Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
22:49, Tuesday.April 29 2025
Tài Liệu Học Tập [Trở về]
BÀI THAM KHẢ THI HỌC KỲ 6 VHTQ CHẤT THIỀN TRONG THƠ PHƯƠNG DUY
Cập nhật : 25/11/2013 - Đã xem : 5,080 lần

 

Đề tài thuyết trình:

 

CHẤT THIỀN TRONG THƠ VƯƠNG DUY

 

 

王维(701-761)

 

DÀN BÀI

 

I. Sơ lược về bối cảnh thời đại, tác giả, tác phẩm.

          1. Bối cảnh thời đại

          2. Vương Duy

          3. Tác phẩm

II. Chất thiền trong thơ Vương Duy.

          1. Thiền và thơ.

          2. Chất thiền trong thơ của Vương Duy

                   2.1.Thơ điền viên sơn thủy

                   2.2. Thơ thiền

III. Kết luận.

 

 

NỘI DUNG

 

Nền văn hóa Trung Hoa và Việt Nam vốn có sự tương đồng văn hóa, đó là kết quả tất yếu của một quá trình lịch sử lâu dài cùng tồn tại và ảnh hưởng lẫn nhau, cùng chia sẻ gia tài văn hóa từ nhiều ngàn năm nay.Trung Hoa cũng như Việt Nam đều là những dân tộc ưa chuộng thơ văn.  Đường thi là thể loại thơ được các giới thi sĩ Việt Nam cũng như Trung Quốc mến chuộng hơn bất cứ thể loại thơ nào khác. Đường thi thịnh hành vào thời đại nhà Đường, với những quy định thể thơ nghiêm ngặt và chặt chẽ, được các thi sĩ xem như là chuẩn mực để sáng tác thơ trong hơn một ngàn năm. Những tác phẩm thi ca vĩ đại của Việt Nam như Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm Khúc… là những tác phẩm cổ điển, điển hình cho sự giao cảm với Đường thi, mà có thể nói phần nhiều những câu thơ đẹp đẽ nhất có những khởi hứng từ Đường thi. Phong trào sáng tác thơ Đường kéo dài đến đầu thế kỷ 20, khi chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Hán và phong trào cách tân văn học nước nhà đã làm thay đổi nền văn học truyền thống, đó cũng là một sự vận động tất yếu của lịch sử. Văn hóa nói chung và văn học nói riêng là một sự kế thừa liên tục những tinh hoa tiền nhân để lại, do vậy, việc tìm hiểu nền văn học trung đại, cận đại là vô cùng cần thiết để học hỏi cái hay, cái đẹp của người xưa, làm giàu thêm vốn kiến thức văn hóa trên tinh thần “ôn cố tri tân”. Muốn tìm hiểu về thơ Đường, tất nhiên chúng ta phải quay trở về thời đại mà thơ Đường phát triển đỉnh cao và tìm hiểu một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất. Ở đây, bài viết này nhắm đến một trong ba đại thi hào kiệt xuất nhất thời thịnh Đường (Lý Bạch-Đỗ Phủ-Vương Duy). Ba nhà thơ lớn này với ba phong cách thơ khác nhau, trong đó Vương Duy được mệnh danh là Thi Phật bởi vì đại diện cho một phong cách thơ thoát tục, thiền vị, ông là một đại thi nhân nổi bật trong một thời đại hoàng kim của lịch sử thi ca nhân loại. Ông cũng là một đại họa sư, tổ sư của thiền họa thủy mặc Nam phương. Mặc dù không còn họa phẩm nào của ông hiện còn, nhưng có thể phần nào hiểu được Vương Duy qua lời tán dương của Tô Đông Pha thời Tống: “Trong thơ có họa, trong họa có thơ” đã trở thành một thành ngữ. Thơ Vương Duy đã trở thành một biểu tượng của truyền thống thi ca Đông phương. Nếu Thơ Đường vốn đã là một thể loại thơ cô đọng, chữ ít ý nhiều thì thơ của Vương Duy lại càng cô đọng hơn, cô đọng nhưng dung dị, như tranh thủy mặc. Nếu thơ Lý Bạch là đỉnh cao lãng mạn, thơ Đỗ Phủ là đỉnh cao của hiện thực, thì thơ Vương Duy là đỉnh cao của thơ “sơn thuỷ điền viên”, và hơn tất cả, đó là thơ của triết lý thiền môn...Bài viết này chính là tìm hiểu nét độc đáo ấy: Chất thiền trong thơ Vương Duy.

I. Sơ lược bối cảnh thời đại, tác giả, tác phẩm.

          1.Thời đại:

          Đường là thời đại cực thịnh của thi ca Trung Quốc, đến giai đoạn này, thơ Trung Quốc mới có đủ các thể : Cổ phong, Ngũ tuyệt, Ngũ luật, Thất tuyệt, Thất luật, Ca khúc, Nhạc phỉ cổ từ…Số thi nhân đông tới hơn 2500 người, thi phẩm nhiều hơn 48900 thiên với đủ mọi đề tài. Với một số lượng vĩ đại như thế, có thể nói chưa đọc thơ Đường thì chưa phải là đã đọc qua thơ Trung Quốc.

         Thơ Đường chia làm bốn thời kỳ: Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Mạt Đường. Thịnh Đường là thời kỳ rực rỡ nhất của Đường thi, đa số các đại thi gia và tác phẩm kiệt xuất đều xuất hiện trong thời kỳ này, như :

            + Lý Bạch李白(701-761) Thi Tiên

          + Đỗ Phủ杜甫(712-770) Thi Thánh

          + Vương Duy 王维(701-761) Thi Phật

(Hạ Tri Chương đời Đường gọi Lý Bạch (tự là Thái Bạch) là Thi Tiên (Lý Trích Tiên); Vương Thế Trinh đời nhà Minh gọi Đỗ Thiếu Lăng (Đỗ Phủ) là Thi Thánh; Lương Khải Siêu đời Thanh mạt gọi đõ là Tình Thánh, Vương Ngư Dương đời Thanh gọi Lý là Thi Tiên, gọi Đỗ là Thi Thánh và gọi Vương Ma Cật là Thi Phật)

          Cho nên đọc thơ Đường mà chưa đọc thơ Thịnh Đường thì chưa gọi là đọc thơ Đường. Mà đọc thơ Thịnh Đường thì không thể bỏ qua thơ của Thi Tiên, Thi Thánh và Thi Phật, là đại diện lần lượt cho Đạo giáo, Khổng giáo và Phật giáo trong văn hóa Trung Quốc.

          2.Vương Duy:

Vương Duy 王维(701-761) tự là Ma Cật ( lấy tên Bồ tát Duy Ma Cật- Vimalakirti hay Duy Ma, có nghĩa là :Lừng danh Thanh tịnh. Người Trung Hoa dịch là Tịnh Danh hoặc Vô Cấu Xưng).

