Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
21:39, Tuesday.April 29 2025
Thiền không xa đời thường
 

Người Myanmar quan niệm rằng thiền rất gần gũi và rất cần thiết cho mọi người. Thiền giúp mọi người có được an lạc trong từng giây phút; giúp mọi người từ bỏ những trạng thái tâm bất thiện như sợ hãi, lo âu, hận thù, ganh tỵ

Ở Việt Nam, khi nói đến thiền, nhiều người cứ ngỡ thiền là một tông phái Phật giáo; có người nghĩ rằng thiền là một phép tu (pháp tu) rất đặc biệt chỉ dành cho những người có căn tánh đặc biệt như các Thiền sư hay các vị xuất gia; những người bình thường tu thiền sẽ bị “tẩu hoả nhập ma”, thân thể sẽ gầy gò, ốm yếu. Một số người lại cho rằng muốn hành thiền thì phải buông xả hết các công việc gia đình, xã hội, bỏ hết công ăn việc làm, việc học hành, ẩn cư ở một nơi hẻo lánh, chẳng màng đến thế sự bên ngoài nữa . . .

Thiền viện Pa-Auk

 

Thiền không dành riêng cho người xuất gia

Người Myanmar quan niệm rằng thiền rất gần gũi và rất cần thiết cho mọi người. Thiền giúp mọi người có được an lạc trong từng giây phút; giúp mọi người từ bỏ những trạng thái tâm bất thiện như sợ hãi, lo âu, hận thù, ganh tỵ, . .; giúp mọi người hiểu được chính mình và kết nối sợi dây thân ái giữa mình và người khác. Các thiền viện tại Myanmar lúc nào cũng có người đến tu tập; có thời gian rảnh là người Myanmar lại đến thiền viện để hành thiền, có khi 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 1 tháng hoặc hơn thế nữa. Đặc biệt, vào những ngày Tết (khoảng tháng tư dương lịch), mỗi thiền viện có tới bốn, năm ngàn người đến hành thiền.

Hành thiền không phải là pháp tu dành riêng cho giới tu sĩ mà mọi người đều có thể hành thiền. Một học sinh, sinh viên, một giáo viên, một công chức Nhà nước hay một anh hướng dẫn viên du lịch đều có thể kể cho chúng ta nghe về những kinh nghiệm thiền tập của họ. Người Myanmar quan niệm thiền không chỉ giúp cho thân tâm định tĩnh mà còn dạy cho chúng ta cách cư xử giữa người và người, xóa bỏ khoảng cách giữa chúng ta và người khác. Có lần đến Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội để phỏng vấn, câu hỏi đầu tiên ông Tổng lãnh sự hỏi tôi là: “Bạn có hành thiền không?” Tôi đáp: “có”. Ông hỏi tiếp tôi hành thiền như thế nào và sau đó giảng giải về những phương pháp hành thiền tại Myanmar. Qua đó, ông cho biết người Myanmar quan niệm rất đơn giản, cuộc sống này chỉ là tiến trình hoạt động của thân và tâm. Thân hành động, tâm nhận biết và do “ý muốn làm” (gọi chung là “dục”) mà thân phải làm việc này, việc nọ. Tiến trình này luôn luôn thay đổi, vận hành theo bản chất tự nhiên chứ không phụ thuộc vào chúng ta nên chúng ta không thể kiểm soát và làm chủ được nó. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là quan sát (thường gọi là “quán sát”) để hiểu được nó. Nếu hiểu được tiến trình hoạt động của thân và tâm thì chúng ta sẽ không chấp ngã, sẽ biết suy nghĩ và hành động vì người khác. Ông tổng lãnh sự Myanmar khẳng định rằng muốn thấu hiểu và trải nghiệm được tiến trình của thân và tâm, chúng ta phải hành thiền. Tôi thật sự ngạc nhiên vì một viên chức cấp cao của chính phủ Myanmar lại có kiến thức sâu sắc về thiền tập như vậy. Lúc đó là lúc đến để phỏng vấn mà tôi có cảm giác như đang trao đổi kinh nghiệm tu tập với một người bạn.

Buổi sáng tại Thiền viện Mahasi

 

Sự an tịnh của nội tâm

Những ai đã từng đến các thiền viện quốc tế mới hiểu được thiền không phân biệt tôn giáo, giai cấp hay chủng tộc. Tất cả mọi người đều có thể hành thiền. Điển hình như Kym Code, một thiểu nữ Mỹ theo Thiên chúa giáo, năm nay 23 tuổi, chỉ biết đạo Phật qua sách báo và những bài viết trên mạng; nhưng với bầu nhiệt huyết  của tuổi trẻ và tinh thần ham học hỏi, đã đến Myanmar tham dự khoá thiền tại Thiền viện Mahasi. Khi được hỏi tại sao hành thiền, Kym trả lời rất đơn giản: “Tôi muốn có được sự an tịnh của nội tâm và có thể làm chủ được những suy nghĩ, những hành động của mình để khi làm việc, khi giao tiếp, tôi biết mình đang làm gì và như vậy tôi có thể tránh được những lời nói, những hành động không thích hợp, những lời nói, những hành động có thể làm tổn hại đến người khác”. Với suy nghĩ như vậy, thiền có thể được mọi người thực hiện trong mọi sinh hoạt, từ công phu giản dị nhất cho đến công phu tế nhị nhất; giúp cho thân tâm luôn an lạc và dễ dàng vượt qua những khó khăn và những bất an trong cuộc sống. Xét ở góc độ này, thiền hội đủ những tính chất như không phân biệt tôn giáo, không phân biệt cá nhân, không phân biệt nơi chốn và thời gian.

