Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
18:07, Friday.March 29 2024
Tư tưởng Phật giáo đại thừa Thiền tông trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
Tượng Ngô Thì Nhậm
 
Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, khởi nguồn từ Ấn Độ, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân loại nói chung, ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn - Hoa nói riêng, với bề dày lịch sử mấy ngàn năm, cùng hệ thống triết lý uyên áo, uẩn súc. Tư tưởng Phật giáo nằm trong Tam tạng kinh điển (kinh, luật, luận) bao gồm rất nhiều tông phái khác nhau, mà phổ biến hiện nay là Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Tam luận tông, Câu xá tông, Thành thật tông v.v.. Nhưng có thể nói Thiền tông chính là cốt tủy, xương sống, linh hồn của Phật giáo.

Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, khởi nguồn từ Ấn Độ, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống nhân loại nói chung, ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn - Hoa nói riêng, với bề dày lịch sử mấy ngàn năm, cùng hệ thống triết lý uyên áo, uẩn súc. Tư tưởng Phật giáo nằm trong Tam tạng kinh điển (kinh, luật, luận) bao gồm rất nhiều tông phái khác nhau, mà phổ biến hiện nay là Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông, Hoa nghiêm tông, Thiên thai tông, Luật tông, Pháp tướng tông, Tam luận tông, Câu xá tông, Thành thật tông v.v.. Nhưng có thể nói Thiền tông chính là cốt tủy, xương sống, linh hồn của Phật giáo.

Thiền tông thuộc đại thừa Phật giáo, có từ lúc đức Phật Thích Ca Mâu ni còn tại thế với câu chuyện “Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu”. Hôm ấy, trên pháp hội Linh Sơn, ngài đưa cành hoa lên cao, tất cả thính chúng đều ngơ ngác, không thấu triệt được tâm ấn của Phật, chỉ có đại đệ tử là Ma Ha Ca Diếp lãnh hội mật ý, nên mĩm cười. Đức Phật truyền tâm ấn và y bát cho Ma Ha Ca Diếp làm tổ thứ nhất. Thế thế truyền thừa đến Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 của Ấn Độ, đồng thời là sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc. Bồ Đề Đạt Ma truyền đến đời thứ 6 là lục tổ Huệ Năng. Như vậy, kể từ tổ thứ nhất Ma Ha Ca Diếp truyền đến Huệ Năng tất cả 33 vị đều được tâm ấn và có y bát làm chứng. Từ Huệ Năng về sau, theo lời dạy của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, và bấy giờ Thiền tông đã rất hưng thịnh, phổ biến, nên không truyền y bát mà chỉ truyền tâm ấn và ấn chứng cho đệ tử.

Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh phần Chính văn của Ngô Thì Nhậm (Hải Lượng) là một tác phẩm thuộc thể loại luận thuyết tôn giáo, mang tính tư tưởng triết học vi diệu, thuộc loại hình văn – triết bất phân độc đáo vào cuối thế kỷ XVIII ở Việt Nam, với hình thức kiểu công án Thiền gắn với cảm quan và mỹ học Tam giáo : Phật – Đạo – Nho.  Trong tác phẩm, tác giả thật sự đã đích thân trải nghiệm và thể hiện vô cùng sâu sắc những tinh hoa của cả ba hệ tư tưởng cổ đại lớn của nhân loại bằng nghệ thuật ngôn từ một cách mới mẻ, độc đáo mà xưa nay hiếm thấy. Trong đó, tư tưởng Phật giáo Thiền tông được tập trung thể hiện khá đậm nét.

Không phải ngẫu nhiên mà Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được khởi đầu bằng Không Thanh. Một chữ Không này đã khiến cho rất nhiều học giả uyên bác phương Tây cảm thấy lúng túng, mơ hồ khi muốn bước vào cánh cửa u huyền của triết lý Đông phương. Triết lý Tính Không của Hoa Nghiêm tông là một trong những nét đặc trưng của giáo lý nhà Phật, có nét khu biệt với các nền triết học tư tưởng khác, thậm chí là với các tông phái khác trong Phật giáo. Tư tưởng chủ đạo của kinh Hoa Nghiêm xoay quanh vấn đề “Chân không, diệu hữu”. Chân Không  không có nghĩa là chấp vào cái Không với ý nghĩa không có gì, phủ nhận mọi sự vật, hiện tượng mà là cái có vi diệu.