          Ông thường được kính trọng gọi theo chức vị là Vương Hữu Thừa (quan Hữu Thừa họ Vương); Sinh năm 701, tức năm đầu niên hiệu Đại Túc đời Võ Tắc Thiên ( tháng 10 năm đó niên hiệu đổi lại là Trường An); mất năm 761 tức năm thứ hai niên hiệu Thượng Nguyên, đời Đường Túc Tôn.

          Vương Duy vốn người đất Kỳ, thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây,Trung Quốc. Sau khi cha mất, mẹ dời sang châu Bổ ( nay là huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây). Từ đó, ông là người tỉnh Hà Đông.

          Vương Hữu Thừa thuộc dòng dõi quan lại, 5 đời đều làm quan, bốn anh em của ông cũng đều làm quan:

          +Vương Tấn tự Hạ Khanh, làm đến Tể tướng.

          +Vương Luận làm Thiểm Doãn Giang Lăng.

          +Vương Đàm làm Thái Thường Thiểu Khanh.

         

Vương Duy niên biểu:

 

          701 sinh tại huyện Kỳ, Thái Nguyên, Sơn Tây.

          713 vua Huyền Tông (Đường Minh Hoàng ) lên ngôi.

          721 đậu tiến sĩ, nhận chức Đại Nhạc Thừa.

          723 bị đổi đi là Tư Thương Tham Quân ở Tế Châu (Sơn Đông), từ quan một thời gian, du lịch khắp vùng Tung Sơn, Vu Sơn.

          733 về lại Trường An làm chức Tả Thập Di cho Trương Cửu Linh.

          737 làm Tiết Độ Ngự Sử ở Hà Tây, Lương Châu (biên giới miền Tây).

          738 về lại Trường An, làm chức Điện Trung Thị Ngự Sử.

          740 xuôi Nam lãnh chức Tri Nam Tuyển (Năm này Trương Cửu Linh và Mạnh Hạo Nhiên mất).

          742 lãnh chức Tả Phụ Khuyết rồi Khố Bộ Thị Lang Trung, mua Lam Điền Sơn Trang ở Võng Xuyên.

          750 về Võng Xuyên cư tang mẹ trong 2 năm.

          752 về lại Trường An nhận chức Lễ Bộ Lang Trung rồi thăng Cấp Sự Trung.

          756 An Lộc Sơn chiếm hai kinh Trường An và Lạc Dương.

          757 Vua Túc Tông chiếm lại Trường An.

          758 nhận chức Thái Sử Trung Duẩn rồi Thái Tử Trung Thứ Tử.

          759 thăng Thượng Thư Hữu Thừa.

          761 mất, chôn ở Võng Xuyên.

          763 vua Đại Tông chiếm lại Đông kinh Lạc Dương, cho sưu tập thơ Vương Duy.       

          Vương Duy không những có tài mà còn có nhiều đức hạnh: chí hiếu cha mẹ, hòa mục anh em, luôn luôn tận tâm giúp đỡ mọi người. Do chịu sự ảnh hưởng của mẹ là Thôi Phu Nhân, vốn là một Phật tử thuần thành, nên từ nhỏ Vương Duy đã tín mộ đạo Phật. Ông là người tinh thông về Phật học và theo trường phái Thiền tông. Trong Phật giáoDuy Ma Cật kinh, là kinh sách do Duy-ma-cật dùng để giảng dạy cho môn sinh. Vương Duy là người kính trọng Duy-ma-cật do ông có tên là Duy, tự là Ma Cật. Thiền là tôn giáo, thơ là văn học, mỗi cái có một lãnh vực riêng, nhưng cuối cùng thì ngoài chỗ khác biệt nhau, chúng lại chảy chung một dòng như nước với sữa hòa hợp trong thơ Vương Duy.

          Từ sau khi Vương Duy quy y với thiền sư Đạo Quang, ông ra sức nghiên cứu về giáo lý nhà Phật, trong thơ văn cũng có không ít những tác phẩm luận về đạo lý cao siêu của nhà Phật. Về hình thức, các tác phẩm trong Võng Xuyên tuy chỉ sắp đặt và miêu tả cảnh sông núi tự nhiên, nhưng nội dung bên trong tiềm ẩn lý tưởng tu hành thanh tịnh của Vương Duy. Nói cách khác, thực tế Võng Xuyên biệt nghiệp cũng giống như Lộc Dã uyển của Phật Đà, là nơi gởi gấm tâm linh của Vương Duy, đó cũng chính là “Tịnh độ” trong tâm của ông. Hoàng Thúc Xán cho rằng: “Phản chiếu cảnh núi rừng tịch mịch chính là Vườn nai”. “Con nai” theo nhà Phật là tượng trưng cho chân tánh. Cơ chế thiết kế Võng Xuyên của Vương Duy bất luận là từ bản thân thơ họa hoặc sông núi, mỗi mỗi đều in đậm dấu tích thiền.

                   3.Tác phẩm:

          Vương Duy từ nhỏ thông minh, các sử gia nói rằng “Bảy tuổi học vỡ lòng, chín tuổi đã biết làm thơ”.

          Trong Thi văn tập của ông, có chép mấy bài thơ khi ông còn rất trẻ:

+ Đề hữu nhân, Vân mẫu, Chướng tử, Quá Tần vương mộ đề : làm năm 15 tuổi.

          + Lạc Dương nữ nhi hành làm năm 16 tuổi.

          + Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ làm năm 17 tuổi.

          + Đào nguyên hành Vịnh Lí Lăng đều làm năm 19 tuổi.

          Tác phẩm của Vương Duy ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã.

Vương Duy còn là một nhạc sĩ, một nhà thư pháp, đặc biệt là một họa sĩ nổi tiếng. Tiếc thay, đến nay không còn bức họa nào của ông, chỉ còn những bức tranh họa lại. Tô Đông Pha đời Tống khi viết về Vương Duy có câu: "味摩诘之诗, 诗中有画; 观摩诘之画, 画中有诗" (vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi, dịch nghĩa: Thưởng thức thơ của Ma Cật, trong thơ có hoạ đồ; ngắm họa đồ của Ma Cật, trong họa đồ có thơ. Đồng Kỳ Xương đời Minh thì cho Vương Duy là ông tổ của phong cách họa sơn thủy Nam tông hay Văn Nhân Họa Phái (Nam tông họa chi tổ).

          Chữ ông rất đẹp, đánh đàn tỳ bà rất hay. Lưu Hú trong Đường Thi Bản Truyện chép “nhưng vì hai món thơ và họa của ông trội quá, nên người đời chỉ nhắc đến hai món này mà ít nói đến tài ông viết chữ và đánh đàn”.

