Chủ Đề
KẾT CẤU TRUYỆN THƠ BÌNH DÂN
DÀN BÀI
A. DẪN NHẬP
B. NỘI DUNG
I. Phân loại truyện thơ
1. Truyện thơ bình dân
2. Truyện thơ bác học
II. Khái niệm bố cục, cốt truyện, kết cấu
III. Phân loại kết cấu
IV. Cơ sở hình thành của kết cấu truyện thơ bình dân
V. Phân tích kết cấu trong các truyện thơ bình dân
VI. So sánh với kết cấu truyện cổ dân gian
VII. So sánh với kết cấu truyện thơ bác học
VIII. Chức năng kết cấu truyện thơ bình dân
C. KẾT LUẬN
A. DẪN NHẬP
Mỗi thể loại văn học đều có đặc điểm riêng, làm cho nền văn học Việt Nam trở nên phong phú. Truyện thơ là một thể loại văn học, cũng góp một phần không nhỏ trong công cuộc phát triển văn học Việt Nam.
Trong phần phân tích nói thêm phần kết cấu theo cốt truyện (đó là mô típ gặp gỡ-ly tan và cuối cùng hội ngộ qua từng câu chuyện khi dẫn chứng). Vì bài này chỉ phân tích theo 2 tuyến nhân vật đối lập mà thiếu phần phân tích theo kết cấu cốt truyện.
Đầy đủ của bài này phải là: 1. Phân tích theo kết cấu nhân vật đối lập, cuối cùng cái thiện thắng cái ác, kết thúc có hậu. 2. Phân tích theo kết cấu cốt truyện-luôn có gặp gỡ, ly tan và hội ngộ (hạnh phúc)
B. NỘI DUNG
I. Phân loại truyện thơ
a. Truyện thơ bình dân
Chưa tìm ra tác giả của truyện thơ như:
1. Lý Công
2. Phạm Tải – Ngọc Hoa
3. Mã Phụng – Xuân Hương
4. Phương Hoa
5. Tống Trân – Cúc Hoa
6. Phan Trần
7. Bà chúa Ba
8. Hoàng Trừu
9. Lưu Nữ Tướng
10. Bần Nữ Thán
11. Truyện Chàng Chuối
12. Trinh Thử Tân Truyện
13. Chuyện Cái Tấm – Cái Cám
14. Phạm Công Cúc Hoa
15. Truyện Từ Thức
16. Thoại Khanh Châu Tuấn
17. Gương sáng trời Nam
18. Thạch Sanh
19. Liễu Hạnh Công Chúa – Diễn Âm
20. Nhị Độ Mai
b. Truyện thơ bác học
Đã tìm ra tác giả của truyện thơ như: 1. Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự) 2. Sơ Kính Tân Trang (Phạm Thái) 3. Truyện Kiều (Nguyễn Du) 4. Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)
II. Khái niệm bố cục, cốt truyện, kết cấu
Một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều là những chỉnh thể nghệ thuật, bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận...Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học.
Khái niệm cốt truyện nhằm chỉ sự liên kết những sự kiện, hành động, biến cố...bên trong tác phẩm, thì kết cấu là một khái niệm rộng hơn nhiều.
Bố cụclà sự sắp xếp các phần, các chương, các đoạn, các khổ thơ...Ðây chỉ là sự tổ chức hình thức bên ngoài của tác phẩm. Nói cách khác bố cục mới chỉ là kết cấu bề mặt của tác phẩm. Thuật ngữ kết cấu rộng và phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn bao hàm sự liên kết bên trong, những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm, trong đó có cả yếu tố của bố cục.
Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức nội dung (cốt truyện) và hình thức (bố cục) hay bên ngoài (bố cục) và bên trong (cốt truyện) theo một hệ thống nào đó, nhằm để biểu hiện nội dung nghệ thuật nhất định.
III. Phân loại kết cấu
Nhờ kết cấu mới tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị. Có những loại kết cấu như sau:
a. Kết cấu theo trình tự thời gian
Theo kết cấu này, câu chuyện được trình bày theo thứ tự, phát triển trước sau của thời gian. Các sự kiện được sắp xếp, xâu chuỗi lại và lần lượt xuất hiện không bị đứt quãng. Hầu hết những tác phẩm chương hồi sử dụng lối kết cấu này. Mỗi chương, mỗi hồi thường gắn liền với một giai đoạn nào đó của cốt truyện và nhiều khi khá trọn vẹn, loại kết cấu này gíup người đọc dễ theo dõi câu chuyện nhưng nhiều khi lại đơn điệu.
b. Kết cấu đa tuyến
Trong những bộ tiểu thuyết lớn, để khái quát về một bức tranh xã hội rộng lớn gồm nhiều hạng người, nhiều mối quan hệ đan xen nhau, khai thác nhiều mặt khác nhau của đời sống, các nhà văn thường sử dụng hình thức kết cấu theo tuyến nhân vật. Trong những tác phẩm này, nhà văn tổ chức các nhân vật theo các tuyến dựa trên những mối quan hệ về gia đình, nghề nghiệp, giai cấp.