Chữ Thanh là chữ rất quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, cũng là mấu chốt để thâm nhập vào toàn bộ nội dung tác phẩm. Thanh là tiếng, là lời nói, ở đây chính là giáo lý mà Ngô Thì Nhậm truyền dạy cho đệ tử. Ngô Thì Hoàng trong thanh dẫn lý giải rằng: “Khi mà Tý chưa mở, Sửu chưa sinh thì Thanh ở nơi hỗn độn. Khi Dương đã xuống, Âm đã lên thì Thanh quanh quẩn ở trong đó. Cái Hành (việc làm) và cái Thức (hiểu biết) từ xưa đến nay đều ở trong Thanh cả. Nghe thì nghe được, mà tìm thì không tìm được chính vì vậy mà gọi Không Thanh1. Không Thanh không phải là không có âm thanh, mà là “chân không diệu hữu” của Thanh.

Theo tư tưởng Phật giáo, Thanh TrầnTrần thứ hai trong Lục Trần (Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp). Do Lục Căn (Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý) tiếp xúc với Lục Trần mới sinh ra Lục Thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức). Mọi lý lẽ, nhận thức không ngoài Lục Thức mà có, nên Lục Trần là đầu mối quan trọng để đi vào Thế giới quan và Nhân sinh quan Phật giáo.

Trong kinh Lăng Nghiêm - một bộ kinh rất quan trọng của Đại thừa Phật giáo - đức Phật dùng âm thanh của tiếng chuông mà khai ngộ cho toàn thể các vị đệ tử của ngài, mà đại diện là A Nan : “Khi đó Phật liền bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi hỏi ông A Nan rằng : ‘Ông có nghe không ?’ A Nan thưa : ‘Nghe’. Đến lúc chuông hết ngân, Phật lại hỏi : ‘Ông có nghe không ?’ A Nan thưa : ‘Không nghe’. Phật lại bảo La Hầu La đánh lại một tiếng chuông nữa và hỏi : ‘Ông có nghe không ?’ A Nan đáp : ‘Nghe’. Phật hỏi : ‘Thế nào là nghe và thế nào là không nghe?’ A Nan thưa : ‘Vì đánh chuông có tiếng ngân nên con nghe, đến khi tiếng chuông hết ngân thì con không nghe’. Phật dạy : ‘A Nan ! khi tiếng chuông hết ngân ông nói rằng không nghe ; nếu ông thật không có cái nghe thì ông đồng như cây đá, tại sao đánh tiếng chuông thứ hai ông lại nghe? Vậy cho biết cái tiếng (cảnh) khi có khi không, chứ cái nghe (tâm) của ông thì lúc nào cũng có. Nếu cái nghe của ông thật không, thì cái gì biết được không nghe đó. Thế nên biết cái tiếng nó tự sinh và diệt, chứ cái nghe (tâm) của ông không phải vì tiếng sinh mà nó có, tiếng diệt thì nó không. Tại ông điên đảo, hôn mê nhận cái thường (tính nghe) làm đoạn diệt (tiếng), chứ không phải rời sáu trần cảnh : sắc, thanh, hương, v.v.. mà các giác quan thấy nghe hay biết của ông không có” 2.

 Quán Thế Âm Bồ tát là một vị Bồ tát có vị trí vô cùng quan trọng trong Phật giáo, rất được tín đồ sùng bái, vì tin tưởng rằng ngài quán xét tiếng kêu đau khổ của tất cả chúng sinh để đến cứu độ. Quán Thế Âm nghĩa là quán xét âm thanh của thế gian, trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh cũng nhiều  lần nhắc đến tên ngài.

Trong các quả vị tu chứng giác ngộ, Phật giáo đã chia ra các bậc như Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật, thì Thanh văn là bậc tu hành chứng quả thánh nhờ nghe giáo pháp của Phật.

Nhà Nho nói: “Thượng thiên chi tái vô thanh vô xú” (nghĩa là sự việc trên trời không tiếng không mùi) 3.

Để quán triệt được ý nghĩa của Thanh đầu tiên trong hai mươi bốn thanh không thể tìm hiểu hai câu kệ:

“Thị sắc phi sắc, Thị không phi không.”

(Sắc chẳng phải sắc, không chẳng phải không) 4.