          Có một giai thoại về ngón đàn tỳ bà của Vương Duy. Đường Thi Bán Truyện của Tống Kỳ và  Quốc Sử Bổ chép : “Có người đưa cho Vương Duy xem bức họa Tấu Nhạc Đồ. Họ Vương nhìn kỹ và cười. Hỏi tại sao cười thì đáp : “Đây là khúc Nghê Thường Vũ Y, điệp thứ ba, phách thứ nhất”.

 

II. Chất thiền trong thơ Vương Duy.

          1. Thiền và thơ.

          Thiền Tông là một tông phái lớn và là đặc trưng của Phật giáo Trung Quốc, là biểu hiện của tinh thần tùy duyên bất biến, không vướng mắc vào phương tiện để thấy đạt chân lý ngay trong thực tại. Tư tưởng Thiền có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và văn học ở Trung Quốc, thơ là một thể loại văn chương được sử dụng rất t phổ biến để biểu đạt tư tưởng Thiền.

          Điểm chung của thơ và thiền là “ý tại ngôn ngoại”. Thiền Tông chủ trương “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức là không sử dụng văn tự để giảng giải giáo lý, dùng cách riêng ngoài giáo điển để dạy, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Thiền tông không đặt nặng vấn đề kinh điển, giác ngộ giải thoát chính là sự trực nhận chân lý ngay trong thực tại, chân lý có mặt ở khắp mọi nơi, không bị ràng buộc vào không gian thời gian. Chỉ một giây phút nhận ra được chân lý ấy tức là giác ngộ, đạo có mặt ở khắp mọi nơi.

          Sự kết hợp giữa thiền và thơ được thể hiện qua hai hình thức: Đem thiền vào thơ và mượn thơ chỉ thiền.

+ Đem thiền vào thơ: là đem nội dung thiền dẫn vào trong thơ, nhằm đề cao ý cảnh của thơ. Những bài thơ thiền loại này phần nhiều là của giới quan lại trí thức.

+ Mượn thơ chỉ thiền: là mượn hình thức của thơ cốt làm sáng tỏ chân lý siêu việt của Thiền tông, nói cái không thể nói, truyền cái cái không thể truyền, diễn tả cái vốn không thể diễn tả. Đó cũng chính là cách khai thị của Thiền Tông, khai mở nguồn mạch tâm linh.Loại thơ này phần nhiều là các sáng tác của thiền sư.

Sự thành tựu của thơ thiền có thể chia thành hai loại lớn: Một là thi ca, hai là lý luận.

+Về phương diện thi ca: xuất hiện rất nhiều thi nhân và tác giả kiệt xuất. Vào đời Đường những cao tăng như :Hàn San, Thập Đắc, Triệu Châu Tùng Thẩm, Hoàng Bá Hy Vận, Lâm Tế Nghĩa Huyền, Động Sơn Lương Giới, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Hương Nghiêm Trí Nhàn, Pháp Nhãn Văn Ích…Các cư sĩ như Tống Chi Vấn, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Sầm Tham, Liễu Tông Nguyên, Bạch Cư Dị, Bàng Uẩn, Nguyên Chẩn, Vương Xương Linh…

+Về phương diện lý luận: vào đời Tống, hình thức dùng thiền để dụ thi, đem hệ thống lý luận của thiền lý vào thi lý như Thương Lãng Thi Thoại Nghiêm Vũ, Học Thi Thi…

Tư tưởng phóng khoáng của thiền tông là đề tài vô tận, là một luồng gió mới thổi vào nền văn học Trung Quốc, được các văn thi sĩ đón nhận nhiệt tình, tạo nên một không khí thi ca chưa từng có , tạo nên một số lượng đồ sộ và sự thành tựu tột đỉnh của nghệ thuật. Thơ thiền trở thành một viên minh châu rực rỡ trong nền văn học nói riêng và văn hóa Trung Quốc nói chung.

Nếu thơ là tinh hoa được kết tụ của tâm hồn con người muôn thuở thì thơ cũng như thiền đều rất khó hiểu đối với người không cùng một kinh nghiệm cảm xúc với tác giả. Những lời thơ súc tích để truyền cái “cảm” của tác giả cũng như lối “chỉ vật truyền tâm” của nhà Thiền. Dưới ngôn ngữ diễn đạt sáng tạo của thi nhân, ngôn ngữ trở nên có một sức sống dạt dào và mới mẻ; cũng như với tâm hồn khoáng đạt của thiền sư, hoa nở, gió thổi, mây bay, chim hót, lá rụng…đều biểu lộ một thế giới tánh cảnh nhiệm mầu, điều là chân như, pháp tánh.

Thiền thuộc tôn giáo, thơ thuộc văn học. Thiền nhắm đến mục đích lìa bến mê đến bờ giác, thơ để bày tỏ tâm sự, phong thái thi nhân. Thiền chỉ có thể tự tri, thơ lại là tiêu khiển cảm hoá lòng người. Nhưng thiền và thơ có khả năng “hợp lưu” để chảy thành một dòng. Bởi vì, thơ không chỉ trữ tình mà còn có khả năng chở đạo, thiền tuy là một phạm trù tôn giáo nhưng thiền chủ yếu hiển lộ tự tánh. Chính vì vậy, thiền sư sẽ dẫn thơ để ngụ thiền, thi nhân sẽ đem thiền vào thi. Thiền sư vì để độ người nên “lập văn tự” – thơ ca, nhà thơ vì đề cao ý cảnh, tăng sức cuốn hút trong thơ nên không ngần ngại dẫn thiền vào thơ. Từ đó, thiền - thơ hoà điệu lẫn nhau, trang sức làm đẹp cho nhau: “Thơ là chiếc áo gấm thêu hoa của thiền khách, thiền là chiếc dao gọt ngọc của thi ca”.

 

2. Chất thiền trong thơ của Vương Duy

Vương Duy đặc biệt thành công trong cả hai mảng thơ: thơ điền viên sơn thuỷ và thơ thiền, cho dù không phải bao giờ cũng có sự tách bạch đó.

2.1.Thơ điền viên sơn thủy:

Thơ sơn thuỷ của Vương Duy chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tranh thuỷ mặc của ông. Vì hoạ pháp “thuỷ mặc sơn thuỷ” xuất hiện vào đời Đường (681 – 907) do chính Vương Duy khởi xướng, sau này nhiều người theo học và sau đó hình thành phái hoạ Nam tông. Chủ trương chính của tranh thuỷ mặc là sử dụng mực Nho, cùng bút lông truyền thống để vẽ, không dùng những màu sắc loè loẹt khác. Nghệ nhân tranh thuỷ mặc cho rằng 運墨而五色, mực xoay vần mà có đủ năm màu. Chỉ một nét bút nhưng có thể nắm bắt tinh thần của vũ trụ. Do vậy. Hoạ sĩ chấp bút vẽ tranh thuỷ mặc tự xem mình như người hành đạo, tập thiền – phải giữ tâm mình đến mức lắng trong tuyệt đối, phút giây “hoát nhiên đại ngộ” của thiền cũng tương tự như giây phút xuất thần của hoạ gia. Những phết mực Nho đậm, giản đơn, kín đáo, thâm trầm kết hợp với những khoảng không gian trống trong bức tranh thuỷ mặc thể hiện đậm nét tinh thần của thiền, đó là sự đối lập mà thống nhất giữa cái hư – thực, sắc – không của thiền. Màu sắc trong thơ sơn thuỷ Vương Duy đã chịu sự chi phối rõ nét của màu tranh thuỷ mặc.