c. Kết cấu tâm lí
Ðây là hình thức kết cấu dựa theo qui luật phát triển tâm lí của các nhân vật trong tác phẩm. Loại kết cấu này xuất hiện cùng với sự xuất hiện của các trào lưu văn học khẳng định vai trò của cá nhân trong xã hội. Kết cấu này thường dựa vào trạng thái tâm lí có ý nghĩa nào đó để sắp xếp các sự kiện, nhân vật, cốt truyện...Trong Sống mòn, Nam Cao đã sắp xếp nhiều mẫu chuyện vặt vãnh, quẩn quanh trong sinh hoạt hằng ngày với những trạng thái tâm lí bi quan, bất lực, tự ti, khinh bạc...của các nhân vật. Kết cấu đó góp phần thể hiện cuộc sống chật hep, tù túng, bế tắc của người tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ.
d. Kết cấu trong tác phẩm trữ tình
Tác phẩm trữ tình chủ yếu thể hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy, xây dựng kết cấu trong tác phẩm trữ tình là sự tổ chức hệ thống cảm xúc, tâm trạng trong quá trình vận động và phát triển của chúng. Một kết cấu tốt trong tác phẩm trữ tình phải liên kết được các mạch thơ, dòng thơ, các biện pháp biểu hiện nhằm thể hiện tốt nhất sự vận động cảm xúc nội tâm của nhân vật.
Có thể nói đến nhiều hình thức kết cấu khác nhau và nhà văn khi xây dựng tác phẩm, lựa chọn kết cấu nào bao giờ cũng nhằm nâng cao sức biểu hiện của chủ đề tư tưởng, tăng cường sức tác động thẩm mĩ của tác phẩm đối với người đọc.
e. Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập
Lối kết cấu này được sử dụng nhiều trong văn học cổ, nhất là trong truyện thơ. Nhà văn xây dựng 2 tuyến nhân vật chính diện và phản diện đối lập nhau về lí tưởng, chính kiến, đạo đức, hành động...Một bên đại diện cho lực lượng chính nghĩa, cái đẹp, chân lí. Một bên thì ngược lại. Hai lực lượng này đấu tranh không khoan nhượng với nhau và thường kết thúc với thắng lợi của lực lượng chính nghĩa. Hầu hết những truyện thơ ở Việt Nam sử dụng kết cấu này.
Kết cấu này có tác dụng làm rõ chủ đề tư tưởng thông qua so sánh, đối chiếu giữa 2 tuyến nhân vật đối lập. Tuy nhiên sự phân biệt khá rạch ròi giữa thiện và ác nhiều khi dẫn đến lí tưởng hóa hiện thực. Trong thực tế cuộc sống, các lực lượng xã hội có tác động qua lại, chuyển hóa cho nhau chứ không tồn tại một cách ổn định và tĩnh tại.
Hình thức kết cấu theo 2 tuyến nhân vật đôi khi được trình bày không phải là sự đối lập mà là 2 tuyến song song, làm cơ sở để đối chiếu và hỗ trợ cho nhau. Ở đây mỗi tuyến tập họp những kiểu người gần gũi với nhau về hoàn cảnh sống, về tính cách, đạo đức.
IV. Cơ sở hình thành của kết cấu truyện thơ bình dân
Truyện thơ bình dân có một phong cách gần giống với truyện cổ dân gian, có thể coi nó là gạch nối giữa văn học dân gian và văn học viết.
Phần lớn các truyện thơ bình dân đều mượn kết cấu, cốt truyện của truyện cổ dân gian và bảo lưu khuôn dạng của truyện cổ.
Truyện cổ dân gian: cốt truyện là xung đột xã hội, xung đột giữa thiện-ác, nhưng truyện thơ bình dân: cốt truyện chỉ biểu hiện ở góc độ bảo vệ tình yêu, hạnh phúc; chống lại sự thống trị của giai cấp phong kiến; cốt truyện lòng vòng, đứt khúc, từ ngữ nôm na, chi tiết hoan đường, kết cấu theo đường thẳng; kết thúc có hậu; tình tiết phát triển theo sự phát triển của nhân vật chính.
Tuy nhiên so với văn học dân gian, truyện thơ bình dân cũng có một số nét khác biệt thể hiện của một thể loại có khả năng phản ánh hơn truyện cổ như tác giả đã chú ý mô tả một số cảnh sinh hoạt xã hội và con người, yếu tố trữ tình ít nhiều đã có vị trí đáng kể, thỉnh thoảng có tác giả đã chú ý miêu tả tâm trạng của nhân vật.
Ngoài ra truyện thơ bình dân cũng không còn những lời bình luận, triết lý về cuộc đời của tác giả ở đầu hay cuối truyện như ở truyện cổ.
V. Phân tích kết cấu trong các truyện thơ bình dân
Kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập giữa thiện và ác, cuối cùng cái thiện chiến thắng cái ác. Việc gặp gỡ, yêu nhau, chia lìa và đoàn tụ, diễn ra hầu hết trong truyện thơ bình dân. Như truyện Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tại Ngọc Hoa, Phương Hoa…
1.Phạm Tải - Ngọc Hoalà một truyện thơ Nôm khuyết danh của Việt Nam, có ý kiến cho rằng tác phẩm xuất hiện trong khoảng thế kỷ 18.
Kết cấu
Phạm Tải - Ngọc Hoa gồm 934 câu thơ lục bát, thỉnh thoảng có những đoạn trữ tình xen vào, làm theo thể song thất lục bát.
