Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
01:09, Saturday.April 20 2024
Tài Liệu Học Tập [Trở về]
CA DAO VỀ TÌNH YÊU LỨA ĐÔI
Cập nhật : 05/12/2012 - Đã xem : 104,434 lần

 NHÓM I

 

I.    Dẫn nhập

Nói về ca dao, thật khó phân biệt đâu là mực thước, hoặc, ca dao được sáng tác theo thể lệ hay luật mẹo nào của thi ca, …thật khó mà xác định được. Cho nên, người ta khó có thể đưa ra một định nghĩa nào cho thỏa đáng về tất cả các yêu cầu của ca dao. Nếu có đi nữa, thì cũng chỉ nhằm hiểu được phần nào về ca dao Việt Nam.

Trong Đại Từ Điển Tiếng Việt, thì: "Ca dao là thể thơ dân gian, được lưu truyền dưới dạng câu hát, có ý nghĩa sâu sắc và là thể loại lục bát, có dạng ca dao"[1]. Còn theo Vũ Ngọc Phan thì:"Ca dao là một loại thơ dân gian có thể ngâm được như các loại thơ khác và có thể xây dựng thành các điệu ca dao.[2]

 Qua hai định nghĩa trên, chúng ta thấy, không có sự khác biệt nhiều lắm giữa thơ và ca dao. Nhưng với Ca dao Việt Nam thì ta có thể khẳng định ngày rằng: ca dao là kho tàng văn hoá của người Việt, được xem là viên ngọc lấp lánh, thời gian qua đi, viên ngọc càng thêm toả sáng. Qua ca dao, giá trị truyền thống và tâm hồn người Việt Nam được thể hiện và lưu giữ  một cách rõ nét nhất. Trong các chủ đề được ca dao đề cập đến thì tình yêu đôi lứa là một đề tài rất rộng và có nhiều hình thức diễn bày.

Bằng những tình yêu lành mạnh, tình cảm tự nhiên được miêu tả một cách sinh động trong ca dao Việt Nam. Cũng qua đó đã cho ta thấy sự hà khắc của lễ giáo phong kiến trước đây. Không những thế, một số bài ca dao đã phản ánh tinh thần đấu tranh để bảo vệ tình yêu chân chính của các bạn thanh niên thời bấy giờ.

Để làm rõ nội dung ca dao về tình yêu đôi lứa, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu thông qua các góc độ cũng như giai đoạn trong tình yêu. Theo Hoàng Tiến Tựu thì ca dao về tình yêu đôi lứa trong ca dao được trình bày qua bốn thể loại nhỏ biểu trưng cho các giai đoạn trong tình yêu: ca dao tỏ tình, ca dao tương tư, ca dao thề nguyền, ca dao hận tình.

II.     Nội dung

Tình yêu đôi lứa - tình yêu nam nữ là chủ đề được thể hiện sâu sắc nhất và cũng rõ nhất trong Ca dao - Tục Ngữ,  vì tình yêu đôi lứa luôn là đề tài muôn thưở của kiếp người. Trong ca dao tục ngữ  Việt Nam, tình yêu được thể hiện thật ý nhị, uyển chuyển, nhưng cũng có lúc thật chân thành mộc mạc; một thứ tình yêu mộc mạc chân quê, pha trộn hương đồng cỏ nội, thênh thang như đồng lúa và uyển chuyển nhẹ nhàng như đòn nước lững lỡ nhè nhẹ êm trôi của những dòng sông. Trong sự phát triển ấy, tình yêu được phát triển theo các giai đoạn sau.

1. Ca dao tỏ tình.

          Đời sống được gắn liền với những hoạt động nông nghiệp thì diều kiện để tình yêu nảy nở và gắn liền với những hình ảnh đồng ruộng, cái cày, con trâu.v.v. Khi những buổi chiều tà, lúc mặt trời đã gác non đoài, với những đoàn trai gái trong làng vác cày rửa hái để trở về mái nhà tranh sau một ngày làm việc. Những làn khói cơm chiều lan tỏa vươn trong giải mây tím hòa lẫn với tiếng hát của trẻ mục đồng đang dắt trâu trở về, đã phác họa cho chúng ta hình ảnh một miền quê êm ả thanh bình.

