Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 – 23.11.2012), Nhà thơ Nguyễn Duy đã gửi đến bạn đọc một ký ức đẹp về hình ảnh nhân văn của một nhà lãnh đạo đã gắn bó với tổ quốc cả cuộc đời.

Ông Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kV Pleiku ngày 3.11.1993. Ảnh: Nguyễn Công Thành

Tháng 4.2007, tôi chuẩn bị xong hành trang làm cuộc triển lãm thơ thiền Lý – Trần tại đại học Suffolk, Boston, Hoa Kỳ. Cuộc triển lãm đặc biệt này gồm có một cuốn Thơ thiền Lý – Trần in trên giấy dó khổ 80 x 110cm, kèm theo từng trang thơ in riêng, ép trên laminate ván gỗ để trưng bày chung với quyển sách. Một trăm cân thơ đóng thành ba kiện đai sắt rất chắc chắn. Tình cờ, ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) biết được tin đó, ông đề nghị mở kiện, bày ra nhà cho ông xem rồi hãy mang đi, vì hai cuộc triển lãm trước đó cụ đều đi vắng không đến xem được. Tôi phải dỡ các kiện ra, bày lại quyển sách và các trang thơ, như một cuộc triển lãm thật.

Ông tới xem, rất hứng thú và khá đăm chiêu, tâm đắc với những lời thơ được dịch nghĩa sang tiếng Việt. Đây là tập thơ do tôi chủ biên, gồm 30 bài thơ được minh hoạ bằng những bức ảnh thiên nhiên Việt Nam do tôi chụp. Hai nhà thơ Mỹ là Kevin Bowen Nguyễn Bá Chung (gốc Việt) dịch sang tiếng Anh cả phần dịch nghĩa và dịch thơ. Tôi chuyển ngữ thành thơ lục bát.

Trong những bài thơ đó, ông dừng lại rất lâu, tỏ ý tâm đắc nhất với bài Quốc tộ của thiền sư Pháp Thuận (915 – 990), bài mở đầu cuốn sách:

Giáo sư Fred Marchant, nhà thơ, chủ nhiệm khoa viết văn trường đại học Suffolk:

Tập Thơ thiền Lý – Trần gồm những bài thơ chữ Hán được những bậc thầy thiền tông Việt Nam sáng tác. Cuốn sách ấy, một sự biểu hiện giá trị vĩ đại của văn hoá Việt, là món quà không chỉ dành cho những ai nghiên cứu lịch sử Phật giáo tại Việt Nam mà với các nhà thơ ở khắp nơi, đặc biệt là các nhà thơ trong thế giới nói tiếng Anh.

Quốc tộ

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh

Tôi chuyển thành thơ lục bát:

Vận nước

Bời bời vận nước cuốn mây

Trời Nam mở lượng đó đây thái bình

Thiền tâm thấm tận triều đình

Thì nhân gian hết đao binh đời đời

Tập thơ này chứa đựng tinh thần nhân văn lớn của thời đại Lý – Trần. Ông coi suốt, nghe suốt từng bài thơ, dừng lại ở những bài thật hay, như bài của Từ Đạo Hạnh:

 

 
 

Có và không

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Ông tỏ ra tâm đắc với những lời thơ của thiền sư Không Lộ:

Đất long xà chọn được đây

Tình vui thôn dã suốt ngày miên man

Đôi khi thượng đỉnh núi hoang

Buông dài một tiếng hú vang lạnh trời

Hay bài Hưu hướng Như Lai (Đừng đi theo bước Như Lai) của thiền sư Quảng Nghiêm:

Làm trai chí cả tung trời

Đừng lao theo vết chân thời Như Lai

Bài Cư Trần lạc đạo của Trần Nhân Tông:

Sống đời vui đạo tuỳ duyên

Đói thì ăn mệt ngủ liền, sá chi

Nhà ta châu báu thiếu gì

Vô tâm với cảnh, hỏi chi đến thiền

Ông Sáu nói: “Tư tưởng hoà bình của cha ông lớn lao quá. Mỗi bài thơ đều thấm thía tinh thần nhân văn, bác ái”. Nhưng cuối cùng ông vẫn trở lại bài khởi đầu Quốc tộ như bị “dính chặt” vào đấy. Tôi có cảm giác ông không muốn rời mắt khỏi trang thơ đó. Ngay đêm đó tôi phải đóng lại các tập thơ để sáng hôm sau ra sân bay, kịp chuyến bay trưa đi Mỹ.

Cuộc triển lãm ở đại học Suffolk rất cảm động, sinh viên và giáo sư Mỹ rất quan tâm đến cuộc triển lãm, quan tâm đến tư tưởng hòa bình và nhân ái của Việt Nam qua tập thơ này. Suốt cả chặng đi và chặng về của cuộc triển lãm, cứ ám ảnh tôi hoài hình ảnh ông Sáu Dân đăm chiêu trước bài thơ Quốc tộ của thiền sư Pháp Thuận. Sau triển lãm, toàn bộ các bài thơ đều để lại bên Mỹ, để tiếp tục làm các cuộc trưng bày khác nữa. Tôi tự hứa sẽ in một bản giấy dó khác của bài thơ này để tặng riêng ông Sáu Dân.

Việt Nam lúc đó đang chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008 do Việt Nam đăng cai. Ban tổ chức đại lễ Phật Đản muốn tái bản cuốn Thơ thiền Lý – Trần tam ngữ: Hán, Việt, Anh do tôi làm chủ biên, nhưng không có kinh phí. Ông Sáu Dân biết chuyện, đã nói với tôi rằng kinh phí này để ông lo giúp. Ông đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo TP.HCM để xuất bản ấn phẩm này, làm quà tặng rất trân trọng cho đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc 2008.

Tiếc thay, ông Sáu Dân đã ra đi đột ngột. Tôi cứ bị dằn vặt mãi vì lời hứa thầm của mình. Thế là tôi mắc nợ ông Sáu một món nợ tinh thần mà không bao giờ trả được...

Nguyễn Duy (SGTT)