Tóm tắt nội dung
Ngọc Hoalà con gái nhà quan chức họ Trần, quê ở Thanh Hà. Gặp Phạm Tải, người Sơn Tây, mồ côi cha mẹ, phải đi ăn xin để tiếp tục việc học, Ngọc Hoa đem lòng thương chàng. Bố mẹ cô gái chiều con nên cho Phạm Tải và Ngọc Hoa kết duyên. Trong làng có Biện Điền là tên vô lại, trước dạm hỏi Ngọc Hoa không được, thấy nàng lấy chồng thì đem lòng thù oán, bèn tạc tượng Ngọc Hoa đem dâng lên Trang Vương. Trang Vương là tên vua hiếu sắc, cho quan quân đến bắt Ngọc Hoa. Giữa triều đình, Trang Vương ép Ngọc Hoa lấy hắn, nhưng bị nàng cự tuyệt. Hắn lại thương lượng với Phạm Tải nhường vợ cho hắn, nhưng Ngọc Hoa vẫn kiên quyết không chịu. Trang Vương liền đầu độc Phạm Tải, bức bách Ngọc Hoa. Ngọc Hoa cầm dao rạch mặt, cắt tóc, mặc tang phục vào triều. Nàng viện cớ chồng chết, vợ phải để tang ba năm và nói chỉ khi nào đoạn tang mới trở lại. Trang Vương đành phải ưng thuận.
Ngọc Hoa đưa thi hài chồng về quê an táng. Hết ba năm cư tang, nàng tự tử để khỏi bị Trang Vương đòi bắt. Ngọc Hoa chết xuông âm phủ, gặp Phạm Tải, cùng với chồng làm đơn kiện Trang Vương tại điện Diêm La. Diêm Vương tuy là em Trang Vương, nhưng sau khi xét hỏi đã tuyên bố: "Thương anh tôi để trong lòng; Việc quan phải cứ phép công tôi làm" và ra lệnh ném Trang Vương vào vạc dầu. Phạm Tải, Ngọc Hoa được sống lại, trở về đoàn tụ ở cõi trần.
Nhận định
Kết cấu truyện Phạm Tải - Ngọc Hoa theo 2 tuyến nhân vật đối lập, tố cáo loại nhân vật sát phu hiếp phụ như vua Trang Vương, Điện Biên, đề cao phẩm chất của những con người không bị phú quý làm mê đắm, không đầu hàng trước cường quyền và bạo lực, đặc biệt là người phụ nữ.
2.Tống Trân Cúc Hoa
Tống Trân Cúc Hoalà một truyện thơ Nôm Việt Nam, khuyết danh, gồm 1.689 câu lục bát, xuất hiện vào khoảng từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.
Cốt truyện
Tống Trânvốn là con cầu tự, khi chàng lên ba thì cha mất, nhà lâm cảnh nghèo khó. Tám tuổi, chàng phải dắt mẹ đi xin ăn. Một hôm, Tống Trân đưa mẹ tới một ngôi nhà quí phái, Cúc Hoa (con gái nhà này) thương tình đem gạo ra cho và sinh lòng yêu thương Tống Trân. Không cản ngăn được, cha Cúc Hoa đuổi nàng ra khỏi nhà. Cúc Hoa đi theo Tống Trân, lấy chàng làm chồng. Kể từ đó, Cúc Hoa vừa lo phụng dưỡng mẹ chồng, vừa lo cho chồng ăn học.
Đến kỳ, Tống Trân lên kinh thi và đỗ Trạng nguyên. Nhà vua muốn gả con gái cho tân trạng, nhưng bị chàng khước từ. Công chúa sinh lòng thù ghét, xui cha cử Tống Trân đi sứ sang nước Tần (Trung Quốc). Sang bên ấy, Tống Trân bị vua Tần khinh ghét vì là sứ giả của "An Nam tiểu quốc", đặt ra nhiều điều để hãm hại. Nhưng nhờ tài ba, trí tuệ, chàng đã vượt qua mọi thử thách, và xử thành công nhiều vụ án rắc rối. Vua Tần từ chỗ khinh ghét chuyển sang mến phục, phong Tống Trân làm Lưỡng quốc Trạng nguyên và định gả công chúa cho, nhưng chàng từ chối.
Trong khi đó, Cúc Hoa ở nhà một dạ nuôi mẹ, chờ chồng. Được 7 năm, cha nàng thấy Tống Trân không về nên ép nàng lấy viên Đình trưởng trong làng. Cúc Hoa không nghe, bị cha nhốt lại, đánh đập tàn nhẫn và bắt mẹ Tống Trân phải xuống ở trong chuồng trâu. Quá đau khổ và để thủ tiết với chồng, Cúc Hoa đến núi Sơn Vi định quyên sinh. Thần Sơn Tinh thấu rõ tình cảnh, hóa phép thành mãnh hổ sang nước Tần để đưa thư của Cúc Hoa cho chồng. Tống Trân dâng bức thư ấy lên vua Tần, nhà vua cho chàng về nước trước kỳ hạn.
Bấy giờ, thời gian ba năm ở rể của Đình Trưởng cũng đã hết, cha Cúc Hoa bèn tổ chức đám cưới thật linh đình. Giờ phút cuối, Cúc Hoa định quyên sinh thì Tống Trân xuất hiện, đám cưới tan vỡ. Mẹ con, chồng vợ gặp lại nhau xiết bao mừng tủi, còn cha Cúc Hoa thì bị vạch mặt nhục nhã.