             Trên trời dưới nước, thấp thoáng sau lũy tre xanh, quanh co bên bờ đê ấp yêu ruộng đồng, rì rào bên sóng lúa chín vàng, mênh mang trong tiếng sáo diều vi vu... tất cả những hình ảnh đẹp đó đã gợi nên những vần thơ trao hỏi ý tình giữa trai gái trong làng. Có nhiều cách tỏ tình; có thể là xa xôi, vòng vo, đưa đẩy.v.v. nhưng tất cả đều thể hiện được tính chất lãng mạng, yêu đời.

             Hãy nghe chàng trai mở đầu, hỏi người thôn nữ bằng một câu hỏi ỡm ờ, gợi ý xa xôi:

 Hôm qua tát nước đầu đình

 Để quên chiếc áo trên cành hoa sen

 Em được thì cho anh xin

 Hay là em để làm tin trong nhà.

              Người con trai thật sự chưa chắc đã để quên cái áo, nhưng chàng cố ý gài người thôn nữ vào thế phải trả lời khi tỏ ý ngờ rằng nàng đã giữ cái áo của mình để làm tin. Cũng có khi chỉ là một câu hỏi bâng quơ nhưng diễn đạt bằng những câu thơ thật trữ tình của một đêm trăng sáng, chàng trai có nhiều hi vọng để được cô gái trả lời:

                                       Hỡi cô tát nước đầu làng

                                       Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Hoặc có lúc chàng trai mạnh dạn hơn:

                                       Cô kia cắt cỏ một mình

                                       Cho tôi cắt với chung tình làm đôi

                                       Cô còn cắt nữa hay thôi

                                        Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng.

Không phải lúc nào các chàng trai tỏ tình  một cách mạnh bạo như vậy, có những lúc các chàng trai ấy tỏ tình, dọ hỏi một cách nhẹ nhàng hơn và có vẻ thơ mộng hơn:

                                               Hỏi xa anh lại hỏi gần

                                               Hỏi em phỏng độ đương xuân thế nào

                                               Thấy em là gái má đào

                                               Lòng anh chỉ muốn ra vào kết duyên

               Trong khi các chàng trai thường mạnh bạo và chủ động hơn trong việc tỏ tình làm quen thì các cô gái không phải lúc nào cũng e lệ yên lặng, mà đôi khi cũng rất bạo dạn để ngỏ lời trước:

                                              Hỡi anh đi đường cái quan

                                              Dừng chân đứng lại em than vài lời.

Sự bạo dạn cũng xuất hiện nơi các cô gái ấy những đầy hồn nhiên:

                                              Vào vườn hái quả cau xanh

                                               Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu

Cử chỉ mời trầu đó không có tính cách lơi lả, mà chỉ chứng tỏ rằng người thôn nữ muốn sống thành thật với chính mình. Hai chữ “cau xanh” chỉ mối tình son trẻ, hai chữ “xơi trầu” có ý nghĩa trân trọng. Và bốn chữ ghép lại thành hai chữ “trầu cau” chỉ sự mong ước cho một mối duyên Tấn Tần. Người con trai chắc chắn không thể nào không nhận miếng trầu mời bởi người con gái trong cái cung cách lịch sự ấy.

             Những lời tỏ tình của các cô gái đôi khi cũng mang nhiều nỗi niềm, bởi không biết lời tỏ tình ấy của mình không biết có được đáp trả lại hay không, hoặc sợ tình yêu của mình đến chậm chăng; nên đôi lúc các cô cũng quanh co rào trước đón sau:

Anh đà có vợ con chưa

Mà anh ăn nói ngọt ngào có duyên

Mẹ già anh ở nơi nao

Để em tìm vào hầu hạ thay anh.