Sắc, Không là hai phạm trù cơ bản của tư tưởng Phật giáo. Có lẽ hai câu kệ trên được tác giả tiếp thu trong Bát Nhã tâm kinh mà các chùa thường tụng hằng ngày: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị.” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng giống như vậy). Sắc ở đây chỉ cho mọi sự vật hiện tượng có hình tướng, có thể nhận biết được. Sắc, Không là hai phạm trù đối đãi nhau, nhưng bản thể thật tính của chúng không khác nhau.

Tư duy con người thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhưng hai yếu tố cơ bản là: bản năng tâm lý bên trong lẫn thế giới vật chất bên ngoài. Chỉ có ở trong trạng thái minh tĩnh, sáng suốt, thấu đạt Sắc Không thì mới có tuệ nhãn phân rõ chân giả, hư nguỵ không bị ngoại cảnh chi phối. Tức là lúc con người định tĩnh, lắng lòng quán xét, không có tạp niệm, bặt mọi lý lẽ, buông xả tất cả :

Điểu thân phi điểu,

Hoa hồn phi hoa.

Hành chỉ nhiêu tha,

Ngã nại ngô hà.”

(Thân chim chẳng phải chim, Hồn hoa chẳng phải hoa, Đứng đi là tùy nó, Ta nào có làm gì đâu) 5.

Ngô Thì Nhậm vận dụng phương pháp phá chấp trong kinh Kim Cương để trả lời câu hỏi: “Lý không noi theo hết được, Dục không cắt đứt hết được hay sao?” của học trò. Ông nói : “Không cắt thì đứt, cắt thì không đứt. Nước xem là nước thì đó không phải là nước thật, lửa xem là lửa thì đó chính là lửa giả; nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được” 6. Kinh Kim Cương có câu: “Sở ngôn nhất thiết pháp giả tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp”  (Nói là tất cả pháp, tức không phải tất cả pháp, cho nên gọi là tất cả pháp) 7.

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã chỉ ra cách nhìn để thấy được chân tướng của vạn vật, thấu rõ các phạm trù Sắc, Không, đạt đến cảnh giới vô ngại; không bị ràng buộc bởi ngoại cảnh, không chấp trước vào ngãpháp. Đây chính là quan niệm nền tảng, là xương sống để triển khai các Thanh khác. Từ cái Chân Không (cái không chân thật) này sản sinh ra cái Diệu Hữu (cái có vi diệu) nhằm đập tan mọi sự si mê, u tối;  khai thông trí tuệ, mở ra con đường sáng cho người nghe.

Không Thanh không phải là phủ nhận sự tồn tại của âm thanh, mà là cảnh giới tịch tĩnh của Chân Tâm thanh tịnh, không còn tạp âm, tạp niệm như ánh sáng của mặt không bị mây đen che khuất, trời chiếu soi tất cả mọi chỗ. Khi nội tâm con người thông suốt, sáng rõ thì tự nhiên sẽ nhận chân được bản chất của vạn vật, chân tướng của vạn pháp, thoát ra ngoài mọi định kiến, chấp trước, được an nhiên tự tại. Liễu ngộ được cái lý Không Thanh trong muôn vàn âm thanh tạp loạn của cuộc sống chính là Giải thoát, là Niết Bàn theo ngôn ngữ nhà Phật.

Phương pháp phá chấp của nhà Phật được tác giả phần Chính văn hình tượng hóa một cách sinh động, linh hoạt: “Nước xem là nước, thì đó không phải là nước thật; lửa xem là lửa, thì đó chính là lửa giả. Nước thật thì nóng được; lửa thật thì lạnh được. Cho nên kẻ nào hữu dục là vô dục, vô dục là hữu dục8. Mới nghe qua những lời trên đây, xét về mặt hiện tượng, tưởng chừng như rất vô lý, nhưng nếu chúng ta tĩnh tâm quán xét chúng trong tính bản thể thì sẽ thấu đáo hơn. Ý thức và sự vật vốn luôn biến chuyển không ngừng, nên nếu nhận thức một cách cố chấp thì dễ mắc sai lầm. Chấp thường (cho rằng sự vật tồn tại vĩnh viễn) hay Chấp đoạn (cho rằng sự vật mất đi vĩnh viễn) đều là phiến diện dễ dẫn đến sai lầm. Không chấp trước chính là quan ải trọng yếu đưa con người đến được sự nhận thức chính xác, đúng với bản chất của sự vật và là điều vô cùng cần thiết dẫn đến nội tâm an lạc, sáng suốt, minh tuệ.