Quá thương yêu Tống Trân, công chúa nước Tần xin với vua cha sang nước Việt để gặp chàng. Ra đến biển, thuyền gặp bão lớn, công chúa bị sóng đánh trôi dạt vào bờ, được hươu nai cứu sống rồi nuôi nấng. Tống Trân đi săn trong rừng gặp công chúa nước Tần rồi đưa nàng về nhà. Cúc Hoa vui lòng để Tống Trân cưới thêm công chúa làm vợ thứ.
Nhận xét
Tác phẩm Tống Trân Cúc Hoa lên án những thế lực tàn bạo đã ngăn cản, chà đạp lên tình yêu; đồng thời ngợi ca tấm lòng son sắt kiên trinh, ý chí phấn đấu vì hạnh phúc, vì tình yêu của những con người biết chống lại những thế lực vừa nêu và những lễ tục khắc nghiệt. Bên cạnh đó, Tống Trân Cúc Hoa còn là câu chuyện đi sứ, phản ánh mối bang giao phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, tác phẩm cũng đã xây dựng tương đối thành công một số mẫu người Việt Nam truyền thống, đặt biệt là người phụ nữ với tâm hồn phong phú và đặc sắc.
Về mặt nghệ thuật, Tống Trân Cúc Hoa là câu chuyện thuần túy Việt Nam. Khác với nhiều truyện thơ khác, truyện hầu như không sử dụng điển cố, nhưng lại sử dụng khá nhiều “môtíp” của truyện dân gian Việt Nam. Ngôn ngữ trong truyện cũng rất giản dị, rất gần lời ăn tiếng nói của con người bình dân. Thế nhưng, kết cấu chưa thật chặt chẽ, ngôn ngữ quá đơn giản, thiếu trau chuốt, chưa phải là thứ ngôn ngữ giàu nhạc điệu, hình ảnh. Mặc dù vậy, truyện vẫn được quần chúng lúc bấy giờ yêu thích và phổ biến rộng rãi.
3. Phương Hoa
Phương Hoalà truyện thơ dựa theo truyền thuyết dân gian, viết bằng thể lục bát, chưa tìm ra năm ra đời và ai là tác giả.
Cốt truyện
Phương Hoa con gái Trần Điện. Cảnh Yên con trai Trương Đài, đã đính ước. gian thần họ Tào được vua tin dùng, muốn hỏi Phương Hoa làm vợ, bị bố cô gái từ chối, nên y nghĩ kế, giả mạo chiếu chỉ vua khép tội cha của chàng trai là người bán nước. Cha chết, tài sản cũng mất, gia đình chàng trai cùng người anh là Cảnh Tỉnh dẫn mẹ chạy trốn, giả làm người xuất gia để lánh nạn. Sau đó, vợ của người anh sinh được Tiểu Thanh rồi chết. 7 năm sau, tới kỳ đại khoa, bà con dẫn nhau về quê. Phương Hoa ở nhà chờ chồng, không ngui nhớ mong. Trên đường gia đình chàng trai về quê, Phương Hoa lại gặp Tiểu Thanh và nhận làm con nuôi. Qua lời Tiểu Thanh, nàng biết được gia cảnh của chồng và hẹn gặp nhau để trao áo quần và tiền bạc, nhưng bị lộ, kẻ cướp đã giết chết người hầu của Phương Hoa. Cảnh Yên xuất hiện nơi hẹn thì vô tình giẫm nhầm máu và sau đó bị cha của cô gái xử tội. Người mẹ của chàng nghe vậy lâm bệnh mà chết.
Phương Hoa thay Cảnh Yên lo việc chôn cất chu đáo, rồi xin cha mẹ được lên kinh đô bán hàng, nhưng sự thật là để tìm cách cứu Cảnh Yên.
Ở kinh đô, ngày đêm luyện văn chương, tới kỳ “đại khoa”, Phương Hoa lấy tên Cảnh Yên dự thi. Nàng đỗ Tiến sĩ, được vua gọi vào chầu. Giữa triều đình, Phương Hoa tấu trình nỗi oan ức của gia đình họ Trương. Sau khi nhà vua rõ mọi chuyện, Tào trung úy và Hồ Nghi bị xử chém, gia đình họ Trương được minh oan. Ra khỏi nhà lao, Cảnh yên làm bài văn sách do vua ra đề. Xét văn, chàng được đặc cách đỗ Tiến sĩ cùng khoa với Phương Hoa. Gặp lại nhau, Cảnh Yên và Phương Hoa chính thức trở thành vợ chồng. Kết thúc tác phẩm là cảnh vợ chồng cùng về bái tổ vinh quy.
Nhận định:
Kết cấu truyện Phương Hoa thể hiện cuộc đấu tranh giữa nhân vật chính nghĩa với phi nghĩa. Chiến thắng của Phương Hoa là hoàn toàn dựa vào tài trí thông minh và phẩm hạnh của một người con gái như nàng. Thông qua chủ đề Thiện thắng Ác, tác giả tố cáo những thế lực tàn bạo trong xã hội phong kiến đã chà đạp lên hạnh phúc, quyền sống của con người, và khẳng định vị trí xứng đáng của người phụ nữ...
