Phật giáo không tin có vị thần sáng tạo vũ trụ, nhưng tồn tại của vũ trụ cũng khó hoài nghi, tồn tại của sinh mạng càng không dễ phủ định.
Phật giáo tin rằng: nguyên tố của vũ trụ là vĩnh hằng, nguyên tố của sinh mạng cũng là vĩnh hằng, trước hết là vật chất bất diệt, tiếp đến là tinh thần bất diệt. Nói vĩnh hằng, nghĩa là không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc, thực trạng của vũ trụ và sinh mạng vốn là như vậy.
Phật giáo tin rằng: hình thái biến hóa của vũ trụ, quá trình lưu chuyển của sinh mạng, đều là do kết quả "nghiệp lực"của chúng sanh tạo ra.
Nghiệp lực là chỉ những hành vi thiện, ác của chúng sanh hữu tình (động vật). Giống như các loại màu sắc liên tiếp không ngừng tiêm nhiễm đến sinh mạng, huân tập vào trong chủng tử, đợi ngoại duyên chín muồi rồi hạt giống sẽ nẩy mầm. Chẳng khác nào gieo hạt ở dưới đất, mỗi khi đầy đủ ánh sáng, không khí, nước thì hạt giống sẽ sinh trưởng. Ở đây Phật Giáo gọi là hiện hành nghiệp lực, tạo tác của nghiệp là nhân của hiện hành nghiệp lực. Hiện hành của nghiệp lực, là kết quả mà nghiệp tạo ra, cho nên nói "thiện ác đều có quả báo", đây chính là nói rõ ý nghĩa trên.
Nghiệp, có người tự tạo tác một mình, cũng có người cùng với cộng đồng tạo tác.Tuy có nghiệp chỉ một mình tạo tác, nhưng nghiệp đó cũng có thể giống người khác. Mặc dù có người cùng với cộng đồng tạo tác, nhưng nghiệp nặng nhẹ của mỗi người cũng lại khác nhau. Vì thế, từ trên đại thể mà nói, chủng loại của nghiệp, phân làm hai loại lớn, đó là" cộng nghiệp" và "bất cộng nghiệp".
Chúng sanh ở trên vũ trụ này do vì cộng nghiệp, cho nên thọ nhận nghiệp báo giống nhau. Vô số chúng sanh trong quá khứ hiện tại vị lai, do vì cộng nghiệp chiêu cảm khác nhau, mà có các nghiệp chung khác nhau, vì thế cũng cảm nhận được các loại thế giới bất đồng. Có vô lượng vô số chúng sanh trong vũ trụ, giữa hư không, mỗi một tạo nghiệp khác nhau mà thành ra có cộng nghiệp không như nhau. Giá như trên sao hỏa đúng là có người thật, thì hình thể của người trên đó cũng chưa chắc là giống như hình thể của người ở trên trái đất này.
Những tinh cầu nào mà không có con người thì những tinh cầu đó không có sự tồn tại của sinh vật, tuy không phải là nơi chúng sanh sinh hoạt, nhưng lại là sân khấu để chúng sanh hoạt động mà tồn tại; vạn sự vạn vật giữa vũ trụ, không có một hiện tượng nào mà không có lý do tồn tại của nó. Ví dụ, trên mặt trời không thể có sinh vật, nhưng nếu như không có mặt trời, sinh vật trên địa cầu này cũng không thể sống được. Tuy nhiên có rất nhiều sự vật, cũng không có cách nào dùng quan điểm khoa học để chứng minh lý do tồn tại của nó, nhưng trong Phật giáo giải thích, tất cả đều do nghiệp lực của chúng sanh chiêu cảm. Đó là lý do mà chúng tồn tại.
Còn sanh mạng xuất hiện sớm nhất ở trên địa cầu, Phật giáo tin rằng do biến hóa mà có, sinh vật nhỏ như tế bào, lớn như loài người, tất cả đều như nhau. Sau khi địa cầu hình thành, nhân loại có sớm nhất là Quang Âm Thiên ở cõi trời Sắc giới thứ sáu, họ bay trên không, nhưng do tham ăn một loại thực vật thiên nhiên trên địa cầu, sau khi ăn xong, thân thể nặng nề không thể bay được, nên phải ở lại trên mặt đất , đó là sự đọa lạc của họ (Kinh Thế Ký, Kinh Đại Lầu Thang, Kinh Khởi Thế… ). Trên thực tế, đó cũng là nghiệp báo do họ gây nên, lúc hưởng hết phước ở cõi trời rồi thì phải xuống đất tùy theo nghiệp mà thọ báo, từ đó về sau họ cũng giống như tất cả các chúng sanh khác. Tất nhiên trước hết là do nghiệp lực chung mà cảm thành một địa cầu, chẳng lẽ nào không tiếp nhận quả báo trong cuộc sống của trái đất này? Mỗi khi nghiệp báo trên địa cầu này hết rồi thì sẽ vãng sanh đến thế giới tương ứng khác.
Lý do nào mà không cộng nghiệp, mặc dù cùng nhau sanh ra ở trên thế giới này, nhưng phẩm loại cao thấp cũng không giống nhau, thấp bé như loài côn trùng, lớn như loài người; trong nhân loại có người giàu kẻ nghèo, người thông minh, kẻ dốt nát, cũng muôn sai ngàn biệt. Trên thực tế, cộng nghiệp cũng là phân loại của bất cộng nghiệp, ví dụ như so sánh cộng nghiệp của chúng sanh trên địa cầu, và cộng nghiệp của chúng sanh trên thế giới, thì sẽ thành bất cộng nghiệp, lại như bất cộng nghiệp cũng là phân loại của cộng nghiệp,ví dụ như, người dân da đen châu Phi và dân da vàng châu Á là do nghiệp không giống nhau, nhưng vì hai loại người này đều là nhân loại của thế giới ở trên địa cầu, cho nên vẫn do cộng nghiệp chiêu cảm. Từ đó mà suy ra, nhân dân cùng ở một quốc gia, cũng có ngàn vạn sai khác, cho đến anh chị em trong một gia đình, mỗi người cũng mỗi tính cách khác nhau, mỗi thành tựu khác nhau, mỗi người đều có mỗi cảm nhận cuộc sống khác nhau.
Đây chính là cách nhìn của Phật giáo đối với nguồn gốc, sự tồn tại của sinh mạng và vũ trụ.
Thoại Anh chọn dịch