Sinh, Diệt là những khái niệm quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Triết lý Vô thường (không thường hằng) của vạn vật được diễn tả qua bốn giai đoạn Sinh (sinh ra), Trụ (tồn tại), Dị (biến đổi), Diệt (mất đi). Đối với con người, quy luật này được cụ thể hóa thành Sinh (sinh ra), Lão (già đi), Bệnh (bệnh tật), Tử (chết ). Ni sư Diệu Nhân thời Lý quan niệm về vấn đề này như sau:

“Sinh lão bịnh tử,

Tự cổ thường nhiên.

Dục cầu xuất ly,

Giải phọc thiêm triền.”

(Sinh già bệnh chết, xưa nay đều như thế, muốn tìm cách thoát khỏi, càng bị trói buộc thêm) 9.

Hải Lượng thiền sư trả lời câu hỏi: “Phật nói bất sinh, sao lại có sinh; Phật nói bất diệt, sao lại có diệt?” của các môn đệ rằng: “Có sinh là bất sinh, có diệt là bất diệt.” 10. Về mặt hiện tượng, rõ ràng là vạn vật có sinh, có diệt; nhưng thực chất vạn vật vốn không sinh, không diệt, chúng chỉ là từ hình thức này biến chuyển thành một hình thức khác mà với nhận thức thông thường, quan sát trực quan khó nhận biết được. Nói bất sinh, bất diệt là nói chân tướng, bản thể của sự vật, hiện tượng; nói có sinh, có diệt là nói sự thể hiện hình tướng nhất thời của vạn vật. Phải chăng, học trò của Ngô Thì Nhậm đã đọc đoạn: “Xá Lợi Tử ! thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” 11, nhưng có thể ông chưa hiểu hết ý nghĩa chiều sâu áo bí của tư tưởng Bát Nhã trong Bát Nhã tâm kinh nên mới nói như vậy. Với kiến thức uyên thâm và sự thấu đáo bằng sự đích thân trải nghiệm, Ngô Thì Nhậm đã dùng hình thức công án và phương pháp phá chấp để thúc bách người học  tự thân chiêm nghiệm, tự thân lãnh hội.

Khái niệm về tưởng trong giáo lý nhà Phật được tác giả lý giải qua đoạn đối thoại sau: “Thầy nghẹn thì có tưởng được gì không?

- Ta tưởng cái phi tưởng, chưa đến được cái phi phi tưởng cho nên

nghẹn12.

Để giải thích cho người học dễ nắm bắt, Ngô Thì Nhậm dẫn lời của đức Phật: “Nếu lấy cái tưởng mà tưởng cái phi phi tưởng, nếu lấy cái kiến (thấy) để kiến (thấy) thì khó kiến (thấy) Như Lai.”

Nhà Phật cho rằng nhận thức một đối tượng mà không nhận thấy đối tượng đó đúng như bản chất vốn có của nó, mà bị chi phối bởi những tạp niệm là tưởng, nghĩa là nhận thức một cách sai lầm. Người học Phật, tu thiền, đến mức không bị ngoại cảnh chi phối, lắng lòng được thanh tịnh, vượt qua được cái tưởng đến cảnh giới phi tưởng, thì dù tu đến phi tưởng, vẫn còn bị chi phối bởi bản năng và định kiến tâm lý. Nếu như người tu đạt đến phi tưởng mà chấp vào đó, cho là chỉ có bản thân mình tu đạt đến cảnh giới cao, nhận thức đúng, thì cũng vẫn là sai lầm, chấp trước. Tu luyện cao hơn một tầng nữa, vượt qua khỏi tưởngphi tưởng, không còn chấp vào phi tưởng là đúng thì mới đạt đến phi phi tưởng.

Thủ pháp ẩn dụ với trạng thái tâm không chuyên nhất, không tập trung, bị vướng bận được tác giả nghệ thuật hoá một cách rất sinh động bằng hình ảnh đang ăn bị nghẹn. Phải  chăng, tác giả tự nhận mình chưa tu đến cảnh giới phi phi tưởng, hay là do thấy căn cơ của học trò mình chưa thể chưa thể lãnh hội được triết lý cao siêu, hoặc ông vẫn chuộng hướng thực tiễn tu cõi Nhân thừa, tu thân làm gốc?