Kết cấu truyện chặt chẽ, có lối kể chuyện giản dị hồn nhiên, tuy nhiên vẫn còn một số chi tiết chưa nhất quán, bút pháp miêu tả có chỗ sơ lược, chưa chú ý khai thác đời sống nội tâm nhân vật.
Lời của truyện thơ như ca dao, đọc dễ hiểu, không khó hiểu như truyện thơ bác học quá nhiều điển tích.
VI. So sánh với kết cấu truyện cổ dân gian
Giống nhau:
Truyện thơ bình dân mượn cốt truyện, mượn kết cấu của truyện cổ dân gian nên cả hai đều có kết cấu giống nhau, đều có cấu trúc theo 2 tuyến nhân vật đối lập, đều có môtip gặp gỡ/hứa hôn, yêu nhau, xa lìa và cuối cùng đoàn tụ trong hạnh phúc. Cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Đều phê phán quý tộc, thống trị, nêu cao những phẩm giá đạo đức của người dân. Truyện dễ đọc, gần với người dân. Đều chưa tìm ra tác giả. Ví dụ: truyện tấm cám
Khác nhau:
truyện cổ dân gian
|
truyện thơ bình dân
|
Văn xuôi
|
Thơ lục bát
|
Ít chú ý tâm trạng nhân vật và không có yếu tố trữ tình
|
có yếu tố trữ tình, miêu tả tâm trạng của nhân vật
|
Đầu truyện hoặc cuối truyện có lời bình, triết lý
|
Không nêu ra những câu triết lý, không lời bình
|
|
|
|
|
VII. So sánh với kết cấu truyện thơ bác học
Giống nhau:
Đều có kết cấu giống nhau, theo hai tuyến nhân vật đối lập.
Khác nhau:
Truyện thơ bình dân
|
Truyện thơ bác học
|
Tác giả: chưa tìm ra tác giả. Nho sĩ bình dân, học vấn thấp, không đổ đạt
|
Tìm ra được tác giả. Quý tộc, học rộng, đỗ cao, làm quan
|
Nội dung: phản phong, chống Nho, chiến đấu mạnh
|
Chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo khá nặng hoặc triết lý tôn giáo
|
Nghệ thuật: chưa cao, dùng nhiều từ ký sinh
|
Cao, điêu luyện, mẫu mực
|
Lưu hành: truyền miệng
|
Phổ biến bằng văn bản
|
Ngôn ngữ gần gủi quần chúng, không sử dụng điển tích. Dễ dọc, dễ hiểu. Chưa xác định chính xác thời gia ra đời của tác phẩm
|
Dùng nhiều điển cố, điển tích. Khó đọc, khó hiểu. Xác định được thời gian ra đời của tác phẩm.
|
VIII. Chức năng kết cấu truyện thơ bình dân
Trước hết, kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Trong lao động sáng tạo văn học, có thể coi chủ đề tư tưởng là mục tiêu nhằm hướng tới của nhà văn trong quá trình phát hiện và xây dựng kết cấu. Tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá kết cấu một tác phẩm chính là hiệu quả diễn đạt nội dung của nó.
Kết cấu có nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm xúc...làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên trong tác phẩm, làm cho nó trở thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn không thể chia cắt được.
Trong đời sống văn học, đôi khi có người cho rằng một số tác phẩm có chủ đề tư tưởng tốt nhưng tác phẩm vẫn chưa được cảm nhận như một chỉnh thể nghệ thuật. Ðiều này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng một phần quan trọng là do kết cấu.
C. KẾT LUẬN
Như vậy, kết cấu của tác phẩm bao giờ cũng tăng cường sức mạnh nghệ thuật của tác phẩm văn học, tạo nên sức hấp dẫn cho người đọc. Qua kết cấu theo hai tuyến nhân vật đối lập ấy, truyện thể hiện lý tưởng thẩm mỹ về cái thiện, cái mà con người luôn phấn đấu để đạt được.
NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TRUYỆN THƠ NÔM BÌNH DÂN
1. Vể đẹp của người phụ nữ và lý tưởng thẩm mỹ trong truyện thơ nôm bình dân
- Mang vẻ đẹp truyền thống phương Đông:
Vẻ đẹp của họ cũng chưa ra ngoài quan niệm của Nho giáo phong kiến, một vẻ đẹp gắn liền với Công-Dung-Ngôn- Hạnh. Đó vẫn là vẻ đẹp điển hình của người phụ nữ trong văn học Trung đại Việt Nam. Tuy nhiên người phụ nữ trong Truyện thơ nôm bình dân mang đậm nét nhân hậu, giàu lòng yêu thương, giàu đức hy sinh, kiên cường chịu đựng và dũng cảm đấu tranh cho tình yêu hạnh phúc của mình.
- Theo quan niệm thẩm mỹ chung của Văn thơ trung đại:thường là vẻ đẹp cành vàng lá ngọc của những cô tiểu thư đài các. Họ mang vẻ đẹp quyền quý cao sang, mày ngài mắt phượng, da trắng tóc dài,... Nhưng theo quan niệm tướng số dân gian, vẻ đẹp của họ thể hiện một phụ nữ thông minh, đức hạnh và trung hậu, dự báo một cuộc sống sẽ có được hạnh phúc.
"Đến tuần tuổi đã lên mười,
Hây hây ngọc đúc tựa người thần tiên.