             Những câu tỏ tình như đã kể trên thường chỉ là những câu mà trong lúc vắng vẻ, hai người đã hỏi ý cùng nhau. Tất cả đều là những câu mộc mạc chân   tình, nhưng không kém vẻ lãng mạn trữ tình.

              Trong những dịp hội hè có hát đối giữa hai nhóm trai gái của hai làng kế cận, những câu tỏ tình được gợi ra thật nhẹ nhàng bóng bẩy, như có chất thơ.

Bên con trai hỏi:

                                         Bây giờ mận mới hỏi đào

                                         Vườn hồng đã có ai vào hay chưa

 

Bên con gái đáp:

 Mận hỏi thì đào xin thưa

 Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

Hay lãng mạn hơn:

                                         Thân em như tấm lụa đào

                                          Phất phơ trước gió biết vào tay ai

              Thật là những câu đối đáp hết sức thi vị, mượn ngoại cảnh để nói lên nỗi lòng. Bảo rằng văn chương bình dân, nhưng nhiều khi còn trữ tình và thơ mộng đâu kém văn chương bác học. Chẳng hạn như nói tới lứa tuổi đôi mươi của người thôn nữ, phong cảnh đồng nội hữu tình đã được lồng trong ước mộng vàng son của lứa đôi:

 Ngọc còn ẩn bóng cây tùng

Thuyền quyên còn đợi anh hùng sánh vai.

               Người con gái cũng như bông hoa còn đang giấu nhụy để chờ ngày khoe sắc với chàng bướm lang quân.

2. Ca dao tương tư -  yêu đương.

           Sau giai đoạn tỏ tình là đến giai đoạn tương tư – yêu; và, đây là quãng thời gian hết sức thơ mộng nhất cũng như đầy thử thách nhất. Nào yêu thương, nào nhớ nhung, nào giận hờn, nào xa cách, nào đợi chờ...

Hãy nghe chàng và nàng thủ thỉ bên nhau những lời âu yếm:

                                            Thương anh, em để ở đâu

                                            Để trong cuốn sách để đầu trang thơ

                                            Thương em, anh để ở đâu

                                             Để trong tay áo lâu lâu lại dòm.

Khi phải tạm xa nhau, chàng trai luyến tiếc những giây phút cận kề:

                                           Còn đêm nay nữa mai đi

                                            Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề.

Trời đã sáng, những gặp gỡ hàn huyên đêm qua giờ chỉ còn là kỷ niệm mong manh để làm hành trang cho cuộc đăng trình. Còn nàng thôn nữ thì cũng nức nở trong ngấn lệ đầy vơi:

                                        Có đêm thơ thẩn một mình

                                        Ở đây thức cả năm canh rõ ràng

                                         Có đêm tạc đá ghi vàng

                                        Ngày nào em chả nhớ chàng, chàng ơi.

                 Đi đâu, làm gì, nàng đều cảm thấy nỗi nhớ đeo đẳng và vương dấu tích khắp nơi khiến xao lãng cả công việc thường ngày:

                                          Chiều chiều mang giỏ hái dâu

                                           Hái dâu chả hái, nhớ câu ân tình

        Những nhớ nhung đó đã đong đầy thêm tình yêu, để khi gặp lại thì hai người vội vã ước hẹn cho những mộng ước mai sau:

Nàng thì:

                                           Ước gì chung mẹ chung thầy

                                         Để em giữ cái quạt này làm thân

Và tình tứ hơn nữa:

Chải đầu chung cái lược ngà

Soi gương chung cả cành hoa giắt đầu

 

Còn chàng thì cũng dùng cái quạt để xẻ chia hương nồng:

Quạt này anh để che đầu

Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này

Hay vẽ ra những âu yếm trang trọng mà chàng sẽ dành cho nàng:

Ước gì ta lấy được nàng

Để ta mua gạch Bát Tràng về xây

Xây dọc rồi lại xây ngang

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

Thật là cao sang, cầu kỳ và thơ mộng. Rồi thì cuối cùng cả hai cùng cầu nguyện cho một ngày vui mau pháo đỏ nhuộm đường:

 

Nấu chè van vái Nguyệt hà

Khiến cho sum hiệp một nhà phụng loan.

