- Ba con đâu rồi Thục Trang?
- Dạ ba nói ba qua quán bên uống cà phê mẹ à!
Vậy hả! Sao lâu rồi không thấy ba con về!
Nghe mẹ nói, Thục Trang vội chạy qua quán cà phê bên xóm xem có ba không. Người chủ quán bảo:
- Ba mi sáng ni không thấy qua uống cà phê.
...Thế là từ đó ngôi nhà vắng bóng ba. Thục Trang chỉ mới ba tuổi, còn Thục Niệm – em trai của Thục Trang – chỉ mới ba tháng tuổi. Tội nghiệp mẹ Thục Trang một mình nuôi hai đứa con dại với đồng lương giáo viên ít ỏi. Hồi đó mới giải phóng, thời kỳ bao cấp một mình Thục Trang được ăn theo tem phiếu của mẹ. Vì thế gia đình thiếu trước hụt sau. Bao nhiêu tiền có được còn không đủ mua sửa cho em, nhà luôn thiếu gạo! Thục Trang cứ phải ăn sắn độn cơm. Nhiều bữa thấy Thục Trang tội nghiệp mẹ liền lựa sắn ra còn dành cho Thục Trang chén cơm trắng, nhìn Thục Trang mà nước mắt mẹ chảy dài. Nếu có ba ở nhà gia đình đâu đến nổi nào. Vô tình Thục Trang làm cho mẹ nhớ đến ba. Thương mẹ quá, có những đêm thức giấc Thục Trang nghe tiếng mẹ thổn thức. Chắc mẹ nhớ ba lắm! Thục Trang không thèm nhớ ba, ai biểu ba bỏ Thục Trang mà đi.
... Mẹ chuyển về dạy ở Nước Ngọt (một thị trấn nhỏ đi về phía Nam, cách xa thành phố Huế khoảng 40 cây số), hai chị em Thục Trang cũng phải theo mẹ về đó ở. Đó là một ngôi trường làng lợp tranh vách đất. Ngày ngày, Thục Trang chơi với em để mẹ lên lớp. Mẹ dặn chỉ chơi trong trường không được ra khỏi cổng mà “ông Bị bắt”. Lúc đầu Thục Trang cũng sợ không dám ra ngoài. Nhưng bỗng một hôm, chơi mãi những trò cũ Thục Trang thấy buồn, nên cõng em đi ra khỏi trường khám phá xem sao. Thục Trang dự định chỉ đi một đoạn rồi về, ai ngờ tính hiếu kỳ làm Thục Trang quên mất sợ hãi, cứ cõng em đi, đuổi bướm, ngắm hoa. Đi mãi đến một ngọn đồi, cảm thấy mỏi chân Thục Trang để em xuống đất và nghỉ một lát. Thục Niệm nhớ mẹ nên đòi về. Thục Trang như chợt nhớ ra mình đã cách trường quá xa, không còn biết đường quay về . Trời một lúc một nhá nhem tối, Thục Niệm bắt đầu khóc đòi mẹ, không biết làm sao Thục Trang cũng khóc theo. Nhìn quanh đó không có một bóng người. Thục Trang nghĩ, sao không có ông Tiên nào xuống giúp đưa chị em Thục Trang về nhà cả nhỉ. Vừa lúc đó từ đằng xa một “bà Tiên ” xuất hiện. “Bà Tiên” trong cổ tích mẹ thường kể cho Thục Trang nghe đang tay cầm một bó đuốc bằng cây chổi đi về phía Thục Trang. Nhận ra mẹ, hai chị em cùng lúc mừng rỡ gọi “mẹ”! Thục Trang nghĩ về nhà chắc bị ăn đòn rồi. Mẹ nhìn thấy hai chị em cũng mừng rơi nước mắt, ôm chầm lấy hai đứa không nói gì.
