Nếu nói gia đình là một viên gạch chất lượng để xây dựng nên một xã hội tươi sáng thì đời sống đạo đức và nếp sống văn hóa của mỗi thành viên trong gia đình chính là nền móng vững chắc để tạo nên một gia đình văn hóa, lành mạnh, an vui hạnh phúc. Cùng với sự hấp thụ nền giáo dục đạo đức, kiến thức từ nhà trường, từ cuộc sống, thì mỗi người trong chúng ta rất cần đến sự quan tâm giáo dục đạo đức, lề lối sinh hoạt, nếp sống văn hóa từ ông bà cha mẹ và anh chị trong mỗi gia đình. Thật vậy, mái ấm gia đình vừa là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy, vừa là môi trường giáo dục căn bản sâu sát và toàn diện để chúng ta rèn luyện đạo đức nhân cách trong quá trình trưởng thành trước khi bước ra trường đời cống hiến cho xã hội.
Chúng tôi nêu lên tầm quan trọng của vấn đề này là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm hoằng pháp của Phật giáo nói chung và của Ban Hướng dẫn Phật tử nói riêng, đã đến lúc chúng ta phải thật sự có trách nhiệm trước vấn đề hôn nhân và hạnh phúc gia đình của người Phật tử, để chia sẻ gánh nặng cho xã hội và góp phần tạo nên một môi trường trong sáng lành mạnh, dạt dào tình yêu thương tôn trọng hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ hôn nhân, để từ đó những người Phật tử tại gia có thể thuận lợi hơn trong việc tu tập cũng như đóng góp công sức của mình cho đạo pháp và dân tộc…
Vì sao cần phải thực hiện lễ Hằng Thuận:
Trong đời sống nhân loại hiện nay, một thực tế đáng buồn là chúng ta đang sống trong một thế giới có đến 50% cặp vợ chồng ly thân và ly dị, khoảng 30% cặp vợ chồng sống với nhau không hạnh phúc mà vẫn phải chung sống vì nghĩ đến lợi ích lâu dài của con cái, và gần 20% cặp vợ chồng tạm gọi là có hạnh phúc trong hôn nhân và đời sống gia đình. Đây là một thực trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết trước và sau hôn nhân đã và đang xảy ra trên thế giới hiện nay. Từ những thống kê mang tính khái quát này, chúng tôi cũng rất bất ngờ và thật sự vui mừng, vì trong số gần 20% những cặp vợ chồng đạt được hạnh phúc trong đời sống gia đình trên toàn thế giới hiện nay có đến 90% là những gia đình Phật tử thuần thành, có nền tảng đạo đức và căn bản tu tập. Đây quả là tín hiệu đáng mừng và thật sự tăng thêm niềm tin cho ngành Hoằng Pháp, cho Ban Hướng dẫn Phật tử và cho cả những đôi nam nữ đang hướng đến hôn nhân, khi biết rằng, nếu hôn sự được tổ chức theo nghi thức Hằng Thuận tại chùa, trước sự chứng minh của chư Tăng, được nghe chư Tăng giáo hóa, sau đó ứng dụng một cách nghiêm túc những lời Phật dạy vào đời sống gia đình, thì chắc chắn sẽ mang lại lợi ích thiết thực và lớn lao trong đời sống.