 

          3. Ca dao thề nguyền

Tình yêu vốn có nhiều cung bậc, có buồn vui, ngọt bùi, đắng cay…và cũng có sự bất hạnh nữa. Nếu tâm hồn con người có bao nhiêu “nốt nhạc thăng trầm” thì tình yêu cũng thế! Và như vậy, bên cạnh những lời tỏ tình, trao duyên không thể thiếu, thì những lời thề nguyền gắn bó keo sơn lại càng không thể thiếu được. Nó được xem như là chất keo dính, là một sự khẳng định cho tình yêu đôi lứa. Lời thề nguyền ấy nhằm thể hiện ý chí, nghị lực của hai bên nhằm làm động lực vượt qua chông gai thử thách để mong ước được đến với nhau. Nói khác hơn, lời thề nguyền ấy có tính chất lằm tăng sức mạnh cho hai người trong việc hướng về lý tưởng cả hai cùng đang thêu dệt.

Sau những lần “e ấp làm quen”; sau những lời tỏ tình vừa dễ thương, hóm hỉnh, hài hước, thôn minh, tài tình, táo bạo và cũng không kém phần tha thiết như thì cả hai cùng hướng về một tương lai thật đẹp. Để củng cố niềm tinh và tăng thêm sức mạnh, cả hai cùng muốn thể hiện tấm chân tình của mình; và những lời thề đã được thốt ra.

Chàng trai nói một cách mạnh mẽ:

Yêu nhau mấy núi cũng leo

Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua

Yêu nhau chẳng ngại đường xa

Một ngày không đến thì 3-4 ngày”

Tình yêu là tâm sự muôn đời và tâm lý chung của những người đang yêu, là niềm khao khát gìn giữ cho tình yêu bất tử. Ca dao xưa cũng mang trong mình tinh thần nhân bản ấy, khi có rất nhiều câu, bài thể hiện ước nguyện gắn kết  của tình yêu chung thuỷ trọn đời. Và cái đích cuối cùng mà những lời thề nguyền hướng tới: ấy là khát khao một tình yêu chung thuỷ, gắn bó keo sơn, một sự gắn kết bền vững giữa những trái tim yêu thương. Nên câu ca dao sau mang đậm ý nghĩa ấy:

 Nước non non nước khơi chừng,

 Ái ân đôi chữ xin đừng xa nhau

Hay:                

Thương nhau tạc một chữ tình

Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau

Hoặc:

Cũng liều cắn ớt nhai gừng

Chua cay mặn ngọt, ta đừng quên nhau.

 

Có quan niệm cho rằng, khi yêu người con gái thường hay nhạy cảm, tình yêu của họ mãnh liệt đến vô cùng. Cho nên nhu cầu gắn kết hoặc mong muốn một tình yêu bất diệt luôn thường trực trong họ:

Trót lời đã bén duyên chàng

Dù cho nát đá phai vàng mới thôi

Hòn đá cách Hàn xếp đổ lò nôi

Cạn lòng con sông cái

Thì tôi mới quên nghĩa chàng”

Hay:

Một lời thề không duyên thì nợ

Hai lời thề không vợ thì chồng

Ba lời thề khơi núi lấp sông

Em quyết theo anh đi cho trọn đạo  

 Kẻo luống công anh chờ.

Có khi thề nguyền một cách quyết liệt dứt khoát như một sự kiên định về tình yêu chung thuỷ suốt đời không đổi thay.

Chừng nào núi Bụt hết cây

Lại Giang hết nước, dạ này hết thương.

