năng truyền đạt lại điểu ấy cho người khác.
Chủ nghĩa hư vô (Nihilism) và Chủ nghĩa hoài nghi (Skepticism) là hai học thuyết triết lý mâu thuẫn và tự vong. Nếu như chân lý không tồn tại (hư vô chủ nghĩa), tính chân xác của chính câu nói ấy cũng không tồn tại. Nếu tri thức là bất khả đắc và bất khả thuyết (hoài nghi chủ nghĩa), làm thế nào chúng ta có thể nhận thức và chấp nhận quan niệm như thế? Rõ ràng, phải có tri thức khả đắc.
Xét cái nhìn tiêu cực của Gorgias, rõ ràng lập luận của chủ nghĩa hoài nghi và hư vô có thể được sử dụng để huỷ diệt chính nó.
2. Chân lý khách quan
Ngay cả quan điểm “ôn hoà hơn” của Protagoras cũng là triết lý tự vong. Nhận định trên được chứng minh qua phần lập luận đầy sức thuyết phục của Socrates (thông qua ngòi bút của Plato) trong mẩu đối thoại dưới đây:
PROTAGORAS: Chân lý là tương đối, nó chỉ là vấn đề ý kiến cá nhân mà thôi.
SOCRATES: Ngài muốn nói rằng chân lý chỉ là ý kiến chủ quan mà thôi?
PROTAGORAS: Chính xác là thế. Cái gì đúng với ngài là chân lý của ngài; cái gì đúng với tôi là chân lý của tôi.
SOCRATES: Ý của ngài thực sự là thế ư? Rằng ý kiến của tôi là đúng, xét vì nó là ý kiến của tôi?
PROTAGORAS: Thực sự là thế.
SOCRATES: Thế thì, ý kiến của tôi là: “Chân lý là tuyệt đối, không phải là ý kiến; và ngài, quý ông Protagoras, tuyệt đối sai lầm.” Bởi vì tất cả điều đó là ý kiến của tôi, ngài phải chấp nhận nó là đúng- xét theo triết lý của ngài.
PROTAGORAS: Ngài đúng đấy, Socartes.
Rõ ràng, bất kỳ cuộc thảo luận nào có liên quan đến chân lý, nếu cần được khởi sự, phải bắt đầu từ một sự khẳng định. Khi cho rằng “chân lý tương đối”, người khẳng định đã đưa ra một chân lý tuyệt đối, bởi vì ông ta thành tâm tin tưởng rằng chân lý thực sự (cho dù nó có phải là ý kiến hay không) là tương đối và chủ quan. Tất nhiên, bằng cách đó, ông ta tự mâu thuẫn với chính mình, không tránh khỏi việc thừa nhận rằng chân lý là khách quan, không phải là tương đối.
William S. Sahakan & Mabel. Sahakan
Thanh Chân dịch
Tham khảo thêm: "Vấn đề hai chân lý trong đạo Phật"
http://hoalinhthoai.com/?option=ban_tin&view=ban_tin_chitiet&cd_id=37&post_id=406&lang=vn
--------------------
(1)Baruch de Spinoza (1632 - 1677): Triết gia Do Thái, sống tại Hà Lan, Tìm kiếm chân lý vượt khỏi khuôn khổ Kinh Thánh, chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Descartes, ông bị trục xuất ra khỏi cộng đồng giáo hữu Do Thái của mình. Spinoza quan niệm rằng Thượng Đế đồng nhất với toàn thể vũ trụ, chứ không phải cai quản vũ trụ, một quan niệm được xem là phiếm thần luận. Năm 1661, ông viết tác phẩm nổi tiếng "Đạo đức học" (Ethies), tác phẩm bị cấm lưu hành trong suốt thời gian ông còn sống. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của quyển “Khái luận thuần học - chính trị”. Ông mất vào tuổi 44 vì bệnh lao. Triết học của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với các triết gia Đức như Leibnitz, Fiche, Schelling và nhất là Hegel, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa vô thần, tự do tôn giáo và khoa học sau đó. (Theo “Sổ tay danh nhân thế giới” của nhà xuất bản Thanh niên, năm 1999) (ND)
Đối với Spinoza, thực tại tối hậu (Chân tính hay Thượng Đế) là một hệ thống lý tính, trong đó mỗi khía cạnh liên kết chặt chẽ với những khía cạnh còn lại.
Đối với Hegel, “chân lý toàn bích”, một hệ lý tính tổng thể, trong khi “sai lầm là sự phân mảng”, những phần bị phân cách khỏi hệ thống tổng thể, rời rã và manh mún. Vì thế, chân lý là thành quả nhận thức viên mãn.
Theo các triết gia thời đại mới của trường phái Hegel tại Anh như Blanshare, Bradley và Brightman, “chân lý là tuyệt đối”, xuyên suốt và bao trùm tất cả; trong khi sai lầm là những mảnh vụn phân cách khỏi tổng thể ấy,
Cuối cùng, Rudoft Carnap tạo nên đôi chút khác biệt khi cho rằng một nhận định là đúng nếu nó có thể gắn kết tư sản với một học thuyết (hay hệ biểu tượng) đã được nhìn nhận
(2)Meta-language: Ngôn ngữ hay tập hợp các biểu tượng được sử dụng khi nói về, hay mô tả một ngôn ngữ khác. (ND)
(3)Trích từ tác phẩm "Về bản chất của chân lý" (On the Essence of Truth) của Martin Heidegger (bản dịch Anh ngữ của R. F. C. Hull và Alan Crick.) (TG)
(4)Socrates (469-399): Triết gia Hy Lạp cổ đại. Mặc dù đôi lúc người ta vẫn xem ông là người sáng lập ra ngành triết học, ông không thể để lại một tác phẩm nào. Chúng ta biết được tư tưởng của ông thông qua các bài thoại của Plato, học trò của ông. Ông bị vu tội làm băng hoại giới trẻ bằng các bài giảng của mình và bị xử chết bằng thuộc độc. (ND)
(Trích từ “Tư tưởng của các triết gia vĩ đại” - Nxb. Tp. Hồ Chí Minh)
(Nguồn: Chúng Ta)