Sáng ngày mùng 7/02/năm Quý Tỵ (Nhằm ngày 18/03/2013), Ban Trị Sự Thành Hội Phật giáo thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), đã tổ chức lễ triệu hồn – cầu nguyện siêu độ cho nạn nhân tử vong tai nạn giao thông ngày 08/03/2013 tại phường Cam Nghĩa, Cam Ranh vừa qua.
Chứng minh và tham dự đại lễ cầu siêu có: TT.Thích Giác Không - Trụ trì chùa Phước Long - Phó BTS Thành hội Phật giáo Cam Ranh cùng Chư tôn đứcTăng Ni trong BTS Thành hội PG Cam Ranh; Chư tôn đức Ban Kinh Sư Phật giáo Khánh Hòa và TT.Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang. Ngoài ra còn có Ban Hướng Dẫn GĐPT chùa Phước Long cùng đông đảo Phật tử các tỉnh lân cận, người thân của các nạn nhân và thông tấn báo chí cũng đến đưa tin.
Được biết, Đại lễ cầu siêu diễn ra trong không khí trang nghiêm tại chùa Phước Long theo nghi lễ Phật giáo, gồm các lễ: Lễ hưng tác thượng phan; lễ niêm hương bạch Phật khai kinh – Cúng ngọ - Tiến linh; chẩn bần; tụng kinh Thủy Sám cầu nguyện Quốc thái dân an; lễ triệu hồn – cầu nguyện siêu độ nạn nhân tai nạn giao thông ngày 08/03 tại địa điểm xảy ra tai nạn; rước linhvị các tử nạn về chùa Phước Long – khai thị và quy y cho hương linh; cúng linh; thuyết Pháp.
Trong Kinh Phật, những cái chết vì tai nạn trên đường được coi là cái chết oan, chết uổng. Linh hồn của họ vẫn chưa thể siêu thoát. Vì vậy rất cần sự trợ lực của Chư Phật và Bồ tát về mặt tâm linh, để giúp những linh hồnđó siêu thoát, nhẹ nhàng hơn trong một thế giới khác.Trong Đại lễ cầu siêu này, TT.Thích Giác Nghĩa - Phó Ban Nghi Lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa làm Sám chủ gia trì đàn. Theo Thượng tọa: “Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, nhằm thể hiện sự quan tâm của GHPG Cam Ranh thông qua việc giúp cho các hương linh được nhẹ nhàng siêu thoát, cầu cho xóa hết tai nạn nơi đoạn đường đó và bù đắp phần nào nổi đau mất mát lớn của thân nhân người bị nạn. Lợi ích của lời kinh tiếng kệ, của người gia trì đàn tràng cùng những vị hộ đàn, của Thầy Trụ trì chùa Phước Long… đạo cao đức trọng, sẽ giúp cho cáclinh hồn nhẹ nhàngthảnh thơi, trút bỏ những giận hờn phiền não, dễ tha thứ chonhau và mau siêu thoátlà vậy.
Đồng thời, qua Đại lễ cầu siêu này, TT.Thích Giác Không – Trụ trì chùa Phước Long muốn gửi thông điệp đến đội ngũ tài xế (người giữ sinh mạng của nhiều người), cần cẩn trọng hơn khi điều khiển phương tiện giao thông, đừng để xảy ra những việc đau lòng nói trên.
Trở lại vấn đề hai xe khách đối đầu để xảy ra vụ TNGT thảm khốc ở khu vực khúc cua trên quốc lộ I (đoạn qua tổ dân phố Nghĩa Bình - P.Cam Nghĩa - TP Cam Ranh - Khánh Hòa) do 3 nguyên nhân:
- Thứ nhất do việc vận chuyển bùn mía để rơi vãi trên đường của xe tải đã tạo tình huống bất ngờ, gây trơn trượt.
- Thứ hai do xe khách Chín Nghĩa (Quảng Ngãi) vào đường cong theo hướng Bắc - Nam chạy quá tốc độ cho phép (90/70 km/h).
- Nguyên nhân thứ ba do có những người thiếu trách nhiệm, vượt qua phần mình mà không nghĩ đến người đi sau có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông mà mình mới vừa thoát khỏi lưới hái tử thần.