Trên tinh thần nhập thế, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống, việc hướng dẫn gia đình Phật tử tổ chức lễ Hằng Thuận tại các chùa chiền tự viện, nhằm mang lại hạnh phúc chắc thật và và bền vững cho gia đình của người Phật tử, định hướng cho gia đình Phật tử một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” cũng như thuận lợi hơn trong việc tiến tu trên con đường Phật pháp, là một việc làm thiết thực, chúng tôi thiết nghĩ cần phải tranh thủ và nhanh chóng phát động phong trào thực hiện lễ Hằng Thuận, bởi đây cũng là một trong những Phật sự vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác hoằng pháp, nhất là đối với các vị trụ trì vốn có duyên gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với Phật tử…
Xuất xứ và ý nghĩa nghi lễ Hằng Thuận:
Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà Nho, sau quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ, việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh. Năm 1930, bác sỹ Phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế . Đây được xem là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng Thuận. Theo tên gọi, thì “Hằng” là thường xuyên, là luôn luôn, còn “Thuận” là hòa thuận, là đồng thuận hướng về những điều cao thượng, chân thiện trong đời sống. Hằng Thuận có nghĩa là đôi vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, tương kính nhường nhịn lẫn nhau, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm bổn phận của người vợ người chồng trong đời sống gia đình, đối với ông bà cha mẹ và con cái; vừa hướng đến con đường tu tập giác ngộ giải thoát, trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát Chánh Đạo… Trên đây là vài ý sơ lược về xuất xứ và ý nghĩa của lễ Hằng Thuận.
Mục đích của nghi lễ Hằng Thuận:
Trong đời sống thế gian, sở dĩ gia đình không hạnh phúc, cuộc sống không hòa hợp, đó là do sự thiếu hiểu biết về nhau, chưa thật sự cảm thông nhau giữa chồng và vợ, dẫn đến tình trạng này là vì trước khi đôi nam nữ lấy nhau, thông thường là vì sự bộc phát của lòng ham muốn nhất thời, có thể gọi đó là sự luyến ái nhau và cũng có thể gọi đó là tình yêu thương nhất thời giữa nam và nữ. Do yêu thương mà không có chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài nên đã dẫn đến xung khắc, đổ vỡ sau khi lập gia đình. Đây là tình trạng vốn phổ biến trong cuộc sống hôn nhân và gia đình trong xã hội chúng ta hiện nay. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, Phật giáo sẽ đóng vai trò như thế nào và sẽ phải làm gì để trợ duyên cho gia đình Phật tử và những thanh niên Phật tử sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, để họ có được vốn liếng làm hành trang xây dựng cho mình một mái ấm, thật sự là một gia đình hạnh phúc.
Như chúng ta đã biết, lễ Hằng Thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát. Khởi sự hôn nhân, lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu chú rễ được đãnh lễ chư Phật, được quy y Tam bảo, được chư Tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay nơi chánh điện quả là một diễm phúc, đồng thời được quý Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt...
Trọng tâm thời pháp mà quý thầy thường chia sẻ với Phật tử trong lễ Hằng Thuận hầu như đều xoay quanh nội dung bản kinh Thi Ca La Việt đức Phật đã dạy về bổn phận và trách nhiệm qua lại giữa người chồng và người vợ. Liên hệ đến hôn nhân và hạnh phúc gia đình, để bảo đảm cho đời sống của gia đình Phật tử được hạnh phúc bền vững, đức Phật đã ân cần chỉ dạy:
Người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ: 1/ Phải biết tôn trọng vợ. 2/ Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ. 3/ Phải chung thủy, trung thành với vợ. 4/ Phải tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý. 5/ Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện.
Đồng thời đức Phật cũng đã dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với người chồng: 1/ Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà. 2/ Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng. 3/ Phải luôn chung thủy với chồng. 4/ Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải đồ dùng trong nhà. 5/ Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.
Mục đích chính của lễ Hằng Thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết, đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau và luôn luôn hòa thuận với nhau, cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện và cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng Thuận đã toát lên.
Lợi ích thiết thực mà lễ Hằng Thuận mang lại cho đời sống hôn nhân gia đình:
Khi nói đến những lợi ích thiết thực mà lễ Hằng Thuận đã mang đến cho những đôi vợ chồng trong ngày cưới, chúng tôi cho rằng, trước hết, những lời phát nguyện giữ gìn ngũ giới, tu hành thập thiện của đôi vợ chồng trước ngôi Tam Bảo, nhằm xây dựng một đời sống gia đình hạnh phúc bền vững, được xem là dấu ấn sinh động, vô cùng ý nghĩa trong ngày lễ cưới, điều này không chỉ tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của họ trong những ngày chung sống bên nhau, mà còn ảnh hưởng tích cực đến những người thân. Có thể nói đây là lợi ích thiết thực, vô cùng tốt đẹp cho đời sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình của người Phật tử, nó đã mang lại nguồn cảm hứng “sống đạo” rất sâu lắng giữa đời thường mà đôi vợ chồng dễ dàng cảm nhận được, thật ra lễ Hằng Thuận không chỉ mang lại cho đôi vợ chồng trong ngày cưới mà cho tất cả những ai tham dự lễ Hằng Thuận một luồng sinh khí tươi sáng lành mạnh và thánh thiện.