Mặt nhìn trăm thức hoa sen
Tóc mây chấm đất tựa tiên non bồng.
Nhẫn từ tuổi mới mười đông,
Thấy con nhan sắc má hồng tốt tươi."
(Công chúa - Truyện Lý Công)
Thường là đặc tả những nét đẹp đặc trưng của người phụ nữ. Mắt phượng mày ngài thể hiện một thiếu nữ đài cát thông minh giàu đức hạnh. Mái tóc xanh dài dự báo một cô gái sẽ có nhiều con cái, của cải, cuộc sống phong túc. Một làn da trắng, một cái cổ cao để chỉ thiếu nữ sang quý, thanh tao,... Thường là vẻ đẹp của các loài hoa thanh kỳ, quý báu cộng thêm dáng vẻ đoan trang mềm mại:
Hình dung yểu điệu dịu dàng
Tam tòng tứ đức sánh ngang anh tài.
.....
Áo quần thoang thoảng hơi hương,
Dài dài tóc phượng, ngang ngang mày ngài
Trên đầu ngọc giắt trâm cài
Dưới chân ren rén gót hài khoan khoan.
( Phương Hoa )
Dáng vẻ xinh đẹp của họ chỉ là phông nền phô bày cái phẩm hạnh đẹp đẽ, khắc họa cái thân phận hồng nhan của người phụ nữ trong xã hội Phong kiến.
- Vẻ đẹp anh hoa:
Họ đều là những giai nhân tài sắc vẹn toàn: thường là những thiếu nữ được học hành hay chữ, Cúc Hoa học giỏi thường được thày dạy cho đứng lớp giảng thơ họa chữ cho các bạn cùng học nghe. Phương Hoa từng đi thi và đỗ trạng nguyên để giải oan cho Cảnh Yên chồng mình.
Nghĩ mình một sức giá nên khối tài
Sử kinh làu soạn hôm mai
Văn thơ phú lục mọi bài làu thông.
Phun châu nhả ngọc nức lòng.
Đã tường kinh sử lại thông truyện ngoài
Trá hình gái đổi làm giai
Uy nghi diện mạo anh tài phương niên.
(Phương Hoa)
- Vẻ đẹp của tâm hồn giàu lòng yêu thương, trắc ẩn.
Cúc hoa chỉ nghe lời xin ăn của Tống Trân đã động lòng trắc ẩn, mở của ra hỏi han, đem lòng yêu mến. Công chúa Ngọc Hoa chỉ nghe người hầu kẻ lại đã động lòng thương tưởng Lý Công:
Công chúa thấy nói ngùi ngùi
Chúa phải nhẽ giời thoắt động lòng thương
Đũa vàng đặt xuống mâm son
Hai hàng châu lệ chứa chan khăn hồng.
Nàng Thoại Khanh nuôi mẹ chồng hết tình hiếu thảo, cắt cả thịt mình cứu mẹ qua nạn đói. Cúc Hoa chăm sóc mẹ Phạm Công không xao nhãng sơm hôm,... Họ hiếu thảo hơn cả với cha mẹ của chính mình. Đối với họ cha mẹ chồng cũng là bậc cha mẹ, nhưng có lẽ cũng vì cảm thương hoàn cảnh của bậc cha mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh, lưu lạc, khổ nghèo, không nơi nương tựa.
Lòng yêu thương ấy phát xuất rất tự nhiên, không bị chi phôi bởi bất kỳ lễ giáo phong kiến nào, hay một thế lực tiền tài nào. Những cô tiểu thư công chúa tài sắc ấy lại hết lòng yêu thương những chàng trai nghèo khổ lang thang, mồ côi đói rách. Những Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Phương Hoa,... ở trong nhà vàng cửa gấm lại rất chủ động yêu những người như Phạm Công, Phạm Tải, Tống Trân, Lý công,... dắt mẹ ăn xin. Họ vượt qua mọi khó khăn ngăn trở của gia đình của xã hôi để đạt được hạnh phúc hôn nhân cho mình, và chung thủy giữ gìn nó.
Hết lòng yêu chồng, thương con và hiếu thảo với cha mẹ, người phụ nữ trong truyện thơ bình dân mang vẻ đẹp của truyền thống gia đình. Họ là người sáng tạo, giữ gìn và điểm trang cho hạnh phúc gia đình.
- Vẻ đẹp tài hoa ấy trải qua bao gian nan thân phận khiến cho ai nghe cũng phải nao lòng:
Tài hoa mệnh bạc vốn là quan niệm thẩm mỹ của văn học Trung đai, truyện thơ bình dân cũng nằm trong quan niệm ấy. Cúc Hoa cũng như các cô chông chúa tiểu thư khác, sau khi lấy Phạm Công thì sống cuộc sống hết sức nghèo khó, phải làm lụng nuôi chồng ăn học, chăm sóc mẹ chồng và vun vén gia đình. Nàng đã bán dần những thứ nữ trang tùy thân mình có, bán luôn cả mái tóc xinh đẹp của mình làm lộ phí cho chồng đi thi. Chồng đỗ trạng nguyên mà cũng chưa được hưởng vinh hoa phú quý. Sống xa cách chồng, còn bị cha ép gả hành hạ đủ điều tưởng phải chết đi. Trải qua bao đau khổ chia ly nàng mới được sống hạnh phúc với Phạm Công. Có lẽ tác giả đưa ra thủ pháp "khổ tận cam lai" theo lý nhân quả, cài thiện cái tốt nhất định chiến thắng cái ác đạt được hạnh phúc, để khắc họa hình tượng người phụ nữ lý tưởng của dân gian. Người phụ nữ trong quan niệm thẩm mỹ của nhân dân k chỉ đẹp người đẹp nết, còn phải là người mạnh mẽ, chủ động yêu thương, tìm kiếm hạnh phúc, và vượt qua tất cả để bảo vệ hạnh phúc của mình.