Thơ Vương Duy có bài là bức hoạ hoặc được vẽ bằng màu sắc sinh động, tươi tắn (Tân di ổ); hoặc bằng nét vẽ nhạt màu (Mộc lan trại) hoặc bằng nét vẽ không (Trúc lý quán)... Nhìn chung, màu sắc trong thơ Vương Duy là màu sắc của hội họa thuỷ mặc sơn thuỷ. Nó mang vẻ đẹp tĩnh tại, đạm bạc... đầy phong vị thiền.

Hầu hết màu sắc được Vương Duy điều phối trong thơ đều là màu nhạt, màu lạnh. Ông nói nhiều đến màu cuả thiên nhiên như màu xanh của núi, màu của rêu, màu của cây tùng, cây thông, cây liễu, màu trắng của mây, trời, mưa, sông nước, bãi cát….thi thoảng còn pha một số màu nổi nhưng chỉ đơn chiếc và chấm điểm mà thôi. Cách phối hợp màu nhạt bằng thủ pháp “đạm thái” của hội hoạ thuỷ mặc là đặc điểm nổi trội trong thơ sơn thuỷ Vương Duy. Những bài thơ loại này cảnh trí thường được tô màu nhạt, thiên nhiên sơn thuỷ mang vẻ đẹp đạm bạc. Trong sự phân chia màu sắc của hội hoạ thì màu lạnh được xếp vào những màu: xanh, tím, lam, đen, trắng. Thơ sơn thuỷ Vương Duy sử dụng màu xanh lạnh với tần số rất cao, tiếp đến là màu trắng bạch, còn lại là những màu sắc phong phú: màu thuý, bích, lam, lục, hồng, chu, thương…Bài thơ Lộc trại là một bài thơ thể hiện màu sắc như vậy:

 

鹿柴

空山不見人
但聞人語響
返景入深林
復照青苔上

 

Lộc trại

Không sơn bất kiến nhân
Ðản văn nhân ngữ hưởng
Phản cảnh nhập thâm lâm
Phục chiếu thanh đài thượng

 

Trại hươu(Người dịch: Trần Trọng San)

Núi trống vắng tanh người,
Chỉ nghe vọng nói cười.
Nắng vào trong núi thẳm,
Lên đám rêu xanh soi.

 

Màu xanh của trời, của mây là hiện tướng của sự thong dong. Mỗi mỗi màu như vậy đều cho chúng ta liên tưởng về một thế giới tịch mặc vô ngôn của thiền. Núi vắng không thấy người, chỉ nghe tiếng ai vọng lại, nắng hắt vào rừng sâu, rồi lại chiếu lên những đám rêu xanh. Cái “không sơn” đã vẽ một nét không màu cho bức tranh Lộc trại. Màu sắc ở đây có sự kết hợp của ánh sáng, nhưng ánh sáng đã bị phản chiếu qua nhiều tầng không gian nên sắc độ giảm đi rất nhiều, làm cho vẻ kì ảo tăng lên. Không những thế, màu xanh của rêu mang tính chất lạnh, sâu, tĩnh, phi vật chất. Nó kết hợp với ánh sáng yếu ớt tạo nên vẻ đẹp thanh đạm thiên tân, càng làm cho bức tranh tĩnh tại, trong lành, thật là phong cảnh của một ẩn giả - thiền nhân.

Màu xanh trong thơ Ma Cật có khi còn trong lành đến mức “tịnh vô trần” qua hình ảnh đám rêu trong Dữ Lư viên ngoại tượng Thôi xứ sĩ Hưng tông lâm đình:

 

與盧員外象過崔處士興宗林亭

綠樹重陰蓋四鄰,
青苔日厚自無塵。
科頭箕踞長松下,
白眼看他世上人。

 

Dữ Lô viên ngoại Tượng quá Thôi xử sĩ Hưng Tôn lâm đình

Lục thụ trùng âm cái tứ lân
Thanh đài nhật hậu tự vô trần
Khoa đầu cơ cứ trường tùng hạ
Bạch nhãn khán tha thế thượng nhân.

 

Cùng viên ngoại Lô Tượng qua nhà ở trong rừng của xử sĩ Thôi Hưng Tôn (Người dịch: Đông A)

Cây xanh lồng bóng rợp bao phần
Rêu biếc lớp dầy sạch bụi trần
Ngồi duỗi đầu trơ tùng bóng cả
Trắng không hai mắt ngó tha nhân.

 

            Cây xanh toả lớp lớp trong bóng râm che mát bốn bề, rêu xanh ngày càng dày không chút bụi. Không gian của hai câu thơ được bao phủ bởi cả một màu xanh, xanh của cây cối, xanh của đám rêu lâu ngày. Nếu màu xanh lục ở câu thơ trên vẽ lên sự âm u tịch lặng thì màu xanh nhã của câu thơ dưới cho ta cảm giác thật mát mẽ, sảng khoái. Phải có một đôi mắt thiền mới phát hiện ra được màu sắc “tịnh vô trần” như thế. Cụm từ này gợi chúng ta liên tưởng đến câu kệ kiến đạo của ngài Huệ Năng: 本來無一物, 何處惹塵埃. Đám rêu trong cảm quan của Ma Cật là một thực tại an lành vô biên, không có gì có thể can thiệp và tô màu.

            Màu sắc mang vị thiền trong thơ Ma Cật không chỉ được thể hiện qua màu lạnh mà có lúc đó còn là những màu nổi như màu vàng của chiếc lá trong Sơn trung và màu đỏ của đoá hoa phù dung trong Tân di ô. Tuy nhiên tác giả dưới tâm thái của thiền đã làm cho sắc độ của nó cũng đi vào sự tịch mịch. Trong Sơn trung, thi nhân phối hợp cả ba màu sắc:

山中

荊谿白石出,
天寒紅葉稀。
山路元無雨,
空嵐濕人衣。

 

Sơn trung

Kinh khê bạch thạch xuất,
Thiên hàn hồng diệp hy.
Sơn lộ nguyên vô vũ,
Không thuý thấp nhân y.