...Hai chị em lớn lên, đôi vai gầy của mẹ càng nặng thêm nhiều lo toan. Hai đứa đi học, nào tiền học phí, tiền sách vở, tiền áo quần....chỉ một mình mẹ tất bật. Mẹ đã chuyển lên dạy ở Thủy Châu, nhưng cũng còn cách nhà rất xa. Một buổi đi dạy, còn buổi khác mẹ phải buôn tảo bán tần. Cuộc sống cũng khó kiếm ra đồng tiền lắm, mẹ phải chuyển hết nghề này sang nghề khác. Từ việc chở bánh kẹo bỏ cho các quán nhỏ, đến bỏ muối, bán rau cải, bán gạo hàng rong,... nhưng vẫn không lo đủ cho chị em Thục Trang. Mắt mẹ ngày càng sâu hỏm và hằn nhiều vết chân chim. Cuộc sống vất vả đã làm mẹ già trước tuổi. Mẹ không muốn cho chị em Thục Trang thua bạn kém bè, nhưng thực tế “ đũa một chiếc làm sao vớt tới nơi”. Càng thương mẹ, Thục Trang càng giận ba. Sáu năm rồi trôi qua ba không lời thăm hỏi. Mặc dù mẹ không nói nhưng Thục Trang biết mẹ rất nhớ ba. Vì hằng đêm mẹ vẫn thổn thức. Nhưng mỗi khi ai nhắc đến ba, mẹ tỏ ra như hận ba lắm. Mẹ thường nói: “ Kệ ông, đi đâu thì đi”. Thục Trang thật không lý giải được vì sao ba bỏ ra đi. Thục Trang chưa bao giờ thấy ba mẹ cải nhau, hay nói nhau nặng lời. Vậy mà đùng một ngày lại âm thầm bỏ đi. Thục Trang không biết ba đi đâu. Chỉ nghe khi nào Thục Niệm hỏi đến ba thì mẹ bảo ba đi làm ăn xa. Thục Trang không nghĩ vậy vì nếu đi làm ăn xa thì cũng liên lạc thăm mẹ con Thục Trang chứ!
... Năm học lớp ba, một lần Thục Trang vô ý đã bỏ chân vô tăm xe đạp khi mẹ chở ngồi sau. Thế là cái chân bị thương nặng không đi lại được. Mẹ hàng ngày phải thêm phần vất vả. Mẹ dậy từ rất sớm, lo việc nhà rồi phải tất bật cõng Thục Trang đi học, sau đó còn về đạp xe đi dạy xa tới hàng chục cây số. Nhìn mẹ vất vả vì Thục Trang như vậy, Thục Trang rất đau lòng nhưng quái ác cho cái chân nó như chọc giận Thục Trang, cả tháng trời mà cũng không lành.
Thật ra Thục Trang còn làm khổ mẹ nhiều. Thục Trang bị bệnh suyễn hoành hành, mỗi khi trở trời là Thục Trang ngột thở, ngất đi tưởng chừng như không sống nổi. Những lần như vậy mẹ lo lắng vô cùng. Mẹ vác Thục Trang trên vai để dễ thở hơn. Có những đêm Thục Trang chỉ ngồi chứ nằm là ho. Thế là mẹ cũng ngồi thức trắng đêm với Thục Trang. Thiệt đúng là:
Con đau lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi.
Thương Thục Trang, mẹ tìm hết thuốc này đến thuốc khác, nghe đâu có thầy hay là mẹ tìm đến để chữa cho Thục Trang. Thế nhưng, như là một căn bệnh nghiệp chướng, nó chẳng bao giờ tha cho Thục Trang. Có lẽ đó là nghiệp Thục Trang phải trả vậy.
... - Thục Niệm, em sao không vô ăn cơm mà đứng đó khóc vậy?
- Em không ăn mô!
- Sao vậy?
- Chị Hai không nói cho em biết ba ở đâu thì em nhất định không ăn.
- Hôm nay em làm sao thế? Mẹ đã nói là ba đi làm xa rồi mà.
- Không phải, sáng nay em đi học bị tụi bạn nói mi là con không cha, mi không có cha. Em tức quá nói: Ba tau đi làm xa. Tụi nó nói: Làm ở mô? Răng tau không thấy ba mi về thăm mi. Ba mi không thương mi sao?!
Mẹ lắng nghe cuộc đối thoại của hai chị em với hai hàng nước mắt. Sự thiếu thốn vật chất mẹ còn cố gắng bù đắp phần nào, chứ sự mỉa mai của bạn bè về ba, mẹ không thể bù đắp được. Thục Niệm lớn lên chưa hề biết mặt ba. Nhìn bạn bè có ba, có mẹ nó cũng tủi phận mình. Thục Trang đã cảm nhận điều đó từ lâu nhưng Thục Trang không muốn làm mẹ buồn nên chẳng bao giờ nhắc đến. Thỉnh thoảng, Thục Trang nghe một vài bà hàng xóm nói với mẹ câu: “Bà nuôi cho uổng công bà, mai sau nó lớn tìm cha nó về”. Thục Trang nghĩ làm gì có việc đó. Thục Trang hận ba không hết có đâu theo ba bỏ mẹ chứ!