Bệnh lơ là, chủ quan của một số người không quan tâm đến sự an nguy người khác, để xảy ra những cái chết oan uổng, gây đau khổ cho những người thân của họ, cái lỗi này thấy nhỏ nhưng để lại hậu quả xấu rất lớn cho người chung quanh. Đây là hành vi của con người thiếu đạo đức, họ hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Quả thật, không thể dung thứ cho những hành động thiếu trách nhiệm ấy vì nó đồng nghĩa với tội ác. Một người nếu có thái độ làm việc thận trọng, có thể tránh hoặc giảm nhẹ được tai nạn. Tiếc rằng trong nhiều trường hợp, người Việt Nam ta chưa thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm đó, cho nên đã để xảy ra nhiều tai nạn giao thông mà hậu quả thật đau lòng.
Theo lời kể của người dân địa phương: “Trước thời điểm hai xe khách đâm nhau, vào khoảng 0h00” họ nghe có tiếng thắng xe rợn người trên mặt đường cái, nên vội vàng mở cửa ra xem thì thấy có một, hai chiếc xe dừng lại bên lề, người tài xế kể rằng họ vừa thoát nạn trong gang tấc do có sự cố trơn trợt khi xe chạy qua đoạn đường này. Họ ngồi nghỉ một lát để lấy lại tinh thần rồi mới đi tiếp. Và họ đi chưa bao lâu thì nghe tiếng ầm lớn va chạm vào nhau trước đường cái nữa. Sau tiếng "ầm" đó, một cảnh tượng hết sức hải hùng bày ra trước mắt mọi người. Đáng ra, người vừa thoát hiểm đã thấy trước khả năng xảy ra tai nạn, nên tìm biện pháp phòng ngừa, gây sự chú ý, cảnh báo cho người đi sau biết là đang có chướng ngại vật trên đường, để họ có biện pháp xử lý tình huống kịp thời, nhưng vì chủ quan, thiếu thận trọng, cho nên những người tài xế trước đó đã để xảy ra tai nạn thật thương tâm. Sau tai nạn kinh hoàng, hàng chục xe máy chạy qua đây cũng bị ngã, công an và người dân phải dựng dây cảnh báo. Chúng ta thấy chỉ một vô ý nhỏ mà làm thiệt mạng nhiều người.
Bởi vậy, trong cuộc sống và làm việc, nếu thiếu đi hai chữ TRÁCH NHIỆM thì rất nhiều việc sai lầm cứ nối tiếp diễn ra, sẽ gây tổn thương, thiệt hại rất nhiều. Do đó, sống có trách nhiệm là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, là giá trị của con người chúng ta. Những lời Phật dạy về giáo lý nhân quả, từ bi, vị tha, can đảm, v.v… vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Luật Nhân Quả là một lẽ thực cụ thể. Lý nhân quả giúp con người có tinh thần trách nhiệm, sáng suốt, biết lựa chọn nhân tốt để làm - nhân xấu để tránh. Và lỡ tạo nhân xấu rồi, thì sẵn sàng chấp nhận quả xấu một cách gan dạ không sợ sệt, không lẩn trốn, tự giác nhận khuyết điểm đã để xảy ra sai sót, không đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác, thấy rằng “Quyền lợi luôn gắn với trách nhiệm”. Đồng thời nhà nước cũng cần tuyên truyền cái “Luật” dành cho những người thiếu tinh thần trách nhiệm với mục đích ngăn ngừa tai nạn dẫn đến những cái chết và thương tật cho con người.
Vì yêu thương con người, chắc hẳn ai cũng mong muốn trong đời sống cộng đồng, có rất nhiều người sống có trách nhiệm để làm gương cho đời. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Do đó, chúng ta phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng, để giảm bớt nổi đau cho mình và cho người.
Tiếp theo chương trình Đại lễ cầu siêu, đúng 6h30”, tại chùa Phước Long có thời thuyết Pháp do TT.Thích Chân Quang (BRVT) đảm trách với sự tham dự của trên 2000 Phật tử đến từ các tỉnh thành và tại địa phương. Bài Pháp thoại có chủ đề VƯỢT LÊN THÂN PHẬN CON NGƯỜI, đã gợi tả bao suy tư sâu sắc về kiếp người vốn nhiều đau khổ trầm luân mà nhiều khi ta không biết.
