Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
01:48, Tuesday.May 14 2024
Wat Ram Poeng – Nơi luyện Thân Tâm
 

Thời gian tham dự khoá thiền kết thúc, tôi giã từ Wat Ram Poeng đáp chuyến xe khách đêm về lại Bangkok. Nhìn những mái nhà, rừng cây, thửa ruộnglướt qua cửa kính xe trong bóng đêmlòngnhững mong có ngày được trở lại trung tâm Thiền nổi tiếng tại xứ Chaing Mai

Lâu lắm rồi hôm nay tôi lại có dịp đi chuyến xe khách đêm, loại xe khách hai tầng phổ biến tại Thái Lan. Xe rời thành phố Bangkok lúc 7 giờ tối đến hơn 5 giờ sáng thì đến  Chaingmai, thành phố du lịch nổi tiếng miền Bắc Thái Lan. Từ bến xe khách tôi bắt Tuk-tuk (gần như xe Lam ở Việt Nam) về Wat Ram Poeng khoảng hơn 20 phút. Thiền viện Wat Ram Poeng cách trung tâm Chaing Mai khoảng 4km về phía Tây Nam, dưới chân ngọn núi Doi Kham nổi tiếng, vùng ngoại ô Tambon Suthep của Chaing Mai. Wat Ram Poeng do vua Yod Chaingrai (vua xứ Chaing Mai thời ấy) xây vào năm 1492. Theo lời vị Sư tri khách, Wat Ram Poeng có nghĩa là “Chùa tưởng nhớ đến (người cha quá cố của vua Yod Chaingrai)”, chùa còn có tên là Wat Tapotaram, nghĩa là nơi Thiền tập của các bậc ẩn cư. Vào khoảng thập niên 70 Wat Ram Poeng được mọi người biết đến với một tên khác nữa là Northern Insight Meditation Center (Trung tâm Thiền quán phía Bắc), vì Chaing Mai thuộc miền Bắc Thái Lan.   

 

Chánh điện Wat Ram Poeng

Theo lịch sử Wat Ram Poeng, vua Tilokaraj-vị vua thứ IX thuộc vương triều Mengrai đã trị vì vùng đất Chaing Mai suốt 45 năm (1442-1487). Vua chỉ có một người con trai duy nhất là thái tử Tao Sri Boonroeng. Năm thái tử Tao Sri 20 tuổi, vua cha do nghe theo lời sàm tấu của ái phi nghĩ rằng thái tử muốn cướp ngôi nên vua Tilokaraj đã đưa thái tử Tao Sri đến trú ngụ tại vùng biên địa Chaingrai và Chaingsaen. Trong thời gian sống tại Chaingrai, công nương vợ thái tử Tao Sri hạ sanh một hoàng nam. Đứa bé được sanh ra trong khi công nương đang du ngoạn trên đỉnh núi ở Chaingrai. Vì vậy, thái tử Tao Sri đặt tên cho con trai là Yod Chaingrai, nghĩa là “trên đỉnh Chaingrai”. Một vài năm sau, một lần nữa ái phi Naung Hau Mook tâu với vua Tilokaraj là thái tử Tao Sri đang âm thầm củng cố lực lượng nổi loạn chống lại nhà vua. Vua Tilokaraj đã ra lệnh giết chết thái tử Tao Sri, sau đó đưa cháu nội là Yod Chaingrai lên cai trị vùng đất Chaingrai.

 

Bên trong đại điện

Năm 1487, vua Tilokaraj băng hà, vì thái tử không còn nên cháu nội là Yod Chaingrai lên nối ngôi làm vua xứ Chaing Mai. Sau khi sắp xếp việc triều chính, tân vương Yod Chaingrai bắt đầu điều tra về cái chết của người cha vô tội mong tìm ra những kẻ đã buộc tội cha là người nổi loạn và cuối cùng đưa cha đến chỗ chết, và do cái chết của cha đã làm cho người mẹ đáng thương của tân vương trở thành người mất trí. Cuối cùng vua Yod Chaingrai đã trừng phạt được những kẻ ác tâm giết cha, hại mẹ. Tuy nhiên là một Phật tử tín tâm, sau sự việc ấy vua cảm thấy ăn năn hối hận nên muốn tạo một chút công đức nào đó để chuộc lại những lỗi lầm đã tạo.

