Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
22:18, Tuesday.April 29 2025
Mối quan hệ giữa chính kiến và người thiện tri thức
 
“Chính kiến” là cơ sở vững chắc làm điểm tựa cho quá trình tu học, như toà lâu đài lộng lẫy không thể tách rời với tầng móng kiên cố, vì thế trong hành trình trên con đường xuất thế, thì đó là điều kiện tiên quyết chỉ cho chúng ta hướng đến thành tựu Phật đạo.

“Chính kiến” là cơ sở vững chắc làm điểm tựa cho quá trình tu học, như toà lâu đài lộng lẫy không thể tách rời với tầng móng kiên cố, vì thế trong hành trình trên con đường xuất thế, thì đó là điều kiện tiên quyết chỉ cho chúng ta hướng đến thành tựu Phật đạo. Có được “chính kiến” mới không bị trở thành kẻ tùy tùng theo tà thuyết hoặc thân trong Phật giáo mà tâm chứa đựng lý thuyết ngoại đạo. Vì vậy làm sao kiến lập được chính kiến, để tránh khỏi hậu hoạn đó? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta căn cứ “luận Du Già Sư Địa” do Bồ Tát Di Lặc dạy về “chính kiến”.

Nghe âm thanh và như lý tác ý, chính kiến phát sinh.[1]

“Nghe âm thanh” có hai trường hợp: một là do tự học tập trong kinh, luật và luận; hai là do lắng nghe học hỏi chính pháp từ thiện tri thức, y theo chân lý mà tư duy, chính kiến lúc này sanh khởi. Nên trong “kinh Tạp A Hàm” kinh số 780, đức Thế Tôn chỉ dạy:

“Này các Tỳ kheo! Thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng có thể khiến cho tà kiến chưa sinh chẳng sinh, tà kiến đã sinh rồi khiến cho tiêu diệt, chính kiến chưa sinh khiến sinh, chính kiến đã sinh rồi khiến cho thêm tăng trưởng.[2]

“Thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tuỳ tùng” là những vị như giáo thọ thiện tri thức, đồng hành thiện tri thức hoặc nội hộ thiện tri thức, ngoại hộ thiện tri thức v.v… Thân cận gần gũi họ để nghe được chính pháp, sau khi nghe chính pháp rồi khởi tâm tìm cầu, lựa chọn, tư duy suy nghĩ điều được học, rồi cùng với thiện tri thức thảo luận thực tập, giúp đỡ trao đổi truyền đạt kinh nghiệm lẫn nhau, thì như vậy tà kiến không sinh trưởng, chính kiến phát triển nâng cao.

Thiện tri thức đối với chúng ta có tầm quan trọng như vậy, nhưng làm sao lựa chọn được thiện tri thức, điều đó không phải đơn giản, đây là một vấn đề rất nan giải, nên trong “kinh A Hàm” đức Thế Tôn đã từ bi giảng dạy cho vua Ba Tư Nặc và cũng là bài học căn bản đáng quý cho chúng ta trên lĩnh vực này. Ngài dạy:

Nếu không có tha tâm trí để biết thì phải nên gần gũi, xem xét giới hạnh của họ một thời gian lâu mới có thể biết được, chớ tự quyết vội vàng, hãy xem xét kỹ, chớ hấp tấp, hãy dùng trí tuệ, chớ không phải vô trí để xem xét người kia khi gặp khổ nạn mà có thể tự mình giải quyết. Khi tiếp xúc tính toán thật giả có thể phân biệt được; khi thấy sự nói năng hiểu biết phân minh, những điều ấy cần phải lâu ngày mới biết chứ không thể phân biệt vội, phải đem trí tuệ tư duy quán sát.”[3]

Điều đó cũng chính là việc không thể tùy tiện chọn lựa thiện tri thức, phải nên thân cận họ, lấy chính pháp và giới luật làm tiêu chuẩn, quán sát ngôn ngữ, hành động và tư tưởng của đối phương, có đúng pháp hợp luật hay không. Thông qua sự thẩm xét, tư duy, quán sát một cách thận trọng, mới có thể xác nhận được đó chính là thiện tri thức hay không. Trong quá trình này, “chính tư duy” phát huy sự quyết định chính xác của mình.