Để hiểu rõ triết lý này, bằng nhiều ví dụ được mô tả đầy ấn tượng, sau khi phân tích, đánh giá, Thượng tọa đã đem đến cho người nghe cái cảm giác ái ngại, xót xa cho số phận làm kiếp con người vui ít khổ nhiều. Thậm chí kể cả người giàu có, cũng không phải tâm họ hoàn toàn an vui hạnh phúc. Có khi “Tiền” nhiều, nó lại là mối họa là gánh nặng và Thượng tọa phân tích lý giải: Vì sao có nhiều tiền mà không phải là hạnh phúc thật sự, ngược lại nó trở thành mối họa và là gánh nặng của bản thân. Qua đó nhắc nhở Phật tử phải dùng cho chính xác đồng tiền có được. Nếu ta sử dụng đồng tiền sai mục đích, biếu tặng không đúng chỗ, đúng người, hoặc hưởng thụ sa đọa thì người như vậy mắc tội và tổn phước rất nặng.
Riêng với người nghèo khó, Thượng tọa chứng minh cuộc sống thực của họ không hề nhẹ nhàng, vẫn bộn bề chồng chất nỗi lo. Họ thiếu thốn vật chất đã đành mà tâm hồn thì luôn bất an. Ngẫm lại cuộc đời họ ôm lấy nhiều đau khổ hơn và cái khổ nhất là không biết mình khổ nên không hề nghĩ đến việc làm thế nào để vượt thoát đau khổ. Vì vậy nổi khổ đó không bao giờ hết. Chỉ khi nào ta biết mình khổ thì mới bắt đầu mở con đường thoát khỏi khổ đau. Còn không nhận chân được đau khổ là chưa có tiền đề để nói đến giải thoát. Chính vì thế mà trong Tứ Diệu Đế thì Khổ đế được đề cập trước hết, và đối diện với đau khổ chính là yêu cầu trước hết để chiến thắng đau khổ. Giải thoát khỏi đau khổ xét cho cùng không phải là chấm dứt sự hiện diện của đau khổ trong cuộc đời, mà chính là sự nhận thức rõ bản chất của khổ đau và chuẩn bị cho mình một bản lĩnh để vượt lên trên đau khổ đó.
Cái khổ thứ hai là quen cam chịu khổ rồi nên không thể thoát ra. Và cứ thế, họ để cho cuộc sống trôi qua một cách thụ động, không hề nghĩ đến việc làm thế nào để vượt thoát đau khổ. Vì thế khổ nối tiếp khổ.
Có trường hợp, người có trí tuệ biết mình khổ nhưng không biết làm sao cho hết khổ, vì họ chưa đủ duyên gặp được vị Thầy tốt để nương theo.
Lại có hạng người sai mê dục lạc cuộc đời và chấp nhận đau khổ. Ví dụ sắc dục là lạc thú không bỏ được, cứ thà luân hồi sinh tử mà có lạc thú là được. Bằng lý luận sắc bén, Thượng tọa phân tích cái công ta bỏ ra để tìm được lạc thú thì giá trị nó gấp 10 lần cái lạc thú trần gian ta được hưởng. Vì dụclà con đường dẫn đến khổ đau, do đó Đức Phật tuyên bố: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn”. Và đến khi không còn khả năng đi tìm lạc thú nữa thì chỉ còn đau khổ mà thôi. Chỉ những người có thiện căn (Ý thức được đời là khổ) thì mới có đường lối tu hành để vượt lên đau khổ.
Chính vì thấy chúng sinh mãi chìm trong đau khổ mà không ý thức điều khổ, nên nhiều bậc Thánh đã đến với cuộc đời (bằng cách này hay cách khác), để nhắc chúng sinh về điều đó và mở cho chúng sinh hướng đi khác, cho chúng ta thoát khỏi thân phận làm người. Và trong tất cả các vị Thánh đã đến với cuộc đời để cho chúng ta biết rằng: Chúng ta đang đau khổ, để chỉ cho chúng ta một chân trời mới vượt khỏi đau khổ đó là Đức Phật. Phật dạy cho ta có một Niết bàn tuyệt đối (Vượt ngoài không gian, thời gian, phủ trùm cả vũ trụ). Cái khái niệm này chúng ta hiểu không ra, hình dung không tới, suy luận không được, vì vậy Phật pháp là điều khó hướng về. Chỉ những người cực kỳ có trí tuệ, cực kỳ có thiện căn (Vì kính Phật, tin Phật. Đây là thiện căn của nhiều kiếp) mới tin vào cái điều mà chính mình không hiểu nổi.