 

Trong núi (Người dịch: Đông A)

Rạng đông khe hiểm trở
Lá đỏ lạnh trời thưa
Đường núi mưa nào có
Khí lam đẫm áo chưa.

            Màu trắng của đá nằm trong suối nước và màu xanh của chiếc áo ướt gây cho đọc giả ấn tượng về một cảm giác lạnh thấm người. Một màu vàng của chiếc lá hiện lên trong bức tranh tưởng như sưởi ấm cho không gian, nhưng nó thưa thớt quá giữa khí trời lạnh buốt “thiên hàn”. Thế là bức tranh vô tình đã nhuốm cả một màu thanh tịnh trong chốn sơn khê, chẳng khác nào nơi tĩnh toạ của những người bế quan tu hành.

          Vương Duy rất chú ý đến việc dùng màu trong thơ. Đa số những màu được ông phối hợp đều trang nhã, tinh khôi, hài hoà, có thể gọi đó là những màu sắc thanh tao mang phong vị thiền. Nếu không có một tâm hồn yêu mến thiên nhiên thì khó ai có thể hoà được những màu sắc đẹp say lòng người đến như vậy.

            Vương Duy có một biệt tài khi miêu tả từ một nơi xa để chỉ ra cảnh yên tĩnh của sơn thủy, làm nổi lên sự tĩnh lặng trong không gian khoáng đạt; trong tĩnh có động, trong tịch tĩnh có sức sống. Bài thơ Điểu Minh Giản (Khe chim kêu) trong tập Hoàng Phủ Nhạc Vân Khê Tạp Đề Ngũ Thủ là một trong số đó:

鳥鳴澗

人閒桂花落,
夜靜春山空。
月出驚山鳥,
時鳴春澗中。

 

Điểu minh giản

Nhân nhàn quế hoa lạc,
Dạ tĩnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu,
Thời minh xuân giản trung.

 

Chim hót trong khe

(Người dịch: Ngô Tất Tố)

Người nhàn hoa quế nhẹ rơi
Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh
Trăng lên, chim núi giật mình
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi

 

Bài thơ này miêu tả một bức tranh sinh động hình ảnh một người nhàn cảm giác được hương vị và âm thanh của hoa quế rụng. Trong đêm xuân, vạn vật đều tĩnh lặng, trong không gian mênh mông và yên tĩnh của núi rừng không có một bóng người, sự xuất hiện của ánh trăng cũng làm giật mình chim rừng, chốc chốc cất lên tiếng kêu thánh thót vang lên từ khe núi. Các từ miêu tả tịnh thái: “nhân nhàn”,  “tịnh dạ”, “sơn không” trong hai câu thơ đầu để miêu tả cảnh không tịch, nhưng trong cảnh tịch tịnh đó lại đặt vào một từ sinh động của “nguyệt xuất” và tiếng chim thánh thót của “minh giản”. Ngoài ra, “hoa quế lạc” còn có ý nghĩa là trong một cảnh vô cùng yên tĩnh và người cũng rất nhàn để có thể nghe được âm thanh của hoa quế rơi, làm lộ ra ý vị “trong yên lặng thấy sức sống” của thiền thú.

Điểu minh giảnlà một bài thơ xinh xắn, bình dị nhưng hàm chứa nhiều ý vị thâm trầm của Thiền học. Bài thơ được làm theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, chỉ vẻn vẹn hai mươi chữ nhưng ý nghĩa của bài thơ không hạn định trong khuôn viên câu chữ của nó. Cả bài thơ là một bức tranh phong cảnh nhuốm tình người. Tất cả cảnh vật được thu vào bên trong. Những hình ảnh xuất hiện trong bài thơ: hoa quế, ánh trăng, núi non, khe suối, chim kêu,.. là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca phương Đông nhưng ở đây lại có sức ám gợi lạ thường, sâu xa. Bài thơ tạo cảm giác tĩnh lặng, thanh nhã, bình đạm. Thế giới nghệ thuật của nó là một phức hợp cộng hưởng, giao hòa giữa: người và cảnh, âm thanh và ánh sáng, thính giác- thị giác- khứu giác và xúc giác, không gian và thời gian.

Ở đây, thiên - nhân - địa cùng hợp nhất. Mọi vật đều có linh hồn. Cảnh vật thiên nhiên trong tứ thơ của Điểu minh giản ảnh hưởng tư tưởng thiền “có có không không” hết sức sâu đậm, tạo thành một cảnh giới linh hoạt, huyền ảo, yên tịnh, vắng lặng đến nhiệm mầu. Con người, vũ trụ là một, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Tác giả mượn cảnh sơn thủy hữu tình để truyền tải đến độc giả một cảnh giới “thong dong tự tại, tĩnh lặng trong lành” có cội nguồn gốc rễ tự trong tâm. Đó là bức tranh tâm cảnh. Đỗ Phủ trong bài thơ Giải muộn từng gọi Vương Duy là cao nhân Vương Hữu Thừa. Vương Xương Linh thì nói: “Thân ở thế gian nhưng tâm thì vượt thoát thế gian”. Nhận xét đó thật đúng với bài thơ này.

Trong đêm tĩnh lặng, thi nhân nghe được tiếng hoa quế rơi. Hoa quế là loài hoa màu trắng, có hương thơm và rất nhỏ, khi rụng rơi rất khẽ. Vậy mà con người cũng nghe được. Tâm hồn thi nhân nhạy cảm vô cùng! Lắng nghe được âm thanh đó không phải chỉ vì cảnh đêm mùa xuân nơi núi non yên tĩnh mà còn vì tâm hồn nhà thơ cũng đang tĩnh lặng! Tâm hồn nhà thơ chiếu ứng ra cảnh: Dạ tĩnh xuân sơn không. Sự kết hợp của ba từ: lạc (rụng), tĩnh (vắng lặng) và không (vắng không) vừa gợi sự tịch mịch của cảnh đêm nơi rừng núi, vừa phảng phất nỗi buồn man mác, cô tịch. Cảnh hàm chứa sự quán chiếu của Vương Duy về các vấn đề vô thường, vô ngã! Nó diễn tả cái quan niệm sắc sắc không không của đạo Phật.

Hai câu thơ cuối dường như có sự chuyển dịch từ không gian tĩnh và tối (hai câu đầu) sang động, sáng rõ hơn. Đó là sự xuất hiện của ánh sáng: nguyệt xuất (trăng lên) và âm thanh: chim núi cất tiếng kêu. Nhưng ánh sáng và âm thanh càng tô điểm thêm cho vẻ tĩnh lặng của cảnh vật, cho Dạ tĩnh xuân sơn không. Trong thời gian đêm xuân, ánh trăng huyền ảo lung linh dàn trải khắp núi non làm cho không gian thêm rộng và huyễn hoặc, mơ hồ, vắng lặng (sơn không). Ánh sáng lan tỏa cũng làm kinh động đến chim núi, làm chim núi bừng tỉnh, “giật mình” thảng thốt! Chim núi giật mình bởi ánh trăng hay “giật mình” bởi màn đêm quá tĩnh lặng? Đó không phải đơn thuần là sự bừng sáng của ánh trăng chiếu ứng lên cảnh vật, tác động đến trạng thái của chim núi mà còn là sự thảng thốt, bừng ngộ trong tâm hồn thi nhân.

