Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải vinh danh bà Aung Sann Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein đã nêu một tấm gương cho các nhà lãnh đạo và các quốc gia trong việc tìm kiếm sự hoà giải,khoan dung đểđi tới thịnh vượng. Giáo sư Janet Gyatso nhấn mạnh vai trò quan trọng của bà Aung San Suu Kyi nhưng không xem nhẹ sự dũng cảm và tầm nhìn của Tổng thống Thein Sein. Đồng thời,Giáo sư kể lại một câu chuyện về bà Aung San Suu Kyi từ cách đây nhiều năm trong bài phát biểu tại hội nghị và lễ trao giải ngày 21/09 sau đây:
Thật vinh dự cho tôi được tham gia vào lễ trao giải Giải thưởng Hòa giải Trần Nhân Tông và tôi rất cảm ơn ông Nguyễn Anh Tuấn đã mời tôi phát biểu. Thật là một đặc ân lớn lao khi có thể góp tiếng nói vào một buổi lễ mà chúng ta đang cùng tham gia tối nay,một buổi lễ để thiết lập lại tình hữu nghị trong tinh thần hợp tác và thỏa hiệp mới mẻ mở ra trước sự chứng kiến đầy ngạc nhiên và phấn khởi của cả thế giới trong mấy tháng qua,giữa chính phủ Myanmar và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ.
Những phát biểu ngắn gọn của tôi sẽ tập trung vào vai trò quan trọng của Bà Daw Aung San Suu Kyi trong chuỗi sự kiện phi thường này tại Myanmar,nhưng như thế không có nghĩa là xem nhẹ sự dũng cảm và tầm nhìn vì tương lai cho Myanmar của Tổng thống Thein Sein và những người khác khi bắt tay vào thực hiện con đường cải cách chính trị-xã hội,nới lỏng luật báo chí,thể chế hóa biểu tình,phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị,và cho phép bầu cử công bằng. Những cuộc bầu cử ấn tượng giúp bà Aung San Suu Kyi và các thành viên khác trong Đảng của bà giành được một vị trí xứng đáng trong chính phủ Myanmar.
Trên thực tế,tôi có may mắn được biết Bà Aung San Suu Kyi từ nhiều năm trước khi chồng bà,nhà Tây Tạng học Michael Aris,tham gia một dự án giữa nhiều trường đại học nhằm phục chế là các tài liệu viết tay Phật giáo cổ tại Nepal. Lúc đó,là một sinh viên đại học đang nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng,tôi cũng tham gia dự án này. Bà Suu Kyi cũng có mặt ở đó,cùng cậu con trai mới sinh là Alexander. Đó là năm 1973,hơn một thập kỷ trước khi bà Suu Kyi bước vào một chặng đặc biệt trong đời mình.

Bà Janet Gyatso phát biểu tại lễ trao giải
Chính trong tháng khi tất cả chúng tôi cùng sống tại một ngôi nhà ở Kathmandu trong lúc chờ đợi giấy phép điền dã,tôi nhớ mình thấy ấn tượng nhất về phong thái cao quý và ý thức về bản thân của bà Suu Kyi,ngay cả khi bà đang vô cùng bận bịu đảm đương những nhiệm vụ đời thường nhất là làm mẹ và làm vợ.
Nhưng lúc này khi ngẫm lại những kỷ niệm đó,điều khiến tôi chú ý nhất lại không phải là những ý niệm mông lung,cho dù có thể cảm nhận rõ ngay ở thời điểm đó,về số phận của bà trong tư cách một lãnh tụ vĩ đại,mà lại là những gì bà phải hy sinh để hoàn thành số phận ấy. Cái thu hút sự chú ý của tôi lúc này là ký ức về tình yêu thương gia đình của bà,đặc biệt là dành cho chồng bà,cũng là đồng nghiệp Michael của tôi,điều tôi đã nhận thấy ngay từ thời điểm đó và qua nhiều năm khi tôi tiếp tục gặp Michael tại các sự kiện học thuật,cùng với tình yêu dành cho hai cậu con trai mà bà nuôi dạy.
Hầu hết các hành động nhân văn vĩ đại đều liên quan đến sự hy sinh cá nhân rất lớn. Nhưng trong trường hợp bà Aung San Suu Kyi,lựa chọn giữa những người thân yêu và nghĩa vụ đối với nhân dân Myanmar vô cùng nghiệt ngã và khó dung hoà: không có cách nào để thực hiện cả hai,cho dù chỉ là một chút xíu. Hoàn toàn là chọn cái này hoặc cái kia,và phải như vậy.