Nhưng làm sao bồi dưỡng được chính tư duy? Thông qua lời dạy trong “Tạp A Hàm kinh số 281”[4] và “Trung A Hàm kinh Tàm Quý”[5] thì có tiến trình như sau: do bản thân hội đủ tính thiện, nên có thể thân cận thiện tri thức; thân cận thiện tri thức nên nghe được thiện pháp, dẫn đến nảy sinh chính tín; có được chính tín, nên tin nhận và thực hành được lời dạy của người truyền đạt, từ ý nghĩa của các pháp môn, học hỏi được sinh khởi chính tư duy; có chính tư duy nên khéo thông hiểu và đạt được mục đích.

Còn “Hội đủ tính thiện” có thể nói là do thiện căn từ kiếp trước và kết hợp với sự giáo dục bồi dưỡng của hiện tại mà trở thành, bao qua quá trình dạy giỗ của cha mẹ thầy cô, xã hội, văn hóa, cùng với kinh nghiệm sinh sống của bản thân v.v… Trong đó điều kiện cơ bản nhất là đầy đủ “tàm và quý”[6]: tâm tỉnh giác quán sát được hành vi tội xấu của bản thân mà sinh lòng hổ thẹn với mình là tàm, ngoài ra còn có ý nghĩa tôn sùng cái thiện, đối với cá nhân, do tôn trọng tự thân, đi đến tôn kính Hiền giả, Thánh giả và tôn trọng chính pháp. “Quý” là với tội lỗi của mình làm ra, khi đối diện với người khác thì sanh lòng hổ thẹn, nó còn có một cách giải thích khác là có ý nghĩa cự tuyệt tội lỗi, vì đối với người khác, do năng lực trắc ẩn trong thân tâm, hay lo lắng, sợ người khác huỷ báng chê bai, hoặc vì sự trừng phạt của pháp luật, mà không giám gây nên tội lỗi.[7]

Hành giả nếu có tàm quý, tức thường thương mến, cung kính tha nhân, thân cận thiện tri thức v.v.. và do được nghe chính pháp nên chính tín sinh khởi. Vì thế trong “Trường A Hàm kinh Chúng Tập” đức Thế Tôn dạy về bảy loại chính pháp có công năng hỗ trợ làm cho tu đạo được sớm thành tựu, trong đó tàm và quý là hai pháp thuộc bảy loại này.[8]

Trong khi tu học, hành giả đầy đủ phẩm đức tàm quý, có thể làm cho các thiện pháp khác sinh khởi, hơn thế nữa, thân cận được thiện tri thức, nghe học chính pháp, có thể sản sinh chính tín, do chính tín với chính tư duy ở trong nội tâm, chính kiến vì thế sinh khởi[9]. Tuy nhiên đó chỉ mới là thế gian chính kiến, nhưng đã có khả năng khiến hành giả đời này qua đời sau luôn luôn tăng trưởng, cuối cùng không bị đọa ác thú. Do đó, trong “kinh Tạp A Hàm” đức Thế Tôn khẳng định:“người có chính kiến thì dù trải trăm ngàn kiếp trong thế gian đều không đoạ đường ác”.[10]

Thế gian chính kiến làm cho hành giả hiểu rõ tà chính, thị phi, nhân quả và do thân cận thiện tri thức, nghe được chính pháp, như lý tác ý, như lý tư duy, vì vậy đối với Phật, Pháp, Tăng và thánh giới có niềm tin vững chắc. Từ đó tiếp tục tiến tu thì dự vào hàng thánh giả, đời này đời sau luôn an lạc, không bị rơi vào các đường xấu.[11]

