Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
12:08, Tuesday.December 10 2024
Khái niệm Pháp trong Triết học & Văn hoá Ấn Độ
 

Pháp (Dharma) là một khái niệm được sử dụng phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong triết học cũng như trong đời sống xã hội Ấn Độ. Khái niệm này mang nhiều tầng nghĩa, được hiểu và giải thích từ những gốc độ khác nhau, với đủ cả những ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

I. Khái Niệm Pháp Trong Ấn Giáo

Pháp (Dharma) là một khái niệm được sử dụng phổ biến và có ảnh hưởng sâu rộng trong triết học cũng như trong đời sống xã hội Ấn Độ. Khái niệm này mang nhiều tầng nghĩa, được hiểu và giải thích từ những gốc độ khác nhau, với đủ cả những ý nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

Khái niệm Pháp có nguồn gốc từ Ṛta, một thuật ngữ được sử dụng trong Ṛg-Veda. Khái niệm Ṛta trong Ṛg-Veda có phần giống với khái niệm Đạo (道) trong triết học Trung Hoa. Ṛta được hiểu như một luật tự nhiên, một năng lực nằm sau vạn sự vạn vật, sắp đặt và điểu khiển vạn vật trong vũ trụ theo một trật tự hoà hợp và có quy luật. Ví dụ, sự vận hành của các mùa trong năm, sự thành trụ dị diệt của vạn vật, sự chuyển động của các hành tinh… tất cả đều đi theo hay bị chi phối bởi một quy luật nào đó, và quy luật này được hiểu là Ṛta. Nhưng Ṛta cũng được xem như một luật đạo đức, là con đường mà người ta cần nên phải theo: “Hỡi đấng Indra, xin đưa chúng con lên con đường Ṛta.” (Ṛg-Veda 10.133.6).

Ṛta được thiết lập ngang qua hành động con người, và mỗi khi người ta xâm phạm nó là đang chống lại các vị thần như Agni, Varuṇa và Mitra. Do vì Ṛta được xem như trật tự tự nhiên và luật đạo đức, và cũng được hướng dẫn bởi thần linh, mỗi khi người ta thực hành theo Ṛta là đang thuận theo trật tự tự nhiên và luật đạo đức, cũng như đang vâng theo thần linh - mà được tin “không chỉ là đấng duy trì trật tự tự nhiên mà cũng là đấng duy trì luật đạo đức.”[1]

Ta biết rằng tế lễ giữ một vị trí then chốt trong Ṛg-Veda, và theo đó Ṛta “đã trở thành từ đồng nghĩa với yajña (tế lễ).”[2] Trong Ṛg-Veda, mối liên hệ giữa thần linh và con người rất mực mật thiết. Đời sống của con người được cho là luôn có sự theo dõi, quán sát của thần linh. Con người phải thực hiện các bổn phận và thể hiện sự thành tâm của mình đối với thần linh thông qua việc thực hành các tế lễ.

Tuy nhiên, con người cũng cần phải có bổn phận đối với đồng loại, cần rèn luyện và thực hiện các đức tính như tử tế, hiếu khách, tình thương…; và tránh làm những điều sai quấy như cờ bạc và tà dâm... Và như vậy, sống theo Ṛta là một mặt phải tuân theo những quy luật của tự nhiên, mặt khác phải thể hiện lòng thành kính của mình đối với thần linh và rèn luyện những đức tính, thực hiện những việc làm tốt và tránh làm những việc xấu. Và bởi vì Ṛta có sự nối kết mật thiết với thần linh, những người sống chệch khỏi nguyên tắc này sẽ nhận lãnh sự trừng phạt từ thần linh.

Khái niệm Pháp (dharma) và Nghiệp (karma) được hình thành từ khái niệm Ṛta này. Pháp và nghiệp giải thích hệ thống xã hội và vị trí của con người ở trong hệ thống xã hội ấy. Trong khi nghiệp đề cập đến hành trình của tự ngã thông qua thời gian và đưa cho cá nhân ý nghĩa về không gian, Pháp đề cập đến con người ở đâu trong cuộc sống và những bổn phận gắn liền với vị trí đó.