Cây núi Bụt, nước sông Giang thì không thể nào hết và không thể xác định hay cân, đo, đong, đếm được. Và như thế, đem tình cảm của chính mình ra mà thề nguyền là một minh chứng rõ nhất, đáng quý nhất của tình yêu đôi lứa.Thứ tình cảm ấy là tình cảm gắn cốt ghi tâm, khắc sâu vào trong da thịt của người con gái. Dù cho vật đổi sao dời, dù cho thế giới xoay chuyển, vận thế đổi thay nó cũng không hề xê dịch.

Vì thế:

Trăm năm lòng gắn dạ ghi

Dù ai đem bạc đổi chì cũng không

Trăm năm quyết chí một chồng

Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai

Dầu cho đá nát vàng phai

Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào

Trăm năm không bỏ người chồng

Vải thưa nhuộm lấy màu đen

Vải thưa mặc vải màu xinh khen màu

Trăm năm tạc một chữ đồng

Dầu ai thêu phụng vẽ rồng cũng không

Trăm năm trăm tuổi một chồng

Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai…

Người con gái thề nguyền trong tình yêu là vậy. Còn chàng trai thì sao? Chàng trai cũng mạnh mẽ không kém, dù biết rằng trong tình yêu không có khái niệm: ai yêu ai nhiều hơn. Chính vì vậy, để đáp lại ân tình của người con gái, chàng trai thường đưa ra những lời thề thốt, hứa hẹn một tương lai cho mối tình của họ.

Chừng nào cho sóng bỏ gành

Cù lao bỏ biển, anh đành bỏ em

Bao giờ cạn lạch Đồng Nai

Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền

Biển đông sóng gợn cát đùa

Sánh đôi không đặng lên chùa anh tu

Hay:

Chừng nào hòn chữ bể tư

Cửa Nha Trang cạn nước, anh mới từ nghĩa em

Và cũng như người con gái, chàng trai đem cả tính mạng của mình ra để thề nguyền.

Cùng nguyền một tấm lòng son

Anh dẫu có phụ keo sơn có hồi

Sống dương gian hai đứa hai nơi

Thác xuống âm phủ cũng lời thề xưa

        Lời thề nguyền của chàng trai không chỉ là minh chứng cho tình yêu chung thuỷ của chàng trai đối với  người con gái ở kiếp này, mà sức mạnh của tình yêu nó làm cho lời thề nguyền ấy có sức lan toả đến cả kiếp sau và mãi mãi. Chính vì vậy mà ta có thể bắt gặp những câu ca dao thể hiện sự thề nguyền chung của hai người; lời thề đó không thể tách biệt rõ ràng ai thề với ai, bởi lúc này cả hai người con trai và người  con gái như hoà làm một, ở họ chỉ còn chỗ cho một tiếng nói chung. Đó là tiếng nói của tình yêu.

Thương nhau cắt tóc mà thề

Khó nghèo cũng chịu chớ hề bỏ nhau

Thương nhau tạc một chữ tình

Trăm năm thề quyết, bạn mình có nhau.

         Đó là lời nhắn nhủ của đôi lứa yêu nhau.

Nước non non nước khơi chừng

Ái ân đôi chữ xin đừng xa nhau

Trăm năm lòng gắn dạ ghi

Dầu ai đem bạc đổi chì mặc ai

Trăm năm ai chớ bỏ ai

Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim

 

          Có khi trong lời thề nguyền ấy, vừa là một sự nhắc nhở, vừa có phần khuyên răn, song hết sức ý nhị, tinh tế mà chàng trai và cô gái thầm gửi đến nhau. Nó như một bức thông điệp nhỏ về tình yêu đôi lứa vậy:

Giếng khơi gầu múc lưng chừng

Nếu mà vụng liệu xin đừng trách đây

Cầm đàn mà bỏ quên dây

Bỏ công ao ước, bỏ ngày ước ao

Sông sâu em sẽ cắm sào

Miếu thiêng em sẽ tìm vào cắm nhang

Vì dù không lấy được này

Mang thân đi xuống suối vàng cho xong

Yêu nhau cho trọn chữ tròn

Kẻo mai thẹn với nước non ở đời

Thà rằng thác xuống giếng khơi

Còn hơn sống ở trên đời xa nhau…

 

Ta nhận thấy trong ca dao tình yêu yếu tố vĩnh cửu của tình yêu là nhu cầu của mọi kẻ yêu đương. Dưới cặp mắt của họ, những con số tưởng như khô cằn, cứng nhắc bỗng trở nên mềm mại xiết bao, và một điều tưởng như không thể nó cũng đã đi vào trong những lời thề nguyền.