 

2.2. Thơ thiền:

Đặc trưng thi tăng trong thơ thiền của Vương Duy là một đặc trưng khác, đặc trưng này nói lên mối quan hệ khắng khít giữa tư tưởng Phật giáo, nhất là Thiền tông đối với thơ ca đời Đường nói chung và với Vương Duy nói riêng. Đây là thơ do những nhà tu hành làm ra hoặc là thơ do những người chỉ chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo làm ra.Vương Duy thuộc loại thứ hai này. Ông không phải là nhà sư, nhưng thơ ông lại được gọi là “thi Phật”. Bởi lẽ, thơ ông là thơ của triết lý thiền và hơn thế, cuộc đời ông sống theo lối sống của một đệ tử nhà thiền: tâm xuất gia, thân không xuất gia. Nhờ đó, thiền sư - thi nhân có thể là bạn tri âm của nhau và cũng có thể là song trùng một bản ngã duy nhất. Tính triết lý của thiền và tính trữ tình của thơ hài hoà cho nhau.Ma Cật cư sĩ không phải thiền sư mà là một Phật tử thuần thành của Phật giáo, say mê với đạo thiền. Thơ ông không là những bài kệ ngộ đạo, cũng không là những phút giây “hoát nhiên đại ngộ” vở toang đất trời, chấn động thiên hà như các thiền sư, đó là những thi phẩm mang đậm chất thiền. Thiền thấm sâu trong từng câu chữ của thơ, trên từng sắc màu, ánh sáng, âm thanh của thơ. Cho nên, không là thiền sư, nhưng con người trong thơ Ma Cật hiện lên chẳng khác nào một thiền sư đang ung dung, điềm tĩnh trước biến động cuộc đời.

Theo Vũ Thế Ngọc trong quyển Vương Duy Chân Diện Mục, Vương Duy theo học thiền với Thiền Sư Ðạo Quang.  Lúc Thiền Sư Ðạo Quang mất năm 730, Vương Duy làm bài văn bia có viết: "Suốt mười năm được ngồi dưới chân người học thiền đạo...".  Như thế Vương Duy bắt đầu học Phật nhiều năm trước năm 730, lúc Ông mới ngoài 20 tuổi.

Bài Chung Nam Biệt Nghiệp là một trong những  tuyệt phẩm của Vương Duy, ông nói về cuộc đời của chính mình từ tuổi trung niên về sau rất kính Phật pháp. Tuổi già, ông ở ẩn bình yên tại núi Chung Nam. Ông viết ngắn gọn tự nhiên, tình cảm lạnh nhạt vượt ra ngoài thế gian. Trong cuộc sống ẩn dật thong thả thanh nhàn.

 

終南別業

中歲頗好道,
晚家南山陲。
興來美獨往,
勝事空自知。
行到水窮處,
坐看雲起時。
偶然值林叟,
談笑無還期。

 

Chung Nam biệt nghiệp

Trung thế phả hiếu đạo,
Vân gia Nam sơn thuỳ.
Hứng lai mỗi độc vãng,
Thắng sự không tự tri.
Hành đáo thuỷ cùng xứ,
Toạ khan vãn khởi thì.
Ngẫu nhiên tri lâm tẩu,
Ðàm tiếu vô hoàn kỳ.

 

Nhà riêng ở núi Chung Nam

 (Người dịch: Lê Nguyễn Lưu)

Trẻ từng yêu mùi đạo
Già ở núi Nam này
Lúc hứng riêng mình dạo
Khi vui chỉ tự hay
Ði theo nguồn nước đổ
Ngồi ngắm áng mây bay
Chợt gặp ông già núi
Quên về, nói chuyện say

 

Sự Nghiệp Riêng Ở Núi Chung Nam

 (Bản dịch: Phí Minh Tâm )

Tâm thấy đạo mầu tuổi trung niên

Nhà ở Nam Sơn núi kề hiên

Hứng khởi thanh nhàn thích đi dạo

Sự nghiệp được không tự biết riêng

(Cảnh đẹp tự mình thưởng thức riêng)

Ngược dòng đi khắp hang cùng ngách

Thư thả ngồi nhìn áng thanh thiên

Ngẫu nhiên nẻo vắng gặp tiều lão

Cười nói cùng nhau như bạn hiền.

          “Thắng sự không tự tri” nghĩa là tự biết việc tốt hơn hết không gì bằng nhàn, càng biểu thị hoài bão ẩn dật cao xa của ông, được riêng hưởng niềm vui. Hai câu kế tiếp tả cảnh trong động, tràn trề diệu pháp Thiền tông, là lời hay ý đẹp nghìn đời khó có. Câu trên nói về tự ý mà đi, dạo chơi cho đến cuối sông. Câu dưới nói đến chỗ cùng đường, duets khoát ngồi xuống tại chỗ, ung dung ngắm mây trắng trôi bồng bềnh. Bước đi, đến nơi, ngồi xuống, ngắm nhìn trời xanh, tự do thoải mái, dụng tâm trong cảnh giới hoàn toàn không phiền não. Hai câu cuối nói về chỗ một mình lặng lẽ không lời, bỗng nhiên gặp được ông lão chất phác, chuyện trò thỏa thích, nhởn nhơ quên cả thời gian. Văn chương toàn bài thơ trôi chảy tự nhiên, như mây bay nước chảy, chính là phong thái nhậm vận tùy duyên, thong dong tự tại của nhà thơ.

          Đăng Biện Giác tự là một bài thơ chứa rất nhiều từ ngữ và ý vị của Phật giáo, rất súc tích và ý nghĩa thâm sâu:

登辨覺寺

竹徑從初地,
蓮峰出化城。
窗中三楚盡,
林上九江平。
軟草承趺坐,
長松響梵聲。
空居法雲外,
觀世得無生。

 

Đăng Biện Giác tự

Trúc kính tòng sơ địa,
Liên phong xuất Hoá Thành.
Song trung tam Sở tận,
Lâm thượng cửu giang bình.
Nhuyễn thảo thừa phu toạ,
Trường tùng hưởng Phạm thanh.
Không cư pháp vân ngoại,
Quán thế đắc vô sinh.