...Thương mẹ đã quên bản thân lo cho Thục Trang ăn học nên Thục Trang luôn cố gắng học thật giỏi, lấy đó làm niềm an ủi cho mẹ. Thục Trang không bao giờ làm trái ý mẹ dù một việc nhỏ.
...Sau khi tốt nghiệp cấp hai, với điểm tuyển cao Thục Trang được vào học tại trường cấp ba Hai Bà Trưng ( tức là trường Đồng Khánh ngày xưa) . Nhà Thục Trang thuộc một vùng quê, lên học trường thành phố là một cố gắng rất lớn đối với mẹ. Chính vì vậy, Thục Trang luôn cố gắng đem lại vinh hạnh cho mẹ. Nhưng rồi cũng xảy ra một việc đáng tiếc mà Thục Trang nhớ mãi. Mẹ dặn hai chị em Thục Trang đi học phải về đúng giờ, muốn đi đâu về nhà xin phép đã mới đi. Thục Trang luôn nhớ lời mẹ. Nhưng một lần vì đến lớp được nghỉ học, cả lớp rủ đi đồi Thiên An chơi. Thục Trang ít được đi chơi với bạn bè, vì nhà ở xa nên thường thì học xong lo là về. Bữa nay có dịp muốn đi chơi chung nhưng chưa xin mẹ. Cuối cùng Thục Trang đành liều một phen, dự định sẽ về sớm. Ai ngờ ham vui chơi thâm cả giờ bãi học. Nghĩ rằng mẹ đã đi dạy nên Thục Trang cũng đỡ lo. Nào ngờ về mới đầu ngõ đã thấy mẹ đứng đó. Thục Trang sợ xanh mặt.
- Chị, vô cất xe rồi lấy cây roi ra đây!, mẹ nói.
- Nằm lên giường mau!
Thục Trang không kịp thay áo dài thì phải nằm lên chịu đòn.
Mẹ Thục Trang có một cách dạy con riêng. Lúc nào muốn đánh là mẹ biểu lên nằm đàng hoàng, sau đó quất chỉ ba roi, nhưng mỗi roi đều nói cả mấy phút mới đánh tiếp.
- Chị biết chiều nay tui phải nghỉ dạy không? Chị biết chị phạm lỗi chi không?
- Dạ con biết lỗi rồi. Con xin lỗi mẹ!
- Đi học đường xa về trể ,ở nhà tui cứ nghĩ chuyện không may. Bữa nay lỡ thì tha tội, chứ lần khác là tui bắt quỳ nữa đó. Thôi đi thay áo quần rồi ăn cơm!
Lần đó trở về sau, cứ nghĩ đến nỗi lo lắng của mẹ nên Thục Trang không dám đi đâu mà không xin mẹ cả. Mẹ Thục Trang là thế đó. Thương con nhưng cũng rất nghiêm khắc với con. Một điều đặc biệt nữa là mẹ ghét ai nói dối và lấy cắp lắm. hai chị em Thục Trang phạm lỗi chi mẹ có thể tha thứ được, chứ phạm hai lỗi đó là mẹ đánh cho chết luôn à!
Nhớ một lần Thục Niệm đi ngang vườn người ta, thấy ổi nhiều trái, nó thích quá bèn chui rào hái trộm. Lần ấy, mẹ biết được, Thục Niệm bị mẹ đánh thê thảm, rồi giả đuổi nó ra khỏi nhà. Nhưng sau đó mẹ lại biểu Thục Trang xoa dầu những chỗ bầm cho em. Thương con nhưng không biểu hiện ra trước mặt. Đó là một tính cách của mẹ mà sau này Thục Trang mới hiểu được.
...Thấm thoát thế mà đã mười tám năm trôi qua. Mẹ con Thục Trang quen rồi cảnh nhà không có ba. Thục Trang không biết ba ở nơi nào, còn sống hay không?... Thục Trang và em gần như không còn ý niệm gì về ba cả. Không biết mẹ còn nhớ đến ba không? Nhưng hàng đêm mẹ không còn thổn thức. Hay là nước mắt mẹ đã cạn khô rồi?!
...Thục Trang vào Đại học phải đi học xa. Nhớ ngày Thục Trang nhận giấy báo đậu đại học mẹ mừng vui khôn xiết. Nhưng rồi mẹ lại khóc, Thục Trang hiểu mẹ không muốn cho Thục Trang đi xa. Mẹ thường nói: Con đi xa, mỗi lúc bệnh không có mẹ làm sao chứ?!...
Nhớ đêm trước lúc đi mẹ cứ dặn dò điều này, đến sửa soạn thứ kia. Mẹ vá lại cho Thục Trang cái màn đã có nhiều lỗ thủng; may lại cho Thục Trang những cái áo sút lai; gói cẩn thận cho Thục Trang những gói cơm nắm đi đường; dặn Thục Trang đừng thức quá khuya mà ảnh hưởng sức khỏe...nhiều và nhiều lắm. Thục Trang đùa nói: mẹ dặn nhiều điều vậy, con đem đi chật tàu họ đuổi xuống đó! Mẹ cười nói: Cha mày!
Ngày mẹ đưa Thục Trang lên tàu, không cầm lòng được Thục Trang khóc thật nhiều. Ngược lại mẹ không khóc. Mẹ cứ nhìn Thục Trang dỗ dành: Đừng buồn! Cố mạnh mẻ lên con gái mẹ! ( sau này trong một trang nhật ký Thục Trang đọc được mẹ viết rằng: “ xa con lòng mẹ quặn đau nhưng vì tương lai của con nên mẹ đã cứng rắn. Nếu mẹ khóc con sẽ bỏ cuộc thì sẽ khổ cho con về sau.”). Mẹ là thế luôn âm thầm chịu đựng vì con.
Mỗi năm Thục Trang chỉ tranh thủ về thăm nhà một lần vì đường xa, kinh tế lại không cho phép. Thường thì nghỉ hè Thục Trang về thăm mẹ rồi ở chơi với mẹ gần hai tháng. Mẹ thường nấu cho Thục Trang những món ăn mà Thục Trang thích ăn. Mẹ bảo: Tội nghiệp con gái mẹ đi học xa, ăn bữa đói bữa no, không ai lo cho cả! Rồi cứ nhìn Thục Trang ăn ngon mẹ lại chảy nước mắt. Những ngày về nghỉ hè ở với mẹ Thục Trang thấy hạnh phúc vô cùng.
...Ngày xưa còn ở nhà với mẹ, mỗi năm Thục Trang luôn thức cùng mẹ đón Giao Thừa. Hai mẹ con vừa ngồi đun nồi bánh chưng vừa tỉ tê trò chuyện cho đến khi pháo nổ cúng Giao Thừa xong mới đi ngủ. Mấy năm đi học xa không năm nào được về, Thục Trang nhớ mẹ và những buổi Giao Thừa ở nhà lắm. Năm nào mẹ cũng viết thư cho Thục Trang nói: Con đi rồi những đêm Giao Thừa mỗi năm trở nên buồn tẻ. Thục Niệm lúc nào cũng soạn sẵn bàn thờ cúng rồi đi ngủ. Mẹ ngồi đón Giao Thừa một mình mà nhớ con!
...Năm nay Thục Trang đã học năm cuối. Hè này có thể bận viết luận văn nên Thục Trang nói với mẹ sẽ về ăn Tết. Vậy là mẹ vui lắm. Đi đâu mẹ cũng kể là năm nay Thục Trang về ăn Tết ở quê. Mẹ chuẩn bị Tết từ rất sớm. Cái gì cũng nói với Thục Niệm để dành cho chị mày về ăn Tết cả. Nhưng cuộc đời có những việc không ai ngờ tới được...
Một ngày Thục Trang vừa thức dậy thì nghe điện thoại Thục Niệm gọi vào báo mẹ bị tai nạn đang nằm cấp cứu. Thục Trang tất tốc ra liền nhưng không còn kịp gặp mẹ nữa.
...Mẹ ơi! Xuân này con về mẹ ở đâu?! Trong một nơi xa nào đó mẹ có nghe chăng tiếng thổn thức của con. Đường đời còn nhiều chông gai, vắng mẹ rồi con biết phải làm sao! Mẹ ơi!...
(Thành kính gởi đến hương linh Mẹ tâm sự của con trẻ)
Tràm Hoa Vàng
|