Trong những lời đức Phật dạy về bổn phận và trách nhiệm của người chồng và người vợ như đã nêu từ kinh Thi Ca La Việt, Ngài biết chắc rằng, không bao giờ nguồn hạnh phúc gia đình có được bởi từ đơn phương một chiều chỉ ở người chồng hay chỉ ở người vợ, và cũng sẽ không bao giờ có hạnh phúc nếu như người chồng giao tài sản cho vợ quản lý mà người vợ lấy tài sản đó đi đánh bài, đi chơi hụi hay là ăn xài phung phí, chính vì vậy đức Phật buộc người vợ phải có trách nhiệm gìn giữ tài sản mà chồng đã giao, hoặc khi người chồng mua sắm đồ đạc, nữ trang cho vợ thì đức Phật buộc người vợ phải biết quán xuyến công việc gia đình để chồng yên tâm ra ngoài làm công việc xã hội. Hay như người chồng phải trung thành với vợ, thì đức Phật lại buộc người vợ phải có trách nhiệm thủy chung với chồng, không phải chỉ biết kính trọng chồng mà phải biết kính trọng cha mẹ chồng.v.v.. nói chung, người chồng làm tròn năm bổn phận thì người vợ cũng phải chu toàn năm bổn phận, thì mới có thể hỗ tương cho nhau, quý Phật tử thực hiện được điều này thì đời sống gia đình chắc chắn sẽ đạt được một đời sống hạnh phúc bền vững lâu dài. Đây là lợi ích rất lớn mà quý Phật tử sẽ được thụ hưởng từ lễ Hằng Thuận, sự thật thì một lễ cưới bình thường không thể nào mang lại cho các bạn những điều lợi ích lớn lao như vậy.
Trong kinh Thi Ca La Việt, đức Phật đã nêu lên một tương quan rất sâu sắc và thiết thực nữa, đó là, khi đôi nam nữ Phật tử đi đến hôn nhân và cùng thực hiện năm bổn phận trách nhiệm giữa hai vợ chồng như đức Phật đã dạy, lúc hai vợ chồng sinh con, nuôi dưỡng dạy dỗ con cái thì đức Phật lại dạy thêm những bổn phận của cha mẹ đối với con cái và bổn phận của con cái đối với cha mẹ, đây chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc lâu dài bền vững cho gia đình và cho cả con cháu sau này. Như vậy, nếu quý Phật tử triển khai thực hành những lời dạy của đức Phật, xây dựng một đời sống bình đẳng, tôn trọng, thủy chung, cảm thông chia sẻ, yêu thương gắn bó và cùng hướng đến một chân trời thánh thiện, thì chắc chắn rằng hạnh phúc sẽ ở trong tầm tay của mỗi gia đình, khi đó đời sống gia đình sẽ không có sự xung khắc, không còn đau thương và chắc chắn là sẽ không còn cái cảnh chồng ly dị vợ, vợ ly dị chồng, cha mẹ lìa xa con cái và ngược lại, quý Phật tử sẽ đạt được một đời sống an lạc hạnh phúc, có thể nói đây là những lợi ích lớn lao mang tính lâu dài bền vững mà lễ Hằng Thuận đã mang đến cho gia đình, con cháu quý Phật tử.