Hể nói tới Niết bàn, sự thật ta không hiều hết nhưng có niềm tin gì kỳ lạ đối với lý tưởng Niết bàn đó và đem hết cả cuộc đời mình để đi theo. Nhân đây Thượng tọa điểm qua bốn Thánh quả trong đạo Phật. Và nhắc nhở chúng ta biết ơn các bậc Thánh đó đã đến với trần gian đánh thức tâm tư của ta, để biết rằng ta từ lâu là những kẻ cùng từ lang thang, là những kẻ chìm trong luân hồi - sinh tử - si mê. Hôm nay chúng ta phải hiều điều đó để tìm đường bước ra.
Mà từ thân phận này muốn bước lên thân phận kia ta phải có công đức, nội tâm phải chuyển hóa, đôi tay phải hành động, làm được rất nhiều công đức giúp đời, giúp người, phước phải thật dày thì ta mới bước lên thân phận mới. Mà nếu thiếu phước sẽ tuột xuống lại.
Trong một ý nghĩa khác, Phật dạy cho chúng ta một quan điểm trung đạo (hay gọi là một quan điểm phi thường) nghĩa là ta sống độ lượng với đời, gieo nhiều ân nghĩa với đời, nhưng không đắm nhiễm cuộc đời. Đó là đạo lý của sự giải thoát, là con đường để ta thoát khỏi cuộc đời. Nên người nào sống không độ lượng, không tử tế, không gieo ân nghĩa với đời thì không có phước. Dù cho người đó không đắm nhiểm đời cũng chẳng bao giờ vượt lên được. Còn người sống tử tế, độ lượng, giúp đời nhưng đắm nhiểm đời cũng không giải thoát được. Cho nên, cái trung đạo chính là yêu thương cuộc đời này, độ lượng với con người, tử tế với chúng sinh nhưng lòng không đắm nhiễm, thấy đời thăng trầm không màn.
Đây là đạo lý sống Đức Phật dạy ta và là một quan điểm phi thường, chứ thường chúng ta hay mắc kẹt một trong hai. Tức là hoặc ta sống tốt với đời, làm nhiều việc từ thiện, nhưng rồi đắm nhiễm đời (ham danh, ham lợi, cầu phước). Còn người không đắm nhiểm đời nhưng cũng chẳng thương ai, chẳng tử tế với ai thì người này phước sẽ cạn dần dần và cũng chẳng đến đâu được. Không đủ sức bật để vượt lên một thân phận mới. Vì vậy, cái quan điểm phi thường Phật dạy ta, chính là độ lượng, tử tế, gieo nhiều ân nghĩa với đời nhưng không đắm nhiễm cuộc đời.
Để có thể sống đúng được với quan điểm trung đạo này, Thượng tọa vạch ra một số điều căn bản giúp người Phật tử áp dụng cho sự tu hành cũng như trong cuộc sống. Qua đó người Phật tử thấu đáu được một cách đầy đủ về ý nghĩa thiêng liêng của bước ngoặt đời mình, để rồi họ cùng nhìn về một hướng giải thoát. Tương lai sẽ khác hơn khi họ nghe được bài Pháp thoại VƯỢT LÊN THÂN PHẬN CON NGƯỜI. Phải chăng, khi ý thức được nhen lên, chắc chắn con người có đủ dũng khí để vượt lên thân phận, không để hạnh phúc cao thượng đó vuột khỏi tầm tay mình. Và chính sức mạnh tình thương của người Thầy dạy đạo sẽ giúp con người vượt qua tất cả trở lực của cuộc sống và bản thân họ. Bài Pháp ấm lòng ta bởi niềm tin vào con người tuyệt đối. Khi lòng người được tịnh hóa,ai cũng muốn vượt khỏi thân phận tầm thường đó, mà chính sự nổ lực tu hành chân chính sẽ cho họ thân phận cao hơn con người.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận về toàn cảnh Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong tai nạn giao thông ngày 8/03 tại phường Cam Nghĩa, Cam Ranh do BTS Thành Hội PG Cam Ranh tổ chức và quang cảnh buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang tại chùa Phước Long: