Gần đây trong Phật giáo đã xảy ra nhiều chuyện không hay. Chuyện các chú tiểu khoe tiền trên facebook chưa nguôi thì lại xảy ra chuyện hai nhà sư dỡn cợt trên sân khấu, khiến cho trong và ngoài giáo có có dịp thêm lời đàm tiếu. Dù ai đúng ai sai, mức độ nghiêm trọng hay không nghiêm trọng, thì nó vẫn phản ánh một điều rằng sự giáo dục, quản lý trong Phật giáo là vấn đề cần phải được xem xét lại. Trong đó trách nhiệm trực tiếp phải thuộc về người thầy.
Tôi còn nhớ khi tôi mới vào chùa làm chú tiểu, với thầy, tôi vừa thần tượng vừa sợ sệt. Đối với tôi, thầy là chân lý, là lẽ phải, hơn nữa thầy học kinh của Phật rất nhiều nên những gì thầy dạy thì không thể nào sai được. Chính vì vậy mà tôi rất biết nghe lời thầy. Thầy dạy như thế nào là tôi làm y như vậy. Ý tôi muốn nói là bất cứ ai khi mới lạ lẫm bước vào môi trường tu học thì tâm hồn họ như tờ giấy trắng. Trong lúc này vai trò của người thầy hết sức quan trọng. Thầy gần gũi, kềm cập, uốn nắn đệ tử sao cho nên người, trở thành pháp khí trong Phật pháp mai sau.
Trong Sa di luật giải có nói, hầu thầy ít nhất là năm năm. Còn nếu như thấy mình chưa trưởng thành thì mười năm, thậm chí cả đời cũng không được xa lìa thầy. Đọc lại lịch sử thiền tông ta cũng thấy rất rõ tầm quan trọng của người thầy đối với sự giác ngộ của đệ tử như thế nào. Và suy cho cùng chức năng của người thầy không gì hơn là giáo dục môn đồ. Đó là trách nhiệm lớn lao và thiêng liêng không chỉ liên quan đến cuộc đời của người đệ tử của mình mà còn đối với Phật pháp nữa. Dạy dỗ không đàng hoàng làm Phật pháp phải chịu tiếng tai chính là làm thân Phật ra máu đó, chứ đâu chờ lăn đá hại Phật như Đề Bà Đạt Đa hay đập phá chùa chiền, tranh tượng mới gọi là phạm tội ngũ nghịch đâu!
Trách nhiệm của người thầy quan trọng như vậy, nhưng thử hỏi ngày nay có được mấy vị minh sư chịu chú ý đến sự dạy dỗ này một cách thiết tha. Vị trụ trì trăm công ngàn việc, nào việc chùa, việc giáo hội, rồi việc chính quyền… có thời gian và tâm trí đâu mà để ý đến từng lời nói, cử chỉ của đệ tử xem đúng với oai nghi, có phù hợp với Chánh pháp không; hay chỉ cạo tóc xong là bỏ xó, để mặc chúng làm gì thì làm. Rồi năm tháng dần trôi, tâm hồn không nhuộm màu Phật pháp, gặp cảnh sao cho khỏi chẳng sinh tình, làm những điều mà tự thân mình cũng không biết là đúng hay sai với lời Phật dạy.
Thà rằng chỉ một trò mà nên gương sáng còn đáng khen hơn ham độ chúng nhiều mà độ chẳng đến nơi. Thà rằng chùa nhỏ nhưng sự giáo dưỡng thân thiết còn tốt hơn chùa to mà thầy trò lạc lỏng lẫn nhau. Thà làm một người thầy bình thường mà lo cho đệ tử tốt còn hơn đảm nhận nhiều trách nhiệm ngoài xã hội mà đệ tử chẳng nên người. Tề gia rồi mới trị quốc, bình thiên hạ. Trong ba cái ấy, Tề gia cho được tốt thì thiên hạ tự thái bình. Mong thay!
Hữu Huệ