2. Vai trò của người phụ nữ trong Truyện thơ bình dân thể hiện lý tưởng thẩm mỹ gì?
- Ngoài vai trò làm vợ hiền dâu thảo, luôn chăm lo cho hạnh phúc gia đình nuôi dạy con cái, một đời thủy chung tiết hạnh hiếu thảo, người phụ nữ trong truyện thơ bình dân có vai trò quan trọng trong đấu tranh bảo vệ tình yêu và hạnh phúc hôn nhân gia đình.
- Những người phụ nữ trong TTBD luôn chủ động, kiên cường, bền bỉ đấu tranh cho tình yêu tự do và hạnh phúc, đã thể hiện lý tưởng về một người phụ nữ tiến bộ. Họ chủ động tìm kiếm hạnh phúc, tự khẳng định tình yêu của mình, mang lý tưởng tự do giải phóng cho thân phận người phụ nữ trong quan niệm nho giáo phong kiến.
Tình yêu, hôn nhân, thiết lập trên quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy và phải môn đăng hộ đối của nho giáo phong kiến đã gây ra bao nhiêu bất hạnh khổ đau cho người phụ nữ. Đã đến lúc người phụ nữ phải tự tìm cho mình hạnh phúc và tình yêu thực sự, không thể phó mặc số phận mình trong tay kẻ khác. Cảm nhận được sâu sắc nỗi đắng cay của thân phận người phụ nữ, xinh đẹp, dịu hiền đáng được yêu thương, đáng được hưởng hạnh phúc, những nhà thơ Nôm bình dân nuốn đưa ra những quan niệm thẩm mỹ mới về cái đẹp, về tình yêu hôn nhân.
- Nêu cao vẻ đẹp hình dáng và đức hạnh trí tuệ vốn có của người phụ nữ , không còn bó hẹp trong quan niệm tam tòng tứ đức. Nâng giá trị của nó lên ngang hàng với nam nhân.
- Tình yêu đẹp phải là tình yêu xuất phát từ những rung động chân thành của con tim. Khi con tim rung động người phụ nữ không e ngại thể hiện nó và tìm kiếm nó cho mình.
- Hạnh phúc gia đình không thiết lập trên cơ sở môn đăng hộ đối, mà thiết lập trên lòng yêu thương, chia sẻ, tin tưởng và hi sinh cho nhau. Người phụ nữ trong TTBD đã kiên trì xây dựng và bảo vệ hạnh phúc của mình trên những cơ sở ấy.
TTBD đã khẳng định vẻ đẹp và vai trò tiến bộ của người phụ nữ cần phải được tôn trọng, yêu thương và bảo vệ như một giá trị nhân bản của con người.
3. Giá trị thẩm mỹ của Kết cấu tác phẩm TTBD
(Tham khảo trên Hoa linh thoại)
- Kết cấu giống với truyện cổ dân gian, cùng một mô típ, gặp gỡ, yêu nhau, thử thách, chia lìa rồi đoàn viên. Tuy bảo lưu khung dạng cũ nhưng có yếu tố chữ tình tự sự và đã bỏ lời bình ở đầu và cuối mỗi truyện.
- Xét về nhân vật thì kết cấu theo 2 tuyến chánh diện và phản diện. Chánh diện thuộc về phía nhân dân là những trai tài gái sắc có tình yêu trong sáng, luôn bị cản trở hãm hại. Phản diện là những người thuộc thế lực gian tham hiểm ác, luôn luôn cản trở phá hoại tình yêu hạnh phúc của người. Nhân dân luôn yêu quý bảo vệ cái đẹp, cái nhân nghĩa mong muốn cho nó chiến thắng mọi thế lực cản trở, có được tình yêu hạnh phúc.
-Xét về góc độ thể loại thì TTBD là thể loại kết cấu có hậu, một thể loại đặc trưng của văn học Trung đại Việt nam. Đây là kiểu kết thúc đóng, ngay từ đầu truyện chúng ta đã có thể đoán được kết thúc của nó. Vốn người Phương Đông luôn có quan niệm hạnh phúc là phải tròn đầy, viên mãn, nhân quả phải rõ ràng, người hiền lành nhất định phải có được sự báo đáp viên mãn.
Tuy ai cũng mơ ước một kết thúc có hậu, một sự báo đáp xứng đáng cho những hy sinh chịu đựng của mình, nhưng thực tế là những bài toán không có đáp án, nên những kết thúc như thế dù đẹp cũng chỉ để ước mơ mà thôi. Tuy nhiên ước mơ cũng là một phần làm đẹp cho cuộc sống, đó là giá trị thẩm mỹ tốt đẹp của văn học Trung đai Việt Nam.
