Ngày xưa có một vị giáo sư trẻ tuổi đi du hành trên biển. Anh ta đã từng dạy trường Cao đẳng, lãnh rất nhiều bằng cấp, bằng khen, nhưng kinh nghiệm cuộc sống anh ta còn non nớt. Trên thuyền mà anh ta ngồi, có một vị thủy thủ già không biết chữ. Mỗi buổi tối, người thủy thủ đếu đến khoang thuyền của vị giáo sư để nghe anh ta bàn luận những điều cao xa. Người thủy thủ vô cùng khâm phục những kiến thức uyên bác của vị giáo sư trẻ.
Có một buổi tối, người thủy thủ sau mấy tiếng đồng hồ nghe vị giáo sư trẻ bàn luận, lúc chuẩn bị ra về, vị giáo sư mới hỏi ông ta:
- Bác à! Bác đã từng nghiên cứu môn Địa Chất học chưa?
- Đó là cái gì vậy, giáo sư?
- Đó là môn khoa học nghiên cứu về quả địa cầu.
- Giáo sư à, tôi chưa từng đi học, chưa từng nghiên cứu cái gì cả.
- Bác à! Vậy là bác đã lãng phí một phần tư cuộc đời của bác rồi.
Người thủy thủ khuôn mặt như dài ra buồn bả rời khỏi khoang thuyền. Ông ta nghĩ: “ Nếu một nhà bác học như vậy đã nói thì nhất định là đúng. Ta đã lãng phí một phần tư cuộc đời của ta rồi”.
Đêm hôm sau, cũng là lúc người thủy thủ sắp rời khoang thuyền để ra về, vị giáo sư lại hỏi ông ta:
- Bác à! Bác đã từng nghiên cứu Hải Dương học chưa?
- Đó là cái gì vậy, giáo sư?
- Đó là môn khoa học nghiên cứu về biển cả.
- Giáo sư à, tôi chưa từng nghiên cứu cái gì cả.
- Bác à! Vậy là bác đã lãng phí một nửa cuộc đời của bác rồi.
Người thủy thủ khuôn mặt càng dài ra buồn bả rời khỏi khoang thuyền, trong lòng nghĩ: “Ta đã lãng phí một nửa cuộc đời của ta rồi, nhà bác học lỗi lạc ấy đã nói như thế”.
Đêm hôm sau nữa, vị giáo sư trẻ lại hỏi người thủy thủ:
- Bác à! Bác đã từng nghiên cứu Khí tượng học chưa?
- Đó là cái gì vậy, giáo sư? Tôi chưa hề nghe qua.
- Sao lại như thế! Đó là môn khoa học nghiên cứu về gió, mưa, khí hậu,...
- Giáo sư à, như tôi đã nói với anh tôi chưa từng đi học, chưa từng nghiên cứu cái gì cả.
- Bác chưa từng nghiên cứu khoa học về quả địa cầu mà bác ở; bác chưa từng nghiên cứu về biển cả mà bác kiếm sống trên đó; bác chưa từng nghiên cứu về không khí mỗi ngày bác hít thở. Vậy thì bác đã lãng phí mất ba phần tư cuộc đời của bác rồi.
Người thủy thủ vô cùng đau lòng, nghĩ: “ nhà bác học lỗi lạc đã nói ta lãng phí mất ba phần tư cuộc đời thì nhất định ta đã lãng phí mất ba phần tư cuộc đời rồi.”
Ngày hôm sau, người thủy thủ vội vàng chạy đến khoang thuyền của vị giáo sư trẻ hỏi rằng:
- Anh đã từng nghiên cứu về môn bơi lội chưa?
- Bơi lội! Nghĩa là gì vậy?
- Anh có biết bơi không, giáo sư?
- Không biết, tôi không biết bơi lội như thế nào cả!
- Giáo sư, vậy là anh đã lãng phí cả cuộc đời anh rồi! Chiếc thuyền
này đã đụng phải vật cứng, đã lủng và đang chìm dần xuống biển. Người biết bơi có thể bơi vào bờ gần đó, người không biết bơi sẽ bị chết chìm. Tôi tiếc vô cùng, giáo sư, sanh mạng của anh thật khó bảo toàn rồi!...
Bạn có thế nghiên cứu tất cả những môn khoa học mà trên thế giới này có, nhưng nếu bạn không biết bơi thì tất cả những điều nghiên cứu của bạn cũng không ích lợi gì. Bạn có thể đọc, hoặc viết nhiều điều có liên quan đến bơi lội, bạn có thể biện luận tất cả các khía cạnh của khoa học, nhưng nếu bạn tuyệt đối không tự mình bước xuống nước, thì điều này có ích gì đối với bạn? Bạn nhất định phải tự mình học và bơi được mới đúng.
Tràm Hoa Vàng trích dịch.
|