 

Lên chùa Biện Giác(Người dịch: Vũ Thế Ngọc)

Lối trúc đến đất phẳng,
Núi Sen biến Hoá Thành.
Trong cửa tan ba Sở,
Trên rừng lặng chín sông.
Cỏ mềm ngồi kiết toạ,
Tùng cao vang tiếng kinh.
Không cư, ngoài mây Pháp,
Quán thế, vượt tử sinh.

Trúc kính竹徑là ngõ trúc, sơ địa 初地là chỗ bắt đầu, nghĩa đen là đầu ngõ dẫn vào chùa, sơ địa là từ ngữ Phật giáo chỉ bậc thấp nhất của Bồ Tát đạo gồm 10 bậc gọi là thập địa. Bồ Tát đạo dẫn đến Trí huệ Bát nhã 般若(Prajñā). Sơ địa còn gọi là Hoan hỉ địa (歡喜地, pramuditā), cấp thứ 10 là Pháp Vân địa (法雲地, dharmameghā) đến đây thì tập khí đã sạch, trí huệ hiện ra viên mãn. Câu thứ 7 của bài thơ “Không cư pháp vân ngoại”, rõ ràng là nói tới bậc thứ 10 của thập địa. Liên phong 蓮峰là toà sen. Hoá thành 化城là toà thành được biến ra để cho kẻ lữ hành tạm dừng chân trên đường xa. Đây là chữ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Từ toà sen Phật biến ra hoá thành để dẫn dụ người tu, trên đường xa thấy có toà thành trước mặt thì mừng tưởng rằng sắp đến nơi, nên tin tưởng, thật ra chỉ là nơi nghỉ ngơi tạm, chưa phải chỗ đến. Song trung 窗中là bên trong cửa sổ, nghĩa bóng chỉ cõi thế gian sanh diệt. Tam sở 三楚là 3 vùng đất của nước Sở vào các đời Tần Hán là Tây Sở, Đông Sở và Nam Sở, nhưng chữ sở 楚đồng âm với 所nên tam sở  nghĩa bóng chỉ 3 cái sở hữu là sở cầu,sở đắc, sở úy ( 所求,  所得, 所畏). Song trung Tam Sở tận, nghĩa đen là đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài thấy đất Tam Sở xưa xa tít tận chân trời, nghĩa bóng chỉ đã dứt được 3 cái sở hữu trên, tức là đạt tới vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở úy.

Biện Giác Tự vị trí tại Tương Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc bên bờ Sông Hán, ngày nay là liên thành phố Tương Phàn 襄樊gồm 3 thành phố Tương Dương, Tương Thành và Phàn Thành. Lâm thượng Cửu giang bình, nghĩa đen là phía trên bờ là rừng, dưới sông thì nước Cửu giang bằng phẳng, lặng yên không có sóng gió. Nghĩa bóng chỉ trong Tâm bình yên không có xao động. Nhuyến thảo 軟草là cỏ mềm, cỏ mịn là loại cỏ thấp, cọng nhỏ. Thừa phu 承趺là bắt chéo hai bàn chân vào nhau theo kiểu kiết già, tức ngồi xếp bằng.Trường tùng 長松là hàng cây tùng dài hai bên đường. Hưởng 響là âm hưởng tức là tiếng vọng. Phạm thanh là tiếng tụng kinh bằng Phạn ngữ (đã được phiên âm ra Hoa ngữ) Không cư pháp vân ngoại là sống trong cái không, ở ngoài đám mây pháp. Ở đây chữ pháp vân còn có nghĩa là Pháp vân địa tức là bậc thứ 10, bậc cuối cùng của thập địa Bồ Tát, tới chỗ này thì Bồ Tát đã chứng được đầy đủ trí huệ như Đức Phật. Đám mây pháp là tức là tam giới gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Theo Phật pháp thì tam giới chỉ là huyễn ảo. Ở ngoài đám mây pháp tức thoát khỏi tam giới, thoát ra khỏi luân hồi, tức là giác ngộ, ngộ nhất thiết duy tâm sở tạo, ngộ được tánh không của vạn hữu. Quán thế đắc vô sinh là nhìn thấu cõi thế gian, thấy rõ bản chất không của nó, chứng được vô sanh pháp nhẫn, tức là không có sanh tử, sanh diệt chỉ là giả tạm hư huyễn.Tóm lại bài thơ trên có thể coi là bài kệ giác ngộ của Vương Duy, ông là bạn thâm giao với Mã Tổ Đạo Nhất, là thiền sư kiến tánh nổi tiếng ở Giang Tây, nên ít nhiều cũng có sở ngộ.

Vương Duy chịu ảnh hưởng Thiền học rất sâu đậm, “không tịnh” là cảnh giới ông ra sức để đạt được ở trong thơ. Đó cũng chính là sự “bừng ngộ” trong tâm hồn ông. Vì vậy, cái khoảng không gian tĩnh lặng ở khe núi nên thơ nên họa, đậm chất Thiền xuất hiện khá nhiều trong thơ ông:

辛夷塢

木末芙蓉花,
山中發紅萼。
澗戶寂無人,
紛紛開且落。

 

Tân di ổ

Mộc mạt phù dung hoa,
Sơn trung phát hồng ngạc.
Giản hộ tịch vô nhân,
Phân phân khai thả lạc.

 

Thung lũng mộc lan (Người dịch: Khương Hữu Dụng)

Đoá đoá hoa phù dung,
Nảy hồng trong hốc động.
Bên khe nhà vắng người,
Cứ nở ra rồi rụng.

          Có thể thấy rằng, cái hay của bài thơ thể hiện ở tính độc đáo trong cách diễn tả sự chứng ngộ Phật - sự “Tịnh độ” trong tâm linh của Ma Cật: an nhiên, tĩnh tại, hòa nhập với thế giới sắc không (lớp nghĩa tư tưởng) và ở thế giới hình tượng thơ tương giao, hòa quyện, gắn kết tạo nên ý nghĩa thẩm mỹ mới lạ (lớp nghĩa nghệ thuật). Nghĩa tư tưởng và nghĩa nghệ thuật của tứ thơ có sự chuyển hóa, dung hợp, đan quyện, giao hòa đem đến cho người đọc những mỹ cảm, nhận thức khác. Đó là vẻ đẹp tâm hồn dung dị của nhà thơ hòa mình trong đời sống dân dã, đằm thắm. Có lẽ nhà thơ đã khám phá ra chính mình trong thiên nhiên và trong thái tĩnh lặng, hư vô. Bài thơ gợi ra hình ảnh một Thiền sư ở giữa cuộc sống, giữa thiên nhiên vừa ung dung giản dị vừa tinh tế nhạy cảm, vượt lên tất cả, hòa nhập tất cả, “tất cả tức một, một tức tất cả”. Bài thơ ngắn, ý tứ cô đọng rất thích hợp với tình cảnh sâu lắng mang đậm nội tâm của Thiền.