VẤN ĐỀ TÌNH YÊU ĐÔI LỨA VÀ ĐẠO NGHÃ VỢ CHỒNG TRONG TRUYỆN THƠ NÔM BÌNH DÂN
1. Các đặc điểm về tình yêu và tình vợ chồng
- Các đôi nam nữ muốn vượt qua những trói buộc do các quy tắc lễ giáo phong kiến quy định, từ đó muốn hình thành nên một tình yêu tự do, không theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”; thể hiện khát vọng một tình yêu thật sự, bởi trong chế độ phong kiến vốn dĩ không có tình yêu mà chỉ có hôn nhân.
- Trong các mối tình, khởi đầu luôn là người con gái và xuất thân của các cô gái này hầu hết đều có địa vị cao hơn người con trai, và họ đến với nhau bằng sự rung cảm của con tim chứ không phải do sự ép buộc của cha mẹ. Từ Tống Trân Cúc Hoa cho đến Phạm Tải Ngọc Hoa hay Phạm Công Cúc Hoa các nhân vật nữ luôn có địa vị cao hơn người con trai. Và do đó phản ảnh một khát vọng cháy bỏng nhất của con người đặc biệt là người phụ nữ trong việc mơ ước đến một đời sống tự do; cụ thể là tự do và bình đẳng trong tình yêu.
- Truyện được xây dựng công thức của truyện cổ tích, nghĩa là luôn có kết thúc có hậu và phần lớn các truyện có kết thúc là cả hai người con trai và con gái sau bao nhiêu khó khăn trở ngại cũng được đến với nhau và hưởng một đời sống thật hạnh phúc. Chỉ có công thức cổ tích như vậy mới có thể đáp ứng được ước mơ và khát vọng của những con người bình dân đặc biệt là những người phụ nữ trong một xã hội họ luôn bị xem nhẹ.
- Khi họ đã đến được với nhau thì cả hai đều giàu lòng hy sinh cũng như kiêng cường chịu đựng chũng như đấu tranh cho hạnh phúc của họ. Và, hơn ai hết, sự thủy chung luôn xuất hiện ở cả người nam và người nữ, hạnh phúc họ có được đó là do sự nỗ lực của cả hai người chứ không riêng một ai
2. Lý tưởng thẩm mỹ
- Thông qua các câu chuyện Nôm bình dân ấy thì các tác giả đều muốn nhắm đên một lý tưởng cũng như đề cao cái lý tưởng ấy. Đó là: Lòng chung thủy, sự kiên trinh của những cô gái trước các đe dọa của xã hội và thời đại. Cũng từ đó càng làm đẹp hơn hình ảnh người con gái trong truyền thống phương đông với các đặc tính chung thủy, giàu đức hy sinh và kiên cường đấu tranh cho hạnh phúc của họ. Dù họ là người sắc nước hương trời, tài sắc vẹn toàn và hơn hết đó là đưược sinh ra từ trong lễ giáo phong kiến nhưng họ đã mạnh mẽ bức ra và vượt lên các quy định ấy để mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân họ. Điểm này ta thấy rõ qua các truyện Lý Công, Tống Trân Cúc Hoa.
Nhưng du họ có muốn vượt lên lẽ giáo ấy bằng cách nào đi chăng nữa thì họ vẫn là nhưững con người hết sức hiếu thảo, không phải vì tình yêu mà bất chấp tất cả. truyện Thoại Khanh Châu Tuấn là một ví dụ. Và, tất cả những đặc điêm ấy đều cho thấy truyện Nôm bình dân hướng đến một lý tưởng thẩm mỹ rất nhân văn và nhân đạo:
(đoạn này giống với bài đã đăng)
- Tình yêu, hôn nhân, thiết lập trên quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy và phải môn đăng hộ đối của nho giáo phong kiến đã gây ra bao nhiêu bất hạnh khổ đau cho người phụ nữ. Đã đến lúc người phụ nữ phải tự tìm cho mình hạnh phúc và tình yêu thực sự, không thể phó mặc số phận mình trong tay kẻ khác. Cảm nhận được sâu sắc nỗi đắng cay của thân phận người phụ nữ, xinh đẹp, dịu hiền đáng được yêu thương, đáng được hưởng hạnh phúc, những nhà thơ Nôm bình dân nuốn đưa ra những quan niệm thẩm mỹ mới về cái đẹp, về tình yêu hôn nhân.
- Nêu cao vẻ đẹp hình dáng và đức hạnh trí tuệ vốn có của người phụ nữ , không còn bó hẹp trong quan niệm tam tòng tứ đức. Nâng giá trị của nó lên ngang hàng với nam nhân.
- Tình yêu đẹp phải là tình yêu xuất phát từ những rung động chân thành của con tim. Khi con tim rung động người phụ nữ không e ngại thể hiện nó và tìm kiếm nó cho mình.
- Hạnh phúc gia đình không thiết lập trên cơ sở môn đăng hộ đối, mà thiết lập trên lòng yêu thương, chia sẻ, tin tưởng và hi sinh cho nhau. Người phụ nữ trong TTBD đã kiên trì xây dựng và bảo vệ hạnh phúc của mình trên những cơ sở ấy.
- TTBD đã khẳng định vẻ đẹp và vai trò tiến bộ của người phụ nữ cần phải được tôn trọng, yêu thương và bảo vệ như một giá trị nhân bản của con người.
|