Khó có thể đưa ra một định nghĩa đầy đủ về khái niệm Pháp trong triết học Ấn Độ. Từ điển Sanskrit[3] đã định nghĩa Pháp là: điều được thiết lập, sắc lệnh, đạo luật, luật lệ không thay đổi; việc sử dụng, sự thực hành, việc tuân thủ các tập tục hay bổn phận được quy định, quyền, sự công bằng (thường như một từ đồng nghĩa với sự trừng phạt), phẩm hạnh, đạo đức, tôn giáo, phước đức tôn giáo, công việc tốt…

Do có gốc từ khái niệm Ṛta, Pháp đã có những hàm nghĩa giống với Ṛta. Căn “dhṛ” của thuật ngữ Dharma có nghĩa là nắm giữ, duy trì và chống đỡ: “Thế giới này được duy trì nhờ Pháp” (Atharva-Veda). Vì giống với khái niệm Ṛta, Pháp vừa chỉ cho luật vũ trụ, chỉ cho một năng lực duy trì và kiểm soát thế giới vật chất, và đồng thời cũng chỉ cho những điều mà người ta nên làm, được định nghĩa như là luật tôn giáo, hạnh kiểm, bổn phận và trật tự xã hội... Một người thực hành đúng Pháp, theo truyền thống Ấn giáo, là thực hành theo những gì đã được quy định trong các thánh điển. Trong Mahabharata, thực hành Pháp là thực hành theo tám nguyên tắc: sùng kính thần linh, học hỏi, bố thí, khổ hạnh, chân thật, tha thứ, từ mẫn và không tham lam.

Trong Upanishad, Pháp được xem là điều cao quý, nó đồng nghĩa với sự thật. Một người nói Pháp là người nói về sự thật, và người nói về sự thật là nói về Pháp, và “sự thực, cả hai điều này là một.” (Brh. Upanishad, 1.4.14). Và Upanishad cũng cho rằng, chính nhờ Pháp mà một người yếu có thể kiểm soát được một người mạnh. Pháp ở trong ý nghĩa này rất gần với khái niệm pháp luật ở xã hội hiện đại.

Pháp được chia làm bốn loại: pháp vũ trụ (rita-dharma), pháp con người (ashram-dharma), pháp xã hội (varana-dharma), và pháp cá nhân (sva-dharma). Tất cả bốn pháp này cùng được gọi là Sanatana dharma.

Pháp vũ trụ bao gồm những luật tự nhiên liên quan đến hiện tượng vật lý của vũ trụ. Pháp con người có nghĩa là những hành động con người duy trì trật tự cá nhân, xã hội và môi trường. Pháp xã hội là những bổn phận trách nhiệm của con người ở trong xã hội. Và pháp cá nhân bao gồm hành động cá nhân liên quan đến trách nhiệm và bổn phận cá nhân của mỗi người.

Bốn giai đoạn (āśramas) của đời người

Ấn giáo chia đời người thành bốn giai đoạn, và việc thực hiện tuần tự các giai đoạn này được xem là đang thực hiện theo Pháp.

Thời kỳ thứ nhất được gọi là “brahmacharya āśramas”, giai đoạn của một người học sinh. Vào giai đoạn này, người học sinh thân cận một vị thầy tâm linh để học tập các Vedas, các cách thức tế lễ cũng như những tri thức cần thiết để sống trong xã hội. Giai đoạn thứ hai được gọi là “grihastha āśramas”, thời kỳ sống đời sống gia đình. Vào thời kỳ này, người thanh niên sẽ chọn người để kết hôn, thực hiện các bổn phận gia đình và trách nhiệm xã hội, nuôi nấng và giáo dục con cái. Giai đoạn này sẽ kéo dài cho đến tuổi 50. Giai đoạn thứ ba được gọi là “vanaprastha āśramas”, và theo Luật Manu, bắt đầu khi người ta tóc ngã hoa râm. Vào thời kỳ này, người gia chủ đi vào rừng, dành toàn bộ thời gian để nghiên tầm kinh sách, thực hành thiền định và quán tưởng về thần linh. Giai đoạn cuối cùng được gọi là “sannyasa āśramas”, giai đoạn người gia chủ xuất gia sống đời ẩn sĩ. Lúc này vị ấy sẽ từ bỏ hết mọi tham muốn, sợ hãi và hy vọng, từ bỏ hết mọi trói buộc của đời sống gia đình và xã hội. Bổn phận duy nhất vào lúc này là phải đạt được sự giải thoát (moksha), chấm dứt luân hồi sinh tử.

Tất cả bốn giai đoạn của đời người này đều quan trọng. Và người ta cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc và luật lệ được đặt ra cho từng giai đoạn. Việc thực hành đúng theo con đường này được xem là sống đúng theo Pháp.

Bốn giai đoạn của đời người này có thể được hiểu trong xã hội hiện đại như: giai đoạn đi học; giai đoạn lập gia đình và kiến lập sự nghiệp; giai đoạn dành cho đời sống tâm linh, và thực hành đời sống tôn giáo miên mật để chuẩn bị cho một đời sống mới. Nhưng hẳn nhiên đối với một người Ấn giáo, đời sống tâm linh luôn đi cùng với cả đời người, không chỉ đợi đến hai giai đoạn sau mới thực hiện.