Khi đề nghị tôi có vài lời phát biểu ngày hôm nay,ông Tuấn có yêu cầu tôi nói đến vai trò của Phật giáo trong sự hoà giải giữa bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo Myanmar. Nhưng trong quá trình chúng tôi thảo luận,tôi đã chỉ ra cho ông ấy thấy rằng tôi có điểm e dè khi xác định “Phật giáo” như là một lý do cho những bước phát triển đầy triển vọng đang diễn ra ở Myanmar ngày hôm nay. Mặt khác,sự kiên định vững vàng về mục đích và cam kết bất bạo động đã tạo nên thành công cho sự nghiệp của bà Aung San Suu Kyi vốn rất phổ biến với nhiều tôn giáo.
Trên thực tế,khái niệm đấu tranh bất bạo động đã được Gandhi nêu rõ trong những giá trị Ấn Độ giáo,và nó cũng rõ nét và mạnh mẽ không kém trong những biểu đạt Thiên Chúa giáo của Tiến sĩ Martin Luther King. Và mặt khác,đâu chỉ có tất cả những lãnh tụ Phật giáo,hôm nay và cả trong quá khứ,mới là những người mẫu mực về đạo đức và liêm chính. Bản thân bà Aung San Suu Kyi luôn bênh vực cho sự nghiệp của những nhân vật văn học người Miến như Thein Pe Mynt,một tín đồ Phật giáo mộ đạo với cuốn tiểu thuyết Nhà sư hiện đại (Modern Monk) chỉ trích nhiều sư sãi người Miến và các thủ lĩnh tăng già sa đoạ.
Trên thực tế,bà kiên định trong việc phân biệt rõ giữa bản sắc Phật giáo mà hầu hết người dân Miến đều kế thừa,mặc dù chỉ ở hình thức bên ngoài,với một quá trình thích ứng có chủ định và được cam kết rất mạnh mẽ đối với những tập quán và khái niệm Phật giáo như là một phương thức để tập trung và dẫn dắt quyết tâm cùng cam kết đạo đức cần cho những hành động có lợi vì nhân dân.
Phật giáo không đứng ở một vị thế đặc quyền đặc lợi so với những truyền thống đạo đức và tôn giáo khác nhằm đem tới cho thế giới những nguồn lực để có được công bằng xã hội và dân chủ,cho dù đúng là nó có những đóng góp đặc biệt vào sự nghiệp này.
Thêm nữa,những nguồn lực này cần được huy động ở tầm quốc tế và trong những điều kiện đương đại,qua các mạng lưới truyền thông,và những ý nghĩa văn hoá đang thay đổi của các thiết chế và biểu tượng Phật giáo. Các vị sư ở thế kỷ 20 có chiến lược vận dụng uy tín đạo đức của mình với tư cách những nhà tu hành tiết dục để phát động phong trào phản kháng chính trị tại Việt Nam trước kia,và gần đây hơn là ở Tây Tạng. Giáo hội Phật giáo ở Myanmar rất giỏi lãnh đạo nhân dân trong các cuộc biểu tình quy mô lớn và đáng chú ý trong cái gọi là Cách mạng Hoa nghệ tây vào năm 2007,nêu bật cả giá trị “bất bạo động” Phật giáo truyền thống lẫn uy tín đạo đức của tăng đoàn.
Bản thân bà Aung San Suu Kyi cũng đã rất sáng suốt vận dụng một cách chủ định và tự giác những khái niệm Phật giáo cũ về vương quyền để làm nền tảng cho ý thức hệ của phong trào vì dân chủ và công bằng ở Myanmar. Bà viết về một “nhãn quan Phật giáo đối với lịch sử” đánh giá cao nhà cầm quyền nào có thể khôi phục hoà bình và trật tự đạo đức qua sự đồng thuận của người dân. Bà cũng nói rất nhiều đến “mười nhiệm vụ của các vị vua”,diễn giải những phẩm chất như hào sảng,liêm chính,tốt bụng,dung dị,hoà ái,phi bạo động,và không đối đầu với ý chí của nhân dân thành những khái niệm có liên quan trực tiếp đến bối cảnh Myanmar ngày nay.
Bà thừa nhận rằng trong các truyền thống Phật giáo,sự tự hy sinh hoàn toàn của các ẩn sĩ vì mục tiêu giải thoát cho những người khác khỏi khổ đau có liên quan đến những mục tiêu tôn giáo cao cả hơn so với những gì có thể dùng để mô tả về công việc của giới công chức hiện đại. Nhưng bà nhất quán cho rằng những người cầm quyền nên được ràng buộc với đạo đức và sự thật cả trong ý nghĩ,lời nói và hành động. Bà sử dụng ngôn từ của các tài liệu Phật giáo cổ nói đến những nguyên tắc cao hơn,những nguyên tắc cấu thành nên những nghĩa vụ vượt hẳn dục vọng và định kiến cá nhân và trên thực tế,cả những tôn giáo hoặc nền văn hoá cụ thể. Bà xác định những giá trị Phật giáo truyền thống làm những nguyên tắc phổ quát,với những quan niệm hiện đại hàm ẩn trong Tuyên ngôn Nhân quyền được bà lấy làm nguồn tham khảo hiệu quả.
