Quê tôi chỉ có một ngôi chùa, đó là chùa Phật Quang nằm trên bờ kinh Bang Chang cách thị trấn Trà Ôn khoảng ba cây số. Tôi không biết ngôi chùa nầy cất hồi nào nhưng chắc chắn trước khi tôi chào đời (1946) vì vào năm 1945, hai vị cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa và Thích Trí Tịnh đã về đây thành lập Phật học đường. Chùa nằm lọt thỏm giữa khu vườn rậm rạp trồng nhiều loại cây ăn trái, phía sau là đồng ruộng, trước mặt là dòng kinh hiền hòa, mùa nắng mặt nước trong xanh lóng lánh ánh trăng rằm, mùa mưa nhuộm màu trắng đục sóng gợn lăn tăn theo từng tiếng chuông ngân. Tía tôi nói lại thì vườn ruộng của chùa do dân làng hiến tặng, đạo Phật gọi là cúng dường. Vào các ngày rằm lớn và lễ vía, bổn đạo quanh vùng đi chùa rất đông, cúng dường rất nhiều nhưng đa số là cây nhà lá vườn cùng nhang, đèn cầy, dầu lửa…còn cúng tiền thì khá ít (có lẽ do dân còn nghèo). Chùa bị dột mưa, hư hỏng chỗ nào, bổn đạo tự nguyện mang tre lá, cây cối đến làm công quả, lợp sửa lại. Thầy trụ trì cùng tăng ni cũng thường thuyết pháp cho bổn đạo nghe. Nói thuyết pháp cho “xôm tụ” chứ thật ra là những cuộc trao đổi đạo pháp thân mật giữa tăng ni và bổn đạo quanh chiếc bàn tròn và chung trà miếng bánh, tía tôi nói thế.
Hồi còn bé, tôi thường được má dẫn đi chùa lạy Phật vào các ngày rằm ngươn lễ tết. Lúc bấy giờ má dẫn đi thì đi, biểu lạy thì lạy chớ tôi có biết ý nghĩa đi chùa lạy Phật là gì đâu! Khoảng chín mười tuổi tôi lại được thầy trụ trì qui y thọ giới với pháp danh Nhật Mẫn. Tôi cũng chẳng biết việc nầy có ý nghĩa gì, chỉ hiểu lơ mơ ngũ giới cấm và…ghi nhận hai điều thú vị. Một là, mỗi thầy bổn sư đều đặt pháp danh cho đệ tử theo cách riêng của mình, thầy A dùng chữ Nhật, thầy B dùng chữ Thiện, thầy C dùng chữ Phước…cho nên khi nghe pháp danh của anh XYZ nào đó người ta có thể biết thầy bổn sư của các anh ấy là ai. Hai là, pháp danh thường bắt vần với tên tục của người qui y thọ giới, ví như tôi tên Minh thành ra Nhật Mẫn, người tên Mừng thành ra Thiện Hỷ, người tên Khải thành ra Phước Tấu…Không biết bây giờ có còn như vậy không?
Sau khi qui y thọ giới, tôi vô Gia đình Phật tử trong đội Oanh vũ nam. Từ đó tôi thường xuyên đi chùa vào ngày chủ nhật mỗi tuần cho đến khi hoc hết lớp đệ Tứ (lớp 9 bây giờ) tôi lên tỉnh học tiếp, việc đi chùa chỉ còn thi thoảng. Thời gian trong Gia đình Phật tử, ngoài việc sinh hoạt ca hát vui chơi, tham dự các khóa lễ tụng niệm, tôi còn được học thêm lịch sử Phật Thích Ca và giáo lý của Ngài, xem kinh luận đã được dịch ra tiếng Việt và nghe các tăng ni giảng đạo. Từ lúc bước chân vào đời, việc đi chùa của tôi bị gián đoạn một quãng thời gian dài, một phần do chiến tranh, một phần do mưu sinh nuôi vợ nuôi con. Tôi đi chùa trở lại sau khi các con trưởng thành và đều có gia đình, chẳng những đi chùa “nhà” mà còn đi nhiều chùa khác nữa vào hầu hết các ngày rằm ngươn lễ vía lớn nhỏ.
Bước vào tuổi lục tuần tôi mới bắt đầu nghiên cứu kinh sách, hơi muộn nhưng có còn hơn không, “thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (thơ Xuân Diệu). Bình tâm kiểm điểm lại tôi thấy mình phạm phải nhiều sai lầm đáng trách. Thời gian qua tôi đi chùa do cảm tính dục lạc, chạy theo phong trào, tự khoát lên mình chiếc áo cư sĩ “mộ đạo” cho “người đời trông đến, tăng ni trông vào” kính trọng ngợi khen chứ không phải vì “ngộ đạo” mới đi chùa học hỏi tăng ni cách thức thuần dưỡng tâm tánh, phương pháp tu hành để được vãng sanh Tịnh độ. Tôi lạy Phật không phải để noi theo gương Ngài, không phải để sám hối lỗi lầm, diệt trừ tâm ngã mạn mà để cầu xin Ngài gia hộ, ban phước lành và tai qua nạn khỏi. Tôi cúng dường là để được nhà chùa vinh danh, hãnh diện với hàng xóm, để nhờ tăng ni “cúng sao” và cầu an cho gia đình, cầu siêu cho cửu huyền thất tổ chứ không hiểu cúng dường có nhiều ý nghĩa tốt đẹp và tích cực. Đó là, giúp nhà chùa có điều kiện sinh sống, có khả năng xây dựng và mở mang cơ sở vật chất làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân. Giúp tăng ni, lực lượng nồng cốt truyền bá giáo lý, không phải lao động vất vả để mưu sinh, có sức khỏe và thì giờ học tập tu hành, phiên dịch kinh luận, hoằng dương đạo pháp. Cúng dường với tâm thức đó còn thể hiện tinh thần tự lợi, lợi tha vừa đem lại phước đức cho người cúng dường vừa gìn giữ bảo tồn Tam bảo thường còn, đem lại lợi ích cho chúng sinh. Nếu cúng dường như tôi sẽ có kết quả ngược lại, nhà chùa sẽ mất đi vai trò thiêng liêng của mình, chỉ đơn thuần là nơi thờ phụng cúng bái, tổ chức lễ vía rằm ngươn. Tăng ni gặp nhiều chướng ngại trên đường tu học, không phát huy được năng lực, không làm tròn trách nhiệm của họ sẽ đưa đến hệ quả tất yếu là việc hoằng dương đạo pháp bị trì trệ và có thể chệch choạc tôn chỉ.
Tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình và hổ thẹn với đồng đạo, phật tử chân chính dù họ không hề phê phán hay chỉ trích tôi. “Bụng làm dạ chịu” chớ trách ai? Cũng tại mình ngu si, kiêu căng, ngạo mạn lại còn chấp cứng cái ta và cho ý nghĩ việc làm của ta là đúng. Để xua tan phiền não nghiệp chướng, tôi nghĩ chỉ có cách duy nhất là vô chùa quì trước đức Phật từ bi, ăn năn sám hối, trừ bỏ lỗi trước không phạm lỗi sau thì tâm hồn mới được nhẹ khỏe an vui./
TRƯƠNG HOÀNG MINH