Khi ấy có một nhà Sư du hành đến vùng đất Chaing Mai và cư trú tại chân đỉnh núi Doi Kham, nơi ngày nay là Wat Ram Poeng. Sau khi đến trú ngụ tại đó không lâu, nhà Sư thưa với vua rằng Sư đã thấy hào quang ngũ sắc toả ra từ gốc cây gần nơi Sư đang ở, Sư nghĩ có thể có Xá lợi Phật bị chôn nơi đó. Khi nghe nhà Sư kể lại, vua Yod Chaingrai đã đến viếng nơi ấy, ngồi trên lưng voi nhà vua phát nguyện nếu có Xá lợi Phật bị chôn nơi gốc cây ông sẽ là người có đủ phước duyên trở thành đại thí chủ hộ trì Phật Pháp. Khi ấy con voi vua đang cỡi đi đến gốc cây thì dừng lại, và Xá lợi Phật đã được tìm thấy. Đó là một ngôi Xá lợi răng Phật đặt trong một cái hộp theo kiểu mẫu của vùng Chaingsaen. Vua Yod Chaingrai đã thỉnh Xá lợi Phật, tổ chức lễ kỷ niệm và cung nghinh Xá lợi Phật rất long trọng. Trong suốt thời gian lễ, Xá lợi đã toả ra ánh sáng như ánh sáng mặt trăng ngày rằm. Sau đó Xá lợi Phật được an trí trong một cái hộp bằng vàng và vua Yod Chaingrai đã xây bảo tháp tôn thờ. Nơi bảo tháp Xá lợi Phật, vua cho khắc một bia đá (ngày nay vẫn còn), nội dung bia đá như sau: “Sáng thứ sáu, ngày 3 tháng 7 năm Tý, dương lịch 1492, vào lúc 8h20 phút-thời khắc quan trọng nhất, bảo tháp này đã được vua, hoàng hậu, đại thần và những Phật tử tín tâm tại Chaing Mai xây dựng”. Trong thời gian đó, Wat Ram Poeng cũng được xây dựng bên cạnh bảo tháp Xá lợi Phật.

 

Bảo tháp Xá Lợi Phật tại Wat Ram Poeng – xây năm 1492

          Kể từ ngày ấy Wat Ram Poeng được các nhà Sư luân phiên giữ gìn và trùng tu dưới sự hộ trì và tài trợ của hoàng gia xứ Chaing Mai. Trãi qua nhiều năm tháng, cộng với bom đạn chiến tranh, sau thế chiến thứ II Wat Ram Poeng không người trụ trì. Thỉnh thoảng có một vài vị Sư đến trú ngụ thời gian rồi cũng ra đi. Đến năm 1971, chùa có dự án trùng tu lại chánh điện, Hoà thượng Chansom (Khruba Som) được thỉnh về để chứng minh và chỉ đạo công trình, 2 năm sau thì công trình hoàn tất, đáng tiếc Hoà thượng Khruba Som đã viên tịch chỉ vài tháng sau ngày lễ lạc thành. Năm 1974, Ngài Prakrupipatkanapiban (Prasuprommayanna Thera), thường được mọi người gọi là Ajahn Tong, trụ trì Wat Muang Mang và là bậc Thầy đứng đầu các trung tâm Thiền tại Chaing Mai, đã đến trụ tại Wat Ram Poeng, cùng với sự trợ giúp của tín đồ Phật tử các công trình phụ trong khuôn viên chùa tiếp tục được trùng tu và xây dựng thêm. Đến năm 1975, Wat Ram Poeng chính thức trở thành trung tâm Thiền quán do Ajahn Tong làm viện chủ và Thiền sư hướng dẫn. Hiện tại, trung tâm thiền quán Wat Ram Poeng do Ajahn Suphan-đệ tử Ajahn Tong trụ trì, Ngài cũng là vị Thầy trực tiếp hướng dẫn thiền tập cho các thiền sinh nước ngoài. Vì là Thiền viện nên tại Wat Ram Poeng có cả Tăng, Ni và nam nữ Phật tử nhưng cư trú tại hai khu riêng biệt: khu dành cho chư Tăng và nam cư sĩ, và khu dành cho chư Ni và nữ cư sĩ.

