* Câu hỏi môn Dạy học tiếng Việt :
Trong các phương pháp dạy học Tiếng Việt, phương pháp nào tối ưu nhất, theo đánh giá của bạn? Giải thích.
- Có bốn phương pháp dạy học Tiếng Việt:
1. Phương pháp Thông báo giải thích,
Là phương pháp thày giáo dùng lời nói (Sách giáo khoa, mô hình, bảng biểu, các phương tiện kỹ thuật) của mình để giải thích, minh họa các tri thức mới, còn học sinh tập trung chú ý lắng nghe, suy nghĩ tiếp nhận những tri thức đó.
Bản chất của phương pháp này mang tính diễn dịch.
- Ưu điểm: Có khả năng tiết kiệm thời gian, cung cấp nhanh nhất, chính xác nhấn một lượng kiến thức cần thiết có trật tự, làm cơ sở dữ liệu cho học sinh giải quyết vấn đề chính.
-Nhược điểm: Thường khiến học sinh thụ động, hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên, không phát huy được kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cũng như khả năng tư duy sáng tạo của mình. Nếu sử dụng với thời gian dài dễ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi. Vì giáo viên phải truyền tải một lượng kiến thức quá lớn, học sinh lại không thể tập trung chú ý trong thời gian quá dài.
_Chỉ nên sử dụng trong các trường hợp: Giới thiệu chủ điểm của một số bài học; giới thiệu phương thức hoạt động mẫu để thực hiện nhiệm vụ chính; dạy các tri thức lý thuyết mới, dạy các đơn vị kiến thức phụ, kiến thức triển khai cho các kiến thức cơ bản.
2. Phương pháp phân tích ngôn ngữ,
Trong phương pháp này, học sinh dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên , tiến hành tìm hiểu các hiện tượng ngôn ngữ, quan sát và phân tích các hiện tượng đó theo định hướng của bài học, từ đó rút ra những nội dung lý thuyết hoặc thực hành cần ghi nhớ.
Bản chất của phương pháp này mang tính quy nạp.
- Ưu điểm: Phương pháp này phân chia đối tượng thành những bộ phận, những khía cạnh, những mặt khác nhau để nhận thức đối tượng chính xác và đầy đủ hơn. Nó rất thuận lợi và hiệu quả khi cần cung cấp cho học sinh những tri thức lý thuyết mới, hay khi cần tìm hiểu mối quan hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ với nhau. Giúp học sinh năng động vừa phát triển ngôn ngữ vừa phát triển tư duy.
- Nhược điểm: Mất nhiều thời gian cho việc quan sát, phân tích ngữ liệu, hình thành khái niệm lý thuyết và củng cố, vận dụng, luyện tập. Giáo viên phải nắm chắc nội dung trọng tâm và phương hướng giải quyết vấn đề, nếu không bài giảng dễ đi lan man, vòng vo, lạc hướng vấn đề
3. Phương pháp giao tiếp,
Phương pháp này là cách sắp xếp sao cho các tài liệu ngôn ngữ vừa đảm bảo tính chính xác, chặt chẽ, trong hệ thống ngôn ngữ, vừa phản ánh được đặc điểm chức năng của chúng trong hoạt động giao tiếp.
Phương pháp này vừa giúp học sinh vừa nắm vững cấu trúc ngôn ngữ, nắm chức năng sử dụng, vừa làm cho quá trình tiếp nhận trở nên dễ dàng hơn, thực tế hơn.
Việc dạy tiếng gắn liền với hoạt động giao tiếp là con đường ngắn nhất, có hiệu quả nhất giúp học sinh nắm được các quy tắc sử dụng ngôn ngữ.
- Ưu điểm: Đây là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất giúp học sinh nắm được các quy tắc sử dụng ngôn ngữ. Học sinh được đưa vào các tình huống giao tiếp thích hợp, trực tiếp thực hành hoạt động lời nói trên cả 4 lĩnh vực; nghe, nói, đọc, viết. Nó bảo đảm củng cố cả hai quá trình tiếp nhận lời nói và tạo lập lời nói cho học sinh.
- Nhược điểm: Phải tạo được động cơ giao tiếp và mục đích giao tiếp, phải kích thích được người khác hoạt động ngôn ngữ. Phương pháp này chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như: đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp và mục đích giao tiếp.
4. Phương pháp dạy theo mẫu,
Là phương pháp thông qua mẫu cụ thể về lời nói hay mô hình lời nói, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu đặc điểm của mẫu, cơ chế tạo mẫu, qua đó học sinh biết cách tạo ra những lời nói theo định hướng của mẫu. Mẫu ở đây được coi là một phương tiện "thị phạm hóa" (cần có sự kết hợp mẫu thị giác và mẫu thính giác)
- Ưu điểm: Giúp học sinh nhận thức sâu sắc vấn đề có trình tự; từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng đến hoạt động thực tiễn. Như vậy giúp học sinh hình thành và phát triển ngôn ngữ dễ dàng ngay trong hoạt động giao tiếp với người khác.
Nhược điểm: Khó khăn chủ yếu là ở vấn đề tạo mẫu và quá trình phân tích mẫu. Mẫu phải đảm bảo tính tư tưởng, chứa đựng nhiều nội dung lý thuyết cần giảng, đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp với tâm lý học sinh. Học sinh phải phát hiện ra những thuộc tính của mẫu và mối liên hệ qua lại giữa các thuộc tính, hiểu cơ chế tạo mẫu và có khả năng vận dụng mẫu vào thực tiễn giao tiếp. Như vậy đều đòi hỏi ở giáo viên và học sinh một trình độ nhận thức nào đó mới có thể áp dụng.
* Từ các phương pháp dạy Tiếng Việt nói trên theo ý tôi thì dạy Tiếng Việt theo phương pháp giao tiếp là ưu việt nhất cho việc dạy tiếng. Vì bản thân ngôn ngữ có hai chức năng chính là giao tiếp và tư duy. Quá trình phát triển ngôn ngữ và phát triển tư duy là song hành với nhau. Chỉ có giao tiếp mới giúp cho quá trình phát triển ngôn ngữ và tư duy.
Tuy nhiên trong các trường hợp, hoàn cảnh khác nhau, lượng kiến thức khác nhau và tính chất ngữ liệu khác nhau có thể những phương pháp dạy khác lại ưu việt hơn. Việc kết hợp uyển chuyển giữa các phương pháp dậy khác nhau cho mục đích giảng dạy tiếng Việt sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Ví dụ dạy về biện pháp tu từ so sánh trong Tiếng Việt.
(Tự thiết kế giáo án xem sao nhé)
|