Nói về lợi ích sâu xa từ lễ Hằng Thuận mang đến, thì sự thẩm thấu và thực hành những lời giáo huấn của quý Thầy trong lễ Hằng Thuận cũng là điều tất yếu. Như trong kinh Tăng Chi, đức Phật cũng nhấn mạnh rằng một người phụ nữ thực hiện thật tốt đạo làm vợ thì “Sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú thiên giới”. Như vậy, chính ngay nơi đạo vợ chồng, nếu mỗi bên thực hiện đầy đủ các bổn phận thì vẫn có thể được ngay quả phước sanh thiên, chứ chưa cần nói đến công quả do tu thập thiện.
Đối với Phật tử, khi đã làm lễ Hằng Thuận, để kiến tạo cho mình một đời sống an lạc trong hiện tại và một số vốn tối thiểu trong kiếp lai sinh, tất nhiên quý Phật tử tự giác tự nguyện giữ gìn ngũ giới, tiến đến tu hành thập thiện, đồng thời trau dồi bốn đức hạnh từ bi hỷ xả, sống một đời sống thiện lành, đạo đức vị tha, nghiên khắc với mình, khoan dung độ lượng với người, suy nghĩ điều chánh đáng, nói lời chánh ngữ, hành nghiệp chánh nghiệp… Chính nhờ vậy mà đời sống hiện tại sẽ gặt hái những điều tốt đẹp. Có thể nói đây là lợi ích thiết thực nhất mà lễ Hằng Thuận đã mang lại cho đôi vợ chồng sau ngày cưới.
Như chúng ta biết, lễ Hằng Thuận của Phật giáo là nét văn hóa mang bản sắc dân tộc, không những vậy, lễ Hằng Thuận còn phát huy một cách hiệu quả nền tảng trí tuệ và đạo đức tâm linh, định hướng con người sống hữu ích trong đời sống gia đình, xã hội, qua đó góp phần tích cực cống hiến công sức cho tổ quốc cho dân tộc. Từ đó chúng ta có thể nói rằng, lễ Hằng Thuận là cây cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa văn hóa truyền thống, đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh của Phật giáo, là nét đẹp văn hóa đặc thù của Phật giáo trong lãnh vực hôn nhân gia đình đối với người Phật tử.
Khi đã cảm nhận những giá trị thiêng liêng cao cả cũng như lợi ích thiết thực của lễ Hằng Thuận như đã trình bày, chúng tôi mong rằng, khi tổ chức cuới hỏi, quý Phật tử nên xin phép quý thầy đến chùa làm lễ Hằng Thuận, vì khởi đầu cho một bước ngoặc lớn trong đời người mà được tổ chức tại chốn thiền môn nghiêm tịnh thì quả là phước duyên lớn lao cho đôi vợ chồng, chúng tôi nghĩ rằng, sẽ không có một đại tiệc hoành tráng nào có thể sánh bằng lễ Hằng Thuận trang nghiêm thanh tịnh như ở chùa, từ sự khởi đầu tốt đẹp này quý Phật tử lại được thầy trụ trì giảng giải ý nghĩa và nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc trong đời sống gia đình, thì hôn nhân của quý vị càng trở nên ý nghĩa, hoàn toàn có hy vọng hướng đến một tương lai tươi sáng.
Trong sinh hoạt Phật giáo hiện nay, người thường xuyên gần gũi tiếp xúc với Phật tử nhiều nhất phải nói đến các vị trụ trì, là người trực tiếp hướng dẫn những người Phật tử sơ cơ hoặc lần đầu tiên bước đến cửa chùa, do vậy quý thầy trụ trì đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc hoằng pháp. Ý thức được điều này, thiết nghĩ quý thầy trụ trì nên quan tâm nhiều hơn vào việc hướng dẫn Phật tử hướng đến một hôn nhân trên nền tảng đạo đức và trí tuệ của Phật giáo như chúng tôi đã trình bày; đồng thời vận động, tạo điều kiện hoặc trợ duyên cho Phật tử của mình khi tiến tới hôn nhân nên đến chùa làm lễ Hằng Thuận, nhân đó giúp Phật tử đạt được chân hạnh phúc trong đời sống gia đình./.
TT. Thích Huệ Thông
Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN
Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương
Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hằng pháp Trung ương