 

Chánh điện Wat Ram Poeng (nhìn từ bên phải)

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi tu thiền nhưng là lần đầu tiên tôi tham dự lễ ‘nhập môn’ tại một trung tâm Thiền. Theo quy luật tại Wat Ram Poeng, tất cả các hành giả ngày đầu tiên đến thiền viện hành thiền đều phải tham dự lễ này, có thể hiểu nôm na như là lễ ‘bái Sư học đạo’ vậy. Buổi lễ khá đơn giản nhưng trang nghiêm và trọn đầy ý nghĩa. Ajahn Suphan làm chủ lễ cùng với sự tham dự của hơn 20 thiền sinh nhập môn ngày hôm ấy, tất cả đều là người ngoại quốc đến từ Anh, Mỹ, Việt Nam, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, Mexico, Ý, Tân Tây Lan, v.v. Lễ phẩm dâng cúng Tam Bảo trong lễ nhập môn luôn luôn là 11 hoa sen trắng, 11 ngọn nến vàng và 11 cây nhang. Tất cả lễ phẩm này được chia thành 4 khai (người xuất gia chỉ có 3 khai): khai thứ nhất cúng dường đảnh lễ 5 ngôi bảo hộ, che chở là Phật, Pháp, Tăng, Pháp hành và Thầy hướng dẫn, vì vậy khai này có 5 hoa sen, 5 ngọn nến và 5 cây nhang; ba khai còn lại mỗi khai có 2 hoa sen, 2 ngọn nến và 2 cây nhang: khai thứ hai cúng dường kính xin Thầy truyền trao Tam quy và tám giới (người xuất gia không cần); khai thứ ba phát nguyện xả bỏ thân này, xả bỏ bản ngã, cúng dường thân này lên ngôi Tam Bảo, nhiệt tâm thực hành Thiền quán, kính xin Thầy truyền dạy pháp hành Từ Niệm Xứ giúp hành giả thoát khỏi khổ đau, chứng đạt Niết Bàn; và khai thứ tư cúng dường kính xin Thầy từ bi hoan hỷ xả bỏ cho những lỗi lầm nếu thiền sinh có vô tình phạm phải qua thân, khẩu và ý.

Sau buổi lễ nhập môn, Thầy Suphan giảng tóm tắt về ý nghĩa của Thiền, về hai phương pháp Thiền trong đạo Phật ngày nay được nhiều người biết đến đó là Thiền định hay Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassanā). Phương pháp thực hành giúp tâm hành giả lắng đọng, kiềm chế được 5 triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm-thuỳ miên, trạo cử và nghi) được gọi là Thiền định (Samatha); phương pháp thực hành giúp hành giả phát triển tuệ quán, thấy và kinh nghiệm được các yếu tố vật chất (sắc) và yếu tố tinh thần (danh) trong chính thân này, thấy và kinh nghiệm được các pháp là vô thường, khổ và vô ngã, dứt trừ các phiền não khổ đau, chứng đạt Niết Bàn, phương pháp này được gọi là Thiền quán (Vipassanā).

 