 

Kym Code và sư cô VN tại Thiền viện Mahasi

 

Cuộc đời này chính là thiền viện

Thầy Veluriya, Thạc sĩ Phật học tại Tích Lan, hiện đang hướng dẫn thiền tại Thiền viện Mahasi, cho hay thiền viện là nơi để luyện thân và tâm, nhưng chúng ta không thể nào ở mãi trong thiền viện, mà phải ra đời, phải làm ăn, sinh sống. Ngay cả những người đã xuất gia cũng phải ra đời hành đạo chứ đâu thể nào ở mãi trong chùa, trong các tu viện vì cứ ở mãi trong chùa, trong các tu viện thì sẽ chẳng độ được ai. Thế nên, chúng ta phải biết vận dụng những gì mình đã học, thực hành trong cuộc sống hiện tại, nghĩa là phải biết ‘sống thiền’. Đường đời muôn vạn nẻo, nếu chúng ta cứ ở một nơi và áp dụng một bài học duy nhất thì sẽ không bao giờ tiến bộ được. Chúng ta phải biết tuỳ duyên, phải biết đoạn đường nào có gai thì phải đi chậm lại; nếu đường đi trơn trợt thì chúng ta phải cẩn thận trong từng bước chân; nếu nó bằng phẳng thì chúng ta có thể đi một cách bình thường, nghĩa là chúng ta phải biết vận dụng từng lúc từng nơi, phải biết rằng cuộc đời này chính là thiền viện và những vui buồn trong cuộc sống là những bài học thiền để cho chúng ta trải nghiệm và vượt qua chính mình.

 

Để biết sống đẹp hơn

Trong những ngày tập thiền tại Thiền viện Mahasi, tôi có duyên gặp gỡ và trao đổi với ông Myint Winn, một thiền sinh thâm niên. Ông tâm sự: “Là một người đã có gia đình, có vợ con nên tôi phải làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, thời gian tôi sống ngoài xã hội nhiều hơn thời gian ở thiền viện. Vì thế, những lúc nghỉ Tết, nghỉ phép, tôi đến thiền viện tu tập để ‘nạp thêm năng lượng’, để thẩm thấu những kinh nghiệm đã có, để khi hoà nhập vào cuộc sống, tôi biết sống đẹp hơn, sống tốt hơn”. Ông cho rằng phần lớn những khổ đau, những điều bất như ý xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là do chúng ta dựa trên những phán đoán sai lầm (do “vô minh”), là vì chúng ta thiếu hiểu biết và cũng không tìm tòi học hỏi để biết được sự thật. Vì thế, một người không hiểu biết sự vận hành của thân, tâm cũng như những sự vật quanh mình, sẽ cảm thấy cuộc sống rất đáng chán, bất an, nhất là dễ bị khủng hoảng tinh thần khi thất vọng hay đối mặt với những nỗi đau buồn. Thiền tập giúp chúng ta hiểu rõ bản thân mình, hiểu rõ những sự vật quanh mình cũng như bản tính của chúng. Thiền tập giúp chúng ta hiểu được rằng bài học của cuộc sống là học chấp nhận những gì chúng ta không thích ở bản thân chúng ta cũng như ở cuộc sống để có được sự kiên nhẫn và tinh thần khoan dung, và rồi chúng ta sẽ không quá chú trọng và không thấy khó chịu với những điều bất toàn ở bản thân cũng như ở người khác.

Các tu nữ và cư sĩ đang toạ thiền

 

Hòa nhập vào cuộc sống

Thiền tập tại Myanmar trong nhiều thập kỷ qua đã trở thành một pháp môn có ý nghĩa thực tiễn đối với tất cả mọi người nên ai cũng có thể thực hành được. Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã đưa thiền tập vào học đường và công sở. Có thể nói ngày nay thiền không còn là một pháp môn huyền bí, giới hạn trong đạo Phật mà đã hoà nhập vào cuộc sống của mọi người thuộc mọi giới. Thiền tập được xem như hoạt động tinh thần không thể thiếu đối với mọi người vì thiền chính là nền tảng tạo nên đức tính điềm tĩnh, tự chủ, sáng suốt và lòng thương yêu chân thật; giúp chúng ta chấp nhận một cách tích cực bản thân và xã hội mình đang sống, cố gắng phấn đấu để khắc phục những khó khăn, không chán nản hay thất vọng, không chạy trốn hoàn cảnh một cách tiêu cực. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định hoa trái của thiền tập giúp mọi người có được an lạc và hạnh phúc trọn vẹn.

Liên Hiếu

Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2025
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này