Phần trên thảo luận về tầm quan trọng và mối quan hệ giữa chính kiến và thiện tri thức, nhưng chưa đề cập đến đối tượng cụ thể và điều kiện căn bản của thiện tri thức. Vì thế chúng ta học từ trong “Kinh Đại Phẩm Bát Nhã” quyển 27 “Phẩm Thường Đế”, đức Phật dạy: “Thiện tri thức là người có khả năng thuyết giảng pháp không vô tướng vô tác, vô sanh, vô diệt và nhất thiết chủng trí, khiến cho người khác sanh khởi hoan hỷ tín lạc.”[12] Và trong “Kinh Hoa Nghiêm” phẩm “Nhập Pháp Giới” ghi chép, xuyên suốt quá trình tìm cầu đạo pháp của đồng tử Thiện Tài, tham học năm mươi lăm vị thiện tri thức, trên thì đức Phật, Bồ Tát, dưới cho đến Thiên nhân v.v…, không luận sự xuất hiện đó với hình thái nào, phàm là có thể chỉ dẫn cho chúng sanh xả ác tu thiện, đi vào Phật đạo thì họ đều là thiện tri thức. Thiện tri thức theo quan niệm của Phật giáo không giới hạn, nếu như trong thuận và nghịch duyên đó, làm hành giả phát khởi chính tri chính kiến, phát tâm xuất thế gian, chứng ngộ niết bàn, thì họ là thiện tri thức của chúng ta.

Vì thế hòa thượng Ấn Thuận trong tác phẩm “con đường thành Phật” (Thành Phật Chi Đạo) kết luận: “chính pháp tuy có thể từ quá trình duyệt đọc kinh điển mà hiểu được, nhưng chủ yếu vẫn là do nghe từ quý thầy cô thuyết giảng. Do đó, ai muốn thâm nhập chính pháp, tiến cầu Phật đạo, nên phải thân cận thiện tri thức.”[13] Đức Phật đã từng dạy: “thân cận thiện sĩ, thinh văn chính pháp, như lý tư duy, pháp tùy pháp hành”[14] là bốn điều kiện tất yếu cần phải đủ để nhập vào dòng thánh. Như thế càng thấy được tầm quan trọng của việc thân cận thiện tri thức.

Trong quá trình tu học, bước thứ nhất, chúng ta cần phải thân cận thiện tri thức, nên có chính tri chính kiến, sau đó học hỏi rồi phát sanh niềm tin thanh tịnh, gìn giữ giới luật, vì các nhân tố trên, khiến thành tựu trí tuệ, đạt đến giải thoát giác ngộ. Đây là nguyên tắc chung, nếu hành giả kết hợp với tu hạnh đầu đà thiểu dục tri túc và bố thí quảng kết thiện duyên đến với mọi người thì càng trang nghiêm y báo chính báo, viên mãn đại hạnh, thành tựu đại nguyện.

Thích Quán Như



[1]Du Già Sư Địa Luận quyển 13 Đại Chánh tập 30 p.200

[2]Tạp A Hàm III kinh số 780 p.92

[3]Tạp A Hàm IV kinh số 1148 p.178-179

[4]Tạp A Hàm I kinh số 281, p.580-586

[5]Trung A Hàm kinh Tàm Quý p.526

[6]Trung A Hàm I kinh Tàm Quý p.526: Nếu tỳ kheo nào biết hổ, biết thẹn thì có ái và kính. Nếu có ái và kính thì thường có tín; nếu có tín thì thường có chánh tư duy; nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí; nếu có chánh niệm chánh trí thì thường gìn giữ các căn, giữ giới không hối hận, hoan diệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu giải thoát liền đắc niết bàn. Trung A Hàm I kinh Tàm Quý p.526

[7]Phật Quang đại từ điển p.5810

[8]Trường A Hàm kinh Chúng Tập p.403: Có bảy pháp, đó là bảy chánh pháp: 1.tín; 2.tàm; 3.quý; 4. đa văn; 5.tinh tấn; 6.tổng trì; 7. đa trí.

[9]Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa và Nay, nhà xuất bản tôn giáo 2006, p.158-162

[10] Tạp A Hàm III kinh số 788, p.110

[11] Du Già Sư Địa luận quyển 14 Đại Chánh 30, p.350: có bốn phương pháp chứng được quả dự lưu: đối với giảng sư và giáo thọ sư, có thể phụng thừa hành sự không bị vi phạm; hai là nghe hiểu không sai lầm giáo pháp mà giảng sư và giáo thọ sư giảng dạy; ba là nghe được giáo pháp này, có thể chánh tư duy và khéo thông đạt. Bốn là thành tựu được sở tu.

[12] Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa T.08 no.0223p.416b

[13] Thành Phật Chi Đạo. p.43

[14] Tôn giả Xá Lợi Tử thuyết, Huyền Trang dịch A Tỳ Đạt Ma Tập Dị Môn Túc Luận T.26 no.1536 p.393a

Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2025
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này