Giảng đường dành cho người nước ngoài

Trung tâm Thiền Wat Ram Poeng áp dụng phương pháp Thiền quán Vipassanā dựa vào bài Kinh Tứ Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthāna Sutta), được hiểu là bốn đề mục suy niệm. Đó là luôn ý thức và biết được các hoạt động của thân dù là khi đi, khi đứng, khi ngồi hay khi nằm (Niệm thân); luôn ý thức và biết được các cảm xúc khi vui, khi buồn (Niệm thọ); ý thức và biết được khi tâm thích cái này (tham), không thích cái kia (sân), tâm dao động hay tâm an tịnh (Niệm tâm); ý thức và biết được mình đang phóng tâm, đang suy nghĩ, đang dã dượi, buồn ngủ hay đang nghi ngờ (Niệm pháp). Phương pháp thực hành tại Wat Ram Poeng có liên hệ đến pháp hành của một Thiền sư nổi tiếng tại Myanmar là Ngài Mahasi Sayadaw, kết hợp với kinh nghiệm của các bậc Thầy nổi tiếng tại Thái Lan. Nghĩa là ngoài việc theo dõi chuyển động phồng (khi hít vào) và xẹp (khi thở ra) của bụng, hành giả cần nhận biết là mình đang ngồi và quan sát các huyệt đạo (có 28 huyệt) trên cơ thể để trợ giúp cho sự tập trung, hạn chế được sự buồn ngủ và giúp máu huyết lưu thông vì kích thích vào các huyệt đạo. Có thể nói đây là nét rất đặc biệt, rất riêng chỉ được các bậc Thầy tại Thái Lan truyền dạy, các trung tâm Thiền quán tại Myanmar không hành theo phương pháp này. Để các hành giả không cảm thấy qúa nặng nề về lý thuyết, mỗi ngày Thầy Suphan chỉ dạy ghi nhận 2 huyệt đạo, ngày hôm sau tiếp 2 huyệt đạo nữa và cứ vậy tăng dần cho đến 28 huyệt đạo. Và để các thiền sinh dễ dàng nhận ra vị trí các huyệt đạo trên cơ thể, trên bàn nơi phòng trình pháp có một hình người làm bằng gỗ với các huyệt đạo được đánh dấu bằng sơn trắng, khi nhìn vào hình người này các thiền sinh rất dễ nhận ra vị trí của huyệt đạo trên cơ thể mình.

Một điểm đáng chú ý khác là cách theo dõi và chăm sóc các ‘bịnh nhân’ của Thầy Suphan. Tôi đã có duyên hành thiền tại các trung tâm Thiền ở Myanmar như Thiền viện Mahasi, Pandita, Shwe Oo Min, Pa-Auk và Thiền viện của Ngài Goenka, nhưng tôi chưa từng thấy một vị Thiền sư nào đến giờ trình pháp trước mặt lại có một bộ hồ sơ theo dõi ‘bịnh án’ như Thầy Suphan. Hồ sơ bao gồm lý lịch trích ngang của thiền sinh có dán ảnh và phiếu theo dõi sự tu tập mỗi ngày cũng có dán ảnh. Chính nhờ hồ sơ này mà Thầy nhớ tên từng người (một cách gián tiếp khích lệ học trò) và mỗi ngày Thầy biết được sự tu tập của từng ‘bịnh nhân’, không có sự nhầm lẫn. Tôi từng nghe nói “Thiền viện chính là bịnh viện, Thiền sư là bác sĩ và thiền sinh chính là bịnh nhân”, nghe đã lâu nhưng hôm nay đến Wat Ram Poeng tận mắt thấy hình ảnh Thầy Suphan, một Thiền sư ngồi trước bàn giấy với một xấp hồ sơ theo dõi ‘bịnh án’ và hình người gỗ trước mặt tôi mới cảm nhận lời nói ấy quả thật không sai. Cứ mỗi ngày trình pháp Thầy cẩn thận ghi chú vào phiếu theo dõi, sau đó Thầy cho ‘một toa thuốc’ thích hợp tuỳ theo căn cơ, trình độ và sức khoẻ của từng người. Có thể nói đây là cách dạy Thiền rất linh động của Thầy Suphan, phương pháp dạy của Thầy không làm cho hành giả cảm thấy quá choáng ngợp, mệt mõi hay căng thẳng.

 

Thầy Suphan trong giờ trình pháp với bộ hồ sơ theo dõi ‘bịnh án’ và hình người gỗ trên bàn