Một thuyền, một bến, một dây

Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay chịu cùng

          Bài ca dao nghe như một khúc tâm tình. Phải chăng đó là lời thủ thỉ ân tình của đôi lứa đang yêu, lời thề nguyện về một tình yêu thuỷ chung, bền chặt

4. Ca dao hận tình

Khi bao nhiêu mộng ước không thành, đôi lứa không đến được với nha thì một trong hai trách móc, hận thù nhau;hoặc đã đến được với nhau nhưng không tìm thấy được hạnh phúc trong đời sống hôn nhân như những mộng ước thật đẹp mà hai người trước kia hằng mơ ước. Hận trách đó, có khi trách móc Ông trời, trách móc ông Tơ bà Nguyệt, ông mai bà mối và luôn có một một thức nhất định: trách người…trách ai… tiếc công..v.v.

Một tình yêu đẹp với bao viễn cảnh nên thơ cả hai người đang hướng đến tại sao đến đây trở nên hờn trách, hận thù với nhau như vậy? Nếu là một tình yêu đi đến kết thúc hôn nhân; cả hai cùng cố gắng xây dựng một cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Hãy nhìn những hình ảnh thật đẹp của một đôi vợ chồng luôn có nhau trong cuộc sống:

                          Trên đồng cạn dưới đồng sâu

                       Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Hình ảnh đó đã phản ảnh lời cùng nhau hứa hẹn khi đang chuẩn bị cho cuộc hôn nhân

                            Làm sao nên nghĩa phu thê

                            Đó chồng đây vợ ra về có đôi.

hoặc sự hòa thuận xẻ chia gánh nặng đường đời:

                                Thuận vợ thuận chồng

                                 Tát bể đông cũng cạn.

         Nhưng để đi đến hạnh phúc ấy, cả hai vợ chồng đều phải nương cậy và nhường nhịn lẫn nhau:

                                Tay bưng dĩa muối chấm gừng

                          Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.

Nhất là người vợ, với ảnh hưởng của nền luân lý đạo Nho, đạo Khổng:

                              Chồng ta áo rách ta thương

                       Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

           Chiều chồng và lo lắng món ăn thức uống cho chồng cũng là đức tính của người phụ nữ Đông phương. Họ cảm thấy đó là niềm vui, là bổn phận tự nguyện và xa hơn nữa, là hạnh phúc:

                                     Đốt than nướng cá cho vàng

                             Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi.

 

Hoặc                              Dẫu cho đá nát vàng phai

                            Trăm năm duyên nợ chẳng phai chút nào.

 

Nếu một tình yêu mà do sự ngăn cấm của cha mẹ hay bị chèn ép nặng nề bởi những lễ giáo phong kiến; cụ thể là con cái không có được quyền quyết định trong việc hôn nhân mà tùy vào quyết định của các bậc làm cha làm mẹ thì mộng ước vỡ dẫn đến trách hận nhau:

                                  Mẹ em ham thúng xôi dền

                      Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng

                                Bây giờ kẻ thấp người cao

                          Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

Sự phụ bạc là một đặc tính luôn tồn tại trong tình yêu, nó có thể là chủ quan hoặc khách quan. Nhưng bằng cách nào đi chăng nữa thì nỗi đau để lại một trong hai người thì vô cùng lớn. Sự tiếc nuối cho những gì cả hai cùng vun đắp, nhưng bây giờ đã thành mây khói, hoặc có người khác xuất hiện, hưởng trọn thành quả đó.