Bốn mục đích của đời người (purushārthas)

Ấn giáo xem đời sống con người có bốn mục đích quan trọng, đó là Artha, Kāma, Dharma và Moksha. Artha chỉ cho việc kiếm tìm tài sản, danh vọng và quyền lực. Kāma chỉ cho việc tìm kiếm niềm vui và lạc thú trong cõi đời. Dharma là nỗ lực thực hiện đúng đắn các bổn phận, trách nhiệm, các nguyên tắc đạo đức và tôn giáo. Và Moksha là ước muốn giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi; và đây cũng được xem là múc đích cao nhất của đời người.

Trong bốn mục đích này, ba thứ đầu thuộc về đời sống trần tục, và cái sau thuộc về thế giới siêu việt. Nhưng ở đây, mặc dù Pháp thuộc về thế giới trần tục, nhưng nó cùng lúc đóng hai chức năng: vừa là nguyên tắc hướng dẫn giúp người ta không rơi vào những điều sai quấy ở trong đời sống trần tục, và cũng là một trong những điều kiện cần giúp người ta đạt đến giải thoát.

Luật Manu cho rằng không có hành động nào của con người thoát khỏi sự tham muốn (kāma), và bất cứ những gì mà người ta làm là kết quả do sự thúc đẩy của tham muốn (Manu II: 4). Tham muốn ở đây là tham muốn tài sản vật chất, danh vọng, quyền lực cũng như những thú vui dục lạc. Và sự tham muốn này được cho là nguyên nhân đưa đến những điều xấu ác và xung đột ở trong xã hội và ngay bên trong nội tâm con người.

Pháp là điều hướng dẫn người ta sống trong xã hội theo một trật tự được vạch sẵn để tránh xung đột, và cũng giúp người ta giới hạn sự ham muốn: “Để đạt được sự thịnh vượng và hạnh phúc, một số người cho rằng Pháp (dharma) và tài sản (artha) là tốt. Một số người khác cho rằng tài sản và tham muốn (kāma) là tốt hơn. Vẫn có người khác cho rằng Pháp là tốt nhất. Và cũng có người cho rằng chỉ có tham muốn là bảo đảm cho hạnh phúc. Nhưng quan điểm đúng là rằng một sự kết hợp Pháp, tài sản và tham muốn lại mới bảo đảm sự thịnh vượng và hạnh phúc…Tuy nhiên, tham muốn và tài sản phải bị loại trừ nếu chúng đi ngược lại pháp.” (Manu II: 224 & IV: 176).

Artha và Kāma được chấp nhận như là điều tất yếu của đời sống, nhưng người ta phải nhận ra rằng chúng không phải là mục đích sau cùng của đời người. Người ta cần phải vượt qua chúng để  đạt đến moksha. Và Pháp khi đi cùng với artha và kāma, sẽ giúp người ta không chệch ra khỏi các nguyên tắc sống và cũng giúp đạt đến moksha.

Nhưng cần lưu ý thêm rằng, trong Vedas, tế lễ mới là điều quan trọng chứ không phải moksha. Moksha được xem là mục đích quan trọng nhất bắt đầu từ Upanishad. Thêm nữa, không phải tất cả các trường phái triết học Ấn Độ đều xem Pháp có thể giúp người ta đạt đến giải thoát. Bahagavagītā và trường phái Mīmāṃsā xem Pháp là yếu tố không thể thiếu cho việc đạt đến moksha. Ngược lại các trường phái như Sāṃkhaya và Śaṃkara Vedānta không xem việc thực hành Pháp có thể giúp người ta đạt đến giải thoát; mà giải thoát chỉ có thể đạt được bằng trí tuệ.

Pháp và bổn phận

Khái niệm Pháp gằn liến với bổn phận bắt buộc được tìm thấy trong Bahagavagītā và sau đó nghiêm ngặt hơn trong luật Manu. Bahagavagītā đặt ra những trách nhiệm và bổn phận cho riêng từng đẳng cấp, và việc thực hiện đúng những bổn phận dành riêng cho mình được xem là đang thực hiện đúng theo Pháp. Và Bahagavagītā nói rằng “Hãy để các thánh điển (sastras) giữ thẩm quyền trong việc quyết định những gì nên làm và những gì tránh làm” (Gita-16.24). Làm theo thánh điển là thực hành tế lễ, chấp nhận hệ thống đẳng cấp, thực hành các bổn phận của mình đúng theo các đẳng cấp và tuỳ theo từng giai đoạn của đời người. Nơi đời sống cá nhân, người ta phải tuân theo nhưng nguyên tắc như bất bạo động, chân thật, xả kỷ...