Thời gian Thiền tập tại Wat Ram Poeng cũng rất thoáng, có 4 thời điểm chính thiền sinh cần lưu ý là 4h sáng báo thức, 6h30 điểm tâm, 10h30 dùng trưa, và 21h kết thúc một ngày thiền tập. Ngoài thời gian nói trên mỗi thiền sinh tự mình sắp xếp thời khoá tu tập vừa ngồi (thiền toạ) vừa đi (thiền hành) đan kẻ nhau, với người mới bắt đầu có thể ngồi 15 phút, đi 15 phút hay hơn thế nữa tuỳ theo khả năng mình, trung bình mỗi ngày hành khoảng 6 tiếng; người đã từng hành thiền có thể 1 tiếng ngồi, 1 tiếng đi, trung bình mỗi ngày hành trên 12 tiếng. Nói chung, Thầy không áp đặt giờ này phải ngồi (thiền toạ), giờ kia phải đi (thiền hành), Thầy để cho mọi người tự giác và linh động sắp xếp giờ thực hành của mình. Có thể đây là một trong những nguyên nhân thu hút người phương Tây đến Wat Ram Poeng hành thiền. Tuy rất thoáng nhưng Thầy luôn nhắc nhở mọi người nổ lực thực hành, không những hành trong giờ thiền tập mà ngay trong những sinh hoạt hằng ngày của mình khi đi đứng ngồi nằm, khi ăn mặc nói làm, v.v. Thầy thường dạy hành trong mỗi lúc, mỗi nơi; những việc làm hằng ngày, những vui buồn trong cuộc sống chính là những bài học Thiền đáng giá giúp hành giả nhận chân được bản chất thật của sự vật, sự việc nơi bản thân mình và quanh mình. Chính vì vậy mà Thiền không làm cho người ta xa lánh cuộc sống mà trái lại làm cho mỗi người dễ dàng tiếp xúc với cuộc sống quanh mình một cách trực diện hơn, sáng suốt hơn và hiệu quả hơn.

Ai đã từng một lần đến Wat Ram Poeng, quan sát sinh hoạt của các thiền sinh đều có thể dễ dàng cảm nhận được mọi người nơi đây sống rất tự nhiên. Tất cả đều lột bỏ cái vỏ khéo che đậy bên ngoài do lòng tự tôn, tự kỷ, do địa vị, do quyền lực, . . . để sống thật với chính mình, sống thật với mọi người, để cho những thói quen, những hành động xấu cũng như tốt bên trong thân tâm mọi người tự hiển bày, tự bộc lộ, để rồi họ nhận diện chúng và nhìn chúng tự sanh, tự diệt. Cứ mỗi lần như vậy tâm của hành giả vững mạnh hơn, an tịnh hơn và hạnh phúc tràn đầy. Tại Wat Ram Poeng có những khoá Thiền đặc biệt dành cho hành giả có thời gian tu tập từ 1 tháng trở lên, cứ thực hành 21 ngày hành giả nhập thất 3 ngày 3 đêm không đặt lưng xuống chiếu, không ngủ, không ra khỏi phòng. Những ai đủ vững mạnh vượt qua các cảm giác sợ hãi, trống vắng của những đêm độc cư, vượt qua những đau đớn, những mệt mõi của thể xác trong 3 ngày 3 đêm thiền tập không chợp mắt đều cảm thấy tràn đầy hỷ lạc, tràn đầy lòng biết ơn, tràn đầy sự an tịnh và hạnh phúc; niềm hạnh phúc vững chắc, tự tại, do pháp hành mà có, không phụ thuộc vào các điều kiện, các yếu tố vật chất bên ngoài.

          Có một điều khá thú vị là Thầy Suphan nói tiếng Việt khá chuẩn, dù không nhiều nhưng ngày nào đến giờ trình pháp Thầy cũng dùng tiếng Việt để chào và  hỏi thăm các thiền sinh Việt Nam. Thầy thường nói: “Chào con! Hôm nay thế nào? Tu mấy tiếng?” Sống xa quê hương nghe một người ngoại quốc nói được tiếng Việt mình đã thấy vui, huống chi là Thầy dạy đạo cho mình (một cách gián tiếp khích lệ thiền sinh). Thế nên, hầu hết thiền sinh Việt Nam đang tu học tại Wat Ram Poeng đều rất quý kính Thầy. Thầy từ bi lắm, vui tính lắm! Hàng ngày đến giờ trình pháp phòng Thầy thường rộn rã tiếng cười nhưng không thiếu sự trang nghiêm, cung kính. Một ngày thiền tập, đôi khi vì tâm nghi ngờ pháp hành, nghi ngờ Thầy dạy đạo cho mình, đôi khi vì tâm tán loạn, thất vọng, sân hận, v.v. làm cho hành giả cảm thấy rất mệt mõi. Những trạng thái tâm bất thiện ấy đều được rũ sạch sau khi tham vấn với Thầy, sau khi được Thầy ‘kê toa bốc thuốc’. Từ phòng trình pháp bước ra bao giờ cũng là những nét mặt rạng ngời tràn đầy hỷ lạc, những nụ cười trên môi chưa khép như những bông hoa tươi thắm, những bông hoa được Thầy khéo léo chăm sóc, tưới tẳm. Mỗi ngày, mỗi ngày từ nơi ấy ‘cỏ rác’ được nhổ và dọn dẹp dần dần, không gấp rút, không căng thẳng, nhẹ nhàng tự nhiên nhưng tràn đầy tự tin và an lạc.