          TrongThanh khê,nhà thơ mượn hình ảnh thiên nhiên để diễn tả tâm trạng của mình, tâm cảnh giao hòa, vì tâm tĩnh lặng nên nhìn cảnh vật cũng tĩnh lặng.

青谿

言入黃花川,
每逐青溪水。
隨山將萬轉,
趣途無百裡。
聲喧亂石中,
色靜深松裡。
漾漾泛菱荇,
澄澄映葭葦。
我心素已閒,
清川澹如此。
請留盤石上,
垂釣將已矣。

 

Thanh khê

Ngôn nhập Hoàng Hoa xuyên,
Mỗi trục thanh khê thuỷ.
Tuỳ sơn tương vạn chuyển,
Thú đồ vô bách lý.
Thanh huyên loạn thạch trung,
Sắc tĩnh thâm tùng lý.
Dạng dạng phiếm lăng hạnh,
Trừng trừng ánh giả vĩ.
Ngã tâm tố dĩ nhàn,
Thanh xuyên đạm như thử.
Thỉnh lưu bàn thạch thượng,
Thuỳ điếu tương dĩ hỉ.

 

Khe Thanh(Người dịch: Vũ Thế Ngọc)

Len lỏi suối hoa vàng,
Nương theo dòng nước trong.
Quanh co vạn thế núi,
Thích thú trăm dặm trường.
Rì rào nước tràn đá,
Âm u màu ngàn thông.
Cỏ lăng dáng mềm mại,
Hoa lau sắc lanh long.
Tâm ta đã nhàn nhã,
Suối trong càng tĩnh không.
Ngồi dài bên bàn đá,
Buông cần thế là xong.

          Bài thơ diễn đạt sự “nhàn” của tâm, và cảnh cũng tùy đó mà thanh tịnh theo, nhưng trong vạn vật trong cảnh này vẫn tràn đầy sức sống, dọc theo con nước và men theo triền núi có “huyên” có “tĩnh”, làm rõ ra giữa động và tĩnh, tuy “không” mà có ngàn điều thú vị. Đó cũng chính là ý nghĩa “thể” và “dụng” của Thiền Tông. Thể thì như như hằng hữu, dụng thì biến hóa vô cùng.Có thể thấy, Vương Duy đã đạt đến trình độ cao trong miêu tả “nhàn đạm tự nhiên”; tâm cảnh an nhàn và chí hướng ở ẩn  của nhà thơ.

          Vương Duy nhận ra kiếp sống này thật là “phù huyễn”, lênh đênh, chìm nổi, nhà Phật gọi là vô thường:

          “Sắc thanh giai thị vọng,

          Phù huyễn thi ngô chân”( bài Dữ Hồ cư sĩ giải bệnh,ký thử thi kiên thị học nhân)

          Chỗ khác Vương Duy viết:

          “Phù sinh tín như ký,

          Bạc hoạn phù hà hữu” (bài Tứ thánh tự, Tống chấp nhị). Nghĩa là : Kiếp sống nổi trôi này cũng như một giấc mộng có mấy khi có dịp mua vui, còn có đáng gì, có nghĩa gì. Con người chìm nổi trong vòng sinh, lão, bệnh tử; vạn hữu thì luân chuyển sinh, trụ, dị diệt. Tất cả đều chung một chữ “Không”. Thế nhưng cái “Không” đó không phải là không có gì hết. Không là Chân Không, là bản thể của vạn vật, nhưng hiện tượng thì muôn màu muôn vẻ. Thấu đạt được tính Không của các pháp thì hết băn khoăn, thì “vui” thì “nhàn”:

          “Dĩ ngộ tịch vi lạc,

          Thử sinh nhàn hữu dư.”(bài Phạn Phúc Phũ Sơn Tăng)

          Muốn thoát khỏi bao nhiêu phiền não của kiếp người, chỉ có một giải pháp là nương nơi “cửa Không” :

歎白髮

宿昔朱顏成暮齒,
須臾白髮變垂髫。
一生幾許傷心事,
不向空門何處銷。

 

Thán bạch phát

Túc tích chu nhan thành mộ xỉ,
Tu du bạch phát biến thuỳ thiều.
Nhất sinh kỉ hứa thương tâm sự,
Bất hướng không môn hà xứ tiêu.

 

Than tóc bạc (Người dịch: Trần Văn Nhĩ)

Xưa hồng nhan sắc nay long răng
Tóc bạc chợt thay hai mái xanh
Bao chuyện đau lòng trong một kiếp
Không về cửa Phật sao tịnh tâm.

 

 

III. Kết luận.

          Vương Duy là một nghệ sĩ đa tài: Chữ tốt, đàn giỏi, họa đẹp, thơ hay. Vì thơ và họa nổi trội nên ít ai biết đến ông còn là một nhà thư pháp và một ngừoi chơi đàn tài ba. Ông vẽ nhiều, viết nhiều về thiên nhiên, ưa thể hiện vẻ tĩnh tại để biểu đạt cái tâm không. Thơ của ông sở trường về Ngũ ngôn, “trong họa có thi, trong thi có họa”, đời sau tôn xưng là “Thi Phật và Họa sư”. Các nhà nghiên cứu thơ và họa của Trung Hoa và nước ngoài đều nhất trí công nhận ông là thiên tài “Thi họa song tuyệt”.

 Thơ Vương Duy có đặc điểm bình dị, hồn nhiên, điềm đạm, ý tại ngôn ngoại, viết nhiều về thiền lý đạo Phật, nhất là dấu ấn của Thiền Tông . Tác giả mượn cảnh sơn thủy hữu tình để truyền tải đến độc giả một cảnh giới “thong dong tự tại, tĩnh lặng trong lành” hoàn toàn tương phản lại với cảnh đời bon chen xuôi ngược. Đỗ Phủ trong bài thơ “Giải Muộn” từng gọi Vương Duy là cao nhân Vương Hữu Thừa. Vương Xương Linh thì nói: “Thân ở thế gian nhưng tâm thì vượt thoát thế gian.”

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Giản Chi, Vương Duy thi tuyển, Nxb. Văn Học, 1995.

2.     Vũ Thế Ngọc, Vương Duy chân diện mục, Nxb.Tp.HCM, 2006.

3.     Thông Thiền, Cõi thiền & thơ, Nxb.Tôn Giáo, 2011.

4.     Trần Xuân Đề, Lịch sử văn học Trung Quốc, Nxb.Giáo Dục, 2002.

5.     Lê Huy Tiêu chủ biên, Lịch sử văn học Trung Quốc-Tập 1, Nxb.Giáo Dục, 2003.

[Trở về]
Các bài viết phản hồi
GỬI Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Họ Tên :
Email :
Tiêu đề
Nội dung :
 
Các tin tức khác
Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2025
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này