Tiếc công anh đắp đập be bờ

Để ai quậy đó mang lờ đến đơm

Hoặc

Tiếc công đan giỏ bỏ cà

Giỏ thưa cà lọt công đà uổng công

Cầm vàng mà lội qua sông

Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng

Hay, sau khi đã thành vợ thành chồng thì người chồng bỗng sinh thói ‘trăng hoa’, bỏ bê vợ con trong nỗi cô đơn mong chờ:

                                  Gió đưa bụi chuối sau hè

                                Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

Cũng đôi khi do tại người chồng bỗng nhiên va phải những thói hư tật xấu như cờ bạc hay rượu chè khiến hạnh phúc gia đình chỉ còn là hình ảnh đã phôi pha:

Chồng em nó chẳng ra gì

Tổ tôm xốc đĩa nó thì chơi hoang.

Và, những lời thở than, hận trách về những cuộc hôn nhân không đẹp mà hiện tại chỉ là một gánh nặng. Lời than trách ấy không phải của một riêng ai, mà là cả hai cùng than trách khi không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân:

                                         Gái có chồng như gông đeo cổ

                                          Trai có vợ như nhợ buộc chân

Hay:

Chồng gì anh, vợ gì tôi

Chẳng qua lá cái nợ đời chi đây

III. Kết luận.

               Tình yêu và hôn nhân cũng như tất cả các hiện tượng trong cuộc đời đều có tính hai mặt. Tuy nhiên, cái không đẹp đó không phải là tất cả, mà chỉ là một phần nhỏ. Cuộc sống của chúng ta là sự nỗ lực, cố gắng khắc phục vượt qua nó. Chính việc nỗ lực ấy càng làm cho cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

Qua ca dao, tình yêu được thể hiện một cách lãng mạn và trữ tình, những lời tở tình thật dễ thương và ý vị nhưng không kém phần mạnh mẽ.

Thấy em đẹp nói đẹp cười

Đẹp người đẹp nết ra vào đoan trang

Vậy nên anh gửi thư sang

Dù sao anh quyết lấy nàng mà thôi.

             Khi đã thành vợ thành chồng thì các đức tính nhường nhịn, hòa thuận và thủy chung được đề cao và thường xuyên nhắc nhở nhau trong cuộc sống; nhằm hướng đến một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau

hay:

Trăm năm lòng gắn dạ ghi

Dẫu ai đem bạc đổi chì cũng không.

Tuy không phải mối tình nào cũng kết thúc có hậu, nhưng không phải vì thế mà con người mất niềm tin vào cuộc sống. Chính tình yêu và bao mộng ước thật đẹp nơi tương lai là động lực, là nguồn sống để con người vượt qua và hướng đến cái đẹp ấy. Và, con đường đi nếu toàn là thảm đỏ thì người đi sẽ không ý thức được bước chân của mình như thế nào; con đường đi ấy phải có  nhiều chông gai để từ đó phát huy được sự nỗ lực, tinh thần cầu tiến của mỗi con người. Cho nên, dù có trắc trở, hờn trách nhau thế nào thì tình yêu vẫn là một tiếng nói khát vọng hạnh phúc của con người từ xưa cho đến ngàn sau, mà điều ấy đã được ông cha ta thể hiện một cách rõ nhất qua những câu ca dao thật đẹp chan chứa tình người.

 

SÁCH THAM KHẢO

 

 

1.     Tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.

2.     Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Đại Từ Điển Tiếng Việt, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.

3.     Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Hà Nội, 1951.

4.     Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam, Nxb Văn Học, 2000.

5.     Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật, Kho Tàng Ca Dao Người Việt, tập 4, Hà Nội, 1995.



[1]
Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Đại Từ Điển Tiếng Việt, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999, tr. 219.

[2] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn Học, 2000, tr. 36.

[Trở về]
Các bài viết phản hồi
GỬI Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Họ Tên :
Email :
Tiêu đề
Nội dung :
 
Các tin tức khác
Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2024
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này