Vì mỗi đẳng cấp có những bổn phận riêng, nên Pháp của đẳng cấp này sẽ khác với đẳng cấp kia. Tuy nhiên Luật Manu cũng đưa ra một vài nguyên tắc mà nó được xem là Pháp chung dành cho tất cả các đẳng cấp, chẳng hạn như bất bạo động (ahimsa), chân thật (satya), không trộm cắp (asteya), thanh sạch (shoucham), kiểm soát các giác quan (indriyanigraha)… (Manu X: 163).

Trong Luật Manu, khái niệm Pháp phần nào bị đánh đồng với khái niệm nghiệp:  “Khi một người từ giã cõi đời này để sang thế giới khác, không cha mẹ cũng không vợ con nào đồng hành cùng anh ta.  Chỉ có “pháp” mà một người đã thực hành sẽ theo cùng vị ấy sau khi chết.” (Manu 239). Và “Mỗi khi một người qua đời, thân quyến hoả thiêu thân thể (người ấy) và (người ấy) rời bỏ gia đình. Chỉ có Pháp mà người ấy thực hiện trong suốt cuộc đời của mình là vẫn còn lại với người ấy...” (Manu 241-242).

Ở Ấn, có những thời kỳ người ta nhấn mạnh vào Pháp và xem việc giải thoát tinh thần như là mục đích cao nhất của đời người. Nhưng có những thời kỳ khái niệm Pháp đã bị bóp méo, nó đi xa ý nghĩa ban đầu và trở thành thứ áp đặt khắc nghiệt lên con người và lên các đẳng cấp với những tính chất tàn bạo và thiếu bao dung.

Đã có những nghiên cứu và nỗ lực nhằm làm sống lại những giá trị cốt tuỷ của Pháp. Người ta cũng đang cố gắng giải thích lại ý nghĩa của Pháp, hoặc cố gắng đưa nó về gần lại khái niệm Ṛta. Sự thực, một số nguyên tắc cốt tuỷ của khái niệm này như chân thật, bất bạo động, không trộm cắp, thanh sạch, thương yêu và phụng sự người khác như bản thân… hẳn có giá trị đối với đời sống ngày nay. Toà án tối cao Ấn Độ ghi rằng: “Pháp” (Dharma) là thứ gìn giữ, nuôi dưỡng hay chống đỡ sự bền vững của xã hội, duy trì trật tự xã hội và bảo vệ lợi ích chung và sự tiến bộ của loài người.” Nhưng khái niệm Pháp của Ấn giáo cũng khiến người ta liên tưởng đến những vấn đề như đẳng cấp và sati[4],… và điều này cũng gây nên sự suy nghĩ tiêu cực cho người khác.

Nhưng trong đời sống xã hội Ấn hiện đại, hầu như người ta nghĩ sống theo Pháp là sống có nguyên tắc, phù hợp, chuẩn mực và đúng đắn, hay nói một cách sáo mòn là sống một đời sống hướng đến Chân - Thiện - Mỹ. Ví dụ như khi ta viết thư than phiền về một vấn đề nào đó đã không được giải quyết nhanh chóng, ta có thể nhận được một sự trả lời giải thích sự chậm trể đó với một từ kết cuối cùng là “đúng theo Pháp”. Và trong ngữ cảnh này, “đúng theo Pháp” có thể được hiểu là đúng với nguyên tắc. Tức rằng không phải người ta chậm trể, mà họ đang giải quyết vấn đề theo một trình tự có nguyên tắc.

Ở trước chỉ là một sự trình bày sơ lược về khái niệm Pháp trong Ấn giáo. Riêng khái niệm Pháp được hiểu như thế nào trong Phật giáo, chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.

Thích Nguyên Hiệp



[1]
M. Hiriyamna, Outlines of Indian Philosophy, Delhi: Motilal Banarsidass, 2005.tr. 33.

[2]S. Radahakrishnan, Indian Philosophy, Vol. I. New Delhi, Oxford University Press, 2008, tr.110.

[3]M- Momonier – Williams, A Sanskrit English Dictionary, Delhi: Motilal Banarsidass, 2002, tr.510.

[4]ỞẤn Độ trước đây, ở một vài cộng đồng theo Ấn giáo, có tục lệ rằng khi người chồng qua đời trước, người vợ bị buộc phải lên giàn hoả thiêu cùng với chồng, và tập tục này được gọi là sati. Theo tập tục này, nếu người goá phụ lên giàn thiêu cùng với chồng, sẽ giúp cho chồng thoát khỏi những tội lỗi mà ông đã gây ra khi còn sống và sẽ có một đời sống tốt ở trong tương lai. Tập tục này kéo dài đến thế kỷ 19 thì chấm dứt, bởi do pháp luật ngăn cấm.

Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2024
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này