Ở chương Hoán Thanh, lý luận về nhân quả, nghiệp báo, luân hồi được triển khai và lý giải sâu sắc: “Hải Lượng đại thiền sư nói: Người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh. Đồ đệ bạch với thầy rằng: Phật nói người chết thì làm dê, dê chết thì làm người, là thế nào? Thầy trả lời rằng: Nho nói thấy lợn đội bùn, chở ma một xe, thì nhà ngươi cho đó là ma thật, lợn thật hay sao? Mắt vốn sáng mà hoa, tai vốn tỏ mà ù, mắt hoa thì không có bóng, tai ù thì không có vang13. Hình thức bên ngoài khác nhau của mỗi loài chính là do nghiệp cảm của mỗi loài khác nhau, tức là nhân khác nhau thì quả khác nhau. Nói người là người, ma là ma,  súc sinh là súc sinh, chính là nói hình tướng thể hiện. Tiếng gọi xuất phát từ cái tâm từ bi của thiền sư nhằm tỉnh thức những người phàm phu còn bị say mê trong loạn tưởng, chưa phân biệt được rõ ràng đâu là thật đâu là giả. Nhân và quả của những hành vi thiện hay ác đều rất rõ ràng minh bạch thường được nhà Phật xem trọng, biện giải khúc chiết nhằm cảnh tỉnh mọi người. Thiền sư dẫn lời trong kinh Dịch:Kiến thỉ phụ đồ, tái quỷ nhất xa.” (Thấy lợn đội bùn, chở ma một xe) 14, để giải thích những thắc mắc của học trò theo hướng thực tiễn, không muốn đi sâu vào những vấn đề mang tính siêu hình mà mắt thường không nhìn thấy được. Nhất là không nên cố chấp và bám víu vào ngôn ngữ, vì như vậy thì không thể nào hiểu thông được lời Phật, lời Thánh nhân. Tiếng gọi của thiền sư đưa người từ bến mê lầm, chấp trước sang bờ giác ngộ giải thoát, từ vọng tưởng điên đảo trở lại an lạc sáng suốt; chấm dứt nghiệp ác, khai mở đường thiện. Hoà thượng Hải Âu luận giải về nhân quả, luân hồi rằng: “Người có đạo của người, ma thì có đạo của ma, súc sinh thì có đạo của súc sinh. Đại thiền sư nói người ma, súc sinh là nói đều tự có hình khí vậy. Phật nói người chết làm dê, dê chết làm người, ý có lẽ muốn nói rằng, người vốn có đạo của người, nếu thiên lương bị táng tận, thì nhân tính bị huỷ diệt, phải đi vào cái đạo của súc sinh. Dê vốn ở trong đạo của súc sinh, nhưng hé ra một tia sáng, thì nghiệt căn tự khắc bị chặt đứt, mà được đi vào cái đạo của người15.

Hải Lượng thiền sư vận dụng cách hiểu thực tế của nhà Nho để trả lời câu hỏi của học trò về lý nhân quả của Phật và thạc quả của Nho một cách dung thông như sau: “Đây là chữ quả trong quả nhiên, cũng như nhà Nho nói chữ tất trong chữ tất nhiên. Ví như nhà Nho nói nhà nào tích trữ điều thiện, tất nhà ấy có thừa phúc; nhà nào tích trữ điều bất thiện, tất nhà ấy có thừa tai ương. Quả có cái ấy, thì được cái ấy, đó tức là quả. Còn thạc quả (quả lớn) tức là công quả , phúc quả nói chung. Vì vậy cho nên, phúc không nên hưởng hết, công không nên kể hết, quả không nên ăn hết”  16.

Ông phân tích, giải thích về thuyết luân hồi như sau: Một năm có cái xoay vòng của một năm, một tháng có cái xoay vòng của một tháng, một ngày có cái xoay vòng của một ngày. Vì có cái bánh xe (luân) cho nên mới vòng (hồi), ví như sự quay vòng của nhà Nho, vì là cái vòng (hoàn) nên mới có thể ven theo vòng (tuần), không có cái vòng thì không thể ven theo vòng được. Nhà Phật nói cái bánh xe, nhà Nho nói cái vòng tròn. Cái bánh xe và cái vòng tròn là đạo trời vậy.

Ở chương Thu thanh, tác giả phần chính văn dẫn lời trong kinh Liên Hoa để hiển dương tư tưởng bình đẳng của nhà Phật: “Ta xem hết thảy đều là bình đẳng, không có lòng yêu này ghét nọ. Ta không tham lam, cũng không ngáng trở. Đó là cái nghĩa đại đồng của Nho gia17.

Tư tưởng bình đẳng được vị thiền sư khơi nguồn cho dòng thiền Trúc Lâm đời Trần là Tuệ Trung Thượng sĩ, người đã triệt ngộ, sống trọn vẹn với con người thật trong mỗi con người, đã khẳng định rằng :

     Mi mao tiêm hoành tỵ khổng thuỳ,

  Phật dữ chúng sinh đô nhất diện.

(Cũng nét mày ngang đường mũi dọc,

    Phật với chúng sinh mặt khác nào) 18.

  Quan niệm Phật và chúng sinh hoàn toàn bình đẳng đều có cùng bộ mặt thật với lông mày ngang, đường mũi dọc thật là hy hữu hiếm thấy trong thời trung đại, thời kỳ mà ý thức hệ phong kiến với các thế lực siêu nhiên chi phối bao  trùm lên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những lực lượng bất khả xâm phạm này được nhìn nhận là đấng siêu nhiên, bậc bề trên của con người. Thời kỳ này ngay cả vua của một nước lớn như Trung Quốc cũng chỉ dám xưng là thiên tử (con trời), chiếu chỉ vua ban đều phải mở đầu bằng câu : Phụng thiên thừa vận (tuân theo mệnh trời), nhưng ở đây Tuệ Trung đã dám công nhiên khẳng định Phật và tất cả chúng sinh bình đẳng như nhau. Chính cái nhìn vượt không gian, thời gian này của Tuệ Trung là cơ sở vững chắc, mang tính nhân văn với ý nghĩa cao nhất, siêu việt của thời đại về sự bình đẳng tuyệt đối không chỉ giữa người và người mà còn giữa mọi chúng sinh với Phật, Trời, Thần, Thánh. Bởi vì xét về mặt bản thể tự tính, tất cả đều bình đẳng, không phân biệt, cùng địa vị như nhau. Nói cách khác đó chính là vô vị chân nhân, tức con nguời thật không địa vị.

Kế thừa tư tưởng bình đẳng của thiền phái Trúc Lâm, Ngô Thì Nhậm triển khai nó qua tinh thần yêu thương con người và vạn vật một cách không phân biệt trên nền tảng triết lý tính không ở chương đầu tiên, quán triệt, thể nghiệm sâu sắc, có cơ sở hơn khi thể hội vào Phật tính bình đẳng trong mọi chúng sinh ở chương Kiến thanh. Không những vậy, ông còn thực tiển hoá tinh thần bình đẳng của nhà Phật qua việc dung hoà cái nghĩa đại đồng trong tinh thần Nho gia vào trong tư tưởng bình đẳng của Phật gia.

Đức Điều ngự Giác hoàng (một trong 10 hiệu của Phật Thích Ca) nói rằng: Người nào tìm ta bằng âm thanh, tìm ta bằng sắc tướng, người ấy theo tà đạo, không thể thấy được Như Lai  19. Trích dẫn trên là do Ngô Thì Nhậm đã lấy lại bài kệ trong kinh Kim Cương Bát nhã ba la mật đa :

 Nhược dĩ sắc kiến ngã,

 Dĩ  âm thanh cầu ngã.

 Thị nhân hành tà đạo,

 Bất năng kiến Như Lai 20.

Tinh thần phá chấp có vị trí quan trọng trong giáo lý nhà Phật, nếu không quán triệt được tinh thần này khó lòng đi sâu vào giáo lý đại thừa của Phật giáo. Nhưng nếu dịch như trên, vừa không rõ nghĩa, vừa dễ hiểu lầm ý nghĩa sâu xa trong kinh. Theo thiển ý của chúng tôi, bài kệ này nên dịch là:

 Nếu thấy ta qua sắc tướng,

Cầu ta qua âm thanh.

Người đó theo tà đạo,

Không thấy được Như lai.

Chữ Như lai được Hải Lượng thiền sư giải thích theo tinh thần của kinh Kim Cương: Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như lai. (Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cho nên gọi là Như lai) 21. Như lai ở đây chỉ cho chân tâm, Phật tính, cái mà ở phàm không tăng, ở thánh không giảm, ở Phật và chúng sinh không khác nhau. Cái đó không thể tìm cầu qua âm thanh, nhìn thấy qua sắc tướng được, chỉ có lắng lòng, tịnh tâm để thể hội mà thôi.