Với cá nhân bà Aung San Suu Kyi,cam kết đối với những nguyên tắc phổ quát có nghĩa là nhận thức tất yếu về nghĩa vụ đối với nhân dân mình,vượt lên trên vai trò làm mẹ và làm vợ của bà – hoặc ít nhất cũng khiến bà trở thành một người mẹ và người vợ “hờ.” Đây là nghĩa vụ bà nhận thức từ rất lâu ngay khi lập gia đình và được cả hai vợ chồng nhất trí xem là một điều kiện nền tảng cho cam kết của chính họ dành cho nhau. Michael Aris là Giáo sư Thỉnh giảng tại Khoa Phạn ngữ và Ấn Độ học tại Đại học Harvard vào năm 1991 khi ông tập hợp những bài viết của bà để xuất bản thành sách dưới tựa đề Thoát khỏi sợ hãi (Freedom from Fear). Ông viết về quá trình bà dấn thân vào chính trường Myanmar trong phần giới thiệu tập sách.
“Lời hứa ủng hộ quyết định của cô ấy [ông viết],mà tôi hình dung rằng nếu cái ngày dự tính sẽ đến,sẽ diễn ra muộn,khi con cái chúng tôi đã lớn khôn. Nhưng số phận và lịch sử chẳng bao giờ như sắp đặt cả… Tất cả những điều ấy,Suu đã phải phát huy ý thức đã được trui rèn rất kỹ về sự tận tâm cùng sức mạnh lý trí của cô ấy. Và cô ấy cũng có may mắn cũng như phải gánh vác vị thế đặc biệt của mình với tư cách là con gái của một anh hùng dân tộc…”2
Vâng,chính những sức mạnh,may mắn và trọng trách ấy đã liên tục hun đúc lên người phụ nữ quả cảm phi thường này khi bà kiên trì theo đuổi những nguyên tắc của mình trong suốt 23 năm trời,liên tục từ chối lời đề nghị được phóng thích không bị quản thúc tại gia nếu như điều đó có nghĩa là bà phải rời bỏ tổ quốc và do đó không còn được phục vụ sự nghiệp dân chủ của nhân dân mình nữa.
Aung San Suu Kyi được biết đến ở Myanmar như là Nữ Bồ tát,một thuật ngữ đặc biệt dành cho một vị thánh trong Phật giáo dành hết nỗ lực của mình vì hạnh phúc của người khác – nhưng hiếm khi được áp dụng cho phụ nữ. Lòng tận tuỵ và liêm chính của bà có nghĩa là – khi vị thủ tướng từ nhiệm kiêm thành viên của hội đồng quân sự cai trị Myanmar được bầu làm vị tổng thống dân sự của đất nước này – một người đàn ông có nhãn quan chấp nhận một lộ trình khác cho Myanmar,một lộ trình trong đó các quyền tự do dân sự giúp đất nước này hoà nhập với cộng đồng thế giới và phối hợp mọi nỗ lực toàn cầu nhằm hướng tới tiến bộ và phát triển – thì ông ấy đã có ngay một đối tác tuyệt vời.
Cả hai người cùng chia sẻ những niềm tin rất thực tiễn;cả hai người cùng quyết tâm thực hiện thay đổi,và đặc biệt là ủng hộ đàm phán và thoả hiệp. Không có gì phải nghi ngờ rằng bà Aung San Suu Kyi chính là đối tác đàm phán tuyệt vời cho Tổng thống Thein Sein bởi bà đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ trong tâm trí người dân Miến.
Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng khi bà Daw San Suu Kyi cùng Đảng của bà tiến tới hợp tác với chính phủ mới của ngài Tổng thống,họ sẽ tìm ra những phương thức để phát huy các quyền tự do dân sự,dân chủ,khoan dung sắc tộc và hợp tác tại Myanmar.
Khi Myanmar có được vị thế trên vũ đài thế giới,nó sẽ có cơ hội rất lớn để giữ vai trò lãnh đạo,với tư cách một hình mẫu ở Châu Á về thoả hiệp và hoà giải xã hội trong thời đại đầy bất ổn của chúng ta,ở thời khắc khi còn rất nhiều quốc gia và các nhà lãnh đạo khác gặp khó khăn trong việc tìm ra con đường đi tới hoà bình,khoan dung và một xã hội thịnh vượng.
GS. Janet Gyatso,trường Đại học Harvard
TheoXuân Hồng
trannhantong.net
Nguồn: Vietnamnet