          Thư viện trong khuôn viên Wat Ram Poeng

Người Thái rất quý kính các nhà Sư, đặc biệt là các bậc Thầy. Tại nhà ăn, tại thiền đường hoặc tại phòng Thầy không bao giờ họ dám đi thẳng, họ quỳ gối và đi bằng hai đầu gối. Đi bằng gối dường như là một phong tục, một điều luật của người Thái đối với các bậc Thầy. Tôi đã tận mắt chứng kiến hình ảnh này trong những ngày thiền tập tại Wat Ram Poeng, tại nhà ăn Phật tử đi bằng gối từ bàn ăn này đến bàn ăn khác để dâng vật thực cúng dường các nhà Sư; tại phòng trình pháp của Thầy Suphan, tất cả thiền sinh dù là Tăng, Ni hay cư sĩ khi đến cửa phòng đều quỳ xuống và đi bằng gối. Thấy người phương Tây cao to, da trắng, tóc hoe chắp tay, đi bằng gối vào phòng Thầy tôi càng quý kính đức độ của Thầy và thầm mến phục sự hạ mình khiêm cung học đạo của những người phương Tây vốn theo công giáo. Chú James, người Mỹ trên 50 tuổi, tâm sự: “Hơn 50 năm qua tôi đã sống trong sự giàu sang tuyệt đỉnh, giàu từ bụng mẹ giàu ra, tiền tài địa vị không thiếu thứ gì, lại thêm vợ đẹp con ngoan, thế nhưng không hiểu sao trong lòng tôi luôn cảm thấy bất an, lo sợ, sợ tiền tài không cánh mà bay, sợ địa vị mình bị lung lay, sợ mong lung đủ chuyện và cuối cùng tôi bị stress. Theo lời khuyên của một người bạn tôi tạm gát công ăn việc làm, đáp chuyến bay đến Thái gặp Thầy Suphan. Hơn 2 tuần thiền tập tôi đã dần dần trút bỏ được những lo toan phiền muộn, những sợ hãi bất an; tôi đã nhận diện được sự sợ hãi và làm bạn với nó nên không bị sự sợ hãi làm tổn hại nữa. Tôi rất biết ơn Đức Phật, biết ơn Thầy Suphan và tất cả mọi người tại Wat Ram Poeng đã tạo điều kiện cho tôi sống thật với chính mình và nhận diện được nỗi khổ niềm đau của mình để rồi hoá giải nó và chế tác hạnh phúc cho chính mình”.  

          Thời gian tham dự khoá thiền kết thúc, tôi giã từ Wat Ram Poeng đáp chuyến xe khách đêm về lại Bangkok. Nhìn những mái nhà, rừng cây, thửa ruộnglướt qua cửa kính xe trong bóng đêmlòngnhững mong có ngày được trở lại trung tâm Thiền nổi tiếng tại xứ Chaing Mai, nơi đã giúp nhiều người chuyển hóa thân tâm, rủ bỏ những phiền muộn lo toan trong đời thường. Mong có ngày được gặp lại nữ Thiền sư-Tỳ kheo Ni Pompit, người được rất nhiều thiền sinh quý kính bởi phong thái ung dung tự tại và sự khiêm cung. Mong nhiều người có duyên đến với pháp hành Thiền để tự thân mỗi người có thể chứng nghiệm được những lời Đức Phật đã dạy trong cuộc sống hằng ngày, để mỗi người có thể cảm nhận được hạnh phúc thật sự luôn trú ngụ trong hiện tại, ngay tại đây và bây giờ, ngay trong hơi thở vào và hơi thở ra của chúng ta.

Liên Hiếu

Các tin tức khác
Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2024
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này