Nhà Phật quan niệm rằng sở dĩ con người có những nhận thức sai lầm phần lớn là do lục căn (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn) điên đảo tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh ra lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Sắc trần, thanh trầnhai trần đứng hàng đầu trong lục trần, cũng là hai đối tượng chủ yếu tác động đến nhãn căn, nhĩ căn. Nhãn căn tiếp xúc với sắc trần ; nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần. Đây là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng quyết định đến sự nhận thức đúng hay sai về bản chất của thế giới khách quan.

Tác giả đã thể nghiệm và thấu triệt tư tưởng chủ đạo của kinh Kim Cương là tinh thần phá chấp triệt để nên đã dẫn lại lời Phật qua bài kệ trên nhằm thức tĩnh người học không nên chấp vào âm thanh và sắc tướng, nếu chấp vào âm thanh và sắc tướng thì không thể nhận thức đối tượng một cách chính xác như nó đang là. Bởi vì Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như lai (Tất cả cái gì có hình tướng đều là không thật, nếu thấy được cái không tướng của các tướng tức thấy được Như lai) 22.

Có thể nói rằng, hầu hết những tư tưởng, triết lý cốt tuỷ của những bộ kinh quan trọng thuộc hệ thống kinh điển đại thừa như: kinh Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Viên Giác, kinh Lăng Già, kinh Lăng Nghiêm... và tinh thần chủ đạo của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều được thể hiện một cách sinh động và mới mẻ trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của danh nhân cư Nho mộ Thiền Hải Lượng Ngô Thì Nhậm. Phải chăng Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là sự tái hiện kinh Viên Giác theo sở kiến của Ngô Thì Nhậm bằng ngôn ngữ nghệ thuật như cách nói của một số pháp hữu và đệ tử của ông, cùng của những nhà nghiên cứu hiện nay. Lời gợi ý của Trần Thị Băng Thanh: Muốn biết Hải Lượng đại thiền sư Ngô Thì Nhậm đã đóng góp những gì cho giáo lý triết học Trúc Lâm cần phải đối chiếu công phu giữa Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh với bản kinh và các sách xung quanh Viên Giác kinh 23, cũng là một minh chứng cho vấn đề vừa nêu. Với tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm, tư tưởng đại thừa Thiền tông Phật giáo được thể hiện một cách mới mẻ và thực tế, gần gũi và sáng rõ bằng nghệ thuật ngôn từ dưới nhãn quan của nhà Nho chân chính.

Trên đây, bài viết bước đầu giới thiệu một số phạm trù cơ bản của tư tưởng triết lý Phật giáo đại thừa được thể hiện trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh như: nhân quả, luân hồi, thiện ác, nghiệp báo, sắc không, tính không, lục căn, lục trần, lục thức, chân không diệu hữu, nhân ngã, sinh diệt, bình đẳng, Như lai, Phật tính v.v.. mà những phạm trù tư tưởng trên là những vấn đề phức tạp, nên cần được nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn.

Ths. Trần Hoàng Hùng (*)

(Thích Hạnh Tuệ)

CHÚ THÍCH :

(*) ThS. NCS. Trường ĐKHXH&NV – ĐHQG TP. HCM

1  Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 144.

2 Kinh Lăng Nghiêm, Thích Thiện Hoa dịch và chú, Thành hội Phật giáo Thành phố HCM, xuất bản, 1990.

3 Khổng Tử san định, Kinh Thi, thiên Đại Nhã, quyển 2, NXB Văn học, HN, 2007, trang 495.

4 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 146.

5 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 146,

Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 152.

7 Kinh kim cương hôi giải, Hội Phật tử Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1953, trang 97.

8 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 152.

9 Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977.

10 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 156.

11 Kinh Bát nhã tâm kinh.

12 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, trang 170.

13 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, tr 193.

14 Kinh Dịch, quẻ Thiên phong cấu, dẫn lại: Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, tr 196.

15 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, tr 194.

16 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, tr 399.

17 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, tr 224.

18  Viện Văn học, Thơ văn Lý –Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH HN, 1989, tr 285.

19  Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, t5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, tr 247.

20 Kinh kim cương hội giải, Hội Phật tửViệt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1953, trang 119.

21 Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, tr195.

22  Kinh kim cương hội giải, Hội Phật tử Việt Nam, Sài Gòn, xuất bản, 1953, tr 45.

23  Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Nhậm - một tấm lòng Thiền chưa viên thành, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (58) – 2003, tr 18.

Nguồn: Văn học và Ngôn ngữ

Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2024
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này